QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:48 (GMT+7)
Việt Nam với chủ trương mở rộng hợp tác về quốc phòng với các thành viên ASEAN

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) là một đòi hỏi tất yếu của tiến trình Việt Nam hội nhập vào khu vực và quốc tế. Đó cũng là cơ sở quan trọng để đất nước tăng cường sức mạnh quốc phòng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua hợp tác về quốc phòng, Việt Nam còn góp phần bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hoạt động đối ngoại quốc phòng trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng, quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các đối tác chủ yếu, nhất là với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các thành viên ASEAN đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng các yêu cầu quốc phòng của đất nước; đồng thời, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Do điều kiện địa lý và lịch sử, quốc phòng Việt Nam luôn liên hệ chặt chẽ với quốc phòng và an ninh khu vực. Từ trước đến nay, hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hợp tác chặt chẽ và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của chính phủ và nhân dân nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp giúp chúng ta giành độc lập, bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, là một thành viên ASEAN, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả vào khu vực; đồng thời, đang cùng các thành viên của Hiệp hội biến Cộng đồng ASEAN thành hiện thực. Những mối liên kết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa ngày càng chặt chẽ của Hiệp hội đã tạo ra nhu cầu đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng giữa các nước. Quá trình hợp tác về quốc phòng, trên thực tế, lại càng làm cho các mối liên kết trên thêm chặt chẽ và các thành viên của Hiệp hội thêm tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau; qua đó, giúp các nước có phương pháp phù hợp trong việc giải quyết các mâu thuẫn nhằm đẩy lùi xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở mỗi nước và trong khu vực. Với nhận thức và thực tiễn như vậy, Việt Nam coi việc mở rộng và tăng cường hợp tác về quốc phòng với các thành viên ASEAN không chỉ là yêu cầu tất yếu của quốc phòng Việt Nam, mà còn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu an ninh, quốc phòng và phát triển đất nước.

Hợp tác về quốc phòng với các thành viên ASEAN được xây dựng trên những nguyên tắc của chính sách đối ngoại và quốc phòng Việt Nam; trước hết, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và cùng có lợi. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng được xây dựng theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; theo chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam chủ trương không biến ASEAN thành tổ chức hoặc liên minh quân sự; không đồng ý với việc cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của một thành viên ASEAN để chống lại một thành viên ASEAN khác. Quan hệ hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ASEAN được xây dựng trên cơ sở của tình đoàn kết, không nhằm mục đích chống lại bên thứ ba. Đó là những nguyên tắc cơ bản; đồng thời, là cơ sở cho việc củng cố các mối quan hệ về quốc phòng đã được xây dựng, cũng như tăng cường và phát triển lên một bước mới các mối quan hệ đó giữa Việt Nam với các nước ASEAN trong tương lai.

Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ hợp tác về quốc phòng với quân đội và với từng nước ASEAN. Các quan hệ này được xây dựng phù hợp với quan hệ song phương với từng nước theo hướng ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; trong đó, quan hệ về quốc phòng giữa Việt Nam với Lào và Căm-pu-chia phát triển theo đúng tinh thần quan hệ đoàn kết lâu đời giữa ba nước. Những năm tới, quan hệ Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia tiếp tục có bước phát triển mới, tạo động lực mới cho việc tăng cường quan hệ về quốc phòng giữa ba nước. Hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam với Lào và Căm-pu-chia sẽ được phát triển theo kế hoạch dài hạn, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ sẵn có và mở ra những lĩnh vực hợp tác mới. Các hình thức và biện pháp hợp tác giữa ba nước xung quanh vấn đề này sẽ được đổi mới để nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương. Một số hoạt động quan trọng trong quan hệ quốc phòng như trao đổi đoàn, đào tạo, huấn luyện..., sẽ được các bên chú ý hơn, hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn để đáp ứng các nhu cầu về quốc phòng của mỗi nước, cũng như để phù hợp với tình hình của khu vực và thế giới. Bên cạnh các hoạt động đó, Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác các vấn đề về quốc phòng mà ba nước cùng quan tâm. Với định hướng lớn như vậy, trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Căm-pu-chia để thực hiện thành công các thỏa thuận về việc hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền vào năm 2012; hợp tác với Lào trong việc tăng dày mốc giới trên biên giới Việt Nam - Lào và trong việc phòng chống các loại tội phạm. Là một trong những quốc gia có chung đường biên giới trên bộ, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác với chính phủ, chính quyền, nhân dân và lực lượng biên phòng, an ninh hai nước Lào và Căm-pu-chia, nhằm xây dựng biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Căm-pu-chia thành biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Quan hệ hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác cũng sẽ được củng cố và phát triển lên một bước mới. Việc thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các phòng tùy viên quốc phòng Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng về quốc phòng giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước thành viên ASEAN, trực tiếp là giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với bộ quốc phòng các nước trong Hiệp hội. Theo đó, việc trao đổi đoàn sẽ được tăng cường, đặc biệt, hoạt động đối thoại quốc phòng-an ninh sẽ được nâng cấp và mở rộng. Thông qua các hoạt động đó, các bên sẽ có dịp hiểu rõ quan điểm của nhau hơn, tạo cơ hội để các bên cùng nhau xử lý các vấn đề về quốc phòng, an ninh, cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác. Với khả năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng giải quyết các vấn đề biên giới trên biển với các nước thành viên ASEAN đi đôi với việc mở rộng hợp tác về quốc phòng-an ninh để góp phần đảm bảo an ninh trên Biển Đông. Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ duy trì và mở rộng các hình thức hợp tác với hải quân của các nước trong Hiệp hội, như lập đường dây nóng, tiến hành tuần tra chung để nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc bảo vệ an ninh trên các vùng chồng lấn và các khu vực giáp ranh. Cùng với đó, việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác trong huấn luyện, đào tạo và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo cũng sẽ được Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới. Đi vào cụ thể từng mặt, Việt Nam không chỉ tăng số lượng sĩ quan học tập, nghiên cứu ở các nước ASEAN, mà còn từng bước mở rộng quy mô đào tạo, huấn luyện cho sĩ quan các nước bạn; đồng thời, vừa duy trì các lĩnh vực hợp tác về quốc phòng hiện có, vừa mở rộng và phát triển các hình thức hợp tác mới, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về quốc phòng của đất nước, cũng như của các thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, việc hợp tác, tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, hợp tác chống khủng bố và hợp tác về công nghiệp quốc phòng sẽ được Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, triển khai phù hợp với yêu cầu và khả năng của Việt Nam.

Đi đôi với hợp tác song phương, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên thực tế, ASEAN đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực. Các cơ chế hợp tác của ASEAN tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, giữa các thành viên ASEAN với các đối tác ngoài khu vực để xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, ASEAN còn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình vận động và phát triển của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các cơ chế an ninh khu vực khác. Hiệp hội cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh như vậy, việc phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương có ý nghĩa quan trọng, bởi nó sẽ góp phần vào việc sớm đạt được giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực mà các bên cùng quan tâm.

Cũng như quan hệ quốc phòng song phương, quan hệ quốc phòng đa phương của Việt Nam với các nước ASEAN dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN, như các nguyên tắc “tự nguyện”, “đồng thuận”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” và nguyên tắc “không biến ASEAN thành liên minh hoặc tổ chức quân sự”. Các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN tập trung vào các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đó là các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thảm họa thiên tai, chống khủng bố, cướp biển, chống tội phạm xuyên quốc gia. v.v. Năm 2010, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng sẵn có giữa các nước ASEAN; mặt khác, tích cực thúc đẩy việc hình thành những cơ chế mới phù hợp với lợi ích an ninh và hợp tác khu vực. Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tổ chức thành công hội nghị quốc phòng các nước ASEAN ở tất cả các cấp mà trọng tâm là Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM). Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN để đưa ra các sáng kiến nhằm cụ thể hóa các mục tiêu hợp tác về quốc phòng trong Hiệp hội. Các lĩnh vực trọng tâm về hợp tác quốc phòng của Hiệp hội như: trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quốc phòng, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai..., sẽ được thúc đẩy nhằm đáp ứng các yêu cầu và lợi ích của tất cả các thành viên. Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ và tham gia tích cực vào nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác về quốc phòng-an ninh giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài ASEAN. Trong năm 2010, Việt Nam sẽ phối hợp với các thành viên của Hiệp hội để hình thành cơ chế và khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác chính (ADMM+)*. Cơ chế này sẽ làm cho việc hợp tác về quốc phòng của ASEAN trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, gắn kết sức mạnh cả trong và ngoài khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Việt Nam coi các hoạt động trên là những nội dung quan trọng trong một thể thống nhất về chính sách đối ngoại của mình. Là một thành viên ASEAN, đặc biệt năm 2010 với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đảm bảo hợp tác song phương và hợp tác đa phương về quốc phòng với các thành viên ASEAN và với các đối tác bên ngoài ASEAN một cách chủ động, trách nhiệm và thiện chí, góp phần xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Trung tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

__________

Các đối tác chính được đề cập ở đây là các đối tác tham gia vào việc hình thành cơ chế và khuôn khổ hợp tác quốc phòng với các thành viên ASEAN.

 

Ý kiến bạn đọc (0)