QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:52 (GMT+7)
Về quyền tài phán quốc gia, đường cơ sở

Qua tìm hiểu cho thấy, đến nay chưa có khái niệm đầy đủ và thống nhất về quyền tài phán quốc gia. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam: “quyền tài phán là quyền của cơ quan hành pháp và tư pháp của một quốc gia xem xét và giải quyết vụ việc theo thẩm quyền của mình. Trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, quốc gia thực hiện quyền tài phán đầy đủ... Quốc gia còn thực hiện quyền tài phán đối với một số nơi bên ngoài lãnh thổ quốc gia: vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các phương tiện bay, tàu biển, tàu thuyền nước ngoài đi lại trong lãnh hải của mình”1. Như vậy, có thể thấy, đối với các quốc gia ven biển (QGVB), quyền tài phán được thực hiện đầy đủ trong lãnh thổ và các vùng biển của mình, với các mức độ và tính chất khác nhau, theo quy định của luật biển quốc tế. Trong vùng nội thủy và lãnh hải, QGVB có quyền tài phán hình sự và dân sự nhất định đối với tàu thuyền nước ngoài theo những điều kiện mà Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây gọi là Công ước 1982) quy định (Điều 27, 28) khi hậu quả của vi phạm mở rộng đến QGVB; khi vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong vùng nội thủy; khi thuyền trưởng hay viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu hay khi các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích. Đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, QGVB thực hiện quyền tài phán để ngăn chặn hoặc trừng trị các vi phạm về hải quan, thuế khóa, y tế và nhập cư; có quyền tài phán đối với các hiện vật mang tính khảo cổ hoặc lịch sử. Trong vùng đặc quyền kinh tế, QGVB có quyền tài phán đối với  việc lắp đặt, duy trì, sửa chữa và sử dụng các đảo nhân tạo, các công trình và thiết bị trên biển; quyền tài phán nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Khi thực hiện các quyền tự do biển cả (tự do bay, tự do hàng hải, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm), các quốc gia khác phải tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của QGVB. Ngoài ra, QGVB cũng có quyền tài phán trong lĩnh vực hành chính, kỹ thuật và xã hội đối với tàu thuyền mang cờ của quốc gia mình trong các vùng biển của quốc gia khác.

Đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải và cơ sở để xác định tất cả các vùng biển của một QGVB. Công ước 1982 đã quy định hai phương pháp chính để xác lập đường cơ sở: đường cơ sở thông thường đường cơ sở thẳng. Theo đó,  đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được các QGVB chính thức công nhận. Đường cơ sở thẳng được áp dụng ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; hoặc có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của đường bờ biển, như: sự bồi đắp hoặc sạt lở của bờ biển. Công ước 1982 cũng đưa ra hai điều kiện cần tuân thủ khi vạch đường cơ sở thẳng: tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đặt dưới chế độ nội thủy. Mặc dù không đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về xác định đường cơ sở thẳng, nhưng khi thực hiện các yêu cầu của Công ước, các QGVB phải xem xét các căn cứ như: thực tiễn hình thái, cấu tạo của bờ biển, các tập quán và thông lệ quốc tế để xác định đường cơ sở của mình.

Là QGVB có đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam đã tiếp thu và thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của mình phù hợp với quy định của Công ước 1982. Trong Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ Việt Nam đã quy định: Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với vùng lãnh hải của mình; có quyền kiểm soát cần thiết nhằm bảo vệ an ninh, các quyền lợi về hải quan, thuế khóa và bảo đảm sự tuân thủ các quy định về y tế, di cư và nhập cư trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế; ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa; đồng thời, có các quyền và thẩm quyền về các hoạt động khác phục vụ việc thăm dò, khai thác nhằm mục đích kinh tế; về thiết lập, lắp đặt, sử dụng các công trình, các đảo nhân tạo; về nghiên cứu khoa học và bảo vệ chống ô nhiễm môi trường biển ở vùng này.

Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó, hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam gồm 10 đoạn nối 11 điểm; trừ điểm A8 nằm trên mũi Đại Lãnh, các điểm còn lại đều nằm trên các đảo. Cần khẳng định, các tuyên bố trên của Việt Nam phù hợp với Công ước 1982. Tiếp đó, ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước 1982; giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam.

Thực hiện: QUANG CHUYÊN

________

1- Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND, H. 2004, tr. 851.

 

Ý kiến bạn đọc (0)