QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:12 (GMT+7)
Việt Nam gia nhập WTO với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau hơn 11 năm nỗ lực đàm phán đa phương và song phương với nhiều đối tác tưởng chừng không thể vượt qua, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Không đi sâu vào vấn đề kinh doanh, bài viết này thử dự báo mấy khía cạnh tác động của sự kiện đó tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quan điểm "kinh tế là nền tảng để thiết lập nên toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị -  xã hội” mà sự nghiệp quốc phòng - an ninh là một bộ phận không thể tách rời để tiến tới dự kiến đối sách lớn.

Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán mà Đảng ta đã lãnh đạo xúc tiến từ những ngày đầu đổi mới. Do vậy, sự hội nhập thành công vào WTO, trước tiên phải được đón nhận như  một thắng lợi lớn có tầm quốc sách mở đường mà các đoàn đàm phán nước ta đã giành được một cách kiên nhẫn, đầy trí tuệ.
Một nền kinh tế hàng hoá sinh sau đẻ muộn như kinh tế hàng hoá nước ta, muốn “dân giàu nước mạnh” tất phải không ngừng mở rộng thị trường. Một mặt, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới làm ăn; mặt khác, hàng hoá trong nước phải có đủ nơi tiêu thụ. “Buôn từ gốc, bán tới ngọn”, như dân ta thường nói, mới nhanh phát đạt, thịnh vượng. Thiếu thị trường, hàng xuất khẩu phải qua trung gian sẽ rơi vào cảnh như người buôn thúng bán bưng không có sạp hàng trong chợ, như người nông dân đến mùa thu hoạch bị thương lái ép giá, không bao giờ bán được đúng giá trị. Kể từ những năm đầu đổi mới, sau khi gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), rồi cùng ASEAN phát triển quan hệ hợp tác kinh tế với các nước Đông Bắc Á và Đông Á, tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), rồi trở thành thành viên thứ 21 của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nền kinh tế nước ta đã từng bước vươn ra thế giới. Tuy nhiên, các thị trường trên đây cũng mới thuộc phạm vi từng vùng và từng khu vực. Bản thân APEC gồm nhiều nền kinh tế lớn mạnh, cũng mới chiếm được 47% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ngoài các mối quan hệ đa phương, ta còn ký các hiệp định thương mại song phương với trên 80 nước, nhưng trong quan hệ xuất khẩu vẫn bị ràng buộc bởi những rào cản pháp lý, bảo hộ kỹ thuật của từng nước, từng vùng, như các vụ kiện về bán phá giá ở Mỹ và EU. Yêu cầu đưa hàng hoá Việt Nam tới thẳng các thị trường trên mọi châu lục một cách bình đẳng trong khi thị trường nội địa tiếp nhận doanh nghiệp của mọi nền kinh tế trên thế giới tới sản xuất, kinh doanh  đã trở thành cấp bách để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Dù WTO chưa đạt tới đỉnh cao của sự công bằng nhưng là tổ chức kinh tế có hệ thống quy chế toàn diện và hợp lý nhất hiện nay.
Với cương vị là các thành viên tích cực và năng động trong các tổ chức kinh tế vùng và khu vực, gia nhập WTO, ta vừa giành được các quyền lợi kinh doanh ngang hàng với các đối tác mạnh nhất hành tinh, vừa có điều kiện chuẩn bị nhiều kíp bạn hàng, có thể lựa chọn các phương án tối ưu trong mọi hợp đồng kinh tế, thu hút thêm vốn đầu tư và công nghệ mới, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo kịp lộ trình đã định. Gia nhập WTO, thị trường nội địa sẽ nâng cấp, từ đây chất lượng và giá cả hàng hoá xấu - tốt, thật - giả được phân biệt rõ ràng; phương thức sử dụng đồng vốn, nhân công và các hoạt động dịch vụ trong nước đều phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài; hàng rào thuế quan phải hạ thấp từng bước, loại bỏ các tàn dư của cơ chế xin cho, của tệ dùng lao động không có bảo hiểm, đồng lương không bảo đảm đời sống tối thiểu; hoạt động dịch vụ thiếu tính chuyên nghiệp... Cuộc cạnh tranh không khoan nhượng sẽ tôi luyện tất cả, xoá đi những vết tích ấu trĩ, trả mọi sự vật về đúng vị trí đích thực của nó. Người tiêu dùng được giải phóng khỏi nạn hàng kém phẩm chất, hàng giả; doanh nhân thoát khỏi những trói buộc của tệ lũng đoạn quyền lực; các doanh nghiệp “ma” kinh doanh thần thế không còn đất làm ăn. Người nghiên cứu, sáng tác, phát minh được bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Quan hệ với thế giới càng mở rộng, mọi nhu cầu xã hội được dễ dàng thoả mãn thì đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, dân trí được nâng cao, khả năng giám sát của nhân dân, tác dụng phản biện của các đoàn thể với cơ quan công quyền tăng thêm hiệu quả; tính đồng thuận, dân chủ càng phát huy, góp phần lành mạnh hoá xã hội.
Về mặt bảo vệ Tổ quốc, gia nhập WTO, Việt Nam  trở thành thị trường đầu tư giầu tiềm năng của các cường quốc kinh tế. Với tính cách tổ chức kinh doanh đích thực, không thành viên nào muốn phá vỡ một thị trường ổn định, gây phương hại cho chính bản thân mình. Tình hình ấy tạo ra một thế chiến lược phòng thủ đan xen giữa các cơ sở kinh doanh bản địa với các doanh nghiệp nước ngoài, gắn liền sản xuất với bảo vệ sản xuất, tự giữ vững môi trường ổn định chống lại những hành động gây rối và chống phá. Từ những hoạt động tự vệ đó, hình thành một thế kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh chống lại mọi mưu đồ đen tối từ bất cứ đâu đem tới. Hoà bình ổn định ở Việt Nam không còn chỉ do Việt Nam tự chăm lo mà cả những doanh nghiệp nước ngoài làm ăn phát đạt ở Việt Nam tất thảy đều hưởng ứng chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” cùng đường lối “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, tạo thế đối trọng giữa đối tác và đối tượng.
Mọi thành viên trong WTO đều biết rõ, các thành viên càng được kết nạp sau càng bị đặt ra nhiều điều kiện ngặt nghèo. Là thành viên trẻ nhất, lại trải qua đàm phán gian khổ nhất, vị thế của Việt Nam sau khi được kết nạp do vậy càng được đề cao trong con mắt cộng đồng quốc tế. Thành công nổi bật của APEC Việt Nam 2006 vừa qua chứng minh điều đó. Uy tín càng cao, đối tượng chiến lược càng thu hẹp, thế phòng thủ quốc gia càng vững chắc. Qua mấy chục năm thay đổi thời cuộc, chẳng những Việt Nam đã trải qua một quá trình đổi mới toàn diện mà nhiều đối tượng chiến lược của Việt Nam cũng không thể giữ nguyên các chính sách đã áp dụng trước đây với dân tộc Việt Nam. Đi từ kinh tế, ngoại giao, thúc đẩy quá trình chuyển hoá đối tượng thành đối tác theo phương châm “thêm bạn bớt thù”, đó là dạng thức của đấu tranh quốc phòng có hiệu quả, đúng “cách nhìn mới về đối tác và đối tượng” của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết TW 8 (khoá IX) đã đề ra.
Từng bước hiện đại hoá các lực lượng vũ trang là phương hướng tất yếu mà ta phải chủ động chăm lo. WTO tự nó không phải là một thị trường vũ khí nhưng lại là những thị trường có thể cung ứng mọi loại thiết bị và linh kiện cần thiết cho việc nghiên cứu, cải tiến vũ khí và trang bị phòng thủ, theo nguyên tắc "cái để vô hiệu hoá các loại vũ khí tiến công thường ít tốn kém và đơn giản hơn vũ khí tiến công gấp nhiều lần". Khi quan hệ kinh tế đã được nâng lên một mặt bằng mới sẽ kéo theo những quan hệ bình đẳng trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, trừ bom nguyên tử, mọi loại vũ khí đều đã thành hàng hoá. Để phục vụ cạnh tranh, mặt bằng công nghệ của mọi ngành sản xuất trong nước đều phải được nâng cao, qua đó công nghiệp quốc phòng tất cũng được nâng lên tương ứng. Từ đó lại mở ra một triển vọng mới để xử lý mối mâu thuẫn về vũ khí, trang bị trong quá trình hiện đại hoá quốc phòng.
Gia nhập WTO đòi hỏi lớn nhất là phải nâng cao trình độ quản lý kinh tế vĩ mô, khắc phục các tàn dư của chế độ bao cấp, đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất xã hội, đề cao công bằng minh bạch, mở rộng dân chủ. Đại đoàn kết dân tộc do đó ngày càng mở rộng, Việt kiều được thu hút về kinh doanh với nước nhà càng tăng cường đồng thuận, dù có các khuynh hướng chính trị khác nhau...
Tất cả các dự báo trên đây đều thuộc dạng khả năng, biến thành hiện thực đến đâu còn tuỳ sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, tuỳ bản lĩnh phát triển của nền kinh tế nước ta. Dù lạc quan đến đâu cũng phải dự báo những thách thức có thể phát sinh để trù liệu cho chủ động:
Bên cạnh những doanh nghiệp sẽ đứng vững và vươn lên giành thắng lợi, không tránh khỏi có những doanh nghiệp vì trang bị lạc hậu, quản lý cồng kềnh, giá thành sản phẩm cao mà mất thị phần, bị thua lỗ, sản xuất đình trệ, tăng thêm lao động dôi dư. Trong khi lao động nước ta tuy giá rẻ nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, quá trình đô thị hoá, thu hồi đất đai càng tạo thêm nhiều lao động nhàn rỗi chưa có tay nghề. Nếu ta không chủ động chuẩn bị, chưa dễ được các doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận. Tình trạng đó có thể làm tăng thêm số người thất nghiệp, phát sinh vấn đề về trật tự trị an.     
 Hàng hoá nước ngoài xâm nhập, đáp ứng nhu cầu, nhưng cũng dễ biến đất nước thành xã hội tiêu thụ, sùng bái hàng ngoại, bỏ rơi hàng nội, tác động tới tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Hàng hoá xâm nhập thì văn hoá xâm nhập. Bên cạnh các tinh hoa cần tiếp thu, phải chủ động đề phòng các loại tệ nạn xuyên quốc gia .
Những thách thức do các đại hội Đảng chỉ rõ, sẽ bị sự kiện gia nhập WTO tác động nhiều cách:
Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực... có thể bị đẩy lùi một bước, nếu ta duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay một cách bền vững. Nhưng nguy cơ đó sẽ tăng lên, nếu ta không kịp khắc phục những yếu kém đã thấy rõ và sẽ còn tiếp tục bộc lộ.
Chệch hướng XHCN có thể xuất hiện khi trong quản lý vĩ mô, ta chạy theo các lợi ích kinh tế mà không thực hiện tốt các chính sách xã hội, không hạn chế được phân hoá giàu nghèo, tháo gỡ bất công. Nguy cơ đó cũng có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện các cam kết chuyển quyền sở hữu của kinh tế Nhà nước đối với các ngành then chốt sang các hình thức sở hữu khác... Nếu để nó rơi vào tay các công ty tư bản độc quyền, sẽ trở thành công cụ gây áp lực về chính trị bằng những cơn sốt kinh tế.
Nạn tham nhũng và tệ quan liêu có thể giảm nhẹ ở các dạng lộ liễu nhưng cần đề phòng sẽ phát triển dưới các hình thức tinh vi. Trong lịch sử kinh doanh, bên cạnh lối làm ăn trung thực thì những vụ trốn thuế, lậu thuế, mua chuộc các nhà quản lý không hiếm ở bất cứ nước nào, kể cả các công ty danh tiếng nhất.                                
 “Diễn biến hoà bình” không do WTO tự ý gây ra, nếu những quốc gia thành viên không “tự diễn biến” theo những cơ chế xa lạ. Nhưng khi gia nhập WTO thì mỗi thành viên là một chủ thể độc lập với những động cơ chính trị khác nhau. Bên cạnh những bạn bè cũ và mới, không tránh khỏi còn những đối thủ chưa từ bỏ ý định xoá bỏ CNXH ở Việt Nam. Khi tất cả mọi hoạt động kinh tế đều cố ý quy tụ vào mục tiêu thay đổi chế độ thì mục đích chính trị có thể được thúc đẩy một cách xảo quyệt.
Ngoài những thuận lợi cần phát huy, những thách thức cần đề phòng khắc phục trên đây, cần dự kiến mấy đối sách lớn có quan hệ tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
1. WTO không phải là cây đũa thần có thể hoá giải mọi yếu kém của nền kinh tế Việt Nam nhưng là lợi khí mà ta nhất thiết phải tận dụng để sớm đưa nước nhà ra khỏi tình trạng kém phát triển, chuẩn bị cơ sở để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do kinh tế nước ta xuất xứ từ chế độ bao cấp, mới chuyển sang nền kinh tế hàng hoá, theo thoả thuận đã ký kết, sau khi được WTO kết nạp, ngoài một số năm chuyển tiếp của các thành viên mới, nên kinh tế Việt Nam còn bị đối xử là “kinh tế phi thị trường”( non market economy status) trong vòng 12 năm. Thực tế đó buộc ta phải phối hợp hài hoà các mốc thời gian thoả thuận của WTO với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm  thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn triển khai mà WTO dành cho thành viên mới, gần như trùng hợp với thời gian còn lại để hoàn thành mục tiêu phát triển 5 năm (2006 - 2010) nhằm “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Là thành viên của WTO, ta phải tranh thủ thời gian đó để vừa giữ vững trận địa, chấp nhận cạnh tranh, thu hút đầu tư, vừa sắp xếp lại sản xuất, hoàn thiện luật pháp, khắc phục mọi yếu kém, tích luỹ lực lượng, kiện toàn đội ngũ, "góp gió thành bão", lấy ngắn nuôi dài, đánh chắc thắng để giữ gìn sinh lực, kịp thời rút kinh nghiệm từ "sân chơi" rộng lớn, chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn kế tiếp.
Giai đoạn phát triển tiếp theo là những năm còn lại để kết thúc danh phận “kinh tế phi thị trường” (2010 - 2018), trùng hợp với các nhiệm kỳ Đại hội  Đảng  tiếp sau. Đã có thêm thế mới, lực mới, bài học mới, ta có thể tiến lên khuếch trương thắng lợi, giành lấy những đỉnh cao trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vừa bước vào cuộc đọ sức bình đẳng, toàn diện với các nước tiên tiến, phục vụ đắc lực cho mục tiêu "đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại” vào năm 2020.
2. Các mục tiêu trên đây chỉ có thể đạt được với điều kiện đất nước phải giữ vững môi trường hoà bình ổn định. Dù tình hình thế giới và khu vực còn tiềm ẩn  nhiều bất trắc và trong nước cũng diễn biến phức tạp do sự chống phá của các thế lực thù địch, nhưng nhìn chung với nước ta, nằm trong xu thế lớn, hoà bình hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo. Khả năng giữ vững hoà bình ổn định cho đất nước phát triển vững chắc nhằm đạt tới mục tiêu đã định là hoàn toàn hiện thực. Dù khả năng còn mặt nào đó bất cập, thực trạng còn không ít yếu kém thì trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, của mọi ngành mọi cấp, của Quốc phòng -  An ninh, phải lấy nỗ lực chủ quan mà chuyển hoá khách quan trên cơ sở tính nguyên tắc giữ vững độc lập dân tộc và CNXH.
Trong cuộc đua chen trên thị trường thế giới, vận hội đưa đến cho mỗi dân tộc không xuất hiện nhiều lần. Với cộng đồng dân tộc Việt Nam, kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng tới nay, chưa bao giờ dân tộc ta tạo được thuận lợi lớn như hoàn cảnh đương thời: cả về vị thế và thực lực, kinh tế và chính trị, đối nội và đối ngoại... Giống như con tàu tốc hành chỉ chấp nhận những hành khách lên toa đúng lúc, đoàn tàu siêu tốc WTO đã vào ga Việt Nam, bắt đầu lăn bánh. Bất cứ cái gì ngáng trở phải kiên quyết gạt lại ! Bất cứ cái gì gây mất ổn định phải kịp thời loại bỏ! Kinh nghiệm của người đi trước cho thấy, qua bao thăng trầm, những người Cộng sản Trung Quốc đã biểu thị bản lĩnh già dặn qua việc giữ cho đại cục được ổn định, không phát sinh đổ vỡ, mới đưa được một cộng đồng dân tộc vĩ đại tới vận hội ngày nay. Ôn định áp đảo tất cả! Trong những năm sắp tới, bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào đội lốt dưới danh nghĩa của cái gọi là "dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo" hình thành tổ chức chống đối, gây rối, làm  mất ổn định cho sự phát triển của đất nước, đều đắc tội với lịch sử.       
Phải chăng đó là sự lựa chọn duy nhất đúng trước vận hội lớn đang mở ra cho dân tộc Việt Nam?
 
Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ

 

Ý kiến bạn đọc (0)