Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:23 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Vùng biển, đảo Đông Bắc (VBĐĐB) có vai trò rất quan trọng về kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) và đối ngoại của đất nước. Góp phần xây dựng vùng biển, đảo của cả nước nói chung, VBĐĐB nói riêng vững mạnh toàn diện là một trọng trách đang được lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân nỗ lực thực hiện. Nhằm phản ánh thực tế đó, trong 3 số ( 6,7,8 - 2010) Tạp chí Quốc phòng toàn dân xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài viết "Vì sự bình yên và phát triển của vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc".
PHẦN I: Vùng biển, đảo Đông Bắc - tiềm năng, giá trị kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh
Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, với bờ biển dài trên 3.260km; có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700km2, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ.
Là một trong các vùng biển, đảo lớn của cả nước, VBĐĐB chiếm phần lớn diện tích của Vịnh Bắc Bộ; có 4 huyện đảo: Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải và Bạch Long Vĩ. Ở đây, 2 đảo Cái Bầu và Cát Bà có diện tích lớn trên 100km2 (2 trong số 3 đảo có diện tích lớn nhất nước) cùng với trên 2.300 đảo lớn nhỏ, tập trung ở vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng; trong đó, Quảng Ninh có 2.078 đảo với diện tích 670km2 và Hải Phòng có 243 đảo với diện tích 172km2. Trong lịch sử và hiện tại, khu vực này có vị trí vô cùng quan trọng về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN.
Tiềm năng, giá trị KT-XH của VBĐĐB là rất lớn so với các vùng biển đảo khác của đất nước, thể hiện ở quy mô lãnh thổ, tài nguyên, năng lực nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch, vận tải biển,... So với các vùng khác trong nội thủy, Quảng Ninh-Hải phòng với vị thế là vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, có diện tích 7.419km2 và dân số 3.241.850 người (năm 2009), đang được đầu tư mạnh; kết cấu hạ tầng khá tốt; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường không, đường bộ thuận tiện. Trong tương lai, khu vực này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế lớn và hiện đại của cả nước, một hành lang kinh tế dải ven biển quan trọng nhất của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng vùng biển, đảo ven bờ đã được cải thiện một bước quan trọng, thúc đẩy thế mạnh về dịch vụ, du lịch, nuôi trồng hải sản, đưa khu vực này ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của vành đai kinh tế quanh Vịnh Bắc Bộ. Theo hướng đó, các huyện đảo Vân Đồn, Cát Bà và Bạch Long Vĩ sẽ trở thành khu kinh tế biển tổng hợp, để từ đó phát triển, lan tỏa ra các cụm đảo, quần đảo ngoài xa và cả VBĐĐB của Tổ quốc; đảo Vĩnh Thực nằm trong mối liên kết với Móng Cái sẽ trở thành trung tâm kinh tế cửa khẩu có chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, cảng trung chuyển quốc tế. Đây còn là vùng cửa ngõ đi ra biển của Bắc Bộ và Tây Nam Trung Quốc, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, bao gồm: dịch vụ cảng biển và giao thông thủy; dịch vụ tổng hợp và du lịch biển đảo. Ngoài các hệ thống cảng lớn trong đất liền, như cụm cảng Quảng Ninh, cụm cảng Hải Phòng, hệ thống cảng phục vụ dân sinh và quốc phòng đã được xây dựng ở Cô Tô, Thanh Lam, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cái Bầu, Vĩnh Thực, Vân Đồn;... Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng với các tuyến đường sắt, đường bộ ven biển, cho phép VBĐĐB có khả năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh tới mọi miền của Tổ quốc và ra nước ngoài, góp phần thúc đẩy cực tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, tiềm năng khoáng sản trên hệ thống các đảo ven bờ cũng khá đa dạng (cát thủy tinh Vân Hải; đá vôi, kẽm và thủy ngân ở Cát Bà; than đá, vàng ở Cái Bầu; sắt ở Vĩnh Thực, Cái Chiên, Trà Bàn, Thẻ Vàng... VBĐĐB còn có tiềm năng về nguồn lợi hải sản to lớn, mang lại giá trị kinh tế cao (trữ lượng cá khoảng 542.730 tấn/năm, khả năng khai thác 312.092 tấn/năm; tôm có trữ lượng khoảng 7.840 tấn và khả năng khai thác 4.230 tấn/năm). Riêng tỉnh Quảng Ninh, hằng năm đánh bắt hải sản đạt trung bình 65.252 tấn (nuôi trồng đạt 30.667 tấn); trong đó, huyện đảo Vân Đồn đánh bắt được 9.759 tấn và huyện Cô Tô được 7.950 tấn. Đối với Hải Phòng, năm 2009, tổng sản lượng thủy sản đạt 86,87 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2008. Ngoài ra, VBĐĐB còn có các loài động vật và hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, như: đồi mồi, rắn biển, chim biển, cá mòi mờ, bào ngư, ốc nón, trai ngọc, ngao hoa, ngó đỏ... Hải sản ở VBĐĐB là nguồn lợi hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thực phẩm phục vụ dân sinh mà còn tạo nguồn xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH.
VBĐĐB nước ta có rất nhiều lợi thế về du lịch biển, với nhiều trung tâm du lịch quan trọng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông-Nam Á. Đặc biệt, nơi đây có Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới về cảnh quan thiên nhiên (năm 1994) và Di sản thế giới về địa chất, địa mạo (năm 2000). Do có không gian rộng lớn, nối liền các điểm du lịch Móng Cái - Bái Tử Long - Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn; có hệ sinh thái đa dạng, gồm: Vườn quốc gia Bái Tử Long, Di sản thế giới Hạ Long, khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà; nhất là có nhiều bãi biển đẹp: Trà Cổ, Cô Tô, Bãi Dài, Tuần Châu; liên kết với các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như: Bãi cọc Bạch Đằng, Thành Nhà Mạc, Núi Yên Tử; Núi Bài Thơ;... nên nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch. Hằng năm, khu vực này đã thu hút 15,3% lượng khách du lịch quốc tế, 11,2% lượng khách nội địa của hệ thống du lịch biển Việt Nam; chiếm 5,8% doanh thu, 16,9% số khách sạn và 8,1% số lao động trực tiếp của hệ thống du lịch cả nước. Chỉ tính riêng năm 2009, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 4,8 triệu lượt người, doanh thu 2.800 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2008); đến Hải Phòng đạt 4 triệu lượt người (tăng 6,2% so với năm 2008).
Về QP-AN, VBĐĐB có vị trí vô cùng quan trọng đối với cả nước. Với một vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, địa hình quanh co, khúc khuỷu; các đảo được phân bố thành nhiều tuyến, nhiều lớp hình cánh cung từ trong bờ biển ra tới ngoài khơi; các vịnh, vũng, thông với nhau bằng các Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Mô... cho phép hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, tạo nên thế bố trí chiến lược trên bờ, dưới nước, thuận lợi cho việc bảo vệ, kiểm soát, làm chủ VBĐĐB. Trong lịch sử, nơi đây đã gắn liền với những chiến công oanh liệt của cha ông ta, với 3 lần đại thắng quân Nam Hán, Tống và Nguyên Mông. Vùng Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã ghi nhận chiến công vang dội của Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền chở lương thảo của quân Nguyên. Ngoài ra, trên các vùng biển, đảo ven bờ còn lưu giữ nhiều di tích, như: Bãi Cọc Bạch Đằng; di tích đồn lũy Thành Nhà Mạc ở đảo Cát Bà, Đồn Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) thời Minh Mạng. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đây là điểm khởi đầu của tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Nơi đây đã từng ghi nhận những chiến công vang dội của quân và dân ta trong chống chiến tranh phá hoại của lực lượng không quân Mỹ đối với miền Bắc, mở đầu từ ngày 5-8-1964. Nằm trong hệ thống các đảo tiền tiêu, chuỗi đảo Vĩnh Thực-Vạn Vược, Sậu Nam-Ba Mùn-Quan Lạn, Bạch Long Vĩ và quần đảo Cô Tô là nơi có thể kiểm soát hoạt động ra, vào, đi lại của tàu thuyền trên vùng biển nước ta. Hệ thống các đảo gần đất liền, có các cửa sông quan trọng, như: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Bò Vàng, Cửa Hứa...; có các vịnh sâu, kín gió, như: Vịnh Tiên Yên-Hà Cối (400km2); Vịnh Bái Tử Long (560km2) thuận lợi cho neo đậu tàu, thuyền và thiết lập các căn cứ hải quân lớn. Hệ thống các đảo tuyến giữa có địa hình núi thấp, phạm vi quan sát rộng; có nhiều hang động rộng lớn, cùng với các dải đất liền ven biển có mạng lưới giao thông thuận tiện cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, trận địa phòng không, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình ngầm, sân bay... tạo thế phòng thủ vững chắc cho bảo vệ VBĐĐB của Tổ quốc. Với tiềm năng lớn về KT-XH, QP-AN, trong những năm gần đây, VBĐĐB đã trở thành một khu vực phát triển sôi động của cả nước; đi liền với sự phát triển, các yêu cầu về ổn định an ninh, duy trì luật pháp và bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng không ngừng tăng lên. Yêu cầu đó xuất phát từ thực tế tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong khu vực đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Trong khi nhiều vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo đang được các quốc gia tiếp tục giải quyết, nơi đây vẫn tồn tại, đan xen những thuận lợi và khó khăn, hợp tác và đấu tranh; tình trạng vi phạm luật pháp quốc tế vẫn tiếp diễn, nguy cơ về xung đột vũ trang vẫn chưa thể loại trừ.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ra Nghị quyết về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" nhằm nhanh chóng đưa nước ta trở thành một nước giàu về biển, mạnh về biển. Đó là cơ sở quan trọng cho việc tăng cường xây dựng, phát triển biển, đảo của cả nước nói chung, của VBĐĐB nói riêng. Thực hiện Chiến lược biển sẽ mở ra cơ hội mới cho nước ta tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và quốc tế để khai thác các tiềm năng KT-XH, vùng biển, đảo, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thực hiện thắng lợi Chiến lược biển là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó LLVT nhân dân với chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, có một trọng trách vinh dự và nặng nề đối với yêu cầu đó.
KHẮC THƯỜNG - HỒNG LÂM - ĐÌNH KHÁNG
(Số sau: Lực lượng vũ trang với sự bình yên và phát triển của vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc).
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011