Thứ Sáu, 22/11/2024, 02:01 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Gần đây, trên mạng Internet có một số website, blog cá nhân đăng tải những bài viết, diễn đàn, trao đổi,... tập trung kêu gọi lập chế độ đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Việc làm đó có mục đích gì? Vì sao họ lại rùm beng đến như vậy?
Lướt qua một số sản phẩm nêu trên, có thể thấy, trước khi đề cập đến vấn đề “đa nguyên”, “đa đảng” ở Việt Nam, tác giả của chúng thường “tấu một bản nhạc” quen thuộc, đó là: tung hô hết lời nền dân chủ tư sản; cho rằng, xã hội đại nghị tư sản mà các nước phương Tây, điển hình là Mỹ đang duy trì là sự “hoàn thiện”, “mẫu mực” về dân chủ. Họ cho rằng, chỉ có trong cơ chế “đa nguyên, đa đảng” mới thực sự có dân chủ; ngược lại, xã hội duy trì theo cơ chế một đảng lãnh đạo sẽ dẫn đến mất dân chủ, “độc tài”, “đảng trị”...
Không lạ gì những ngôn từ mà họ đưa ra. Đó vẫn là luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Gần đây, có bài viết làm ra vẻ khách quan, đại ý rằng: Đảng đã có công lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng hiện nay thì “đã hết vai trò lịch sử”, cần phải “trao lại cái quyền đó cho nhân dân”. Đó vẫn là “điệp khúc” xuyên tạc, bóp méo mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới; cho rằng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là “đỏ vỏ, xanh lòng”; đường lối đối ngoại là “thiếu bản lĩnh”, phụ thuộc vào nước này, nước nọ... Họ bịa đặt rằng, “chính sách Nhà nước Việt Nam không do các thiết chế quốc gia hoạch định, mà mọi sự do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định”. Với một sự định kiến sẵn có, bất kỳ một chủ trương, quyết sách nào được Đảng, Nhà nước ta thông qua (chẳng hạn: xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án khai thác quặng bô-xít ở Tây Nguyên; chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội hay việc thực hiện chính sách đền bù đất nông nghiệp cho nông dân;...), họ đều đồng thanh la lối, rằng: “thiếu căn cứ khoa học”, “không khả thi”, v.v. Trước những khó khăn của đất nước, những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, những cái “loa tuyên truyền” kiểu này được dịp mở hết công suất, đổ mọi lỗi lầm cho Đảng, rằng: Đảng là nguồn gốc “của những bất ổn xã hội”; của tệ quan liêu, tham nhũng và “phải chịu trách nhiệm trước nhân dân” về những điều đó. “Sáng kiến tâm huyết” mà họ đưa ra là: Đảng Cộng sản Việt Nam phải “tự từ bỏ vai trò độc tôn lãnh đạo, nếu không muốn mắc sai lầm thêm nữa”. Họ đòi “xóa bỏ Điều 4” trong Hiến pháp; kích động quần chúng đấu tranh cho một thể chế xã hội đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.v.v. và v.v.
Những lý thuyết của họ đưa ra có thể làm phân tâm, hoài nghi đối với một số người thiếu thông tin, kém hiểu biết; còn với tuyệt đại đa số đảng viên, cán bộ, quần chúng nhân dân, bản chất của vấn đề vẫn luôn được nhận thức đúng đắn. Thực ra, mô hình của nền dân chủ tư sản là nền dân chủ vị kỷ, bảo vệ lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản thống trị xã hội. Sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị trong xã hội tư bản với cơ chế “tam quyền phân lập”, cũng không biện minh được cho tính chất phi dân chủ của nhà nước tư sản. Ngày nay, ở các nước tư bản phương Tây, những bất ổn về dân chủ vẫn còn hiện hữu; những đại diện của các “tầng lớp thấp” trong cơ cấu của nhà nước tư sản vẫn không giúp gì nhiều cho việc giải quyết những vấn nạn, như: tình trạng thất nghiệp, tội phạm gia tăng; đời sống bấp bênh của lớp người sống trong những khu ổ chuột, cũng như quyền con người tối thiểu về dân sự và chính trị ở đó không được pháp luật bảo đảm. Việc “xuất khẩu dân chủ”, áp đặt những giá trị phương Tây cho các quốc gia khác ngày càng bộc lộ rõ bản chất phản dân chủ của nhà nước tư sản. Cái mà người ta gọi là “dân chủ không có giới hạn”, “dân chủ không biên giới”, chẳng qua chỉ là hành động dọn đường cho sự can thiệp thô bạo của các nước lớn vào các quốc gia có chủ quyền, nhưng yếu thế, không hơn, không kém!
Quan niệm của chúng ta về dân chủ khác về bản chất với quan điểm của “các nhà dân chủ” theo lập trường phương Tây. Nền dân chủ của chúng ta là nền dân chủ XHCN, thuộc về nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - người đại diện chân chính cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo cách mạng, nhưng từ trong Cương lĩnh đã khẳng định rõ, Đảng không mưu lợi riêng cho giai cấp công nhân hay bất kỳ một tầng lớp, giai cấp nào khác trong xã hội, mà là vì quyền lợi của nhân dân lao động và toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước hướng vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; mọi người dân thuộc đủ các thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của mình thông qua Nhà nước pháp quyền XHCN - nhà nước của dân, do dân và vì dân, hoàn toàn không cần tới một cơ chế đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập. Trong nền dân chủ XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi người dân đều được bảo đảm đầy đủ những quyền cơ bản về chính trị, xã hội và dân sự; được tham gia đóng góp ý kiến vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; được tự do bày tỏ chính kiến về những vấn đề hệ trọng của đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, dân chủ không có nghĩa là đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc; dân chủ phải được thực thi trong mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc của pháp luật, pháp chế XHCN - một nền pháp chế được xây dựng vì quyền lợi của đa số nhân dân lao động. Với ý nghĩa đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết để nền dân chủ XHCN được phát huy; là sự bảo đảm để dân chủ luôn trong khuôn khổ của pháp luật, khắc phục những biểu hiện tự do, dân chủ vô giới hạn hoặc sự lợi dụng quyền dân chủ để phá hoại chế độ XHCN. Biện chứng của dân chủ XHCN được thể hiện chính ở điều đó. Và đó cũng là điểm căn bản để nhận thức sự khác biệt về chất giữa dân chủ XHCN và dân chủ tư sản. Có lẽ, tác giả của những bài viết, diễn đàn,... thường cường điệu về sự “hoàn mỹ” của nền dân chủ phương Tây, cũng phần nào hiểu được điều này, nhưng họ cố tình không bàn đến, vì một động cơ khác(!)
Thực tiễn đất nước Việt Nam 80 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, dân tộc. Với một Cương lĩnh đúng đắn, chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến và phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân, điều mà trước đó, nhiều trào lưu của các văn thân, sĩ phu yêu nước đại diện cho các tầng lớp, đảng phái khác nhau không làm được. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã kiên trì cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thắng lợi; tiếp đó là giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đem lại quyền dân chủ cao nhất, thiêng liêng nhất cho toàn thể dân tộc Việt Nam; đó là quyền được sống trong tự do, độc lập. Chẳng lẽ, việc dẫn dắt cả một dân tộc giành lấy quyền tự quyết cho dân tộc mình, chấm dứt sự nô dịch, áp bức, can thiệp của dân tộc khác, đúng với tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc đề ra, lại là một việc làm “không phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân Việt Nam”, như ai đó cố tình xuyên tạc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước gần 25 năm qua đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong 10 năm (2001-2010) đạt bình quân 7,2%/ năm; GDP năm 2010 ước đạt 106 tỷ USD (gấp 2 lần so với năm 2005; gấp 3,4 lần so với năm 2000), bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Đường lối đổi mới của Đảng đang tiếp tục được thể chế hóa thành pháp luật, cơ chế, chính sách, bảo đảm ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng được xác lập rõ nét; các mục tiêu xã hội được quan tâm thực hiện có kết quả cao, đời sống của nhân dân cả nước không ngừng được cải thiện; công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội đạt những kết quả tích cực. Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực; hết sức coi trọng phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào những việc hệ trọng của đất nước và thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Những vấn đề hệ trọng liên quan đến “quốc kế dân sinh” đều được đưa ra dân chủ bàn bạc, biểu quyết tại Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, tinh thần dân chủ, đổi mới tiếp tục được phát huy thêm một bước; đã giải quyết được khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng; biểu quyết thông qua nhiều dự án lớn, và cũng cân nhắc thận trọng, chưa thông qua những dự án chưa đủ căn cứ khoa học.
Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rất sâu sắc: tham nhũng, lãng phí là một hiểm họa của xã hội, một thứ “giặc nội xâm”, cản trở mọi quyết tâm đổi mới; do đó, đã có nhiều biện pháp kiên quyết đấu tranh, nhằm từng bước hạn chế, đẩy lùi tệ nạn này trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) bàn riêng về chủ trương, biện pháp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng. Nhà nước Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (tháng 5-2009). Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (tháng 6-2009) và ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Tính đến nay, các cơ quan pháp luật đã cơ bản hoàn thành việc xét xử 8 vụ án trọng điểm. Trong số 17 vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đã có 6 vụ được xét xử và xử lý, 11 vụ đã kết thúc điều tra. Ngoài ra, còn nhiều vụ sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử trong thời gian tới. Thống kê trên cả nước, trong 11 tháng của năm 2009, cơ quan pháp luật đã khởi tố 289 vụ tham nhũng, với 631 bị can (tăng 2,48% số vụ và 1,45% số bị can so với cùng kỳ năm 2008). Tham khảo sự đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), liên tục trong các năm 2007, 2008, 2009, thứ tự của Việt Nam trong Bảng xếp hạng hằng năm về chống tham nhũng đều năm sau tốt hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền pháp chế XHCN đang ngày càng được tăng cường; Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động, mà rất quyết tâm làm trong sạch bộ máy công quyền; tuyệt nhiên không có sự “bao che” hay “dung túng” đối với các vụ tham nhũng nói riêng và tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, như một số người vẫn vu cáo.
Lý luận và thực tiễn đều bác bỏ một cách đanh thép những sự vu cáo, bịa đặt về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, qua đó cũng khẳng định rõ, những luận điệu tuyên truyền về chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam, về thực chất, chỉ là nhằm thực hiện mục tiêu chính trị đen tối của các thế lực phản động hòng đi ngược lại xu thế tất yếu của đất nước, dân tộc. Chỉ cần điểm danh một số tên tuổi - tác giả của những bài viết, diễn đàn, trao đổi,... trên đây - thì ai cũng nhận rõ bản chất của vấn đề mà họ đưa ra. Đó là: Bùi Tín, Dương Thu Hương,... những nhân vật từng đã có thời kỳ thành danh trong sự nghiệp báo chí, văn chương nước nhà, nhưng có lẽ vì “cái tôi” quá lớn, nên giờ đây họ quay lại nói xấu Đảng, chê bai chế độ. Đó là Võ Văn Ái - một “kẻ gian manh” - như cách gọi của một số người ở hải ngoại; vốn là một quân nhân trong chế độ ngụy quyền Sài Gòn trước đây, sau giải phóng miền Nam, sang định cư ở Pháp; đứng ra thành lập cái gọi là “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, lấy danh nghĩa để nhận sự tài trợ của NED (National Endowment for Democracy) - một tổ chức của người Mỹ - để hoạt động tuyên truyền, chống phá Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo. Đó là những người tự đứng ra xưng danh, nào là: “Đảng Thăng tiến”, “Đảng Nhân dân hành động”; là khối 8406, ô hợp trong danh sách những phần tử bất mãn với chế độ, trong đó có kẻ đã có tiền án, tiền sự về tội tuyên truyền, chống đối Nhà nước XHCN, như: Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Anh Kim,... Điều đáng chú ý là hoạt động của các tổ chức, cá nhân này đều có sự tiếp tay, giúp đỡ về tài chính của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Đó cũng là một lý do “tế nhị” và dễ hiểu, giải thích vì sao việc họ cổ xúy về vấn đề “đa nguyên, đa đảng” ở Việt Nam quyết liệt đến như vậy(!)
Có lẽ, vấn đề này cũng không cần phải bàn cãi nhiều. Bởi lẽ, sự thật vẫn là sự thật. Việc làm của những kẻ mượn danh “yêu nước” và “có trách nhiệm với dân tộc” không đánh lừa được những người yêu nước chân chính và có trách nhiệm thực sự với dân tộc những người đang hằng ngày, hằng giờ trăn trở với sự nghiệp đổi mới, để đưa đất nước, dân tộc đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong Cương lĩnh của mình và luôn nhận được sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Sự nghiệp đó hoàn toàn không phải nhờ đến sáng kiến “đa nguyên, đa đảng” mà “các nhà dân chủ” đưa ra. Dĩ nhiên, sự nghiệp đổi mới của đất nước đang còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có những thách thức rất gay gắt; nhưng không vì thế mà nhân dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào trí tuệ, bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, tin vào sự đoàn kết, nhất trí của nhân dân - điều đã được thực tế khẳng định suốt 80 năm qua.
THANH TÂM
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011