Thứ Sáu, 25/04/2025, 11:33 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đó là mục tiêu được cụ thể hóa của việc xây dựng hình thái kinh tế-xã hội tiến bộ nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay. Nó khác hẳn về bản chất với mục tiêu tương tự được nhiều nước tư bản chủ nghĩa nêu ra.
Đảng ta đã xác định một bài học kinh nghiệm to lớn: đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đường lối chung có tầm quan trọng đặc biệt, chi phối đường lối cụ thể trên từng mặt, từng lĩnh vực. Đường lối chung bao gồm việc xác định mục tiêu và những phương thức, phương pháp để đạt mục tiêu đó. Có mục tiêu cuối cùng, lâu dài, lại có mục tiêu của từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử nhất định. Về mục tiêu cuối cùng, Điều lệ Đảng và "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH" (Cương lĩnh 1991) của Đảng đều chỉ rõ đó là chủ nghĩa cộng sản. Dĩ nhiên, để đạt được mục tiêu đó, chúng ta còn phải phấn đấu rất lâu dài, trải qua không biết bao nhiêu thế hệ nữa và cũng chưa ai dự báo hết được bộ mặt đầy đủ của xã hội đó, ngoài dự báo tổng quát: xã hội cộng sản chủ nghĩa có lực lượng sản xuất phát triển rất cao, của cải vô cùng dồi dào, không còn áp bức, bóc lột, con người có cơ sở đầy đủ để phát triển toàn diện…
Trước khi bước vào xã hội cộng sản chủ nghĩa, nước ta phải trải qua giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, rồi giai đoạn xây dựng CNXH (còn gọi là giai đoạn đầu, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản). Cách mạng dân tộc dân chủ có mục tiêu “thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng”, còn gọi là cách mạng giải phóng dân tộc và "cách mạng thổ địa". Nhưng lịch sử thường phát triển dích dắc, ngoằn ngoèo. Ở Việt Nam ta, trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ lại trải qua các cuộc kháng chiến lâu dài và vô cùng gian khổ. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, nước nhà thống nhất, cả nước đi lên CNXH trong bối cảnh thế giới vô cùng sôi động và phức tạp, Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, độc lập dân tộc và CNXH.
Mục tiêu của công cuộc xây dựng CNXH và mục tiêu của thời kỳ quá độ lên CNXH chỉ là một. Đó là xã hội XHCN đủ "lông cánh", vận động trên cơ sở bản thân nó, theo những quy luật riêng của nó, thể hiện đầy đủ bản chất khác với chế độ tư bản, cao hơn chế độ tư bản. Khi chúng ta nói mục tiêu lý tưởng cao đẹp, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là nói mục tiêu ở cấp độ khái quát nhất, về thực chất là khẳng định con đường XHCN của nước ta, chứ chưa nói được những gì cụ thể về mục tiêu của công cuộc xây dựng CNXH.
Theo Cương lĩnh 1991 mà Đại hội VII của Đảng vạch ra, được các Đại hội tiếp theo của Đảng bổ sung, phát triển, thì xã hội XHCN khi đã được xây dựng xong phải có những đặc trưng trên các mặt: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, nhà nước, nền văn hóa và con người mới, vị trí và vai trò của nhân dân trong xã hội mới đó, quan hệ giữa các dân tộc và quan hệ quốc tế. Dù diễn đạt theo những tiêu chuẩn cụ thể nào, phong phú ra sao, thì tựu trung, CNXH với tư cách một chế độ xã hội, giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, cũng phải bao gồm ba mặt: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng đều tiên tiến nhất, thể hiện ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản, tạo nên năng suất chiến thắng và có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn chủ nghĩa tư bản.
Trong Cương lĩnh 1991 cũng như trong nhiều văn kiện của Đảng (đặc biệt là văn kiện Đại hội IX của Đảng), đã cụ thể hóa mục tiêu xây dựng CNXH, tạo điều kiện tập hợp lực lượng rộng rãi, nhằm xây dựng đất nước trong giai đoạn mới là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mặc dầu hiện nay, có thể có nhiều nước nói tới phấn đấu mục tiêu tương tự; nhiều nước tư bản phát triển nói nước họ từ lâu đã đạt mục tiêu này, nhưng đều theo quan điểm, theo kiểu cách của nhà nước tư sản. Đảng và nhân dân ta cũng nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nhưng là của điều kiện “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Nói cách khác, chúng ta phấn đấu cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo con đường XHCN”. Để kiên định và thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả đó, cần hiểu một cách đúng đắn từng khía cạnh của nó.
Trước hết, nói về “dân giàu”. Vì xuất phát từ mức thu nhập quá thấp, đời sống quá nghèo khổ, cho nên trong quan niệm của dân ta về “dân giàu” cũng thật khiêm tốn, chỉ là vài nghìn đô la/người/năm, chứ chưa dám nghĩ đến vài chục nghìn đô la/người/năm như nhiều nước hiện nay. Khi nói dân giàu thì bao gồm cả tổng GDP của nước nhà và GDP tính theo đầu người. Nhờ tổng GDP lớn mà chúng ta không chỉ chăm lo đời sống chung toàn xã hội, lo an sinh xã hội, lo tái sản xuất mở rộng, đặc biệt chăm lo quốc phòng, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc, mà còn lo góp phần làm nghĩa vụ quốc tế. Một nước non 100 triệu dân mà tổng GDP chưa đầy 100 tỷ đô la/năm như hiện nay thì còn quá khiêm tốn (tuy so với trước đã tiến bộ nhiều). Cho nên, chúng ta phải phấn đấu chí ít cũng nâng lên 1.000 tỷ đô la/năm để đạt 3.000 đô la/người/năm vào năm 2020 chứ chưa dám nói đến vài chục nghìn tỷ đô la/năm như những nước phát triển trên thế giới. Phấn đấu cho dân giàu bằng sức của dân, bằng nội lực Việt Nam, bằng phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ở đây đòi hỏi đường lối đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước. Nhân dân ta phấn đấu giàu có hợp pháp luật, theo pháp luật. Nếu như trước kia đã có lúc nhận thức sai lầm rằng: giàu có là trái với đạo đức, trái với CNXH, thì ngày nay, thực tiễn càng cho chúng ta nhận thấy dân giàu là một mặt bản chất của xã hội XHCN.
Thứ hai, dân giàu là một trong những yếu tố quyết định nước mạnh. Một nước được coi là mạnh, trước hết là mạnh về kinh tế và mạnh về quân sự, quốc phòng. Về kinh tế, phải tự lo được các cân đối lớn trong nước, có dự trữ lớn, đối phó được với thiên tai, địch họa, không những đủ lo đời sống nhân dân mình mà còn dư lực giúp đỡ các dân tộc khác, các quốc gia khác, khi cần. Về quốc phòng, phải đủ sức ứng phó được với chiến tranh mà kẻ thù xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao, đủ sức bảo vệ Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.
Trong các nước tư bản hiện nay cũng tồn tại phổ biến khái niệm dân giàu, nước mạnh. Ở các nước tư bản phát triển nhất thì trong chiến lược, trong đường lối, chủ trương của họ, đặc biệt là trong các khẩu hiệu tranh cử của các đảng phái cũng được hứa hẹn dân giàu, nước mạnh. Nhưng dân là ai, cần quan tâm nhất tới tầng lớp nào; nước mạnh về cái gì, mạnh để làm gì… thì quan niệm của các chính phủ tư sản, các đảng tư sản, các học giả tư sản lại khác với chúng ta. Ở đấy, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia giàu mạnh được coi là dân giàu, nước mạnh. Theo chủ nghĩa đơn cực thì nước Mỹ phải có sức mạnh thống trị thế giới, cả về kinh tế và quân sự. Chính phủ nước hùng mạnh nhất thế giới này coi phục vụ dân nghĩa là phục vụ những công ty xuyên quốc gia, bởi các công ty này đóng góp nhiều thuế nhất, do đó họ là lực lượng đứng đằng sau, chi phối Chính phủ.
Thứ ba, về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì không phải ta mà các chính giới tư bản cũng nói, các nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp càng nói; nhưng quan niệm và tổ chức thực hiện thì khác ta về bản chất. Nhân dân ta quan tâm công bằng xã hội trước hết là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm bớt sự chênh lệch giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi; thực hiện tốt việc "đền ơn đáp nghĩa" những người đã hy sinh và cống hiến nhiều cho đất nước, quan tâm chăm sóc an sinh xã hội. Nhân dân ta quan tâm đến tổ chức nền dân chủ của đa số, dân chủ cả về chính trị lẫn kinh tế, dân chủ đối với công nhân, nông dân và trí thức, dân chủ với cấp dưới. Nền dân chủ của đa số là rất văn minh nhưng cũng vô cùng mới mẻ. Chúng ta phải luôn tìm tòi, sáng tỏ những cơ chế, những hình thức cụ thể, hợp lý để thực hiện kiểu dân chủ đa số. Dân chủ luôn luôn được hoàn thiện trên cơ sở nâng cao dân trí và trình độ phát triển kinh tế. Đến khi CNXH được xây dựng xong thì chúng ta có một nền dân chủ hoàn thiện, không những xã hội có ý thức cao mà còn có điều kiện đầy đủ để thực hiện nền dân chủ vô cùng đẹp đẽ ấy. Chúng ta xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, là một kiểu nhà nước dân chủ, văn minh nhất trong lịch sử. Xã hội văn minh mà Đảng và nhân dân ta quan niệm và quan tâm trước hết là dân tộc độc lập, tự chủ, bình đẳng giữa các chủng tộc và các quốc gia trên thế giới; nhân dân ta phấn đấu có cuộc sống phong phú, đa dạng, con người có điều kiện phát triển toàn diện, luôn luôn thích ứng với nền công nghiệp và công nghệ hiện đại, v.v.
Trái lại, ở các nước tư bản phát triển nhất hiện nay thì công bằng trong nước cũng như trong quan hệ quốc tế lại dành cho các thế lực có nhiều tiền bạc, kẻ giàu có lắm của là kẻ có quyền lực. Công bằng tư sản còn là công bằng tối đa theo quan hệ hàng hóa, theo đó “khôn sống mống chết”, “mạnh được yếu thua”; đặc biệt ngày nay là sự cạnh tranh giữa các công ty xuyên quốc gia, họ cạnh tranh để giành vị trí, thị trường trong nước và trên thế giới, giành giá cả độc quyền. Dân chủ, văn minh của phương Tây cũng khác với chúng ta, cả về quan niệm và thể chế. Dân chủ, văn minh tư sản là dựa trên thị trường tự do tuyệt đối, chỉ kẻ nào làm chủ thị trường là kẻ mạnh, những người và những quốc gia khác phải nói và sống theo kẻ mạnh, thậm chí kẻ mạnh dùng cả bom, đạn và đô la, thực hiện “khủng bố nhà nước” để thể hiện cái gọi là “bảo vệ dân chủ, tự do và văn minh”, “bảo vệ giá trị phương Tây”.
Ở Việt Nam ta, trong điều kiện xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì yêu cầu phấn đấu cho một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” tất yếu theo con đường XHCN, là mục tiêu chiến lược vô cùng đẹp đẽ, đồng thời là một khẩu hiệu đoàn kết, tập hợp lực lượng rộng rãi xây dựng xã hội mới. Điều quan trọng là bằng đường lối, chính sách và pháp luật mà Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn xã hội tiến dần lên CNXH.
Cuối cùng, thì xã hội "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh" mà chúng ta mong ước, đồng nghĩa với một hình thái kinh tế - xã hội rất tiến bộ. Theo đó, về lực lượng sản xuất là một nền sản xuất được cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa, tin học hóa với những công nghệ hiện đại, tương đương với cơ sở vật chất kỹ thuật mà các nước tư bản phát triển nhất đã đạt được. Chỉ có như thế, chế độ XHCN mới có cơ sở đưa ra được một năng suất lao động chiến thắng so với chủ nghĩa tư bản. Về quan hệ sản xuất, khi CNXH được xây dựng xong thì xã hội đã nắm lấy những tư liệu sản xuất (kể cả dịch vụ) chủ yếu, nền kinh tế thị trường XHCN được hình thành đầy đủ, kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch kết hợp nhuần nhuyễn, hệ thống phân phối theo lao động và theo tác động của các quy luật thị trường XHCN cùng phúc lợi xã hội chiếm ưu thế. Về kiến trúc thượng tầng, vốn mang tính tiên tiến ngay từ khi bắt đầu thời kỳ quá độ, đến khi CNXH được xây dựng xong thì nó ở trình độ hoàn thiện; đặc biệt, phải kể đến nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN đã rất phát triển và hoàn thiện, con người mới có khả năng phát triển toàn diện trở thành phổ biến, thế giới quan khoa học và đạo đức XHCN ngự trị trong xã hội.
Một khi đạt được cả ba mặt (lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng) thì chúng ta kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH, nhân dân ta bắt đầu cuộc sống ở giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội mới mẻ nhất trong lịch sử loài người. Đấy là ước mơ, hoài bão, là lý tưởng vô cùng cao đẹp của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta, chúng ta cần tiếp tục kiên định và phấn đấu theo mục tiêu cao cả đó.
VŨ HỮU NGOẠN
Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011