QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:50 (GMT+7)
Về một số yếu tố ảnh hưởng đến chi ngân sách quốc phòng của các quốc gia và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam

Bất cứ một quốc gia nào có chủ quyền cũng đều quan tâm xây dựng chiến lược quốc phòng. Việc phân bổ nguồn lực của đất nước cho lĩnh vực này là một tất yếu khách quan và tỷ lệ phân bổ giữa “súng và bơ” luôn là vấn đề được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Đây cũng là động lực chính cho sự xuất hiện và nổi lên một xu hướng mới trong nghiên cứu kinh tế học (gọi là Kinh tế Quốc phòng- Defense Economics), mà việc công bố  nghiên cứu về "Quốc phòng và kinh tế tăng trưởng trong các nước phát triển”1 của một giáo sư thuộc Đại học Columbia (Mỹ) được các nhà khoa học thế giới quan tâm. Đề cập về vấn đề này, bài viết dưới đây chỉ bàn một số yếu tố tác động đến chi ngân sách quốc phòng (NSQP) của một số quốc gia trên thế giới; trên cơ sở đó, nêu một số vấn đề đặt ra đối với nước ta (mang tính tham khảo).

Thông thường, khi phân tích các yếu tố tác động đến chi NSQP của một quốc gia, các nhà nghiên cứu trên thế giới dựa trên cơ sở một số yếu tố cơ bản, như: mức độ phát triển của nền kinh tế; nhu cầu tái cấu trúc quân đội và công nghệ quân sự mới; những hiệu ứng tích lũy của đầu tư cho quân đội; tình trạng hoạt động của kinh tế vĩ mô; chiến lược phát triển quân đội và những yêu cầu của tình hình quốc phòng- an ninh (QP-AN) quốc gia… Việt Nam ta cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Trước hết, mức độ tăng trưởng GDP (chỉ số thể hiện tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia) là nền tảng cho tăng NSQP. Theo đó, các nhà nghiên cứu đều tìm kiếm sự tương quan giữa GDP và chi NSQP của một quốc gia (tỷ lệ % của NSQP so với GDP). Tuy nhiên, tỷ lệ này thay đổi ở các nước khác nhau và trong giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giữa giai đoạn hòa bình và chiến tranh. Trong giai đoạn chiến tranh, đối với một quốc gia, phần lớn các nguồn lực của đất nước đều dành cho quốc phòng; còn trong thời bình, có tỷ lệ % trung bình chi NSQP trong GDP. Đã có nhiều nghiên cứu về tỷ lệ này ở mức nào là phù hợp (cao, thấp, trung bình), nhưng phù hợp nhất là từ 3- 5% GDP. Sau chiến tranh lạnh, NSQP của Mỹ trung bình là 5,7%; tại Anh là 4,8%; ở Liên Xô cũ là 12%; năm 2008, chi NSQP trung bình toàn thế giới là 3,7% GDP2. Đối với Việt Nam, trong 20 năm (1991- 2010), chi ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 2,4% GDP. Riêng 4 năm (2005- 2008), NSQP Việt Nam đạt trung bình 2,102%3. NSQP của Việt Nam chủ yếu để bảo đảm đời sống bộ đội, bảo đảm hoạt động của công nghiệp quốc phòng, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân.

Phân tích hiệu ứng tăng trưởng GDP bình quân trên đầu người tác động đến NSQP (chỉ số phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế), cho thấy: ở các nước, tại thời điểm GDP bình quân đầu người đạt khoảng 280 USD/người đã bắt đầu có sự tăng trưởng và chi cho quốc phòng theo mô hình "cơ cấu tăng trưởng". Đối với Việt Nam, GDP bình quân đầu người năm 1995 khoảng 288 USD/người. Như vậy, có thể coi giai đoạn tăng trưởng NSQP của Việt Nam tính từ năm 1995, bắt đầu phát triển trong quá trình tự nhiên của nó từ 10 năm trở lại đây.

Trong mối tương quan giữa tăng trưởng GDP và NSQP, tuỳ theo từng nước, có thể thấp hơn, cao hơn hay bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Việt Nam qua 20 năm đổi mới có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (trung bình 7,4%), nhưng NSQP chỉ tăng trung bình khoảng 5% (Trung Quốc có GDP tăng trưởng 10,12% và NSQP tăng trung bình 15%/năm).

Quan hệ giữa phát triển quân sự và tăng trưởng kinh tế điều kiện rất quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển quân sự, nhất là với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với khả năng kinh tế nước ta còn thấp, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đang ưu tiên đầu tư cho thực hiện chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nên NSQP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và “cần, kiệm” vẫn là kim chỉ nam hành động. Tuy nhiên, với mức tăng gấp đôi GDP của Việt Nam sau mỗi kỳ kế hoạch trong 20 năm qua (năm 1991 đạt khoảng 8,3 tỷ USD) và các cấu trúc kinh tế cơ bản đã hình thành, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại tăng trưởng khá,... Việt Nam đã có điều kiện đầu tư phát triển tiềm lực quốc phòng.

Hai là, tác động của tái cấu trúc lại quân đội đến NSQP.

Trong các cuộc chiến tranh xảy ra trên thế giới, vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã xuất hiện việc sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao (CNC) và sự thay đổi nghệ thuật tác chiến. Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng NSQP. Vũ khí CNC có giá thành rất cao (giá một quả tên lửa có điều khiển hiện nay đủ để trang bị cho một tiểu đoàn bộ binh trong chiến tranh thế giới thứ 2); cùng với đó là sự thay đổi cơ bản phương thức tác chiến, đã làm cho chi phí chiến tranh tăng lên rất cao. Để có đủ tiềm lực quân sự bảo đảm giành thắng lợi trong chiến tranh sử dụng vũ khí CNC, các quốc gia, nhất là các quốc gia xâm lược, đều tăng chi NSQP để xây dựng và tích lũy vốn tập trung trong quân đội, trọng tâm là sản xuất, mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự công nghệ tiên tiến, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao (cả về chỉ huy, quản lý, khai thác, sử dụng, kiểm soát vũ khí CNC...). Đối với Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là quản lý, bảo vệ biên giới, vùng trời, biển đảo, cũng đang đặt ra những nhu cầu lớn về ngân sách để xây dựng quân đội, phát triển  lực lượng hải quân, không quân...

Sự thay đổi cấu trúc Quân đội cũng là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng chi NSQP. Hiện nay, mô hình quân đội các nước tuỳ theo chiến lược quân sự và thể chế chính trị- xã hội của từng quốc gia. Tuy nhiên, một xu hướng chung toàn cầu là việc thay đổi cấu trúc quân đội có liên quan đến việc thay đổi kết cấu của thành phần con người và vũ khí, trang bị quân sự. Trong chiến tranh sử dụng phổ biến vũ khí CNC, lực lượng chiến đấu chủ yếu không còn là bộ binh, mà kết hợp nhiều thành phần lực lượng; do đó, lực lượng bộ binh sẽ được cắt giảm và tăng cường sức mạnh các lực lượng: hải quân, phòng không, không quân, các lực lượng đặc biệt, phản ứng nhanh, lực lượng hạt nhân, tên lửa chiến lược... Điều đó tất yếu dẫn đến việc phải tăng NSQP để tái cấu trúc lại và nâng cao sức mạnh quân đội. Đó cũng đồng thời là quá trình thực hiện việc loại bỏ các loại vũ khí, trang bị đã lỗi thời. Hiện nay, các hiệp ước giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí chiến lược có điều kiện, cắt giảm số lượng tên lửa đã lỗi thời của Mỹ, Nga là một giai đoạn trong quá trình nâng cấp tái cấu trúc quân sự.

Ba là, tích lũy trong đầu tư cho lĩnh vực quân sự là yếu tố liên quan mật thiết đến tăng NSQP. Sức mạnh quân đội của một quốc gia là sự kết hợp các lượng tích lũy từ các nguồn đầu tư và lượng chi phí thường xuyên hằng năm. Việc tăng cường sức mạnh quân sự đồng nghĩa với tăng NSQP, là một mục quan trọng trong chi tiêu tài chính hằng năm của một quốc gia (chi thường xuyên) và được tích lũy thành tổng số tiền đầu tư trong nhiều năm. Tuy nhiên, có sự liên quan giữa  mức độ tăng trưởng với tích lũy đầu tư, hay khối lượng chi phí thường xuyên hằng năm. Chẳng hạn, Mỹ hiện có 18 tàu ngầm hạt nhân chiến lược được trang bị tên lửa, 138 tàu chiến mặt nước (có 12 chiếc tàu sân bay) và hơn 1.000 tên lửa liên lục địa, nhờ được thực hiện thông qua tích lũy đầu tư trong nhiều năm, nhưng NSQP hằng năm vẫn lớn nhất thế giới (5,7% GDP). Nga có 26 tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa; 44 tàu chiến mặt nước (trong đó có một tàu sân bay), hơn 1.000 tên lửa liên lục địa, nhưng NSQP hằng năm vẫn chiếm tỷ lớn để nâng cao sức mạnh quốc phòng. Đối với Việt Nam, vấn đề nêu trên cũng cần được nghiên cứu, giải quyết sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" đã xác định quan điểm, phương châm, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trong đó, nổi bật lên tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Theo đó, chúng ta cần xác định tương quan sử dụng nguồn lực đầu tư giữa chiến lược phát triển quân sự và các điều kiện kinh tế, sức mạnh của dân tộc; dự kiến các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình QP-AN đất nước (cả thường xuyên, đột xuất, bất ngờ), tình trạng của kinh tế vĩ mô để tính toán bảo đảm đủ nhu cầu ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng.

Phân tích một số yếu tố tác động đến chi NSQP của một số quốc gia trên thế giới để chúng ta tham khảo, nghiên cứu giải quyết những vấn đề đặt ra và có hướng giải quyết phù hợp về chi ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu chiến lược trên thế giới, Việt Nam nằm trong khu vực có nhiều thách thức về QP-AN. Đây cũng là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách quốc gia quan tâm trong quá trình xây dựng chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự và phân bổ hợp lý ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, ThS. TRẦNĐÌNH THĂNG

Cục Tài chính - BQP

________

1- Emile - “Difense an Economic Growth in Developing Countries”. Lexington Books, Massachusetts, 1973.

2- Ngân sách quốc phòng thế giới sau chiến tranh lạnh. Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội. số 1, 2007.

3- Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009, tr. 38. H. 12 - 2009.

 

Ý kiến bạn đọc (0)