QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 00:02 (GMT+7)
Về xây dựng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường hiện nay
Giáo dục quốc phòng (GDQP) cho học sinh, sinh viên (HS,SV) trong các nhà trường là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, của chiến lược đào tạo con người mới XHCN nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Để đạt được mục tiêu đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng GDQP cho HS,SV bằng những giải pháp đồng bộ. Trong đó, xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP cho HS,SV trong các nhà trường ngang tầm với yêu cầu ngày càng cao của công tác này trong tình hình mới là vấn đề cấp thiết, quan trọng. Môn học GDQP trong các nhà trường, các trung tâm GDQP là quá trình giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc, quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng…kết hợp huấn luyện quân sự, trang bị những kỹ năng quân sự cần thiết cho HS,SV. Qua đó để HS,SV thấu suốt và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. GDQP là môn học có tính đặc thù, lưu lượng HS,SV lại lớn và không ngừng tăng, do đó việc xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP trong các nhà trường bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu tổ chức là yêu cầu bức thiết, quan trọng hiện nay.

 Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 15/2001/NĐ - CP của Chính phủ về GDQP, tháng 1 năm 2006, đã đánh giá: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDQP đã từng bước đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng”; đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập, đó là: “chưa thực hiện tốt chế độ, chính sách, tổ chức, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên GDQP trong các trường trung học phổ thông, chuyên nghiệp dạy nghề”. Việc đội ngũ giáo viên GDQP trong các nhà trường, nhất là trường trung học phổ thông, trường chuyên nghiệp dạy nghề chưa bảo đảm về số lượng, chất lượng là vấn đề nan giải và có nhiều nguyên nhân. Ngoài sự tác động “ràng buộc” bởi các quy định về tổ chức, biên chế...,theo chúng tôi, có nguyên nhân quan trọng do nhận thức về công tác GDQP của ngành chủ quản và cơ quan chức năng chưa thật sự sâu sắc, chưa quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP. Cùng với đó là việc thực hiện chế độ, chính sách và việc đầu tư kinh phí, phương tiện, vật chất đảm bảo cho công tác xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP cũng chưa thật tương xứng.
Hiện nay, trong các nhà trường có 4.764 giáo viên GDQP và 362 sĩ quan quân đội biệt phái sang Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đảm nhiệm công tác GDQP ở 11 Trung tâm và các trường đại học. So với yêu cầu, ngành GD và ĐT còn thiếu nhiều giáo viên GDQP. Nhưng có được kết quả đó cũng đã là một cố gắng lớn của ngành GD và ĐT. Trong những năm gần đây, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về giáo viên GDQP, Bộ GD và ĐT đã ban hành quyết định về đào tạo giáo viên ngắn hạn (6 tháng). Theo đó, các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, các sở GD và ĐT đã phối hợp với các nhà trường quân đội, cơ quan quân sự các cấp tổ chức đào tạo giáo viên GDQP từ nguồn tại chỗ để kiêm nhiệm giảng dạy môn GDQP. Cùng với đào tạo ngắn hạn, từ năm 2003, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo các trường đại học sư phạm tổ chức đào tạo dài hạn giáo viên GDQP trên cơ sở ghép với môn thể dục, giáo dục công dân, lịch sử. Nhờ đó, số lượng giáo viên GDQP qua đào tạo ngày càng tăng, tạo cơ sở ban đầu cho việc hoàn thành và phát triển đội ngũ giáo viên GDQP trong hệ thống nhà trường thuộc Bộ GD và ĐT. Có thể khẳng định, đó là một hướng giải quyết đúng, là cách làm phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu về số lượng, chất lượng giáo viên GDQP cho HS, SV trong các nhà trường.
Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP đủ số lượng, có chất lượng cao, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan, nhất là giữa Bộ GD và ĐT với Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính để tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP. Việc phối hợp cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, ban ngành. Hết sức tránh tình trạng thiếu trách nhiệm, dựa dẫm, ỷ lại lẫn nhau. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Chỉ thị 62 - CT/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị định 15/2001/NĐ - CP của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP đi vào nền nếp, hiệu quả. 
Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng là, Bộ GD và ĐT cần có Đề án xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP một cách cơ bản, mang tính chiến lược, với những bước đi vững chắc trong từng giai đoạn. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được vấn đề về xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP xứng với “tầm” của môn học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề án cần đánh giá đúng thực trạng về đội ngũ giáo viên GDQP trong các nhà trường hiện nay, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí về xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP, về tổ chức biên chế, chế độ chính sách và các giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng nữa là, cần coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP cả về số lượng, chất lượng gắn với việc kiện toàn tổ chức biên chế, cơ chế chính sách tại các trung tâm GDQP. Thực tiễn đã khẳng định, GDQP cho HS,SV tại các Trung tâm là có chất lượng, hiệu quả cao. Cũng vì thế, hiện nay các trung tâm GDQP đang “quá tải” do lưu lượng HS,SV vào học tập lớn, vượt nhiều lần so với chỉ tiêu trên giao, trong khi tổ chức biên chế, số lượng giáo viên GDQP không được tăng cường. Đây là điều bất hợp lý, gây khó khăn lớn cho các trung tâm GDQP. Chúng tôi được biết, nhằm bảo đảm chất lượng GDQP, các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ GD và ĐT, Hội đồng GDQP Trung ương cũng đã thống nhất và đề xuất với Chính phủ chủ trương tiến hành GDQP cho HS,SV tại các trung tâm là chủ yếu, trước mắt với sinh viên và từng bước với học sinh. Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đồng ý kế hoạch mở rộng quy mô, phát triển các trung tâm GDQP đến năm 2010. Việc đầu tư kinh phí xây dựng và đưa các trung tâm vào hoạt động đang từng bước được triển khai theo kế hoạch. Khi đã có chủ trương đúng đắn, nhưng gắn liền với đó cần phải có các giải pháp đồng bộ bảo đảm về giáo viên GDQP. Trước mắt, cần bảo đảm về số lượng, chất lượng và chế độ chính sách đối với giáo viên tại các trung tâm GDQP hiện đang hoạt động, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị giáo viên cho các trung tâm sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Những năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện đào tạo ngắn hạn để đảm bảo đến năm 2010 các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có đủ giáo viên GDQP theo biên chế. Trong quá trình thực hiện cần tận dụng nguồn tại chỗ, lựa chọn giáo viên các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Thể chất, hoặc những sĩ quan trong quân đội, những người đã qua quân ngũ chuyển ngành để đào tạo giáo viên GDQP. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng giáo viên, các địa phương, nhà trường cần kiên quyết thực hiện việc đưa giáo viên đang giảng dạy GDQP chưa qua đào tạo đi đào tạo ngắn hạn, hoặc bồi dưỡng, tập huấn theo hình thức liên kết. Chú trọng tiếp nhận giáo viên tốt nghiệp đào tạo dài hạn ghép môn để làm giáo viên chuyên trách giảng dạy môn GDQP. Những trường chưa biên chế, hoặc biên chế chưa đủ giáo viên và các trường dân lập, Bộ Quốc phòng, Bộ GD và ĐT cần phối hợp để phân luồng đưa học sinh vào học tại các trường quân sự hoặc cụm liên kết, các trường đại học có khoa GDQP hoặc các trung tâm GDQP.
 Để xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP ngang tầm với sự phát triển của giáo dục đại học, cần tiếp tục mở rộng đào tạo dài hạn giáo viên GDQP tại các trường đại học sư phạm, các trung tâm GDQP, kết hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội để sớm có đội ngũ giáo viên đủ trình độ, trẻ, khỏe, cống hiến được lâu dài, góp phần từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP. Tiếp tục đào tạo bổ sung nâng cao trình độ tương ứng với bậc học để tăng cường giáo viên có học vị cho các trường đại học và trung tâm GDQP.
Các địa phương, các trường cần tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ giáo viên và chất lượng giảng dạy môn GDQP. Cần động viên tinh thần hăng say nghiên cứu, tự học tập của từng giáo viên, giảng viên, thường xuyên cập nhật thông tin từ trong thực tiễn để mỗi bài giảng GDQP thực sự có tác dụng thiết thực đối với người học.
Cùng với việc bảo đảm số lượng, chất lượng, cần có chế độ chính sách phù hợp đối với đội ngũ giáo viên GDQP nhằm động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ GD và ĐT, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cần tiếp tục chỉ đạo các Sở GD và ĐT, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư Liên tịch số 28/2004/ TTLT - BGD và ĐT - BLĐTBXH - BNV - BQP Hướng dẫn về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên môn học GDQP. Trong đó, chú trọng vấn đề biên chế giáo viên GDQP đi đôi với mở rộng chỉ tiêu đào tạo giáo viên GDQP, ưu tiên cho các trường còn thiếu giáo viên GDQP. Từng địa phương, nhà trường cần chủ động có kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên GDQP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GDQP trong những năm tới. Theo sự thống nhất giữa Bộ Quốc phòng, Bộ GD và ĐT, việc kiện toàn về tổ chức và bổ sung sĩ quan biệt phái cho các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm GDQP cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
GDQP là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, lâu dài và có tính chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong đó, các nhà trường, các trung tâm GDQP có vai trò, vị trí rất quan trọng. Chỉ tính từ năm 2001- 2005, đã có hơn 3 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng, hơn 1,5 triệu học sinh các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, gần 13,5 triệu học sinh các trường trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ hơn 98% đã được GDQP. Đây là thành công lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, ý thức, trách nhiệm cao của các bộ, ngành chức năng đối với thế hệ tương lai của dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ giáo viên GDQP.
 
Đại tá, TS. Trần Đăng Thanh
 

Ý kiến bạn đọc (0)