QPTD -Thứ Hai, 31/10/2011, 21:55 (GMT+7)
Xây dựng cơ quan quân sự Hậu Giang vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác quốc phòng, quân sự

Tỉnh Hậu Giang được thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2004, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ cũ; diện tích tự nhiên 1.608 km2, dân số hơn 772.000 người, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Khơ-mer, Hoa. Toàn Tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã; thị xã Vị Thanh là đô thị trung tâm của Tỉnh. Sau 3 năm thành lập, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo những đột phá mới trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng của địa phương; GDP tăng trung bình trên 10%, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/ người/ năm; đời sống của các tầng lớp nhân dân từng bước được cải thiện. Công tác quy hoạch, tổ chức lại các địa giới hành chính, các trung tâm đô thị cấp tỉnh, cấp huyện, các cụm công nghiệp được tổ chức theo hướng khoa học, hiện đại. Trên lĩnh vực quốc phòng, Tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với điều kiện cụ thể của một tỉnh mới thành lập. Những thành tựu đó là do sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của cơ quan quân sự các cấp với vai trò là cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng  và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện.

Để làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương, điều quan trọng là, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh phải vững mạnh toàn diện; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì phải có tư duy, trình độ, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Có thể nói, sau khi thành lập, phần lớn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hậu Giang được điều chuyển từ nhiều đơn vị, địa phương và cơ quan Quân khu về, nên có những khó khăn, hạn chế nhất định cả về điều kiện cuộc sống, công tác, tư tưởng... Trong khi đó, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi công tác tham mưu về nhiệm vụ QP,QS phải sát với tình hình thực tế của địa phương. Vì vậy, chúng tôi xác định phải xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện, nhưng trước hết là vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền về công tác QP,QS; đồng thời là trung tâm hiệp đồng giữa các ban, ngành theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị đã xác định.  

Sau khi thành lập, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh tiến hành ngay việc củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan quân sự các cấp, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn hoá chức danh, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ các cấp..., coi công tác cán bộ là khâu then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ QP,QS địa phương. Bởi công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có chính xác hay không, việc tổ chức thực hiện công tác QP,QS từ tỉnh đến cơ sở có hiệu quả hay không, phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ các cấp. Vì thế, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh đã luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tập trung lãnh đạo, chọn nguồn quy hoạch đào tạo lâu dài ở các trường của Bộ, trường Quân sự Quân khu; đồng thời, bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn tại Trường Quân sự Tỉnh. Năm 2006, Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng trực tiếp ở cấp cơ sở để đáp ứng kịp thời yêu cầu bổ sung cán bộ cho cơ sở. Không những thế, Tỉnh còn chọn lựa và tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học, có chuyên ngành tương ứng để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bố trí, sắp xếp vào các vị trí, chức danh còn khuyết, góp phần rút ngắn thời gian đào tạo cơ bản cho cán bộ, nhằm giải quyết nhu cầu về số lượng, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong bố trí, sắp xếp cán bộ, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh luôn phấn đấu thực hiện đúng quy hoạch, có kế thừa và phát triển; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ trẻ, có đủ phẩm chất, năng lực vào các vị trí chủ chốt. Đẩy mạnh công tác giáo dục, động viên và định hướng tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thông suốt nhiệm vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm. Triển khai có hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT, góp phần xây dựng khối đoàn kết thống nhất, xây dựng ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, cơ quan quân sự các cấp của Tỉnh đã từng bước ổn định về tổ chức, biên chế, có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Tuy vẫn còn những bất cập, nhưng về cơ bản, cơ quan quân sự từ tỉnh đến cơ sở đã được củng cố, có nơi làm việc ổn định; đội ngũ cán bộ các cấp được bố trí hợp lý, từng bước nâng cao phẩm chất, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Trên cơ sở ổn định tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP,QS sát với tình hình hình thực tiễn của địa phương. Đây là nội dung quan trọng nhất, là chức năng chủ yếu của cơ quan quân sự từ tỉnh đến cơ sở. Tuy là một tỉnh nội địa, nhưng Hậu Giang là trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, dễ phân tán; hệ thống giao thông, cầu cống hầu như còn yếu kém, đang triển khai quy hoạch xây dựng. Quá trình đô thị hóa, phát triển dễ nảy sinh những tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, trên địa bàn Tỉnh, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá; trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội mới nảy sinh ở nhiều vùng nông thôn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Từ việc tìm hiểu, bám sát thực tế tình hình địa phương, nghiên cứu kỹ các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và các pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo như chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, nhất là cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS địa phương.

Sau khi có các văn bản pháp lý, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh tiếp tục tham mưu việc quán triệt, nâng cao nhận thức về nội dung của các văn bản này đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội nghị quán triệt, nâng cao nhận thức, kiến thức về nhiệm vụ QP,QS địa phương; thực hiện nghiêm túc phân cấp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho các đối tượng cán bộ; soạn thảo, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo về công tác quốc phòng; hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến cơ bản và các phương án phối hợp tác chiến với các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương.

Một nội dung mà cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, đó là công tác giáo dục QPTD, coi đây là một nội dung quan trọng để xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân. Công tác giáo dục quốc phòng đã bao quát đến mọi đối tượng, trong đó tập trung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị từ cấp Tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ làm tốt công tác này, 3 năm qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Tỉnh đã có được nhận thức thống nhất, vững chắc về mục tiêu, nhiệm vụ công tác QP,QS địa phương. Bên cạnh đó, công tác giáo dục quốc phòng trong quần chúng nhân dân và học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức, phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác QP,QS địa phương.

Trong xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT, Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh và xây dựng kế hoạch củng cố, bổ sung biên chế số lượng, chất lượng các đơn vị thường trực, dự bị động viên, dân quân, tự vệ. Ngay sau khi chia tách và hoạt động theo cơ cấu hành chính của tỉnh mới, Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh đã quán triệt và chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh về việc duy trì ổn định tổ chức biên chế, điều chỉnh lực lượng, tạo nguồn cán bộ quân sự kế cận các cấp; xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2006- 2010; triển khai kế hoạch công tác cán bộ, bổ nhiệm chính uỷ, chính trị viên, chuyển diện, chuyển loại chính trị, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở ổn định về biên chế, tổ chức, BCHQS Tỉnh đã tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị, nhà trường vững mạnh toàn diện, gắn với xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; tăng cường công tác quản lý bộ đội, nâng cao năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy, trách nhiệm của từng cấp, từng bước hạ thấp tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường, không để xảy ra các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, không còn tình trạng quân nhân đào, bỏ ngũ. Chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi... cơ quan quân sự các cấp đã bảo đảm thực hiện 100% nội dung, chương trình huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch; tỷ lệ quân số lực lượng thường trực đạt 98%, dân quân, tự vệ đạt 82,56%, dự bị động viên đạt 94,20% trở lên. Năm 2006, toàn Tỉnh đã tổ chức được 23 cuộc diễn tập, trong đó có 1 cuộc diễn tập chỉ huy- cơ quan cấp tỉnh, 1 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ (huyện Châu Thành A), 6 cuộc diễn tập chỉ huy- cơ quan cấp huyện, thị xã và 15 cuộc diễn tập vận hành cơ chế cấp xã, phường, thị trấn và phối hợp với công an Tỉnh diễn tập “phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn”, kết quả chung đạt khá.

Tỉnh luôn chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng cao, số lượng hợp lý, có lực lượng chiến đấu tại chỗ và lực lượng cơ động, bảo đảm độ tin cậy về chính trị và hiệu quả hoạt động. Công tác huấn luyện cho lực lượng dân quân, tự vệ hằng năm được Tỉnh quan tâm, đảm bảo tốt nên chất lượng ngày càng được nâng cao. Năm 2006, Tỉnh đã tổ chức đào tạo cán bộ chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, (phường, thị trấn) khoá II cho 61 đồng chí. Các bài giảng, kế hoạch huấn luyện được soạn thảo sát với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ sở. Không những thế, cơ quan quân sự các huyện còn tổ chức cho các xã thi mô hình học cụ và thống nhất về biểu mẫu. Nhờ đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ quân sự của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao và đó cũng là cơ sở để lực lượng dân quân, tự vệ Hậu Giang hoạt động có hiệu quả. Các đơn vị dự bị động viên đã được tổ chức kiện toàn, sắp xếp biên chế đạt 62,21%. Công tác đăng ký, quản lý, huấn luyện, diễn tập của lực lượng này được thực hiện có nền nếp, chất lượng; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự cũng được thực hiện tốt. Nhờ tuyên truyền rộng rãi Luật Nghĩa vụ quân sự, kết hợp với thực hiện dân chủ, làm tốt các bước xét duyệt ở cấp xã, phường, thị trấn và bình cử công khai tại các ấp, khu phố nên công tác tuyển quân luôn đạt chỉ tiêu giao quân; thanh niên đăng ký tình nguyện 100%, chất lượng được nâng lên, đảng viên đạt tỷ lệ cao (năm 2006 đạt tỷ lệ 17%).

Có thể nói, sau 3 năm thành lập, Cơ quan quân sự tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực vượt khó, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh xuống cơ sở thực hiện công tác QP,QS một cách thống nhất, đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của Tỉnh là tăng cường nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương. Năm 2005, BCHQS Tỉnh vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2006, tiếp tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Quân khu 9. Tuy vậy, do điều kiện còn khó khăn của một tỉnh mới thành lập, nhiều vấn đề còn đang tiếp tục hoàn thiện, củng cố và phát triển, nên cơ quan quân sự các cấp của Tỉnh phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt hơn vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác QP,QS địa phương để tỉnh hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ QP,QS địa phương trong tình hình mới.

Đại tá Lữ Văn Hùng

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)