QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 00:45 (GMT+7)
Về quyền hạn điều tra hình sự của Bộ đội Biên phòng

Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (TCĐTHS) năm 2004 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20-8-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2004. Sau hơn 3 năm thực hiện, Pháp lệnh TCĐTHS đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trước sự đổi thay, phát triển của đời sống xã hội, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số quy định của Pháp lệnh TCĐTHS năm 2004 không còn phù hợp, nảy sinh vướng mắc, bất cập. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để  các cơ quan điều tra nói chung, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra nói riêng, phát hiện kịp thời, tiến hành điều tra, xử lý đúng thẩm quyền, đúng pháp luật các hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã có chủ trương nâng Pháp lệnh TCĐTHS thành Luật Tổ chức điều tra hình sự (TCĐTHS). Ngày 7-10-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 25/QĐ-TTg giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự án Luật TCĐTHS.

Từ năm 1989 đến nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được giao nhiệm vụ thực hiện một số quyền hạn điều tra quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự  (TTHS) và Pháp lệnh TCĐTHS. Đây là cơ sở pháp lý để BĐBP đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tham gia ngăn chặn và đẩy lùi các tội phạm nguy hiểm và các tệ nạn xã hội, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội. Qua thực tiễn 20 năm thực hiện, trước yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình hiện nay, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi nhằm hoàn thiện quy định nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của BĐBP đối với các loại tội phạm xảy ra ở khu vực biên giới  (KVBG) trong Dự thảo Luật TCĐTHS.

1. Qua nghiên cứu các quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, Pháp lệnh TCĐTHS năm 2004 và Dự thảo (lần 1) Luật TCĐTHS, thấy nổi lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đối với BĐBP, cụ thể:

Thứ nhất, cả ba văn bản trên đều quy định quyền hạn điều tra ở cả ba cấp BĐBP: Bộ Tư lệnh (BTL), tỉnh, đồn biên phòng, nhưng không quy định cho BĐBP cấp tỉnh, cấp BTL được áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ người, làm cho công tác điều tra hình sự cấp tỉnh, cấp BTL gặp rất nhiều khó khăn. Việc quy định: đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, khi xét thấy cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ người (khi người đó có hành vi chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục phạm tội) phải giải ngay đến cơ quan công an và xin ngay lệnh bắt của cơ quan có thẩm quyền ... là không phù hợp với thực tiễn, với thẩm quyền tố tụng (không thể có quan hệ “xin, cho” giữa hai cơ quan, giữa những người có chức danh tố tụng trong điều tra vụ án hình sự). Quy định như vậy làm mất đi tính cấp bách trong giai đoạn điều tra ban đầu, làm hạn chế đến công tác điều tra mở rộng vụ án, bóc dỡ các đường dây tội phạm.

- Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật TTHS quy định: BĐBP được khởi tố bị can, điều tra hoàn chỉnh trong thời hạn 20 ngày, sau đó bàn giao thẳng vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền truy tố bị can. Như vậy, ở mức độ điều tra này, BĐBP phải tiến hành điều tra vụ án độc lập như cơ quan điều tra chuyên trách, phải tiến hành tổng hợp các biện pháp, các hoạt động điều tra để làm rõ vụ án, kết thúc điều tra, làm bản kết luận điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để bàn giao cho Viện Kiểm sát. Song một số hoạt động điều tra quy định trong Bộ luật TTHS, thì chỉ có Điều tra viên mới được tiến hành: hỏi cung bị can ( Điều 131), nhận dạng ( Điều 139), kết thúc điều tra (Điều 162), đề nghị truy tố ( Điều 163). Quy định như vậy làm cho các cơ quan được tiến hành một số hoạt động điều tra các cấp của BĐBP rất lúng túng trong việc điều tra, hoàn chỉnh vụ án.

- Về các tội danh thuộc quyền hạn điều tra của BĐBP: theo quy định tại Khoản 1,  Điều 111 Bộ luật TTHS, khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra trong KVBG liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, BĐBP được quyền điều tra. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 19  Pháp lệnh TCĐTHS; Khoản 1, Điều 24 Dự thảo (lần 1) Luật TCĐTHS lại giới hạn BĐBP chỉ được tiến hành điều tra các tội thuộc Chương An ninh quốc gia (Chương XI) và các tội ở 21 điều thuộc các chương khác của Bộ luật Hình sự (HS) là chưa phù hợp, không phát huy được hiệu quả đấu tranh chống tội phạm ở KVBG của BĐBP.

Tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở KVBG của BĐBP những năm qua cho thấy, ngoài các tội phạm quy định tại Khoản 1, Điều 19 Pháp lệnh TCĐTHS, còn rất nhiều tội phạm khác xảy ra ở KVBG liên quan đến lĩnh vực quản lý của BĐBP, như: tội cướp, trộm cắp tài sản; tội sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; tội gây rối trật tự công cộng... Tuy nhiệm vụ chính trị của BĐBP không phải là điều tra hình sự, song khi thực hiện nhiệm vụ, BĐBP có điều kiện phát hiện tội phạm do đặc điểm địa bàn KVBG là những nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn, khi có vụ việc phạm tội xảy ra, các cơ quan điều tra không thể có mặt kịp thời để tiến hành các thủ tục bắt giữ, điều tra ban đầu; nếu quy định khi phát hiện các tội phạm này, BĐBP phải chuyển giao ngay cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền... sẽ làm mất đi tính cấp bách, kịp thời trong tấn công các tội phạm ở KVBG.

- Đối với tội phạm ma túy (TPMT): đầu năm 2005, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy (PCMT) của BĐBP được thành lập, đã tổ chức đấu tranh, bắt giữ có hiệu quả nhiều vụ án hình sự với tất cả các tội danh quy định tại Chương XVIII Bộ luật HS. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 19 Pháp lệnh TCĐTHS và Khoản 1, Điều 24 Dự thảo (lần 1) Luật TCĐTHS giới hạn cho BĐBP: chỉ được điều tra đối với các tội từ Điều 192 đến Điều 196; các tội khác quy định ở các điều từ 197 đến 201, BĐBP không được điều tra là chưa hợp lý, hạn chế đến hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này ở KVBG.

Thứ hai, về điều kiện đảm bảo cho công tác điều tra hình sự của BĐBP còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, như: hệ thống buồng tạm giữ; phòng để xét hỏi, lấy lời khai; xe chuyên dụng dẫn giải đối tượng; phương tiện nghiệp vụ; kinh phí nghiệp vụ và các trang thiết bị phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động điều tra và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác tổ chức điều tra hình sự của BĐBP đối với các tội phạm ở KVBG còn rất bất cập, hạn chế và chưa có quy định cụ thể.

Thứ ba, hiện nay còn rất nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể trong quan hệ giữa Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát với các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, như: bảo vệ đặc tình, mạng lưới mật, người làm chứng... thế nào sau khi phá án, bắt, khám xét, chuyển giao hồ sơ vụ án, đối tượng; công tác chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra hình sự của cơ quan cấp trên đối với cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ra sao; về quy định và hướng dẫn sử dụng thống nhất các mẫu biểu sử dụng trong điều tra vụ án, công tác đào tạo cán bộ và một số chế độ, chính sách đãi ngộ trong hoạt động điều tra ... còn chưa được quy định cụ thể. 

Thứ tư, do quy định của Bộ luật TTHS với một số văn bản luật, dưới luật chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến một số cơ quan thi hành pháp luật còn có những nhận thức khác nhau và chưa có sự thống nhất về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của BĐBP. Một số Viện Kiểm sát địa phương cho rằng, các đồn biên phòng tuyến biển không có thẩm quyền bắt khẩn cấp, tạm giữ người vì không phải là đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới ( theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 81 Bộ luật TTHS). Trong khi đó, Khoản 2, Điều 6 Luật Biên giới quốc gia; Khoản 1, Điều 2 Nghị định 161 của Chính phủ về Quy chế KVBG biển quy định: các xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo là KVBG. Với căn cứ trên, thì các đồn biên phòng tuyến biển được coi là đồn biên phòng ở biên giới.

2. Một số kiến nghị, đề xuất. Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn điều tra hình sự của BĐBP trong Luật  TCĐTHS như sau:

Về quyền hạn điều tra: cần tiếp tục quy định quyền hạn điều tra hình sự của BĐBP theo hướng cụ thể, đầy đủ hơn. Đấy là:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định, khởi tố bị can, hỏi cung bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật TTHS, kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; khi xét thấy cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì ra lệnh bắt khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ đối với người đó. Chuyển vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền theo quyết định của Viện Kiểm sát trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Đề nghị bổ sung quyền hạn điều tra cho Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng biên phòng cảng với lý do: ngày 18-7-1997, Bộ Quốc phòng có Quyết định 942/QĐ-BQP nâng cấp, đổi tên Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Hải Phòng, cảng Sài Gòn thành Ban Chỉ huy Biên phòng (BCHBP) cửa khẩu cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và ngày 29-12-1999 có Quyết định 2693/199/1997 QĐ-BQP nâng cấp 2 đồn biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, cảng Vũng Tàu thành BCHBP cửa khẩu cảng Đà Nẵng, cảng Vũng Tàu. Trước khi đổi tên, các đơn vị này thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền như cấp đồn biên phòng.

Về phạm vi điều tra: ngoài các tội quy định tại Khoản 1, Điều 19 Pháp lệnh TCĐTHS, đề nghị mở rộng thêm phạm vi điều tra: cho BĐBP được điều tra đối với các tội phạm xảy ra ở KVBG, liên quan đến lĩnh vực quản lý của BĐBP.

Về thẩm quyền bắt, khám xét khẩn cấp: đề nghị cả 3 cấp BĐBP đều có thẩm quyền bắt khẩn cấp với lý do, Luật quy định cho Đồn trưởng đồn biên phòng (cấp Đồn biên phòng) có quyền bắt khẩn cấp thì cũng cần quy định cho Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành phố (cấp Tỉnh), Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng (TSBP), Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP (cấp BTL) được quyền bắt khẩn cấp khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, vì 2 cấp này đều là lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiến hành các hoạt động điều tra:

- Về áp dụng biện pháp ngăn chặn khi tiến hành điều tra vụ án hình sự, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục TSBP, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục PCTPMT BĐBP, Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng BCHBP cửa khẩu cảng, Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng đồn biên phòng được quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ người theo quy định của Bộ luật TTHS.

- Về tiến hành các hoạt động điều tra:

Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội qủa tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, được khám nghiệm hiện trường, khám xét (khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm), lấy lời khai, hỏi cung bị can, xem xét dấu vết trên thân thể, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, tài liệu khi khám xét và các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật TTHS.

Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, được tiến hành khám xét hiện trường, lấy lời khai, xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, tài liệu khi khám xét.

Sau khi Luật TCĐTHS được công bố, có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn quán triệt để thống nhất nhận thức và thực hiện giữa các cơ quan, ngành chức năng, đặc biệt là giữa cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Thỉ

Cục Phòng, chống tội phạm ma túy

Bộ đội Biên phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)