QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:27 (GMT+7)
Về sự kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong chiến lược biển Việt Nam

Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Đảng ta đã xác định 3 quan điểm chỉ đạo định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; trong đó, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh” là một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng, nhằm bảo đảm cho nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đồng thời, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

 

Những năm gần đây, việc kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên biển, đảo đã đạt được một số kết quả quan trọng. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề có thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế mới, như: khai thác dầu khí, dịch vụ và du lịch biển... Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được quan tâm đầu tư có hiệu quả. Các kết quả điều tra, nghiên cứu về biển đã cung cấp sự hiểu biết khái quát các đặc trưng về điều kiện tự nhiên chủ yếu của biển, làm cơ sở xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế và bảo đảm QP-AN trên từng vùng biển, đảo. Hệ thống pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển, quản lý và thực thi pháp luật giữ gìn an ninh trên biển đã được xây dựng, như: Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản, Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam... Các ngành và địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển; trong đó, rõ nhất là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các địa phương ven biển, quy hoạch phát triển các đảo Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo, khu kinh tế ven biển Vân Phong, Cam Ranh, Chân Mây, Chu Lai, Nhơn Hội... đều gắn với yếu tố bảo đảm QP-AN. Trong quá trình phát triển nền kinh tế mở, trên địa bàn ven biển đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm, gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, hệ thống hơn 80 cảng biển lớn, nhỏ với tổng năng lực hàng hoá thông qua gần 100 triệu tấn /năm. Ở một số địa phương đã hình thành các trung tâm đô thị và kinh tế có khả năng làm “bàn đạp” tiến ra biển, như Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Ranh, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc. Đây là những khu vực đã có sự phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển, như: hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, nghiên cứu khoa học về biển...; cũng là những cơ sở hậu cần, kỹ thuật quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bảo đảm QP-AN khi có tình huống phức tạp xảy ra. Các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang (LLVT) còn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng các huyện đảo ngày càng vững mạnh về kinh tế và QP-AN. Các đảo xa, thuộc huyện đảo Trường Sa đã được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức lại lực lượng bảo vệ, bảo đảm thế đứng chân ổn định, nâng cao khả năng phòng thủ bảo vệ đảo ở vùng biển xa bờ. Hầu hết các đảo quan trọng ở gần bờ đã được cải thiện cơ bản về đường giao thông, nhà ở cho nhân dân và các công trình thiết yếu khác. Một số đảo đã có tàu chở khách từ đất liền ra đảo, xây dựng các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển đội tàu đánh cá xa bờ. Các quân khu, địa phương có đảo đã tiến hành điều chỉnh, bố trí lại LLVT phù hợp với nhu cầu phòng thủ bảo vệ đảo trong tình hình hiện nay. Các lực lượng bảo đảm QP-AN trên biển, nhất là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng gọn, mạnh, trang bị hiện đại đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, kinh tế biển nước ta trong mấy năm vừa qua liên tục đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Điều đáng nói là trong các ngành kinh tế biển, hoạt động kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%; trong đó, khai thác dầu khí chiếm 64%, hải sản 14%, vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%, du lịch biển trên 9%. Kinh tế biển còn đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước, thu nhiều ngoại tệ (năm 2009, riêng ngành dầu khí đạt 7,82 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước 91.000 tỉ đồng). Tình hình an ninh và các hoạt động trên biển ngày càng đi vào ổn định. QP-AN trên biển được bảo đảm. Ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của người dân được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN trên biển, đảo cũng đang bộc lộ một số mặt hạn chế. Nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ; không ít các doanh nghiệp, người dân hoạt động trên biển chỉ thấy lợi ích kinh tế, chưa gắn phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, đảo. Đến nay, nhiều ngành, lĩnh vực liên quan đến biển chưa có quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN; có ngành, địa phương tuy đã có quy hoạch phát triển KT-XH gắn với QP-AN, nhưng phần về QP-AN chưa được thể hiện một cách cụ thể, rõ nét; quy hoạch phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm QP-AN còn thiếu tính hệ thống ở tầm quốc gia. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, nên việc khai thác tài nguyên biển chủ yếu diễn ra ở vùng biển gần, chưa có nhiều ngành vươn ra vùng biển xa, kết hợp với khẳng định chủ quyền vùng biển. Cơ sở hạ tầng ở các vùng biển, ven biển và trên các đảo còn yếu kém, lạc hậu, đầu tư dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên biển. Chính sách kinh tế biển và thực lực khoa học, công nghệ chưa trở thành động lực phát triển kinh tế và bảo đảm QP-AN trên biển. Cuộc sống của phần lớn người dân vùng biển và ven biển còn khó khăn và chịu nhiều rủi ro. Hợp tác quốc tế về biển trên các lĩnh vực còn nhiều hạn chế; tình trạng vi phạm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển đang gia tăng và diễn biến phức tạp.

Kết quả và những hạn chế nêu trên cho thấy, để làm thức dậy tiềm năng kinh tế lớn của biển, hướng tới phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN trên biển, đảo một cách bền vững, thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, cần tập trung giải quyết tốt mấy vấn đề mấu chốt sau:

1- Phải đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, làm cơ sở, dữ liệu tin cậy để hoạch định chủ trương, chính sách cũng như xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho phát triển các ngành, vùng kinh tế biển và tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, các cấp, các ngành cần bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển dài hạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN của Chiến lược biển.

2- Muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc về kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN trên biển, đảo trong một thời gian nhất định, Nhà nước cần phải có nguồn ngân sách lớn (huy động từ các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài) cho phát triển kinh tế và tăng cường sức mạnh QP-AN trên biển, đảo; trong đó, thể hiện rõ bằng các chỉ tiêu và định mức cụ thể. Phương thức đầu tư phải đổi mới theo hướng đầu tư có trọng điểm, làm việc nào được việc đó. Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư cần tập trung cho những ngành kinh tế mũi nhọn, công trình trọng điểm trên biển, đảo và vùng biển trọng yếu về kinh tế và QP-AN. Trước mắt, cần tập trung đầu tư xây dựng các cảng biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, du lịch biển và những ngành dịch vụ mũi nhọn. Chú ý tạo điều kiện cần thiết về bảo đảm an ninh cho người dân hoạt động trên biển, sinh sống trên các đảo và ở những vùng thường bị thiên tai; đồng thời, xây dựng cơ sở bảo vệ môi trường biển. Về lâu dài, cần bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng sản xuất trên địa bàn các tỉnh, huyện ven biển và trên các đảo; đưa nhân dân ra định cư và phát triển kinh tế ở các đảo gần bờ và xa bờ; xây dựng các công trình phòng thủ ở các đảo, quần đảo, tạo bức tường thành bảo vệ vùng biển và thềm lục địa nước ta. Tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại cho quân đội, đặc biệt là cho lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển..., đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Tích cực xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển theo phương châm “rộng khắp” ở cấp xã ven biển, xã đảo và trong các cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển, bảo đảm trong thời bình lực lượng này vừa hoạt động sản xuất, vừa có thể tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển hoặc tham gia các hoạt động khác khi Nhà nước yêu cầu; khi có chiến tranh xảy ra, họ được trang bị vũ khí và trở thành lực lượng chiến đấu cùng các lực lượng khác bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

3- Các cơ quan chức năng của Nhà nước sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất gắn với bảo đảm QP-AN, bảo vệ môi trường biển. Chú trọng đào tạo cán bộ khoa học, chuyên gia và lao động chuyên nghiệp biển từ các trường đại học, dạy nghề và thông qua các dự án phát triển kinh tế biển. Xây dựng chính sách để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư lâu dài trên các đảo và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc; hỗ trợ và quan tâm xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trên đảo và ven biển.  Đối với LLVT (trước hết là đối với Hải quân nhân dân- lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo), Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nhất là với các lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo ở khơi xa.

4- Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến biển. Chú trọng hợp tác trong khai thác tài nguyên với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các công ty lớn có thiện chí với Việt Nam, dưới nhiều hình thức (liên doanh, đầu tư 100% vốn...) để phát triển kinh tế biển theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế về khoa học, khai thác và quản lý biển; trong đó, cần chủ động vươn lên đảm nhiệm và có đóng góp đáng kể vào các hoạt động kinh tế, QP-AN liên quan đến Biển Đông. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước láng giềng, các nước lân cận Biển Đông nhằm giải quyết tốt vấn đề ranh giới giữa các vùng biển chồng lấn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, như: chống cướp biển, buôn lậu ma tuý, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, diễn tập trên biển. Chủ động hợp tác quốc phòng song phương và đa phương với các nước, nhất là nước có tiềm lực khoa học-công nghệ biển hiện đại để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên biển và xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những vấn đề hợp tác quốc tế nêu trên, nếu được tiến hành tốt sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

 Đại tá PHẠM TRANG

 

Ý kiến bạn đọc (0)