QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:43 (GMT+7)
Về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong thời kỳ đổi mới ở nước ta

Quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí là yêu sách cơ bản của nhân dân Việt Nam được nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Véc-xây năm 1919. Dưới chế độ thực dân Pháp, nhân dân ta hoàn toàn không có quyền con người và những quyền công dân cơ bản, không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời đem lại các quyền tự do, dân chủ cơ bản cho nhân dân. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí - thành quả của Cách mạng tháng Tám đã được khẳng định ngay trong Điều 10, Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Nhà nước Việt Nam, sau đó được tiếp tục ghi nhận trong Điều 25, Hiến pháp năm 1959; Điều 67, Hiến pháp 1980. Đặc biệt, tại Điều 69, Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp thời kỳ đổi mới - quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin”. Các quyền hiến định đó được thể chế hoá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí năm 1989, thay cho Luật Báo chí thông qua năm 1956, sau đó bổ sung, sửa đổi vào năm 1999, trong đó ghi rõ các điều khoản về bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí và nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức và cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; đồng thời, không ai được lạm dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Theo luật này, công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình trong nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không phải kiểm duyệt; chịu trách nhiệm  trước pháp luật về nội dung thông tin, phát biểu ý kiến, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại. Luật này cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc đăng, phát sóng các tác phẩm, ý kiến của công dân, trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời khiếu nại, tố cáo, ý kiến đóng góp… Luật Xuất bản (năm 1993), thay cho Sắc luật về quyền tự do xuất bản (năm 1957), được bổ sung, sửa đổi vào năm 2004 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả, không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản… Nhằm bảo đảm quyền được thông tin của công dân trong từng lĩnh vực, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2001), Luật Kiểm toán (năm 2005), Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2006), Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007), Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (năm 2007),v.v.

Cần nhấn mạnh rằng, việc quản lý báo chí, xuất bản, truyền thông,… bằng pháp luật là hình thức bảo đảm thực hiện quyền tự do báo chí, xuất bản ở tất cả các nhà nước văn minh. Mỗi nước, do bản chất của chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, điều kiện lịch sử đặc thù, tình hình cụ thể trong nước và quốc tế, mà định ra các luật của mình tương thích với nhu cầu thực tế phát triển của đất nước. Do vậy, luật báo chí của các quốc gia, các khu vực khác nhau sẽ không giống nhau; bản thân luật báo chí của một quốc gia trong các thời kỳ lịch sử khác nhau cũng khác biệt nhau. Chính vì vậy, nội hàm cụ thể của quyền tự do báo chí, xuất bản, thông tin cũng khác nhau ở các nước khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các quyền này, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là các quyền tuyệt đối, không giới hạn, mà là các quyền có giới hạn. Việc thực hiện chúng, theo Điều 19 Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị, phải gắn với “những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”, chịu những hạn chế nhất định “nhằm tôn trọng các quyền và uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự công cộng, sức khoẻ và đạo đức của công chúng”1… Giống như ở nhiều nước, Luật Báo chí của Việt Nam cũng ghi rõ những điều không được thông tin trên báo chí; báo chí không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; không được tiết lộ bí mật Nhà nước; không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân. Trong luật tự do thông tin của một số nước như Anh, Phần Lan,… cũng quy định rõ hàng chục loại thông tin tương tự như vậy. Chẳng hạn, Luật Tự do thông tin (năm 2000) của Anh, có tới 24 mục (từ 21 đến 44) dành cho nội dung miễn trừ  thông tin; Luật về công khai các hoạt động của chính phủ (năm 1999) của Phần Lan có quy định 32 loại tài liệu bí mật, không được phép tiếp cận2.

    Điều đó cho thấy, không có cái gọi là “tự do ngôn luận”, “tự do thông tin” tuyệt đối. Quan niệm của ai đó coi quyền “tự do báo chí”, “tự do thông tin” như một thứ quyền không giới hạn, là không thể có và không tồn tại ở bất cứ quốc gia nào. Tự do báo chí ở phương Tây, như thực tiễn đã chỉ ra, không chỉ phải tuân theo pháp luật, mà còn phải có thái độ chính trị “lễ độ”, “đúng mực” đối với chính quyền. Về pháp lý, báo chí ở các nước phương Tây do các tập đoàn tư bản truyền thông nắm giữ, được coi là độc lập với chính phủ. Nhưng điều đó chỉ là hình thức, bởi trên thực tế, họ là một bộ phận của quyền lực chính trị, tích cực, tận tụy phục vụ lợi ích của nhà nước tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản cầm quyền. Còn nhớ, trước đây, chính họ đã từng thêu dệt, dựng đứng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, dọn đường cho hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược đánh phá miền Bắc Việt Nam một cách tàn khốc. Giờ đây, sau chiến tranh, nhiều vấn đề xã hội bức xúc do hậu quả chiến tranh để lại, nhất là vấn đề  nạn nhân chất độc màu dam cam/đi-ô-xin mà nước Mỹ phải có trách nhiệm, thì họ cố tình phớt lờ. Cũng chính báo chí phương Tây là công cụ đắc lực góp phần trong các chiến dịch tuyên truyền rằng nước này, nước nọ “sản xuất vũ khí giết người hàng loạt”, “tài trợ cho khủng bố”... để lấy cớ can thiệp quân sự, gây ra các cuộc chiến tranh đẫm máu, giết chết hàng triệu người dân vô tội. Trong cuộc chiến ở I-rắc gần đây, nhiều nhà báo trung thực: A.Gi-li-gân, I.Gioóc-đan, P.ác-net, R.Gi-bớt, D.Rai-dơ, G.Ke-ly, F.Sma-kơ, G.Ri-vê-ra, B.Vôn-ski,… của các hãng truyền thông danh tiếng của Anh, Mỹ, do nói thẳng sự thật, trái với ý định của chính quyền, đã bị mất chức, đuổi việc. Trớ trêu thay, các khái niệm về “tự do báo chí”, “tự do thông tin” lại luôn được một số thế lực triệt để lợi dụng vào những mục đích không lành mạnh, nhằm truyền bá cho các trào lưu “tự do mới”, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống sa đọa, trụy lạc. Hiện nay, một số báo chí tư sản đang đóng vai trò là một công cụ đắc lực trong việc vu khống, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, gây hỗn loạn về tư tưởng của quần chúng nhân dân, hòng thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” vô cùng thâm độc và xảo quyệt đối với các nước được coi là đối địch, cản trở tham vọng về thế giới của một số cường quốc phương Tây.

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời và phát triển trong hơn 60 năm qua là để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, phấn đấu vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Điều đó khẳng định, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ta là thuộc về nhân dân và vì nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy, báo chí ở Việt Nam là báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các tổ chức quần chúng nhân dân, được tổ chức và hoạt động vì lợi ích của nhân dân; không cần và không có chỗ đứng cho báo chí tư nhân. Điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền tự do báo chí của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là nét đặc thù, sự khác biệt về tự do báo chí, ngôn luận của nền báo chí cách mạng Việt Nam với báo chí của một số nước khác.

Thực tiễn đã chứng minh, trong thời kỳ đổi mới ở nước ta, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc, cải thiện và nâng cao đáng kể điều kiện và khả năng tự do tiếp cận thông tin, trình bày chính kiến, nguyện vọng của mọi người dân.

Năm 1990, cả nước ta mới có 258 báo và tạp chí. Hiện nay, cả nước có  khoảng 12 nghìn nhà báo làm việc trong hơn 750 cơ quan báo và tạp chí (tăng lên 2,36 lần); bao gồm: báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, với trên 700 ấn phẩm các loại (tăng khoảng 3 lần) và hơn 1.000 bản tin. Số lượng báo chí phát hành hằng năm trên 600 triệu bản; bình quân theo đầu người 7,5 bản; phát hành trong ngày tới hầu hết các trung tâm tỉnh, huyện (quận), thị xã, thị trấn. Nội dung, hình thức báo chí của chúng ta hiện nay ngày càng phong phú, đa dạng, hay và đẹp ngang tầm khu vực cũng như quốc tế, đáp ứng được nhu cầu thông tin về mọi lĩnh vực của mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc và mọi vùng, miền trên đất nước Việt Nam. Nước ta hiện có 52 nhà xuất bản, in khoảng 20 nghìn đầu sách một năm, với khoảng trên 240 triệu bản; bình quân theo đầu người trên 3 cuốn sách.

Hệ thống phát thanh, truyền hình ở nước ta đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống đài phát thanh của Việt Nam bao gồm hàng trăm đài phát sóng; tín hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam đã được truyền dẫn qua vệ tinh, phủ sóng trên 98% địa bàn dân cư, với 6 hệ chương trình (4 đối nội và 2 đối ngoại). Hệ thống phát thanh địa phương gồm 64 đài ở các tỉnh, thành phố, 606 đài cấp huyện, trong đó có 288 đài phát sóng FM. Các đài phát thanh trung ương và địa phương đều không ngừng cải tiến phương thức thể hiện và truyền tải thông tin, tăng thời lượng, mở rộng phạm vi phủ sóng và đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng nội dung, hiệu quả thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Hệ thống truyền hình cũng phát triển mạnh mẽ, với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và liên tục đổi mới. Từ chỗ chỉ có 1 đài truyền hình trung ương, với 1 kênh (trong những năm 70) hiện nay đã tăng lên 6 kênh VTV; cả 64 tỉnh, thành phố đều có đài truyền hình để tiếp sóng đài trung ương và phát sóng truyền hình của địa phương. Hệ thống truyền hình cáp và kỹ thuật số đang được triển khai và từng bước đi vào hoạt động. Quy mô chương trình truyền hình ngày càng mở rộng, nội dung, hình thức thể hiện không ngừng được đổi mới, ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng cả trong và ngoài nước. Đài truyền hình Việt Nam đã phủ sóng hầu hết các làng xã Việt Nam và vươn tới tất cả các châu lục trên thế giới. Hiện nay, với hơn 10 triệu máy thu hình, hơn 85% hộ gia đình Việt Nam đã được xem truyền hình với thời lượng đủ đáp ứng các nhu cầu thông tin của người dân. Tại tất cả các thành phố, thị xã, thông qua hệ thống truyền hình cáp, kỹ thuật số, vệ tinh, nhiều chương trình truyền hình của nước ngoài như CNN, BBC, TV5, RAI, OPT, DW,… được phát rộng rãi phục vụ khách nước ngoài và một bộ phận công chúng. Với vệ tinh viễn thông VINASAT-1 đi vào hoạt động, toàn bộ hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tin viễn thông sẽ có cơ sở và điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Thông tin trên mạng Internet ở nước ta đã có bước phát triển nhảy vọt. Cuối năm 1997, Việt Nam mới chính thức kết nối mạng Internet, với khoảng 1.000 thuê bao. Trong 10 năm qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet cao nhất khu vực ASEAN. Hiện tại, có 6 nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), 20 nhà cung cấp dịch vụ (ISP), hơn 50 nhà cung cấp thông tin (ICP) và báo điện tử trên Internet, khoảng 2.500 trang tin điện tử (Website) đang hoạt động. Mọi người đều có thể truy cập Internet gián tiếp qua mạng điện thoại cố định tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các hình thức dịch vụ đa dạng; số lượng thuê bao và người sử dụng tăng với tốc độ lớn (năm 2000 có 100 nghìn thuê bao và 1 triệu người sử dụng; năm 2007 đạt tới 5, 2 triệu thuê bao và 18,5 triệu người sử dụng, đạt trên 20% dân số). Gần 100% trường trung học và 100% trường đại học đã nối mạng Internet. Thông tin trên mạng  ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với bạn bè thế giới.

Có thể nói, báo chí đã là món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Vì, báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp...; đồng thời, là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp nhân dân, đã và đang đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của nhân dân. Báo chí đã tích cực động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước; đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái, thù địch chống phá sự nghiệp đổi mới; chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại đến lợi ích của nhân dân; tham gia xây dựng đời sống mới, phê phán các hủ tục, tệ nạn xã hội. Báo chí tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh; cổ vũ mạnh mẽ những nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt”. Hiện nay, báo chí đang góp phần tuyên truyền, làm cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động, phát triển ngày càng sâu rộng trong xã hội.  Báo chí Việt Nam đang có được những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Dù còn một số hạn chế và yếu kém cần tiếp tục khắc phục, nhưng chúng ta có quyền tự hào về báo chí Việt Nam - nền báo chí tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta, vì hạnh phúc của nhân dân ta.

TS. Nguyễn Đức Thuỳ

Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh

____________

1- Trung tâm Nghiên cứu quyền con người-  Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người- H. 2002, tr .259.

2- Nguồn: Viện Nghiên cứu quyền con người- Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin- H. 2007.

 

Ý kiến bạn đọc (0)