QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:26 (GMT+7)
Về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia hiện nay

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh: quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) luôn là quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và bảo vệ BGQG, nên biên giới và khu vực biên giới (KVBG)* của nước ta cơ bản giữ được ổn định và ngày càng phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, nơi đây cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Lợi dụng những vấn đề nhạy cảm và những mặt tồn tại khách quan về biên giới, các thế lực thù địch thường coi KVBG là địa bàn lý tưởng để thực hiện mưu đồ chống phá. Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài các yếu tố tích cực, cũng làm nảy sinh không ít yếu tố tiêu cực; đó là sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động rửa tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em và buôn bán, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, v.v. Do đó, nếu ta không làm tốt công tác giáo dục và có các biện pháp phù hợp thì rất có thể nảy sinh nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất độc lập, tự chủ quốc gia. Cái gọi là “biên giới mềm”, “biên giới kinh tế”, “biên giới dân tộc” hay “biên giới văn hóa” dường như đang đồng hành với việc mở cửa, hội nhập, làm cho khái niệm BGQG truyền thống phần nào bị hiểu sai lệch, hoặc ngộ nhận, dẫn đến chủ quyền quốc gia có thể bị hạn chế một cách tương đối. Tất cả những vấn đề đó khiến KVBG tiếp tục là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh lộ trình hoạch định về đường biên giới chung với các quốc gia láng giềng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và luật pháp quốc tế, theo chúng tôi, thời gian tới việc quản lý, bảo vệ BGQG cần tập trung vào mấy vấn đề sau đây:

1- Quản lý, bảo vệ BGQG phải trên cơ sở nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế về biên giới mà Nhà nước ta đã ký kết.

BGQG của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới bao giờ cũng xuất phát vì lợi ích quốc gia. Trước sau như một, Đảng ta luôn khẳng định, các vấn đề về chủ quyền, BGQG phải được giải quyết bằng đàm phán, thương lượng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Trong quá trình đàm phán về biên giới, hai bên (nước ta và nước hữu quan) không tiến hành những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những vấn đề nảy sinh trên tinh thần xây dựng, góp phần ổn định khu vực và thế giới. Trong điều kiện mở cửa, giao lưu, hợp tác quốc tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các hoạt động thông thương qua biên giới theo tinh thần hợp tác, cùng phát triển, đúng pháp luật của Việt Nam; đồng thời, cũng khẳng định lập trường kiên quyết đấu tranh không thỏa hiệp khi chủ quyền BGQG bị xâm hại, nghiêm trị những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận.

Quán triệt đầy đủ và sâu sắc những vấn đề trên là cơ sở định hướng về tư tưởng và hành động của chúng ta trong quản lý, bảo vệ biên giới. Quản lý, bảo vệ BGQG phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, do Nhà nước điều chỉnh bằng quyền lực của mình đối với hoạt động của các lực lượng, các ngành, các cấp, dựa trên sức mạnh của quần chúng nhân dân. Quản lý, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ biên giới là Bộ đội Biên phòng (lực lượng nòng cốt, chuyên trách), công an, hải quan, quân đội, chính quyền và nhân dân ở KVBG. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi các lực lượng phải thấu triệt quan điểm, chủ trương trên vào từng nhiệm vụ cụ thể nhưng phải rất linh hoạt, sáng tạo, kết hợp với nghệ thuật xử lý mềm dẻo, khôn khéo để đạt được mục đích. Bên cạnh đó, còn phải kịp thời phản ánh những động thái mới nảy sinh; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế về biên giới là cần thiết. Nhưng quyết không phải là sự vận dụng tùy tiện, vô nguyên tắc, mà là sự vận dụng có lý, có tình; xem xét, giải quyết bất cứ một sự việc cụ thể nào cũng phải đặt nó trong cái tổng thể, nghĩa là phải “vừa nhìn thấy cây, vừa nhìn thấy rừng”; tránh suy nghĩ, hành động thô cứng, làm cho quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước thì “mở”, nhưng hành động cụ thể thì chặt chẽ đến máy móc, hoặc đối tượng thì “mở” nhưng đối tác thì bị ngăn cản, v.v.

2- Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia một cách toàn diện.

Đường biên được xác lập một cách rõ ràng, minh định; hệ thống mốc quốc giới được xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc thì chủ quyền lãnh thổ quốc gia tất yếu được toàn vẹn. Song trong điều kiện mới, đạt được yêu cầu chiến lược đó cũng chưa đủ. Nếu trên đất nước xuất hiện một vùng “tự trị” thì cũng đồng nghĩa với việc đất nước bị chia cắt, Tổ quốc chưa thống nhất, mặc dù không có họa xâm lăng. Trong mọi thời kỳ lịch sử, ông cha ta luôn coi KVBG là nơi “quan yếu” của đất nước. Ngày nay, do vị trí địa lý, đặc điểm địa bàn, địa hình và một số nguyên nhân khác, KVBG vẫn là khu vực nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử, từ đó lôi kéo, kích động nhân dân chống phá chính quyền cách mạng hay nhen nhóm tư tưởng “cát cứ”, “tự trị”, “ly khai”. Nhìn ở một góc độ khác, “biên giới hữu hình” – dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu đường biên, mốc quốc giới trên đất liền – có thể còn nguyên vẹn, song không loại trừ tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân ở KVBG đã bị xâm hại. Điều đó có nghĩa là, kẻ phá hoại hoàn toàn không cần qua lại biên giới nhưng thông qua các phương tiện truyền thông vẫn có thể thực hiện được âm mưu xấu độc.

Vì vậy, phải quản lý, bảo vệ biên giới một cách toàn diện, cả BGQG trên đất liền, BGQG trong lòng đất, BGQG trên không, bao gồm: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền lợi (vật chất và tinh thần) của nhân dân; bảo vệ môi sinh, môi trường, tài nguyên; bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và lợi ích quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG; chống xâm nhập trái phép và chống buôn lậu qua biên giới. Tất cả các nội dung đó phải gắn chặt với bảo vệ chế độ XHCN, giữ gìn độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kịp thời cùng với các lực lượng nội địa phát hiện và đập tan âm mưu “chia cắt”, “tự trị” ở KVBG.

Yêu cầu “toàn diện” còn thể hiện ở chỗ, quản lý, bảo vệ biên giới đi đôi với xây dựng KVBG vững mạnh, đặt hai nhiệm vụ này trong một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng với nhau. KVBG vững mạnh là nền tảng sức mạnh vật chất, tinh thần đối với việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới. Ngược lại, quản lý, bảo vệ chặt chẽ biên giới sẽ góp phần triệt tiêu các nguy cơ, ngăn cản cái xấu độc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng KVBG vững mạnh về mọi mặt.

Trong điều kiện mới của đất nước, ổn định biên giới lâu dài là mục tiêu, đồng thời là chủ trương chiến lược của Đảng. Chỉ có thực hiện được mục tiêu này mới góp phần bảo đảm cho đất nước ổn định để phát triển. Một biên giới hòa bình, thắm tình hữu nghị anh em là cơ sở của sự đồng thuận và là điều kiện để loại bỏ sự xung đột, lấn chiếm, vi phạm chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Biên giới ấy còn cần phải là biên giới cùng hợp tác, cùng phát triển để xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, nâng cao trình độ dân trí, đời sống, tinh thần của nhân dân hai bên. Có như vậy mới tạo ra môi trường lành mạnh, làm cho các thế lực thù địch (kẻ thù chung của hai bên) không còn địa bàn thuận lợi để hoạt động phá hoại. Như vậy, quản lý, bảo vệ biên giới, cùng với các nội dung, nhiệm vụ trên, còn phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân hai bên đi lại làm ăn, giao lưu văn hóa, xây dựng mối quan hệ bang giao, hòa hiếu, thân thiện từ ngay trong các bản làng, phum sóc, chính quyền ở KVBG đến chính quyền Trung ương; đồng thời, cùng nhau hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn địa bàn biên giới, nhất là trong lĩnh vực chống khủng bố, chống các tội phạm xuyên quốc gia.

3- Kết hợp chặt chẽ chính trị, quân sự, an ninh và đối ngoại trong quản lý, bảo vệ biên giới.

Quản lý, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tình hình xảy ra trên biên giới thường liên quan đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại hoặc trật tự, an toàn xã hội. Đối tượng đấu tranh trong quá trình quản lý, bảo vệ biên giới lại rất đa dạng, cả công khai và bí mật, cả có vũ trang và phi vũ trang... Thực tế cho thấy, hành động lấn chiếm biên giới có khi là chủ trương của chính phủ nước láng giềng, nhưng có khi chỉ là chính sách của một địa phương; hoặc có khi một hoạt động bất hợp pháp ở nước này nhưng có thể lại là hợp pháp ở nước hữu quan; tội phạm ở nước này nhưng có thể lại là đồng minh của nước kia, v.v. Bởi vậy, kết hợp chặt chẽ chính trị, quân sự, an ninh và đối ngoại trong quản lý, bảo vệ biên giới là một đòi hỏi khách quan xuất phát từ thực tiễn.

Muốn giải quyết tốt mối kết hợp nêu trên, quá trình quản lý, bảo vệ BGQG phải tùy vào tính chất vụ việc, thời điểm xảy ra vụ việc, nhất là động cơ, mục tiêu chính trị cụ thể để vận dụng hình thức, biện pháp đấu tranh cho phù hợp. Khi phải đối phó với xung đột, lấn chiếm biên giới có tổ chức, có vũ trang thì hoạt động quân sự, hành động tác chiến nổi lên hàng đầu, nhưng vẫn phải kết hợp với chính trị, ngoại giao để giải quyết. Khi đấu tranh chống tội phạm, chống xâm nhập thì dùng biện pháp an ninh, kiểm soát là chủ yếu, kết hợp với biện pháp đối ngoại để hợp tác đấu tranh với lực lượng bảo vệ biên giới hai bên; trường hợp khủng bố, còn cần kết hợp với biện pháp quân sự để tiến công tội phạm. Nếu xảy ra bạo loạn ở KVBG, phải chủ động kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, không để vụ việc lan rộng và có phương án đối phó với kẻ xấu khi chúng lợi dụng cơ hội này để lấn chiếm, xâm nhập biên giới.

Đối ngoại là biện pháp quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới. Biện pháp này thường được tiến hành thường xuyên, song khi đã xảy ra vụ việc thì cùng lúc cần vận dụng nhiều hình thức đối ngoại, cả trực tiếp và gián tiếp, cả hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại Biên phòng và đối ngoại nhân dân ở KVBG để tăng hiệu quả đối ngoại, kịp thời hỗ trợ cho các biện pháp khác, nhất là khi phải đấu tranh với vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Đại tá NGUYỄN QUANG ĐẠM

Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng

                        

* Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền (Luật Biên giới quốc gia, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 12).

 

Ý kiến bạn đọc (0)