QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:47 (GMT+7)
Vì sự bình yên và phát triển của vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc (Phần II)

PHẦN II - Lực lượng vũ trang với sự bình yên và phát triển của vùng biển, đảo Đông bắc Tổ quốc

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 xác định: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Một trong những định hướng chiến lược để thực hiện mục tiêu trên là: phát triển kinh tế biển phải gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) trên biển. Điều đó đồng thời cũng là sự khẳng định vai trò trực tiếp, nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) trong việc tham gia gìn giữ, xây dựng vùng biển, đảo của Tổ quốc nói chung, vùng biển, đảo Đông Bắc (VBĐĐB) nói riêng.

Thế trận QPTD trên VBĐĐB chỉ thực sự vững chắc một khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa biển, đảo và đất liền; với thế trận ANND, thế trận biên phòng toàn dân; với sự phát huy cao độ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của các LLVT trên địa bàn. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị LLVT làm nhiệm vụ trên VBĐĐB đã tăng cường các chủ trương, giải pháp nâng cao sức mạnh tổng hợp và chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả những yêu cầu mới về bảo vệ và phát triển biển, đảo đã được xác định trong Chiến lược Biển, theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiến hành công tác dân vận, các đơn vị LLVT thuộc Quân khu 3, các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an... đã phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chức năng của các địa phương trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, biển, đảo nói riêng trong thời kỳ mới. Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020"...; chú trọng phổ biến, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước ta; các hiệp định, hiệp ước về biên giới, hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc... Việc làm trên được kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) theo Chỉ thị 62-CT/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, các xã, phường biên giới, hải đảo trên địa bàn đã hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu về giáo dục QP-AN cho các đối tượng. Một số địa phương, như: Quảng Ninh, Hải Phòng đã chủ động bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối với các chủ hộ bến bãi, chủ tàu, thuyền. Riêng Quảng Ninh đã bồi dưỡng kiến thức kinh tế-quốc phòng (KT-QP) cho 2.215 chủ hộ thuộc đối tượng trên... Bám sát chức năng, nhiệm vụ, các LLVT trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 2491/HD-QP của Bộ Quốc phòng về "Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố QP-AN ở các xã biên giới, hải đảo"; tham mưu với các địa phương có các chủ trương chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương đất nước trên vùng biên giới, hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, liên doanh, liên kết, thương mại, du lịch và chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới, hải đảo; tạo môi trường hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Các việc làm đó đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Tiềm năng KT-XH được phát huy là sự đảm bảo quan trọng để tăng cường tiềm lực QP-AN; qua đó, sự ổn định về chính trị, xã hội ngày càng được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng biển, đảo, trong đó có VBĐĐB. Trong tổ chức thực hiện, các địa phương đã chú trọng việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và luôn đặt nó trong quy hoạch tổng thể gắn với QP-AN. Nhiều dự án KT-QP có giá trị thiết thực trên nhiều mặt, cả về trước mắt và lâu dài, đã được thực hiện trên nhiều địa bàn VBĐĐB Tổ quốc. Với chức năng công tác và lao động sản xuất, các đơn vị LLVT trên địa bàn, tùy theo đặc điểm, nhiệm vụ của mình, đã tích cực tham gia thực hiện các dự án, chương trình phát triển biển, đảo; xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo với những chủ trương và giải pháp phù hợp. Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn có 514 km bờ biển thuộc 18 huyện (trong đó có 140 xã mép nước, 41 xã đảo), với trách nhiệm chính trị cao và tổ chức chặt chẽ, LLVT Quân khu 3 đã trực tiếp tham gia có hiệu quả vào nhiều dự án phát triển KT-XH kết hợp với QP-AN trên tuyến biển, như: lấn biển Bắc Cửa Lục (Quảng Ninh), Cồn Vành (Thái Bình), Cồn Xanh (Nam Định), Bình Minh 3 (Ninh Bình)... Các dự án, chương trình KT-QP lớn khác, như: Chương trình 135; Chương trình kinh tế mới; Dự án di giãn dân định cư ở các xã giáp biên giới, xã hải đảo; Dự án "Bắc Hải Sơn"; Dự án thủy lợi đập Hài Lạc; các dự án nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, đặc biệt là Dự án Thanh niên Bạch Long Vĩ; Chương trình "Biển Đông-Hải đảo" trải rộng trên 4 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đến nay đã hoàn thành xong nhiều hạng mục công trình lớn... LLVT Quân khu đã vận động 300 hộ với hơn 1.500 khẩu ra sinh sống ở các đảo Ngọc Vừng, Thanh Lân, Cô Tô; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác giúp đỡ 1.535 hộ dân xóa đói, giảm nghèo và thực hiện xóa nhà tạm, cải thiện điều kiện ăn, ở sinh hoạt cho 2.587 hộ nghèo trên địa bàn; tham gia xây dựng hệ thống tưới tiêu vùng ven biển và một số hồ, đập chứa nước vùng biên giới Quảng Ninh; cải tạo nâng cấp thủy lợi đồng muối, mương tiêu ngăn mặn phục vụ nuôi, trồng thủy sản; khôi phục, nâng cấp gần 1.200 km đê, kè biển và cửa sông thuộc Dự án PAM; trồng trên 50.000 ha rừng phòng hộ, giao hơn 6.600 ha rừng cho 2.076 hộ nông dân, trên 130.000 ha rừng cho các lâm trường và LLVT nhân dân quản lý. Đồng thời, tiến hành khảo sát quy hoạch các vùng bãi bồi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nuôi, trồng thủy sản với diện tích hàng chục nghìn ha. Nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế bước đầu có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thủy sản vùng duyên hải Bắc Bộ và từng bước khôi phục, phát triển các ngành chế biến, dịch vụ hải, thủy sản...

Cùng với LLVT Quân khu 3, Vùng 1 Hải quân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên địa bàn cũng có những hình thức phù hợp để tăng cường công tác dân vận, tham gia xây dựng địa bàn. Lực lượng Vùng 1 Hải quân có chủ trương: tích cực tham gia các chương trình phát triển KT-XH của các địa phương ven biển, nhất là ở đảo Bạch Long Vĩ; hỗ trợ, khuyến khích ngư dân và các thành phần kinh tế vươn ra khai thác biển xa... Các đồn biên phòng thực hiện mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo và chương trình "Mỗi đồn biên phòng đều có dự án tham gia phát triển KT-XH" ở địa phương đạt kết quả tốt...

Sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế ở các tuyến biên giới biển, đảo đã được LLVT phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng trên địa bàn tham gia tích cực với việc huy động nhân lực, vật lực tham gia xây dựng hơn 1.000 phòng học kiên cố và trên 800 nhà học cấp 4. Với trách nhiệm và tình cảm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong LLVT Quân khu 3 đã phối hợp vận động trên 3.000 học sinh bỏ học tới trường; mở 145 lớp cho gần 5.000 học sinh tái mù chữ; vận động xây dựng hơn 100 phòng học tình thương, giúp nhiều quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho con em vùng biên giới, hải đảo... Tham gia phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho dân, ngoài việc phát huy tác dụng của 2 viện Quân y, 20 Trạm xá quân-dân y kết hợp, hằng năm Quân khu còn tổ chức các đợt hành quân dã ngoại khám, chữa bệnh cho hàng vạn lượt người trên địa bàn biển, đảo.

Những năm qua, LLVT Quân khu 3, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đã tích cực góp sức trong phong trào xây dựng, nâng cấp điện, đường, trường, trạm ở các địa phương. LLVT luôn phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội; chủ động huy động nhân lực tham gia thi công "nhựa hóa, bê tông hóa" hệ thống giao thông nông thôn và "cứng hóa" hệ thống thủy lợi nội đồng; cải tạo, nâng cấp các trạm biến áp, trạm trung chuyển và đường dây tải điện cao áp, trung áp xuống các địa phương tuyến biển, đảo và lên các xã vùng cao biên giới Quảng Ninh. Đến nay, cơ bản các xã, phường biên giới, hải đảo trên địa bàn Quân khu đã có đường xe ô tô vào đến trụ sở; được phủ sóng truyền hình và đài phát thanh; có bưu điện, nhà văn hóa; 100% xã có máy điện thoại; các tuyến đảo đều có trạm truyền thông vi ba, đáp ứng đời sống sinh hoạt và sự phát triển KT-XH ở các địa phương. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng ổn định và nâng lên là cơ sở để nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân; là nguồn động viên để đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động QP-AN, đấu tranh chống "Diễn biến hòa bình", phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn  xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; góp phần giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn.

Trong thực hiện chức năng cơ bản, LLVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng, vận dụng nhiều hình thức, biện pháp tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành trọng trách là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo. Trước hết, LLVT đã tích cực tham gia củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với từng loại hình cơ sở, coi đó là động lực thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Trong 5 năm qua, LLVT Quân khu 3 đã phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp gần 1 vạn đảng viên; phối hợp tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ quản lý KT-XH, nghiệp vụ chuyên môn cho hơn 11 vạn cán bộ xã, bản vùng biên giới, biển, đảo. Việc phối hợp bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cơ sở đã chú trọng tới địa bàn biển, đảo. LLVT Quân khu 3 đã tổ chức đưa 34 sĩ quan tăng cường cho các xã biên giới, hải đảo; Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã cử 12 cán bộ tăng cường cho các xã (phường) biên giới, trong đó có 4 đồng chí tham gia vào đảng ủy xã (phường), 6 đồng chí tham gia vào Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2004-2009. Việc phối hợp bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cơ sở đã tạo được sự chuyển biến tích cực, tương đối đồng bộ trong hệ thống chính trị các xã (phường) biên giới, hải đảo trên địa bàn. Hằng năm, qua đánh giá phân loại của các địa phương vùng biên giới, biển, đảo trên địa bàn, có khoảng 52,6% tổ chức đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, 46% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các tổ chức quần chúng cơ bản đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Với sự tham gia tích cực của LLVT, trên các địa phương VBĐĐB đã xuất hiện nhiều hình thức tham gia gìn giữ chủ quyền, an ninh biển, đảo. Ở các xã (phường) biên giới, biển, đảo đã thành lập các đội tự quản đường biên, cột mốc, ngư trường, bến bãi; các cụm tàu, bè an toàn, cụm đầm an toàn, cụm an ninh liên kết. LLVT các xã (phường) được quan tâm xây dựng, kiện toàn, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Các địa phương đã xây dựng mỗi xã (phường) có một trung đội dân quân cơ động; ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới, hải đảo có trung đội dân quân thường trực, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Các lực lượng Quân sự địa phương, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Dân quân, Tự vệ biển đã thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập về phòng thủ biển, đảo; huấn luyện, diễn tập và tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo; đi đầu trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Hằng năm, LLVT phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng ngàn lượt người, phương tiện vi phạm quy chế biên giới, biển, đảo, như hoạt động thăm dò khoáng sản, khai thác hải sản trái pháp luật, cùng nhiều hoạt động tội phạm trên VBĐĐB thuộc chủ quyền của ta. Trong gần 3 năm qua, LLVT đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, ngăn chặn, xử lý gần 17.300 lượt người nước ngoài xâm nhập trái phép, 24 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, 8 vụ vận chuyển tiền giả, 52 vụ buôn bán chất ma túy; đặc biệt, ngày 12 tháng 5 năm 2008, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Cục Cảnh sát biển phối hợp với Công an, Hải quan tỉnh Quảng Ninh, đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 8,8 tấn nhựa cần sa (số lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay tại nước ta và khu vực)...

Cùng với LLVT cả nước, LLVT VBĐĐB đã góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi đây làm thay đổi bộ mặt kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn. Những thay đổi đó đã tạo ra đảm bảo quan trọng cho sự ổn định và phát triển tiếp theo không những của khu vực mà còn đối với các vùng biển, đảo chung của cả nước trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

KHẮC THƯỜNG - HỒNG LÂM - ĐÌNH KHÁNG

(Số sau: Ý nghĩa, bài học và những vấn đề đặt ra).

Ý kiến bạn đọc (0)