QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:30 (GMT+7)
Xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội - xu thế và những vấn đề đặt ra

Xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội (NDBĐ) được Tổng cục Hậu cần chọn làm nội dung đột phá trong thực hiện xã hội hoá công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) theo chủ trương của Đảng uỷ Quân sự  Trung ương và Bộ Quốc phòng. Qua thí điểm thực hiện bước đầu cho thấy, đây là hướng đi đúng, phù hợp xu thế phát triển của Quân đội và nền kinh tế đất nước trong thời bình; tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết. 

Hiện nay, xã hội hoá công tác BĐHC, trong đó có bảo đảm ăn uống (BĐAU) đang được quân đội nhiều nước trên thế giới tổ chức thực hiện và cho hiệu quả rõ nét. Đối với Quân đội ta, xét trên nhiều phương diện có thể thấy, thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ là một đòi hỏi khách quan trước yêu cầu xây dựng và phát triển lớn mạnh; cùng với đó, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế,... đã tạo ra những điều kiện, tiền đề cần thiết cho thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, đây là nội dung mới về cả lý luận và thực tiễn, nên cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp. Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá một số nội dung trong công tác BĐHC, Chỉ thị 77/CT-BQP, ngày 29-6-2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác NDBĐ; thời gian qua, Tổng cục Hậu cần đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm Đề án xã hội hoá công tác NDBĐ, làm cơ sở rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh mô hình để nhân rộng. 

Xã hội hoá công tác NDBĐ là việc huy động các nguồn lực của xã hội (các tổ chức, cá nhân) tham gia vào công tác BĐAU cho bộ đội. Ở nước ta, trong lịch sử và hiện tại, việc làm này đã và đang được thực hiện. Tuy vậy, sự tham gia đó còn ở mức độ hạn chế, mới chỉ tiến hành trong một số khâu của quá trình tổ chức BĐAU. Xã hội hoá công tác NDBĐ theo nội dung của Đề án mang tính toàn diện và triệt để. Theo đó, sẽ chuyển toàn bộ các khâu của quá trình tổ chức BĐAU (tổ chức nhân lực, khai thác, tạo nguồn, chế biến, nấu ăn, phục vụ...) do các đơn vị quân đội đảm nhiệm như hiện nay sang cho các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà thầu) có đủ năng lực, điều kiện, được lựa chọn thực hiện. Chi phí trả cho nhà thầu hoàn toàn ngoài tiền ăn cơ bản của bộ đội, được tính theo ngày ăn và quân số ăn thực tế (Năm 2009, mức giá trần để đấu thầu là 5.700 đồng/ người/ngày; hiện nay là 6.200đ/người/ngày). Với mục tiêu đặt ra là, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, tinh giảm biên chế đội ngũ nuôi quân, huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của xã hội bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội; đồng thời, góp phần giảm chi ngân sách quốc phòng. Như vậy, về bản chất, đây chính là hình thức đấu thầu phục vụ, là sự đổi mới về phương thức tổ chức BĐAU của bộ đội, từ chỉ đạo bảo đảm tập trung theo hệ thống chuyên ngành theo phân cấp sang bảo đảm theo cơ chế thị trường có sự kiểm tra, giám sát của đơn vị.

Sau các bước chuẩn bị khẩn trương, tháng 09-2009, Tổng cục Hậu cần đã chính thức chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác NDBĐ ở 2 bếp ăn cấp tiểu đoàn, theo 2 phương án khác nhau. Phương án 1 (ở Trường Sĩ quan Chính trị), với hình thức đấu thầu hạn chế; người tham gia đấu thầu là người trong đơn vị hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu; lực lượng lao động chủ yếu là đối tượng nghỉ chính sách, lao động hợp đồng ngoài biên chế hiện có. Phương án 2 (ở Học viện Hậu cần), theo hình thức đấu thầu rộng rãi; người tham gia đấu thầu thuộc mọi thành phần kinh tế, có đủ điều kiện, khả năng; lực lượng lao động do nhà thầu tuyển chọn. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, mặc dù chưa thể đánh giá hết ưu, nhược điểm, nhưng kết quả bước đầu là rất khả quan: Các bếp ăn xã hội hoá đã bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn của bộ đội; cơ cấu món ăn hợp lý, chế biến đa dạng, bảo đảm vệ sinh; chất lượng phục vụ tốt, bảo đảm ăn đúng giờ, không ảnh hưởng đến thời gian học tập, công tác của bộ đội. Chế độ nhà ăn, nhà bếp được thực hiện đầy đủ; công tác quản lý, thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, sử dụng và bảo quản dụng cụ cấp dưỡng có hiệu quả hơn trước. Chi phí mà 2 đơn vị phải trả cho nhà thầu giảm từ 16 - 30% so với trả lương cho lực lượng nuôi quân theo biên chế. Kết quả thăm dò dư luận: cán bộ, học viên, chiến sĩ trực tiếp ăn tại các bếp này đồng tình, ủng hộ cao. Như vậy, về cơ bản, việc thí điểm đã đạt được mục tiêu mà Đề án xác định; hiệu quả thực tế của xã hội hoá công tác NDBĐ đã được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những khó khăn, phức tạp nảy sinh và đặt ra nhiều vấn đề cần phải  tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ và thương thảo hợp đồng được coi là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là vấn đề rất mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và thực tế cho thấy: đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất, do có sự khác nhau về lợi ích giữa đơn vị được xã hội hoá công tác NDBĐ và nhà thầu, cùng một số yếu tố khác. Đối với các đơn vị quân đội, mục tiêu cao nhất của xã hội hoá công tác NDBĐ là không ngừng nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội; đồng thời, có tính đến hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, đối với nhà thầu, đây là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, nên lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của họ; đặc biệt, mặt trái của cơ chế thị trường là yếu tố tác động mạnh đến động cơ kinh doanh của nhà thầu. Cùng với đó là tính chất phức tạp của công tác tổ chức ăn uống, sự đa dạng về chủng loại, chất lượng, giá cả của lương thực, thực phẩm (LTTP); việc quy chuẩn một suất ăn gồm cả số lượng, chất lượng LTTP theo tiêu chuẩn tiền ăn để đấu thầu và quản lý, giám sát là rất khó. Vì vậy, việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu và thương thảo hợp đồng rất phức tạp; các điều khoản của hợp đồng nếu không chặt chẽ, kỹ lưỡng, nhất là quy chuẩn chất lượng LTTP, cơ chế hoạt động, yếu tố pháp lý,... sẽ dễ dẫn đến nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ của bộ đội, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện quy trình đấu thầu, mẫu hợp đồng kinh tế phù hợp với điều kiện quân đội và các yêu cầu xã hội hoá NDBĐ; xây dựng tiêu chí nhà thầu; bảng quy chuẩn chất lượng các loại LTTP; quy chế của bếp ăn xã hội hoá... làm cơ sở cho thương thảo ký kết hợp đồng và quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện. Mặt khác, do đặc thù hoạt động quân sự, nhà thầu không chỉ tuân thủ các điều luật kinh tế hiện hành, mà còn phải tuân thủ các quy định bắt buộc của quân đội, yêu cầu khắt khe trong NDBĐ. Do vậy, cần chú ý làm tốt cả bước thẩm định đối tác trúng thầu, thống nhất với nhà thầu một số yêu cầu về phẩm chất chính trị của những người tham gia phục vụ và các quy định khác.

Thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ, về biên chế, tổ chức, đối tượng được phục vụ không thay đổi, nhưng đối tượng phục vụ có sự thay đổi. Lực lượng lao động trong nhà ăn, nhà bếp do nhà thầu lựa chọn, sử dụng, đồng nghĩa với việc lực lượng nuôi quân của đơn vị sẽ dôi dư, cần phải bố trí, sắp xếp lại. Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực chính sách xã hội, một khó khăn không dễ giải quyết ngay trong thời gian ngắn. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt có thể thực hiện các giải pháp, như: tổ chức đào tạo lại để chuyển đổi ngành nghề; điều động sang công tác khác, chấp nhận cả việc xếp chồng quân số; giải quyết nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 21/CP, Nghị định 132/CP cho các trường hợp có đủ điều kiện; với đối tượng lao động hợp đồng, có thể thoả thuận với nhà thầu để họ tiếp tục sử dụng. Về lâu dài, phải xác định và thực hiện lộ trình giảm quân số ở các đơn vị được xã hội hoá theo đúng mục tiêu của Đề án để sử dụng nguồn ngân sách chi trả lương chuyển sang chi trả cho nhà thầu. Cùng với đó, thực hiện xã hội hoá cũng sẽ làm cho chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hậu cần các cấp, nhất là cấp cơ sở có sự thay đổi nhất định. Cơ quan hậu cần đơn vị xã hội hoá sẽ chuyển từ trực tiếp tạo nguồn, tổ chức BĐAU sang quản lý quá trình bảo đảm, với chức năng chủ yếu là kiểm tra, giám sát. Bởi vậy, chúng ta cần sớm thấy rõ vấn đề này để có biện pháp chủ động ổn định tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hậu cần đơn vị đối với bếp ăn xã hội hoá; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ hậu cần, nhất là hiểu biết về luật kinh tế, trình độ quản lý, điều hành để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về hoạt động bảo đảm, dù hình thức tổ chức có thay đổi, nhưng về nguyên tắc vẫn phải bảo đảm cho bộ đội ăn đúng, ăn đủ tiêu chuẩn, định lượng theo quy định. Trong khi đó, nhà thầu luôn tính toán để tăng lợi nhuận; nên, nếu quản lý không chặt chẽ thì chất lượng bữa ăn của bộ đội sẽ giảm sút. Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức NDBĐ của nhà thầu. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, quy chế kiểm tra, giám sát đối với bếp ăn xã hội hoá; coi trọng việc tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động của ban (tổ) quản lý bếp ăn xã hội hoá, vai trò của Hội đồng giá thuộc đơn vị để phối hợp cùng nhà thầu tổ chức tốt việc NDBĐ, kịp thời giải quyết những phát sinh trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, tránh mọi biểu hiện gây phiền hà hoặc nể nang, khoán trắng cho nhà thầu. Một hệ quả khác của xã hội hoá công tác NDBĐ là sẽ hạn chế hoặc chấm dứt việc tận dụng thức ăn thừa, thải bỏ để phát triển chăn nuôi quanh bếp, quanh vườn (hiện nay đây là nguồn thu góp phần đáng kể vào giữ ổn định và cải thiện bữa ăn của bộ đội, nhất là khi giá cả biến động tăng), cũng như sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm tăng gia tại chỗ của đơn vị nếu không đạt được thoả thuận với nhà thầu. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để việc xã hội hoá công tác NDBĐ đồng thời giữ vững, phát huy được tiềm năng, hiệu quả công tác tăng gia sản xuất của đơn vị.

Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng xã hội hoá NDBĐ chủ yếu là các bếp ăn tập trung có tính ổn định cao của khối cơ quan chiến lược, chiến dịch, các học viện, nhà trường, bệnh viện quân đội; nhưng, một vấn đề không kém phần quan trọng được đặt ra và phải tính đến, đó là việc BĐAU trong các tình huống đột xuất, khi có chiến tranh. Trong thời bình, đối với các hoạt động huấn luyện dã ngoại, diễn tập, tham gia phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai,... tuy có không ít phức tạp, nhưng nhà thầu có thể vẫn duy trì bảo đảm được cho các lực lượng tham gia (thí điểm sử dụng lực lượng của bếp xã hội hoá bảo đảm cho hành quân dã ngoại, học ngoài thao trường ở Trường Sĩ quan Chính trị, kết quả mới đáp ứng được một phần theo yêu cầu). Khi có chiến tranh, sẽ khó có nhà thầu nào bám trụ để duy trì hoạt động trong lĩnh vực này. Hệ quả tiếp theo là: công tác BĐAU cho bộ đội sẽ tiến hành ra sao, khi lực lượng nuôi quân đã cắt giảm? Giải quyết mâu thuẫn này, theo chúng tôi, giải pháp cơ bản, hữu hiệu nhất là có kế hoạch chủ động xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên là nuôi quân một cách chu đáo, toàn diện, sẵn sàng huy động, bổ sung vào các đơn vị được xã hội hoá khi cần.

Xã hội hoá công tác NDBĐ là một chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, Quân đội. Đây là vấn đề mới, tiến hành trong lĩnh vực khá phức tạp và nhạy cảm, yêu cầu đòi hỏi cao. Bởi vậy cần có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, làm tốt việc thực hiện thí điểm, tổng kết rút ra những luận cứ khoa học, hoàn thiện về cả lý luận và mô hình thực tiễn, làm cơ sở để chỉ đạo triển khai áp dụng chính thức.

Thiếu tướng  DƯƠNG VĂN RÃ

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)