Thứ Năm, 24/04/2025, 11:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Những năm qua, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội, Đảng bộ tỉnh Long An đã lãnh đạo thực hiện tốt việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp, tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn. Đặc biệt, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang (LLVT) các cấp, trong đó chú trọng xây dựng chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) vững mạnh, bảo đảm đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự ở cơ sở. Các chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang phát huy tốt vai trò, chức năng là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBĐV) phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ củng cố, xây dựng quốc phòng- an ninh ở cơ sở. Kết quả đó giúp cho Tỉnh có cơ sở chỉ đạo, tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn).
Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh của địa phương, Tỉnh ủy Long An coi việc xây dựng chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) là một tất yếu khách quan, là kết quả của quá trình đổi mới tư duy quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước thời kỳ mới. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT; đồng thời, do yêu cầu nhiệm vụ quân sự- quốc phòng địa phương ngày càng cao, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp, chuyên sâu, nên ngay từ năm 1998, một số xã trên địa bàn huyện Tân Thạnh, Tân Hưng và Đức Hoà đã thành lập chi bộ quân sự theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng và hiệu quả hoạt động lãnh đạo của các chi bộ quân sự trên địa bàn Tỉnh; đồng thời, tổ chức đoàn cán bộ liên ngành tham khảo và học tập, rút kinh nghiệm từ mô hình xây dựng chi bộ quân sự cấp xã ở các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Sau khi nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đánh giá đúng thực trạng, Tỉnh đã kết luận: xây dựng chi bộ quân sự cấp xã là sự cần thiết, do yêu cầu đòi hỏi khách quan và thống nhất chủ trương tiếp tục củng cố, nhân rộng mô hình xây dựng chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) trong toàn Tỉnh. Đặc biệt, khi có Chỉ thị 16- CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá VII) đã ra nghị quyết chuyên đề số 06- NQ/TU ngày 26-8-2003 Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 16-9-2003 Về đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn); ủy ban nhân dân Tỉnh có kế hoạch số 4907/KH-UB ngày 11-11-2003 Về việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định 2291/QĐ-UB Về việc xây dựng lực lượng dân quân luân phiên thường trực tại các xã (phường, thị trấn) trọng điểm trong nội địa... Ngay sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của ủy ban nhân dân Tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy Quân sự Tỉnh, các Huyện ủy, Thị ủy, Đảng ủy Quân sự các huyện, thị, xã (phường, thị trấn) ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện và xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác xây dựng Đảng trong LLVT các cấp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có hướng dẫn cụ thể về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn); chỉ đạo vận dụng cơ chế lãnh đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khoá VI) và thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư trong xây dựng chi bộ quân sự. Theo đó, bí thư đảng ủy xã (phường, thị trấn) trực tiếp làm bí thư chi bộ quân sự; chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) phải là cấp ủy viên đảng ủy cấp xã; đảng viên trong chi bộ quân sự gồm các đảng viên trong Ban chỉ huy Quân sự, lực lượng dân quân cơ động, dân quân thường trực và lực lượng DBĐV trong biên chế.
Đến nay, toàn Tỉnh đã có 186/190 xã (phường, thị trấn) xây dựng được chi bộ quân sự, trong đó có 33 chi bộ có chi ủy; riêng 4 xã chưa có đảng ủy cấp xã, thì thành lập tổ đảng quân sự. Hầu hết các chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) đều phát huy tốt vai trò lãnh đạo xây dựng lực lượng DQTV và DBĐV ở cơ sở; hằng năm có trên 80% chi bộ xã (phường, thị trấn) đạt trong sạch vững mạnh. Việc ra nghị quyết lãnh đạo của các chi bộ quân sự luôn bám sát đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở, nhất là yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV và DBĐV, nhiệm vụ tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, triển khai thực hiện các phương án tác chiến trị an, sẵn sàng chiến đấu và làm công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân trên từng địa bàn. Đặc biệt, các chi bộ quân sự đã phát huy tốt vai trò giúp cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng làng, xã chiến đấu vững chắc, gắn phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ở cơ sở, góp phần tạo sự ổn định chính trị- xã hội trên địa bàn.
Tăng cường phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV là một trong những nội dung trọng tâm, nhằm không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ quân sự. Vấn đề này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chi bộ quân sự, mà còn là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Long An. Bởi vì, số lượng đảng viên trong các đảng bộ, chi bộ cấp xã (phường, thị trấn) của Tỉnh phát triển không đều. Hiện tại, Long An vẫn còn 4 xã chỉ có chi bộ, chưa đủ điều kiện để thành lập đảng bộ. Riêng các chi bộ quân sự, khi mới xây dựng cũng chưa thống nhất về tổ chức; có địa phương, cơ sở đưa cả đảng viên là cựu chiến binh, đảng viên trong Ban Chấp hành Đoàn xã (phường, thị trấn) vào sinh hoạt trong chi bộ quân sự. Vì vậy, Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, cơ quan, xí nghiệp chú trọng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên trong lực lượng DQTV và tăng cường bổ sung những đảng viên trẻ, có kiến thức quân sự, nhận thức chính trị tốt vào lực lượng DQTV, nhằm tăng cường về số lượng, chất lượng đảng viên trong các chi bộ quân sự. Nhiều địa phương như Thị xã Tân An, các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Giuộc, Tân Thạnh... đã tích cực bồi dưỡng, kết nạp nhiều đảng viên mới và gắn chặt việc xây dựng DQTV với xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Vì thế, tỷ lệ phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV toàn Tỉnh hằng năm đều tăng; hiện nay đạt 15,78%, vượt 3,78% so với chỉ tiêu đề ra. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với DQTV được tăng cường, đội ngũ đảng viên cũng phát huy tốt hơn vai trò tiền phong, gương mẫu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của DQTV được nâng lên.
Do không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, thông qua hoạt động của các chi bộ quân sự, nên chất lượng công tác quân sự, quốc phòng nói chung và hoạt động của lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng có hiệu quả. Các chi bộ quân sự đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện có kết quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai và bước đầu đem lại kết quả tích cực, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở được chăm lo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tăng thêm về số lượng và chất lượng; trình độ, kiến thức các mặt được nâng lên.
Để hoàn thiện mô hình tổ chức và hiệu quả hoạt động lãnh đạo của các chi bộ quân sự, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn), thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự xã (phường, thị trấn). Ngoài việc bố trí sắp xếp đủ biên chế theo Pháp lệnh DQTV, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn); chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh kết hợp với Trường Chính trị Tỉnh xây dựng kế hoạch chọn nguồn chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng và tổ chức các lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự cấp xã theo Quyết định 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ Quốc phòng và Chỉ thị số 616/CT-BTL của Tư lệnh Quân khu 7. Tỉnh đã đào tạo được 2 khoá cho 197 học viên, ra trường được cấp 2 bằng (trung cấp quân sự và trung cấp chính trị), đã sắp xếp được 179 đồng chí đúng cương vị, đạt 90,86%. Cán bộ xã (phường, thị) đội trưởng sau khi ra trường đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, làm chuyển biến công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Hiện nay, Tỉnh đang mở khoá 3 đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) với đề án học viên tốt nghiệp được cấp 3 bằng, 1 chứng chỉ (bằng trung cấp quân sự, trung cấp chính trị, trung cấp hành chính và chứng chỉ A tin học).
Đến nay, toàn Tỉnh có 184 Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn) biên chế đủ 3 cán bộ, 6 xã biên giới có biên chế 4 đồng chí, do yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Trong đó, 100% xã (phường, thị) đội trưởng là đảng viên, có gần 70% được bầu vào cấp ủy địa phương; hơn 80% cấp phó là đảng viên, số còn lại đều là đối tượng phát triển đảng; 100% chỉ huy trưởng, chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn) được bồi dưỡng, tập huấn tại Trường Chính trị Tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã (phường, thị trấn) là yếu tố hết sức quan trọng, góp phần vào việc củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ quân sự.
Từ kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từ công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ quân sự cấp xã (phường, thị trấn) có thể thấy sự chuyển biến rõ trong ý thức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng DQTV về mục tiêu chiến đấu, về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Niềm tin đối với Đảng, đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN ngày càng được củng cố; ý thức cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch được nâng cao. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ lực lượng DQTV đã xác định rõ trách nhiệm của mình, có những cố gắng nhất định để hoàn thành nhiệm vụ trên từng cương vị công tác được giao. Do vậy, khi có tình huống xảy ra, lực lượng DQTV đã kịp thời phối hợp với công an giải quyết các vụ việc tại chỗ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; tích cực tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của chi bộ quân sự vẫn còn nảy sinh một số vấn đề vướng mắc về văn bản pháp quy, về mối quan hệ giữa chi bộ quân sự với đảng ủy cấp xã, đảng ủy quân sự, cơ quan chính trị cấp trên,... Bí thư đảng ủy xã (phường, thị trấn) kiêm bí thư chi bộ quân sự là phù hợp cơ chế lãnh đạo, nhưng vai trò chính trị viên chưa được phát huy. Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở các chi bộ quân sự chưa đúng mức; tính định hướng, tính chiến đấu và tính giáo dục, thuyết phục chưa cao. Vì thế, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để tổng kết kịp thời mô hình chi bộ quân sự; qua đó, có sự chỉ đạo thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ và cơ cấu của chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) để các chi bộ quân sự thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở.
Trương Văn Tiếp
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Long An
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011