QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:50 (GMT+7)
Xã luận - Tinh thần và ý chí của Cách mạng Tháng Tám thôi thúc chúng ta vượt qua thách thức, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới tiến lên

63 năm trước đây, trong không khí sục sôi cách mạng của những ngày Tháng Tám lịch sử, đứng trước thời cơ "ngàn năm có một" do tình hình trong nước và thế giới đem lại, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa, giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; đưa cách mạng nước ta bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử đã ghi nhận rằng, trong suốt mấy chục năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân ta đã liên tục vùng lên dưới ngọn cờ lãnh đạo của các giai cấp: phong kiến, tiểu tư sản và tư sản dân tộc để đấu tranh chống thực dân Pháp, nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, nhưng không có lấy một thành công; bởi các ngọn cờ đó không phù hợp với xu thế của thời đại, không đưa ra được đường lối đúng đắn cho phép giải quyết các mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam. Vì vậy, cách mạng Việt Nam lúc này như "không có đường ra". Chính sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), với vai trò kiệt xuất của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước của dân tộc ta lúc đó; đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam hòa vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, tiếp đó là giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; và ngày nay, đang thực hiện công cuộc đổi mới để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội.

63 năm đã trôi qua, từ chỗ là một thuộc địa của Pháp, không có tên trên bản đồ thế giới; ngày nay, nước ta đã là một nước có chủ quyền cả trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ (với việc sở hữu vệ tinh VINASAT- 1), là một thành viên tích cực và có uy tín trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một quốc gia có vị thế quan trọng về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Năm nay, việc tổ chức kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công lại đúng vào dịp nước ta giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với chức danh này, Việt Nam có trách nhiệm to lớn trong điều phối các hoạt động của Hội đồng Bảo an, nhằm thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng để giải quyết các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế. Đó là niềm tự hào vô cùng to lớn, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tự hào với vị thế ngày càng cao của đất nước ta, của dân tộc ta trên trường quốc tế, chúng ta không được quên rằng, vị thế ấy bắt nguồn từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và được xây đắp bởi xương máu của bao thế hệ cách mạng, mà trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải bảo vệ và phát huy những thành quả ấy. Cũng cần nhớ rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trước hết là thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi của tinh thần và ý chí tự lực, tự cường, quyết "đem sức ta mà giải phóng cho ta" của cả dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đường lối đó, ý chí đó của Cách mạng Tháng Tám cần phải được tiếp tục giương cao để chúng ta chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của thời kỳ hậu gia nhập WTO, đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên. Tinh thần và ý chí tự lực, tự cường của Cách mạng Tháng Tám không cho phép chúng ta cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, dao động trước khó khăn tạm thời, trước mắt. Nhiệm vụ hiện nay đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải xiết chặt đội ngũ, cùng Chính phủ kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sự tăng trưởng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục tiến lên chinh phục mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn tỏ rõ là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám và giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đang có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, để ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước, tham gia phát triển kinh tế- xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy tinh thần và ý chí của Cách mạng Tháng Tám, Quân đội ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX "Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trên cơ sở đó, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, để thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

 

Ý kiến bạn đọc (0)