QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:09 (GMT+7)
Văn học, nghệ thuật “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”

Một nền văn học, nghệ thuật (VH,NT) chân chính bao giờ cũng giúp con người hướng tới chân - thiện - mỹ. Lịch sử  VH,NT thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng đều cho thấy, các kiệt tác đều không lảng tránh các vấn đề chính trị. Vấn đề quan trọng là tác giả giải quyết vấn đề chính trị như thế nào. Chính ý thức chính trị kết hợp với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới cho các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam ý chí, tình yêu vô bờ bến, vững bước với sự nghiệp của dân tộc. Thế mà hiện nay, có một số người lớn tiếng muốn tách VH,NT khỏi chính trị; thực chất là khỏi sự lãnh đạo của Đảng (!).

Một số cá nhân ở trong và ngoài nước đã và đang đặt lại vấn đề xem xét quan hệ giữa VH,NT với chính trị. Thậm chí, từ việc phê phán cái gọi là sự “áp đặt, cưỡng bức” của chính trị đối với VH,NT, có người kêu gọi “tách VH,NT ra khỏi chính trị”(!). Câu chuyện tưởng như không mới ấy, lại đã trở thành một “món khoái khẩu” của một số thế lực chống đối Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được họ sử dụng như một thứ “vũ khí lý luận” để tấn công vào đời sống VH,NT của xã hội. Qua đó, hy vọng sẽ tác động tới suy nghĩ, tình cảm, sự sáng tạo của giới văn nghệ sĩ để thực hiện mục đích riêng của họ.  

Ở Việt Nam, do các điều kiện riêng của lịch sử xã hội mà trong hơn nửa thế kỷ qua, VH,NT đã vận động trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Sự chi phối của những xu hướng tinh thần khác nhau xuất hiện trong bối cảnh đất nước bị xâm lược đã làm nảy sinh các xu hướng tư tưởng - nghệ thuật khác nhau. Tiếp cận khách quan về lịch sử, đề cập tới VH,NT Việt Nam trong thế kỷ XX, không thể phủ nhận giá trị xã hội, tính nhân văn của một số tác phẩm VH,NT tiến bộ trong giai đoạn 1900 - 1945; ở vùng tạm chiếm, từ năm 1946 đến năm 1954; ở miền Nam, trong giai đoạn 1954 - 1975. Bởi lẽ, với ý nghĩa tích cực nhất định, các tác phẩm này đã góp phần lên án tội ác của giặc ngoại xâm; cảnh báo về sự tha hóa xã hội - con người dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới; khẳng định lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc; cổ vũ mọi người sống và hành động hướng tới các giá trị nhân văn chân chính... Mặc dù vậy, các tác phẩm đó vẫn chưa góp phần tìm ra lời giải đúng cho "bài toán" về số phận đất nước, về nền độc lập và con đường phát triển của dân tộc. Nói cách khác, lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ vẫn bị giới hạn trong phạm vi của nhãn quan chính trị tuy tiến bộ nhưng ít nhiều còn bế tắc, nhất là với các tác giả chịu ảnh hưởng của tinh thần tiến bộ tư sản vào lúc đã thoái trào. Trong bối cảnh đó, từ những năm 30 của thế kỷ trước, khuynh hướng VH,NT cách mạng đã ra đời, từng bước được khẳng định qua các phẩm chất ưu việt của nó. Từ đó tới nay, VH,NT cách mạng giữ vị trí then chốt trong tiến trình phát triển VH,NT Việt Nam hiện đại. Không ai khác, chính các văn nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực: văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình,... đã thành danh từ trước năm 1945 từng khẳng định: Cách mạng Tháng Tám đã mở ra chân trời mới cho sự nghiệp sáng tạo của họ. Nguyễn Tuân từng coi Cách mạng Tháng Tám đối với Ông là một sự “lột xác”; Hoài Thanh tâm sự: từ ngày gặp cách mạng, Ông “đã có đủ trí tuệ và dũng khí để băng mình vào giữa cuộc sống bao la, kỳ diệu, giữa rừng cây đời mãi mãi xanh tươi”; còn Nguyễn Công Hoan viết: “Cách mạng Tháng Tám đến đã cứu sống tôi. Cách mạng Tháng Tám giải phóng cho gia đình tôi, đồng thời, giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của tôi”...

Sự “lột xác” như Nguyễn Tuân đề cập, hay ý tưởng về “đôi mắt” trong một truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, xét đến cùng, không chỉ là sự biến đổi về cảm xúc, mà sâu xa hơn, đó là kết quả của những biến đổi về chất trong nhãn quan chính trị-xã hội đã dẫn đến sự biến đổi về chất trong lý tưởng thẩm mỹ của văn nghệ sĩ. Đó là điều mà từ ngày nhà nước dân chủ, nhân dân ra đời ở Việt Nam đến nay, các thế lực chống đối vẫn ra sức phủ nhận, và trở thành một trọng điểm trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận nói chung, trong cuộc đấu tranh trong VH,NT nói riêng.

Với tư cách là “toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước”1, sự tồn tại của chính trị trong một xã hội thường được thể hiện trên hai phương diện: học thuyết chính trị giữ vai trò chủ đạo trong ý thức xã hội để giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội; và việc xây dựng một nhà nước nhằm tổ chức, quản lý, điều chỉnh và định hướng phát triển xã hội theo lý luận, quan điểm của học thuyết chính trị. Như vậy, trong một xã hội, nói đến chính trị là nói đến vai trò chủ đạo cả trong ý thức xã hội lẫn hệ thống thiết chế mang tính chất nhà nước để bảo đảm cho sự hiện thực hóa tư tưởng chính trị. Với sự tiếp cận ấy, chúng ta thấy, hiển nhiên khi đã giữ vai trò chủ đạo trong một xã hội, chính trị không chỉ ảnh hưởng và tác động tới các hình thái ý thức xã hội khác cùng trong một kiến trúc thượng tầng, mà còn giữ vai trò lãnh đạo và chi phối hoạt động của mọi hoạt động trong lĩnh vực vật chất, tinh thần của xã hội. Như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”2. Ở Việt Nam, sự tương ứng đó thể hiện qua vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, cùng quá trình xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong các xã hội có giai cấp bóc lột, khi một học thuyết chính trị giữ vai trò chi phối đời sống xã hội thì trước hết là nhằm phục vụ quyền lợi của giai cấp bóc lột, và hệ quả bao giờ cũng là tình trạng bất công ngày càng trầm trọng, là sự tồn tại và được dung túng của những yếu tố “phi nhân tính” dễ tha hóa con người, để con người quên mình là ai, rồi chấp nhận vị trí là người bị trị,... Bối cảnh xã hội ấy buộc các văn nghệ sĩ luôn lấy các giá trị nhân văn làm mục đích cho hành động sáng tạo, không thể đứng ngoài. Dù bị truy bức, dù tự phát hay tự giác, họ cũng đã dấn thân vào sự nghiệp chính nghĩa. Bằng tác phẩm, họ đứng về phía người bị bóc lột, tố cáo, đấu tranh với cái ác, cái xấu xa, sự bất lương của xã hội họ đang sống; khẳng định con người có quyền và phải được sống một cuộc sống tự do, hạnh phúc... Như vậy, phải khẳng định rằng, khi một học thuyết chính trị không hướng về con người, không lấy lợi ích và sự phát triển toàn diện của con người làm mục đích xây dựng xã hội, thì dù học thuyết chính trị đó có quyền lực ghê gớm đến đâu cũng không thể điều hòa được mâu thuẫn giữa quan điểm phản tiến bộ của nó với các giá trị chân - thiện - mỹ mà VH,NT phấn đấu vươn tới. Tình trạng trên đã có sự thay đổi về chất với sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học thuyết chính trị có mục đích duy nhất là thực hiện một cuộc cách mạng xã hội để đặt con người vào vị trí làm chủ; từ đó xây dựng một xã hội luôn lấy con người làm trung tâm, tạo điều kiện để con người phát triển hài hòa, được hưởng các lợi ích từ lao động của chính mình... Điều này đã quyết định sự hình thành nền tảng lý luận - thực tiễn để thiết lập quan hệ hữu cơ, sự thống nhất giữa mục đích chính trị của giai cấp vô sản với mục đích sáng tạo của VH,NT chân chính. Vì một mặt, học thuyết chính trị cùng nhà nước của giai cấp vô sản lấy lợi ích, sự phát triển toàn diện của con người làm mục đích phấn đấu; mặt khác, yêu cầu các thiết chế VH,NT và đội ngũ văn nghệ sĩ trong xã hội cũng phải hướng tới mục đích thiết thân ấy. Trong khi đó, một nền VH,NT chân chính bao giờ cũng hướng tới con người, không chỉ để chia sẻ, mà còn giúp con người vươn tới những điều tốt đẹp. Nhận thức được sự thống nhất giữa lý luận, quan điểm học thuyết chính trị của giai cấp vô sản với bản chất của nền VH,NT chân chính, văn nghệ sĩ sẽ được trang bị một công cụ giúp họ có khả năng tư duy khách quan, khoa học trong quá trình nhận thức - sáng tạo, vừa định hướng quá trình nhận thức - phản ánh cuộc sống, vừa suy nghĩ trên nền tảng các giá trị nhân văn, vừa được tạo ra các điều kiện để sáng tạo trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống và hiện đại... Đây chính là căn nguyên lý giải tại sao từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý học thuyết chính trị của giai cấp vô sản vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở Việt Nam, vạch ra con đường đấu tranh để giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới, đã thu hút dưới lá cờ cách mạng một  đội ngũ đông đảo gồm nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, cùng phấn đấu vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, nền VH,NT cách mạng ở Việt Nam đã từng bước hình thành, chứng tỏ được sức sống và sự hấp dẫn với các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Sóng Hồng (Trường Chinh), Tố Hữu, Hải Triều,... Và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ trước cách mạng, như: Xuân Diệu, Huy Cận, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Sáng,... đã hăng hái đứng trong đội ngũ văn nghệ sĩ của cách mạng, vừa cầm súng, vừa sáng tác, góp phần làm nên điều mà hôm nay chúng ta vẫn tự hào nhắc tới là các nghệ sĩ - chiến sĩ. Tiếp bước họ, là những văn nghệ sĩ trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, với các tên tuổi, như: Nguyễn Đình Thi, Phan Tứ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Phan Huỳnh Điểu, Đào Hồng Cẩm, Diệp Minh Châu, Xuân Hồng, Phạm Tuyên,... Nhiều người trong số họ đã ngã xuống trên chiến hào trong tư cách là người chiến sĩ, như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Hoàng Việt... Tên tuổi của họ được làm nên bởi những tác phẩm đã đạt tới tầm cao về tư tưởng - nghệ thuật, đã sống trong lòng nhân dân, trở thành “vũ khí tinh thần” trong sự nghiệp đấu tranh vì thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ý thức chính trị kết hợp với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới cho các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam ý chí, tình yêu vô bờ bến với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Từ ý thức tự giác và sâu sắc đó, các văn nghệ sĩ đã vững bước cùng dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những kỳ tích mà lịch sử sẽ còn lưu giữ mãi mãi.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, đã có thời kỳ, vì những đòi hỏi nghiêm ngặt của tình thế cách mạng hoặc sự bất cập trong quá trình phát triển, nên đã có lúc, VH,NT Việt Nam chưa được tạo điều kiện để phát triển một cách toàn diện như vốn có và phải có. Đó là khi cách mạng đòi hỏi cái “ta” của nghệ sĩ phải hòa với cái “chúng ta” của dân tộc, thế giới tâm hồn ít nhiều riêng tư của con người phải đặt sang một bên để cùng hướng tới sự nghiệp chung lớn lao hơn,... Điều đó, phần nào gây trở ngại cho sự phát triển VH,NT nói chung, cho hoạt động VH,NT của văn nghệ sĩ nói riêng. Đặc biệt, phải nhắc tới thái độ phiến diện, cực đoan trong thẩm định tác phẩm VH,NT, nên ở một vài thời điểm, với một vài tác phẩm và tác giả, chúng ta chưa đánh giá thấu đáo, đưa tới một số hiểu lầm đáng tiếc; hiện tượng này đã ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình xây dựng, phát triển VH,NT. Bên cạnh đó, quan niệm máy móc, hẹp hòi còn đeo bám trong cách nhìn nhận ở một số người, cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của VH,NT, tạo ra ấn tượng về các “sự, vụ” dễ bị các thế lực chống đối cách mạng lợi dụng để xuyên tạc, từ hiện tượng đơn lẻ quy vào bản chất, lấy bộ phận thay cho toàn thể, từ một vài sai lầm trong quản lý, tổ chức của thiết chế VH,NT mà đi đến chỗ xuyên tạc vai trò của ý thức chính trị cách mạng đối với văn nghệ sĩ...

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, cùng với đổi mới trên các lĩnh vực xã hội khác, VH,NT Việt Nam không chỉ đổi mới trong quan niệm, trong phương thức tổ chức, lãnh đạo và quản lý, mà văn nghệ sĩ còn được tạo điều kiện để sáng tạo, công bố tác phẩm; và chính sự đổi mới đó đã quyết định nền VH,NT của chúng ta tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh lịch sử mới. Lịch sử VH,NT thế giới nói chung, lịch sử VH,NT Việt Nam nói riêng cho thấy, các kiệt tác đều không lảng tránh các vấn đề chính trị. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, tác giả giải quyết vấn đề chính trị như thế nào, cái “tâm” của tác giả ra sao. Làm ra tác phẩm chỉ nhằm mục đích bôi đen, trút bức xúc và hằn học, hay lấy cái “tôi” cá nhân để làm thước đo phẩm chất của cộng đồng,... bao giờ cũng mang tới sự "phản giá trị" đối với tác phẩm và chủ nhân của nó. Đó là sự thật không thể bác bỏ. Cho nên, về thực chất, khi người ta đòi hỏi “tách VH,NT khỏi chính trị” thì, nếu đó không nằm trong sự tiếp tay cho các thế lực đang kêu gào phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với VH,NT, thì cũng là biểu hiện của tình trạng ấu trĩ, mất phương hướng trong nhận thức của văn nghệ sĩ - điều cần phải bác bỏ hoặc dũng cảm, thật sự cầu thị khắc phục.

NGUYỄN HÒA

_____________

1- Từ điển Bách khoa Việt Nam - Trung tâm biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, H.1995, tr.478.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.1995, tr.368 -369

 

Ý kiến bạn đọc (0)