QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 18:07 (GMT+7)
Về sử dụng pháo binh đánh địch ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ trong chiến dịch tiến công

 Hỏa lực pháo binh là hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta. Trong chiến dịch tiến công (CDTC), hỏa lực và cơ động là hai yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện cách đánh chiến dịch. Có tạo ra được khả năng lớn về hỏa lực thì chiến dịch mới có điều kiện tổ chức và thực hành các đợt, các trận đánh, nhất là các trận then chốt, trong đó có trận đánh địch ứng cứu giải tỏa (ƯCGT) bằng đường bộ. Thấy được những yêu cầu khách quan đó, trong chiến tranh giải phóng, chỉ huy các cấp đều quan tâm đặc biệt đến vấn đề sử dụng pháo binh cho các nhiệm vụ tác chiến của CDTC. Nhờ vậy, pháo binh ta luôn chi viện kịp thời, hiệu quả cho bộ binh, xe tăng đánh địch, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các chiến dịch.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), để đánh thắng kẻ thù xâm lược, chúng ta sẽ vận dụng nhiều loại hình chiến dịch; trong đó, CDTC vẫn là loại hình chiến dịch cơ bản. Xuất phát từ nguyên tắc tác chiến phòng ngự của địch và từ tư tưởng chỉ đạo tác chiến của ta, nên nghệ thuật chiến dịch trong CDTC tiếp tục xác định đánh địch ƯCGT bằng đường bộ là trận đánh then chốt của chiến dịch. Nhưng đối tượng tác chiến trong điều kiện tác chiến mới sẽ chiếm ưu thế hơn hẳn ta về hỏa lực, khả năng cơ động, khả năng chuyển hóa thế trận và khả năng tác chiến điện tử. Trong điều kiện như vậy, nghiên cứu sử dụng pháo binh nhằm bảo đảm đủ sức chi viện về hỏa lực cho các lực lượng tham gia chiến dịch tác chiến giành thắng lợi là vấn đề đặt ra cấp thiết. Bài viết chỉ xin đề cập vào một số vấn đề chủ yếu.

Một là, sử dụng pháo binh tập trung, trong đó tập trung ưu thế vào mục tiêu quan trọng và thời điểm có lợi.    

Tập trung lực lượng là một trong những nguyên tắc của nghệ thuật quân sự. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), mặc dù lực lượng của chiến dịch không lớn hơn địch, thậm chí về hỏa lực và cơ động còn kém địch, song để tạo ưu thế so sánh và bảo đảm chắc thắng, ở trận Đông Khê, ta huy động: bộ binh hơn địch 9 lần, pháo binh hơn 6,5 lần. Trong chiến dịch Tây Nguyên (1975), tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch ở phạm vi chiến dịch là tương đương nhau, nhưng riêng trận Buôn Ma Thuột, tỷ lệ bộ binh ta và địch là 5,5/1, về pháo binh là 2,1/1. Đó là nghệ thuật sử dụng lực lượng một cách sáng tạo, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc tập trung tạo ưu thế, tạo sức mạnh lớn hơn địch vào một trận đánh, một thời điểm cụ thể.

Trong điều kiện tác chiến mới, xét về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch thì địch hoàn toàn chiếm ưu thế là điều dễ hiểu. Nhưng buộc phải chuyển vào phòng ngự, chứng tỏ sức chiến đấu của địch đã giảm; phải ƯCGT, nghĩa là địch đã mất đi quyền làm chủ và phần nào đã phải đánh theo cách đánh của ta. Mặt khác, việc ƯCGT bằng đường bộ, dù có nhiều thủ đoạn nghi binh đến mấy, rốt cuộc địch vẫn phải cơ động lực lượng dựa vào các trục đường là chính. Trong thế trận của khu vực phòng thủ của ta, địch chắc chắn sẽ bị đánh cả phía trước, phía sau, bên sườn; do đó, chúng phải phân tán đối phó và buộc phải bộc lộ nơi hiểm yếu, sơ hở. Đó là những cơ sở quan trọng để pháo binh ta sử dụng lực lượng tập trung, tạo ưu thế về hỏa lực để chi viện cho các lực lượng đánh địch. Tuy nhiên, lực lượng, phương tiện và khả năng pháo đạn của ta có hạn; trong khi đó, khối lượng nhiệm vụ của pháo binh rất lớn, riêng đánh địch ƯCGT bằng đường bộ, pháo binh cũng có nhiều nhiệm vụ chi viện, nên pháo binh cần vận dụng nguyên tắc tập trung từng bước, tập trung có lựa chọn vào mục tiêu quan trọng và thời điểm có lợi. Trận đánh địch ƯCGT bằng đường bộ thường có nhiều mục tiêu mà pháo binh cần tập trung hỏa lực để chế áp, hoặc tiêu diệt, trong đó sở chỉ huy binh đoàn cơ động của địch là mục tiêu quan trọng nhất. Đây là “bộ não” của địch, nhưng khả năng tác chiến cũng như khả năng tự bảo vệ của nó kém hơn các loại mục tiêu khác; khi bị chế áp mạnh, chỉ huy của chúng dễ bị rối loạn, thậm chí bị tê liệt. Ta chọn loại mục tiêu này là chọn đánh vào nơi quan trọng nhưng hiểm yếu của địch. Còn “thời điểm có lợi” mà pháo binh cần nắm chắc để tập trung chi viện mạnh là lúc ta đã triển khai xong, phần lớn đội hình cơ động của địch đã ở trong khu vực diệt địch dự kiến. Đương nhiên, việc tập trung pháo binh phải xuất phát từ ý định sử dụng lực lượng của toàn chiến dịch; hành động của pháo binh phải thống nhất với hành động của bộ binh, xe tăng, bảo đảm cho các lực lượng tận dụng và phát huy kịp thời kết quả hỏa lực của pháo binh để tiến công dứt điểm các mục tiêu đã xác định.

Tập trung pháo binh ưu thế so với địch không có một công thức cố định nào. Tập trung chưa đủ ưu thế, sẽ không tạo ra hỏa lực áp đảo địch; ngược lại, tập trung quá mức cần thiết có thể sẽ gây lãng phí và nếu chủ yếu tập trung về hỏa khí thì pháo binh không thể bảo toàn được lực lượng. Vì vậy, pháo binh cần tập trung một cách hợp lý, lấy tập trung về hỏa lực làm chính. Khi phải phân tán hỏa khí để tránh địch sát thương, pháo binh phải có các biện pháp bảo đảm chỉ huy, hiệp đồng để việc phân tán về hỏa khí không ảnh hưởng đến yêu cầu tập trung hỏa lực khi cần thiết.

Hai là, kết hợp chặt chẽ hỏa lực các cỡ pháo, loại pháo và phát huy cách đánh sáng tạo của pháo binh trong điều kiện mới.

Kết hợp chặt chẽ hỏa lực các cỡ pháo, loại pháo là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp và là một trong những nguyên tắc quan trọng trong sử dụng pháo binh. Đánh địch ƯCGT bằng đường bộ trong điều kiện tác chiến mới, do khả năng hỏa lực của pháo binh ta có hạn nên nguyên tắc kết hợp về hỏa lực đối với pháo binh càng phải được coi trọng. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, việc bố trí pháo binh giữa các cấp (pháo binh chiến dịch, pháo binh các sư đoàn, pháo binh đi cùng bộ binh và pháo binh của lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch) và ngay trong từng cấp đều phải tính toán đến khả năng chi viện về hỏa lực, bảo đảm cho pháo binh trong toàn chiến dịch được bố trí, sử dụng theo một ý định thống nhất. Về mặt thế trận, tổ chức, bố trí pháo binh phải có lực lượng tại chỗ, có lực lượng cơ động, có pháo chi viện chung, có pháo chi viện trực tiếp, có lực lượng dự bị thích hợp. Các thành phần lực lượng đó cần được bố trí theo kiểu “thống nhất trong sự đa dạng”, hình thành thế trận pháo binh liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu; các cỡ pháo, loại pháo có khả năng bổ sung, hỗ trợ cho nhau về tầm, về hướng; có thể đánh địch từ xa, bên sườn, phía sau, thậm chí từ căn cứ xuất phát cơ động của chúng. Riêng lực lượng pháo binh cơ động cần phải được tổ chức đủ mạnh, phù hợp với yêu cầu đánh địch cơ động ƯCGT bằng đường bộ; được dự kiến bố trí ở vị trí có khả năng đồng thời thực hiện được nhiều phương án, nhất là có thể chuyển hướng đánh địch khi chúng thay đổi hướng, đường cơ động ƯCGT.

Đi đôi với việc kết hợp chặt chẽ các loại hỏa lực, phát huy cách đánh sáng tạo là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hỏa lực pháo binh. Thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho thấy, nhờ cách đánh mưu trí, sáng tạo (như: đánh gần, đánh bồi, đánh chồng, luồn sâu, đánh hiểm, đánh bất ngờ, đánh không thành quy luật...) nên bộ đội Pháo binh đã triệt để phát huy được ưu việt cũng như khắc phục tối đa hạn chế của các loại pháo, cối. Những lối đánh táo bạo này không chỉ được bộ đội Pháo binh áp dụng đối với pháo bắn thẳng, pháo mang vác, mà còn đối với cả pháo bắn gián tiếp, pháo xe kéo, tên lửa và hỏa tiễn, làm cho địch luôn bị động, bất ngờ và không kịp đối phó. Đó là những bài học kinh nghiệm rất phù hợp với đánh địch ƯCGT bằng đường bộ. Bởi lẽ, dựa vào thế trận của khu vực phòng thủ và cùng với các lực lượng, pháo binh có điều kiện tiếp cận địch, thực hiện đánh gần, đánh cài xen với địch để nâng cao hiệu quả hỏa lực, tạo điều kiện cho lực lượng tiến công đánh tiêu hao, tiêu diệt địch.

Ba là, tập trung nâng cao khả năng cơ động của pháo binh.

Khác với đánh địch trong công sự, đánh địch ƯCGT bằng đường bộ là đánh địch ngoài công sự, ta vận dụng hình thức chiến thuật vận động tiến công là chủ yếu. Đặc trưng của trận đánh là thời gian ngắn, nhịp độ cao; cả ta và địch đều ở trạng thái vận động, hai bên đều tận dụng từng giờ, từng phút để giành quyền làm chủ. Nếu địch nhanh hơn ta, chúng có thể hợp quân với lực lượng đang cần ứng cứu để đảo ngược tình hình. Chỉ có nhanh hơn địch, ta mới có điều kiện đánh địch ngoài công sự; đồng thời, tiếp tục cô lập lực lượng địch trong công sự. Vì vậy, vấn đề cơ động càng có ý nghĩa quan trọng. Đối với pháo binh, để đáp ứng tốt yêu cầu về cơ động, trước hết, cần tiến hành trước một bước về các mặt bảo đảm cơ động. Các mặt bảo đảm như đường cơ động; công sự trận địa, ngụy trang, nghi binh; phương tiện cơ động và các phương án bảo đảm an toàn cho quá trình cơ động phải được chuẩn bị chu đáo từ giai đoạn chuẩn bị chiến dịch. Tuy vậy, đánh địch ƯCGT bằng đường bộ còn khác với đánh địch trong công sự ở chỗ, tổ chức lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu pháo binh (đài quan sát, sở chỉ huy, trận địa bắn, mục tiêu bắn...) đều trên cơ sở dự kiến, nghĩa là các yếu tố về địch mà ta phán đoán còn chứa đựng nhiều ẩn số. Điều đó có nghĩa là, pháo binh phải liên tục bám sát hành động của địch để kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, trong đó có kế hoạch hiệp đồng, bảo đảm về cơ động.

Các mặt bảo đảm cho cơ động càng được chuẩn bị chu đáo thì cơ động càng thuận lợi và càng góp phần rút ngắn thời gian cơ động. Song, khả năng cơ động còn tùy thuộc vào năng lực tổ chức cơ động. Muốn cơ động nhanh, pháo binh phải coi trọng cả hai phương thức: cơ động hỏa lực và cơ động hỏa khí, lấy cơ động hỏa lực là chính, kết hợp tối đa các loại phương tiện để cơ động. Khi thực hành cơ động, đội hình cơ động cần được tổ chức hợp lý, nhất là đối với pháo xe kéo, thực hiện cơ động nhanh, di chuyển ngắn, giảm tối đa tần xuất xuất hiện về vị trí, đội hình trước các phương tiện trinh sát của địch, bảo đảm chi viện kịp thời cho các lực lượng tiến công tiêu diệt địch và nhanh chóng làm chủ trận đánh.

Thượng tá Nguyễn Đình Lanh

 
Ý kiến bạn đọc (0)