QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:25 (GMT+7)
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - thời cơ và thách thức đối với các doanh nghiệp quân đội

Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) là một xu thế  khách quan, đang thu hút ngày càng nhiều nước tham gia. Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập KTQT, mà sự kiện quan trọng là sắp gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm khai thác cơ hội, đẩy nhanh nhịp độ phát triển nền kinh tế đất nước. Trong tiến trình hội nhập đó, sẽ mang lại nhiều thời cơ, vận hội để phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới đối với nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam. Thách thức nổi bật là, khi tham gia “sân chơi” chung của WTO thì sự bảo hộ dành cho các DN trong nước cũng từng bước phải giảm và bị xoá bỏ; các DN Việt Nam  buộc phải cùng cạnh tranh bình đẳng với DN của các quốc gia khác có tiềm lực kinh tế lớn và bề dày kinh nghiệm kinh doanh, không những trên thị trường quốc tế, mà ngay trên thị trường trong nước. Để tận dụng được cơ hội mà hội nhập KTQT mang lại, mỗi DN phải có chiến lược, chương trình thích ứng, điều kiện cụ thể có lợi nhất, cả về mặt hiệu quả trước mắt lẫn yêu cầu phát triển lâu dài.

Doanh nghiệp quân đội (DNQĐ)- một bộ phận quan trọng của DN Nhà nước - là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh tế của quân đội. Phần lớn các DNQĐ được hình thành từ các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kĩ thuật, hậu cần, bảo đảm cho quân đội, quốc phòng trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây. Hiện nay, hệ thống DNQĐ được tổ chức, sắp xếp lại theo yêu cầu quản lý của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ của quân đội, quốc phòng, bao gồm: 6 Tổng công ty, trên 150 DN độc lập, tham gia 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 400 triệu USD (trong đó có 5 dự án đầu tư ra nước ngoài). Nhìn chung, các DNQĐ hoạt động có hiệu quả, nhịp độ tăng trưởng hằng năm tương đối khá; tính đến hết năm 2005, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng, hơn 80% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động có lãi. Nhiều DNQĐ có thương hiệu mạnh ở trong nước và quốc tế, như: Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Bay dịch vụ (SFC), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Trương Sơn Construction Corporation), Công ty xây dựng Công trình hàng không (ACC), Công ty Hợp tác kinh tế quốc tế (COECCO), Công ty Tân cảng (New Port Company)…
Hoạt động của các DNQĐ mang tính đặc thù. Ngoài kế hoạch sản xuất quốc phòng, DNQĐ còn tham gia sản xuất và cung cấp một số lượng hàng hóa phục vụ dân sinh, cùng cạnh tranh với các DN dân sự trong nước và DN nước ngoài khác. Khi tính chất thị trường của nền kinh tế tăng lên, hiệu quả của việc đáp ứng các nhu cầu quân sự, quốc phòng (QS, QP) cũng sẽ phải được tính toán kỹ lưỡng, trong đó phải tính đến các nguồn phân phối ngoài hệ thống DNQĐ. Đây chính là một sức ép nội tại buộc các DNQĐ phải  nhanh chóng thích ứng với thị trường trong nước và hội nhập KTQT để cạnh tranh có hiệu quả với các DN trong nước và các DN nước ngoài trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. 
Trong sự sôi động hội nhập KTQT của đất nước nói chung, DN Việt Nam nói riêng, các DNQĐ đã có sự chuẩn bị bước đầu cả về nội dung và lộ trình thực hiện hội nhập KTQT, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của mình, vừa phục vụ mục tiêu kinh tế, vừa là một biện pháp cụ thể để thực hiện chiến lược kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh. Khẳng định và phát triển được năng lực của các DNQĐ cũng chính là góp phần duy trì, củng cố và phát triển tiềm lực quốc phòng trong tiến trình hội nhập KTQT. 
Tham gia hội nhập KTQT sẽ là thời cơ tạo cho các DNQĐ nhiều cơ hội để huy động vốn, đổi mới công nghệ, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường, chủ động lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) thích hợp; có nhiều cơ hội để lựa chọn các “thị trường ngách” thích hợp, đem lại hiệu quả cao; đồng thời, tìm kiếm đối tác có tiềm năng để hợp tác. Những cơ hội đó đang hiện rõ khi nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu, môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam. 
Bên cạnh những cơ hội nói trên, các DNQĐ đang đứng trước những thách thức lớn khi nước ta gia nhập WTO. Do lịch sử để lại và yêu cầu nhiệm vụ QS, QP, một số DNQĐ được bố trí đứng chân và hoạt động trên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, trên biên giới và trên biển, đảo, kém lợi thế về mặt kinh doanh, tiếp cận thị trường, nên chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh trên thị trường thấp. Không những thế, hoạt động của các DNQĐ vừa phải chịu sự điều tiết của các quy định pháp lý đối với các DN Nhà nước,  vừa phải chịu sự chi phối của cơ chế chỉ huy quân sự- hành chính. Chính cơ chế này đã hình thành và trở thành thói quen coi trọng kết quả sản xuất hơn hiệu quả kinh doanh của DN. Thêm nữa, trong nhiều năm trước đây, sức ép cạnh tranh còn bị “che khuất” bởi những điều kiện hoạt động đặc thù, gắn với sự bao cấp của Nhà nước và quân đội. Đó là chưa kể đến các DNQĐ còn phải chịu sự ràng buộc của một số định chế tài chính quốc tế, trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu quốc phòng theo kế hoạch; đồng thời phải thực hiện những đơn hàng ngoài kế hoạch với yêu cầu cao, làm cho DN dễ bị động, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận, thời gian giao hàng... Những đặc điểm đó đã làm giảm sức cạnh tranh của các DNQĐ trên thị trường  quốc tế và ngay trên thị trường trong nước. 
Để khẳng định sự tồn tại, phát triển của các DNQĐ trong tiến trình hội nhập KTQT, cần phải có chiến lược hội nhập đúng đắn với lộ trình thích ứng cả trước mắt và lâu dài.   
Trước hết, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNQĐ sản xuất và cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu quốc phòng; đồng thời tham gia có hiệu quả vào việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, phải xác định cơ chế đầu tư thích hợp, mà chủ yếu là tập trung đầu tư ban đầu và từng bước giảm dần sự bao cấp, chuyển từ bao cấp bằng đầu tư trực tiếp sang hình thức đặt hàng thương mại. Các DNQĐ cần phải thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế; các khoản chi phí cần được tính đúng, tính đủ. Những ưu đãi theo chế độ dành cho quân nhân và cán bộ chỉ huy cần được tách riêng và được thực hiện tương ứng với chế độ hạch toán mà DN áp dụng theo lộ trình qui định, kể cả các DN đặc thù. 
Trong hội nhập KTQT, các DNQĐ có thể tham gia bằng các hình thức phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, như: gia công cho các DN nước ngoài ở các mức độ khác nhau; sản xuất các loại phụ tùng, chi tiết sản phẩm cho các DN nước ngoài theo phương thức thỏa thuận của hai bên; thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài; liên doanh, liên kết với các DN nước ngoài; độc lập sản xuất và đưa sản phẩm tiêu thụ trên thị trường khu vực và quốc tế; tiến hành các hoạt động đầu tư tài chính, xây dựng và vận hành các cơ sở sản xuất ở nước ngoài; mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa; làm đại lý cho các DN nước ngoài... Tuy nhiên, cái đích mà các DNQĐ đều muốn vươn tới là tự mình sản xuất ra sản phẩm và xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, nhưng “thang mục tiêu” này đòi hỏi phải biết lượng sức mình để đặt mức phấn đấu phù hợp.
Hai là, phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản lý   Nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với các DNQĐ trong việc chuẩn bị và thực hiện lộ trình  hội nhập có hiệu quả. Tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng, năng lực của các DNQĐ theo ngành nghề để có định hướng phát triển dài hạn và có chiến lược hỗ trợ cần thiết cho từng loại DN theo  quy định của Chính phủ, phù hợp với tiến trình hội nhập. Đặc biệt, cần rà soát kỹ hơn số công ty quốc phòng, chuyển các công ty hoặc bộ phận công ty không thực chất làm nhiệm vụ quốc phòng thành công ty kinh doanh, để giảm bớt số lượng các công ty quốc phòng. Tiếp tục giảm số DNQĐ mà “Nhà nước giữ 100% vốn”, tăng số DN hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hoá các DN không có nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng; củng cố, nâng cao chất lượng các DNQĐ đã cổ phần hoá; phát triển bền vững các DNQĐ đã hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con và các DNQĐ tham gia tập đoàn kinh tế cũng như các Tổng công ty khác. Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, biên chế, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách và những quy định cụ thể đối với DNQĐ, đảm bảo sự ổn định về chủ trương phát triển DN trong từng thời kỳ (5 năm, 10 năm) để DN yên tâm xây dựng chiến lược phát triển. Đồng thời, tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng có liên quan đến việc thực hiện Luật DN mới ban hành và triển khai thực hiện “xoá bỏ cơ chế Bộ chủ quản” trong hoạt động của DN. Đẩy mạnh đổi mới và thử nghiệm chuyển đổi hình thức sở hữu và cơ chế quản lý thích hợp của chủ sở hữu đối với DNQĐ, kể cả việc thí điểm “giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, đấu giá” một số DNQĐ theo qui định của Nhà nước. Đó cũng là quá trình thực hiện loại trừ những DN hoạt động kém hiệu quả.
Trên cơ sở sự phân loại và chính sách đầu tư của cơ quan quản lý Nhà nước, tiến hành xác định lại vị trí chiến lược của từng DNQĐ để các DN chủ động lựa chọn chiến lược hội nhập của mình. Từ đó, xác định hình thức hội nhập phù hợp, có thể là: chấp nhận sự  “đối đầu” cạnh tranh trực tiếp với các DN khác; lựa chọn các “thị trường ngách” để kinh doanh; thực hiện liên kết, hợp tác với các DN khác dưới nhiều hình thức, áp dụng chiến lược “chia xẻ”. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, chiến lược thích hợp với các DNQĐ sẽ là chiến lược hỗn hợp, trong đó, DN phải chọn ra những đối tác để liên kết, nhằm tăng sức cạnh tranh với những đối tác khác trên thị trường đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Với những DN năng lực hạn chế, ngay cả khi chọn “thị trường ngách” vẫn cần hợp tác với các đối tác của mình để tăng thêm tiềm lực của chính mình.
Quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ DNQĐ nắm chắc lộ trình hội nhập, thực hiện đúng cam kết, từng bước củng cố, nâng cao thị phần trong nước, cập nhật các thông tin cần thiết và nhận biết các “rào cản thương mại” khi thâm nhập vào các thị trường mới, chuẩn bị tiềm lực, chấp nhận và có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị mọi mặt để tận dụng các cơ hội do gia nhập WTO mang lại.
Ba là, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các DNQĐ trong tiến trình hội nhập KTQT. Vấn đề quan trọng hàng đầu là các DNQĐ cần có sự thống nhất cao về quan điểm, nhận thức rằng, gia nhập WTO là xu thế tất yếu, nhưng không phải là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện trên con đường phát triển. Đối với các DN, hội nhập KTQT phải là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển của mình. Các DNQĐ phải thấy rõ nguy cơ bị đào thải khi hội nhập KTQT còn lớn hơn nhiều so với DN dân sự bởi nhiều lý do cả về khách quan và chủ quan. Do vậy, cần chủ động xây dựng chiến lược hội nhập trên cơ sở xuất phát từ chiến lược phát triển DN, phục vụ cho chiến lược phát triển của DN. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình phát triển, phương án đầu tư, huy động vốn, phương hướng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức lại DN theo yêu cầu phát triển SXKD... Bên cạnh đó, các DNQĐ phải nhanh chóng nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp kinh doanh quốc tế, đặc biệt là luật pháp của các nước đối tác kinh doanh, tránh những thiệt hại xảy ra do sự thiếu hiểu biết luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại trong quá trình hội nhập theo cam kết, cũng như khi đối đầu với các vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại (việc rất dễ xẩy ra và có xu hướng ngày càng tăng khi gia nhập WTO). Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, cả đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và công nhân sản xuất. Đối với lực lượng lao động trình độ cao, cần đảm bảo cho DN có lực lượng chuyên nghiệp và có thể thuê lao động xã hội làm việc, không nhất thiết chỉ là cán bộ quân đội, đặc biệt là lao động quản lý. Đầu tư nâng cao năng lực tài chính của các DNQĐ, trọng tâm là các  DN thuộc hệ thống quốc phòng, riêng các DN kinh doanh cần căn cứ vào chiến lược phát triển của mình để bổ sung đủ vốn cho nhu cầu SXKD và  tăng cường năng lực cho các DNQĐ để tham gia thị trường tài chính, huy động vốn qua thị trường tài chính.  Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành đối với các DNQĐ nhằm khai thác các lợi thế, phát huy sự năng động của DNQĐ theo định hướng chiến lược đã chọn. Với những sản phẩm dân sự bán ra thị trường cần hạch toán riêng, tính đầy đủ chi phí và DNQĐ phải được quyền chủ động như các DN dân sự khác.
Kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm SXKD những năm qua, các DNQĐ cần chủ động, nhạy bén tận dụng thời cơ, loại trừ nguy cơ, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình trong tiến trình hội nhập KTQT, góp phần nâng cao năng lực quốc phòng và sức mạnh chiến đấu của quân đội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập KTQT.
 
Đại tá,  PGS, TS. Nguyễn Anh Hoàng
 

Ý kiến bạn đọc (0)