QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:46 (GMT+7)
Vì sự bình yên và phát triển của vùng biển, đảo Đông bắc Tổ quốc (Phần III)

PHẦN III - Ý nghĩa, bài học và những vấn đề đặt ra


Tham gia xây dựng cơ sở chính trị-kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn công tác là một nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang (LLVT) trong thời bình. Cùng với toàn quân, với ý thức trách nhiệm chính trị cao, gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ"; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo Đông Bắc (VBĐĐB) đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, kể cả hy sinh, trực tiếp góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của một vùng địa đầu, phên dậu của đất nước.

Giá trị, ý nghĩa từ những việc làm nêu trên không thể chỉ đánh giá bằng những con số thống kê khô khan; điều quan trọng là thông qua thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất và công tác, LLVT đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, bản chất một đội quân cách mạng, của nhân dân, vì nhân dân, đã cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương và các lực lượng chức năng khác, xung kích, đặt nền móng cho việc ổn định dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu - yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự ổn định và phát triển. Trên một vùng biển, đảo rộng lớn, trước đây vốn hoang sơ, thưa thớt dân cư, đến nay đã hình thành các tổ chức hành chính, dân cư, cố kết ngày càng chặt chẽ với nhau và với đất liền. Cùng với đó là sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo đời sống, sản xuất, thông thương, giao lưu... Những đổi thay tích cực đã làm cho dân cư trên địa bàn ngày càng yên tâm, gắn bó với biển, đảo, phát triển kinh tế và chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị, giữ gìn an ninh, chủ quyền biển, đảo. Qua đó, đã thiết thực ngăn ngừa, hạn chế đáng kể sự đe dọa, tàn phá của thiên tai; tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, xâm hại môi trường biển, xâm phạm chủ quyền, tài nguyên biển, đảo...

Điều đáng nói nhất là, gắn liền với các thành tựu của công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm, chú trọng đầu tư, xây dựng các vùng biển, đảo nói chung, VBĐĐB nói riêng ngày càng vững mạnh. Nền móng cho sự ổn định và phát triển của địa bàn, qua đó đã ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc. Trên VBĐĐB, cùng với nhiều dự án phát triển tổng thể, ngày 19-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1296/ QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, Vân Đồn sẽ trở thành KKT tổng hợp; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đảm bảo QP-AN khu vực Đông Bắc Tổ quốc; đồng thời, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa KKT với khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà, KKT Đình Vũ-Cát Hải, thành phố cửa khẩu Móng Cái, đảo Hải Nam và với đại lục Trung Quốc... Quy mô, tính chất, năng lực và giá trị tổng hợp từ những dự án xây dựng VBĐĐB sắp tới sẽ tạo ra đảm bảo cơ bản cho sự ổn định và phát triển ở nơi đây; đương nhiên, những gì đã được kiến tạo từ hôm nay sẽ mãi giữ nguyên giá trị với VBĐĐB của Tổ quốc.

Quá trình làm nhiệm vụ trên VBĐĐB Tổ quốc của LLVT, không những đã góp phần thiết thực vào sự ổn định và phát triển của địa bàn, mà còn là môi trường kiểm nghiệm, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ mới. Ở đó, sự hy sinh về vật chất, tinh thần và thử thách về ý chí, nghị lực... đã diễn ra quyết liệt, thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, không những bởi tính chất, yêu cầu nhiệm vụ mà còn cả tác động của bối cảnh kinh tế, xã hội thời bình. Cũng từ trong thử thách, hy sinh đã hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp mới của "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để LLVT nói chung, LLVT trên VBĐĐB nói riêng  có thể hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ và trưởng thành.

Từ thực tiễn tham gia xây dựng địa bàn VBĐĐB đã đúc rút ra nhiều bài học có giá trị đối với LLVT về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề cơ bản nhất là: cấp ủy và chỉ huy các cấp phải luôn chú trọng nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đặc biệt là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2000, các nhiệm vụ KT-XH, QP-AN trong từng giai đoạn, từng địa bàn, để làm cơ sở cho việc xác định các chủ trương, giải pháp phù hợp, khả thi với đặc điểm, điều kiện, nhiệm vụ của mình và thực tế địa bàn.

Gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, LLVT cần chủ động, tăng cường quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng cấp trên để nắm vững các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, phát triển và bảo vệ địa bàn biển, đảo; tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội của địa phương để kịp thời nắm bắt, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, QP-AN; thực hiện tốt chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng-quân sự địa phương, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện công tác này.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa bàn phải thường xuyên quan tâm đồng bộ các yếu tố tư tưởng, tổ chức và chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ. Việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ phải đi liền với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch và điều kiện đảm bảo; các chế độ, chính sách phục vụ sinh hoạt, làm việc, hậu phương, gia đình…

Xây dựng vùng biển, đảo nói chung, VBĐĐB nói riêng vững mạnh toàn diện đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân trong triển khai thực hiện. Yêu cầu đó vừa qua đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng trên VBĐĐB chú trọng, đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tình hình kinh tế, chính trị, QP-AN và đối ngoại trên địa bàn có sự phát triển, ngày càng ổn định. Việc quán triệt và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN; xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Sự phối hợp giữa LLVT với các tổ chức, đoàn thể, lực lượng chức năng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất trên địa bàn đã ngày càng đi vào nền nếp, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, thiết yếu. Các LLVT đã phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biển, đảo.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng VBĐĐB vừa qua cũng cho thấy những hạn chế, bất cập về cơ chế tổ chức phối hợp thực hiện cũng như các yếu tố đảm bảo nói chung và phát huy thường xuyên, đầy đủ vai trò của LLVT nói riêng. Hạn chế, bất cập chủ yếu cần tập trung khắc phục là: việc triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể về kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN biển, đảo giữa các ngành, các địa phương còn chưa thường xuyên chặt chẽ, đồng bộ; vai trò quản lý nhà nước về biển, đảo còn có biểu hiện buông lỏng, chồng chéo, thiếu sự phối hợp liên ngành và vùng lãnh thổ...

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển, thiết nghĩ, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay là: tăng cường vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và chính sách đúng đắn, phù hợp đối với việc xây dựng, phát triển biển, đảo vững mạnh toàn diện. Các chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; phân bố dân cư, bố trí lực lượng sản xuất vùng biển, đảo; hợp tác khai thác nguồn lực tổng hợp của biển, đảo, phải quan tâm đầy đủ tới các yêu cầu về QP-AN cả trước mắt và lâu dài. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách cải thiện đời sống của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng thường xuyên làm nhiệm vụ trên những vùng biển, đảo còn nhiều khó khăn; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng... là yêu cầu hết sức cần thiết đối với việc xây dựng biển, đảo nói chung và VBĐĐB nói riêng.

KHẮC THƯỜNG - HỒNG LÂM - ĐÌNH KHÁNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)