QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:12 (GMT+7)
Xây dựng Binh chủng Tăng-Thiết giáp vững mạnh, xứng đáng là lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân Việt Nam

Cách đây 50 năm, ngày 05-10-1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 449/QĐ về việc thành lập Trung đoàn Xe tăng 202 - đơn vị đầu tiên của Binh chủng Tăng-Thiết giáp (TTG). Tiếp đó, một số đơn vị xe tăng khác được thành lập, tạo cơ sở để ngày 22-6-1965 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 101/QĐ-QP thành lập Binh chủng Thiết giáp (năm 1994 đổi tên là Binh chủng TTG) và quyết định lấy ngày 05-10 hằng năm là ngày truyền thống của Bộ đội TTG. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1968, lần đầu tiên Bộ đội TTG tham gia chiến đấu trên chiến trường và giành thắng lợi vang dội trong trận Làng Vây ­ trận then chốt của chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, mở đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”. Từ sau chiến thắng Làng Vây, Bộ đội TTG đã liên tục tham gia chiến đấu trong hầu hết các chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta ở miền Nam. Hình ảnh xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc, của quân đội ta nói chung và của Bộ đội TTG nói riêng. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, Bộ đội TTG đã tham gia hàng trăm trận với hiệu quả cao, góp phần cùng toàn quân hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Bộ đội TTG tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội TTG đã vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kiến thức khoa học quân sự hiện đại của thế giới, xây dựng nên nghệ thuật tác chiến độc đáo của Bộ đội TTG Việt Nam, thực sự trở thành lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được, Binh chủng TTG đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, có 34 tập thể, 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang  nhân dân.

Những thành tựu trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội TTG là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng; là sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TTG; trong đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là,Binh chủng thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong chiến tranh hay hòa bình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, chủ động, nhạy bén đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp; tập trung xây dựng ý chí, tinh thần “bản lĩnh thép” của Bộ đội TTG, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã căn dặn: “TTG là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng thép tư tưởng, chính trị mới là quyết định nhất, cơ bản nhất”. Quán triệt tinh thần đó, Binh chủng tích cực đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục chính trị cho bộ đội theo hướng “đa dạng hoá, linh hoạt và hiệu quả”, tập trung nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được Binh chủng thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ với những chỉ tiêu cụ thể, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên và phát triển đảng viên mới được đặc biệt quan tâm; vì vậy, hằng năm, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 83% trở lên; mỗi năm kết nạp từ 250 đến 300 đảng viên mới, nâng tỷ lệ lãnh đạo của Đảng bộ Binh chủng hiện nay lên 68,8%, hoàn thành chỉ tiêu: đại đội đủ quân có chi ủy, trung đội có tổ đảng, kíp xe có đảng viên. Công tác cán bộ có chuyển biến vững chắc, 100% cán bộ được đào tạo qua các trường; trong đó, trên 90% được đào tạo cơ bản, trình độ đại học, cao đẳng trên 86%; số cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ đạt 90,7%. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức thực hiện chặt chẽ, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị thường xuyên, sâu, rộng trong các đơn vị của Binh chủng, đáp ứng được tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, trong thực hiện bước hai Cuộc vận động, Binh chủng đang chuyển mạnh sang “làm theo”, tạo được sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và trách nhiệm; trong đó, đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu, cá nhân điển hình tiên tiến.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Bộ đội TTG còn là sự đoàn kết gắn bó quân-dân. Trong chiến tranh, Bộ đội TTG luôn được nhân dân yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ. Hình ảnh đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngại hy sinh, gian khổ, dùng thuyền, bè chở đạn pháo, bình điện của xe tăng vượt sông Xê Pôn phục vụ các đơn vị xe tăng tiến công địch trong trận Làng Vây; chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng tiến vào Dinh Độc lập... là những hình ảnh tiêu biểu và đã trở thành nét đẹp trong truyền thống đoàn kết quân-dân của Bộ đội TTG. Trong hòa bình, truyền thống đoàn kết gắn bó quân-dân càng được cán bộ, chiến sĩ Binh chủng gìn giữ và phát huy. Hiện nay, 100% các đơn vị của Binh chủng đã tổ chức kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở địa phương nơi đóng quân; các chương trình, cuộc vận động, phong trào do Đảng, Nhà nước và quân đội tổ chức như: “Xóa đói, giảm nghèo”, ‘Đền ơn, đáp nghĩa”... được các đơn vị triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực; cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia với ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chú trọng tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng TTG toàn quân; đồng thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy lực lượng TTG dự bị chiến lược. Trong đó, Binh chủng đặc biệt quan tâm huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng cơ động chiến đấu, sức mạnh đột kích của lực lượng TTG. Công tác huấn luyện của Binh chủng được đổi mới toàn diện, bám sát phương châm “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm; chú trọng nâng cao trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị hiện có và vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp tác chiến, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh đột kích, khả năng cơ động chiến đấu của từng đơn vị TTG. Từ đặc điểm chiến đấu của TTG, các đơn vị luôn coi trọng huấn luyện hiệp đồng trong từng xe, từng đơn vị với phương châm “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”, làm cơ sở để nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Quán triệt, vận dụng quan điểm “Huấn luyện là quá trình truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu”, Binh chủng luôn coi trọng truyền thụ, phát triển những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) hiện nay; nhất là, bài học về cơ động đường dài, tổ chức hiệp đồng binh chủng, lập thế trận TTG và cơ động đột phá, phát triển tiến công các mục tiêu trong khu vực địch phòng ngự, đánh bại lực lượng phản kích, ứng cứu, giải tỏa của địch... Cuộc vận động “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện” theo tinh thần của Chỉ thị 917/1999/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể của từng đơn vị; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng huấn luyện với đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Hiện nay, tỷ lệ vi phạm kỷ luật ở Binh chủng chỉ còn 0,042% (giảm 0,068% so với năm 2005).

Công tác hậu cần, kỹ thuật của Binh chủng được triển khai theo phương châmTự lực, tự cường, hiệu quả”, tích cực đổi mới phương thức bảo đảm. Trong chiến tranh, mặc dù phải bảo đảm lượng vật chất kỹ thuật lớn cho xe tăng hành quân, chiến đấu trong điều kiện địa hình phức tạp, bom đạn ác liệt, nhưng do chủ động, sáng tạo, vận dụng nhiều biện pháp bảo đảm, nên công tác hậu cần, kỹ thuật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành tích của Bộ đội TTG. Trong thời bình, bài học về “Tự lực, tự cường, hiệu quả” tiếp tục được phát huy. Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” được cụ thể hóa bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng đời sống hằng ngày của bộ đội với bảo đảm đủ lượng dự trữ SSCĐ theo quy định. Công tác tăng gia sản xuất ngày càng đạt hiệu quả thiết thực; mô hình “Vườn, giàn, ao, chuồng” được triển khai sâu, rộng. Đến nay, các đơn vị đã tự túc được trên 80% rau xanh, 30-40% lượng thịt, cá; đảm bảo quân số khỏe đạt trên 99%. Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, bảo đảm hệ số kỹ thuật nhóm xe làm nhiệm vụ SSCĐ bằng 1, nhóm xe hoạt động thường xuyên đạt 0,85 trở lên. Phong trào bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng đi vào nền nếp chính quy; công tác nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị được đẩy mạnh, góp phần khắc phục khó khăn trong điều kiện phương tiện, trang bị, cơ sở vật chất có hạn, chưa đồng bộ và tình trạng xuống cấp theo thời gian.

Những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội TTG luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng trân trọng và phát huy. Ngày nay, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, các phương pháp, hình thức tác chiến sẽ đa dạng và tổng hợp hơn, vũ khí công nghệ cao được sử dụng với tỷ lệ cao hơn... Theo đó, yêu cầu về sức mạnh đột kích của Bộ đội TTG cũng phải lớn hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, trước hết các đơn vị cần “Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 8, đẩy mạnh xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...”, như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng lần thứ 8 đã đề ra. Đặc biệt là, tăng cường củng cố, giữ vững trận địa chính trị-tư tưởng của Đảng, xây dựng Bộ đội TTG có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với tinh thần “Đã ra quân là đánh thắng”. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng; gắn kết chặt chẽ các cuộc vận động, phong trào thi đua với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, đơn vị. Tổ chức, xây dựng lực lượng TTG theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm cân đối giữa các vùng, miền, trong thế trận phòng thủ chung của đất nước. Công tác huấn luyện, SSCĐ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng; đẩy mạnh đổi mới, nhất là trong tổ chức diễn tập, hiệp đồng quân, binh chủng. Các đơn vị cần tập trung luyện tập cơ động phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công đường không của địch; rèn luyện cơ động chiến đấu từ một xe đến tiểu đoàn TTG, trên các địa hình, thời tiết phức tạp, kể cả trong đêm tối, cũng như trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; khắc phục biểu hiện đơn giản và hiện tượng hạ thấp yêu cầu, chỉ tiêu trong huấn luyện, SSCĐ.

Trên cơ sở thế trận của khu vực phòng thủ, từng đơn vị TTG còn phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức xây dựng và bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch SSCĐ; trong đó, chú trọng việc tổ chức lực lượng và thiết bị chiến trường trên từng hướng, địa bàn chiến lược, tạo lập thế trận TTG trong thời bình để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tác chiến khi chiến tranh xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị TTG còn phải sẵn sàng tham gia cùng các lực lượng khác đập tan mọi âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân; đồng thời, sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra, hoàn thành tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”.

Công tác hậu cần, kỹ thuật trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ SSCĐ theo tinh thần Chỉ thị số 38/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng; thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật theo quyết tâm và phương án tác chiến của đơn vị, đồng thời phù hợp với phương án, kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương. Các đơn vị cần phát huy điều kiện thuận lợi của địa bàn nơi đóng quân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe bộ đội; xây dựng doanh trại “xanh, sạch, đẹp, chính quy”... Công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt, đồng thời có định hướng lâu dài; tích cực nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp từng phần, tiến tới hiện đại hoá đồng bộ TTG; làm chủ công nghệ sửa chữa trong các nhà máy, đồng thời nâng cao năng lực tự sửa chữa thường xuyên ở đơn vị.

Phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội TTG tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; phấn đấu xây dựng “Bộ đội TTG Việt Nam, thời kỳ mới, sức đột kích mới, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã căn dặn, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng VŨ BÁ ĐĂNG

Tư lệnh Binh chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)