Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:52 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, biển và đại dương thế giới được phân chia thành 2 khu vực chính: các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; biển cả và vùng đáy và lòng đất dưới đáy nằm ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia nêu trên, không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Theo đó, một quốc gia ven biển có 5 vùng biển với phạm vi và chế độ pháp lý như sau: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Phạm vi các vùng biển của quốc gia ven biển được tính từ đường cơ sở.
Tại vùng nước nội thủy - vùng nước nằm ở phía bên trong của đường cơ sở, tiếp giáp với bờ biển- quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền.
Trong lãnh hải - vùng biển rộng tối đa 12 hải lý, tính từ đường cơ sở- quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ. Do nhu cầu chung về hàng hải trên thế giới nên các quốc gia đồng ý thừa nhận quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước khác trong lãnh hải của mình.
Trong vùng tiếp giáp lãnh hải - vùng biển nằm ngoài và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng tối đa là 12 hải lý- quốc gia ven biển có hai quyền là ngăn ngừa và trừng trị đối với hoạt động bất hợp pháp của người và tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định về hải quan, y tế hay nhập cư.
Trong vùng đặc quyền kinh tế - vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở - quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như đối với mọi hoạt động khác, nhằm thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên của vùng này vì mục đích kinh tế, trong đó bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quyền tài phán quốc gia đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Tuy nhiên, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia ven biển phải tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm của các quốc gia khác; không được cản trở một cách bất hợp lý việc nghiên cứu khoa học biển vì mục đích chung của con người; cho phép tàu cá của các nước khác được đánh bắt phần cá được phép đánh bắt dư thừa mà ngư dân mình không đánh bắt hết với điều kiện phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong thềm lục địa - vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài và tiếp liền với lãnh hải trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa ở một khoảng cách gần hơn (trường hợp đặc thù về rìa lục địa có thể ra xa hơn, nhưng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở) - quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như đối với mọi hoạt động khác, nhằm thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên của vùng này vì mục đích kinh tế. Đây là quyền đương nhiên của quốc gia ven biển. Mặt khác, quốc gia ven biển tôn trọng quyền lắp đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm của các quốc gia khác ở thềm lục địa của mình, không cản trở quyền tự do hàng hải, tự do bay của các quốc gia khác được Công ước 1982 thừa nhận.
Như vậy, căn cứ vào luật pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà nước ta là thành viên, Việt Nam có quyền làm chủ đối với 5 vùng biển nêu trên và thực thi các quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển đó. Việc bảo vệ và tăng cường quyền làm chủ đối với quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta trên các vùng biển Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường tài nguyên biển, giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định ở nước ta và trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế vì mục tiêu hòa bình và phát triển bền vững. Mặt khác, ta cũng cần tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng trên biển của các quốc gia khác, nhất là các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia láng giềng trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của họ; đẩy mạnh trao đổi, đàm phán giữa các bên liên quan, nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển chung và lợi ích của mỗi nước, giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các yêu sách và hoạt động không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
THANH THẢO
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011