QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:44 (GMT+7)
Văn hóa Đảng trong tư duy lãnh đạo quân sự, quốc phòng của Đảng ta
Kể từ khi nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo dân tộc cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành một quốc gia độc lập, tự do, đi lên CNXH, ngày càng phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới; dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Và kể từ đó, văn hóa dân tộc cũng sang trang mới. Xuất phát từ quan điểm: văn hóa Đảng là sự kế thừa, phát triển văn hóa dân tộc ở tầm cao mới, bài viết này tập trung đề cập văn hóa Đảng trong tư duy lãnh đạo quân sự, quốc phòng của Đảng ta.

Đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng là sự phát triển rực rỡ văn hóa “Toàn dân đánh giặc, toàn dân giữ nước” của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong nền văn hóa Việt Nam, có một bộ phận tiêu biểu là văn hóa quân sự, được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài giữ nước gắn với dựng nước của dân tộc ta. Văn hóa quân sự là lý luận, những tổng kết khoa học rút ra từ những thắng lợi và cả thất bại trong các cuộc khởi nghĩa dân tộc và chiến tranh dân tộc, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nhằm lật đổ ách thống trị của ngoại bang và đánh bại chiến tranh xâm lược, cả từ trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội qua nhiều thế kỷ sống trong hòa bình. Như vậy, có thể thấy, văn hóa quân sự kết tinh, thấm đẫm văn hóa Việt Nam, thể hiện nổi bật trong chiến tranh. Đó là, lòng yêu nước, thương nòi, đức hy sinh, dũng cảm, tinh thần và ý thức cộng đồng đánh giặc trong thế trận làng - nước, làng - xã vững chắc. Nhờ vậy, văn hóa quân sự Việt Nam có “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo”, “Cử quốc nghênh địch”, “Chúng chí thành thành”, “Tận dân vi binh” ; có cách đánh và đánh thắng giặc bằng sự kết hợp tuyệt vời của trí thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm vô bờ, với  những “Dĩ đoản chế trường”, “Tâm công”, “Đánh bằng mưu kế. Thắng bằng thế thời”, v.v.

Đảng ta đã biết phát huy, phát triển sáng tạo cao độ truyền thống văn hóa đánh giặc, giữ nước của cha ông vào điều kiện lịch sử mới, đề ra được đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng đúng đắn, sáng tạo, lãnh đạo toàn dân đứng lên làm cách mạng lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành lấy chính quyền; tiếp đó tiến hành hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH cho Tổ quốc. Trong thực tiễn tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng được hình thành, phát triển. Là một bộ phận trong đường lối cách mạng của Đảng, đường lối quân sự, quốc phòng hệ thống hóa các tư tưởng, quan điểm của Đảng về sử dụng bạo lực cách mạng, khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân nhằm mục đích của chiến tranh, mục tiêu của cách mạng theo đường lối chính trị của Đảng.
Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng - sự kết hợp giữa tư tưởng, lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh hoa văn hóa quân sự của dân tộc. Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc - Người có công khai sinh Đảng ta -  là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu, khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê - nin là “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Người đã đặc biệt quan tâm đến kết luận của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác về bạo lực là quy luật phổ biến của cách mạng và nó có thể diễn ra bằng khởi nghĩa vũ trang, bằng chiến tranh cách mạng hoặc kết hợp giữa các hình thức đó. Không những thế, Người để tâm nghiên cứu, xem xét đến nhiều bài học về khởi nghĩa ở nước Nga năm 1917 do V.I. Lê-nin trực tiếp tổ chức và lãnh đạo. Thấy có sự khác biệt về lực lượng tiến hành khởi nghĩa ở các nước tư bản và các nước thuộc địa, Nguyễn ái Quốc theo dõi sát sao các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân dưới các màu sắc khác nhau đang diễn ra ở các nước thuộc địa. Rồi từ thực tế khởi nghĩa ở các nơi này, Người đi đến khẳng định: thắng lợi của khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng diễn ra ở Việt Nam trong tương lai phải là sự kết hợp giữa sự vận dụng sáng tạo tư tưởng, lý luận  quân sự cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh hoa văn hóa quân sự của dân tộc.
 Ngày nay, nghiên cứu trước tác tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và những văn kiện, nghị quyết lãnh đạo cách mạng dân chủ nhân dân, giải phóng dân tộc của Đảng ta, thấy thể hiện nổi bật đường lối chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, đó cũng là đường lối chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là một cuộc chiến tranh cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân tiến hành khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, giành chính quyền, giữ chính quyền, đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp thoát khỏi cảnh xâm lược, nô dịch, áp bức bóc lột. Do đó, quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng ta là một thể hoàn chỉnh thể hiện các mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân, giữa quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc; giữa vai trò quyết định sức mạnh của quần chúng nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản, quyết định nhất tính chất, nội dung của cuộc chiến tranh và đưa cuộc chiến tranh nhân dân đến thắng lợi hoàn toàn. Bạo lực cách mạng trong chiến tranh nhân dân, đó là bạo lực của quần chúng nhân dân, thể hiện ở hai hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Cả hai lực lượng, lực lượng đấu tranh vũ trang và lực lượng chính trị là sức mạnh của bạo lực cách mạng, là sức mạnh mới của cả lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, là con người có giác ngộ chính trị, có tổ chức và biết phát huy truyền thống văn hóa trong dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng đều là những hoạt động cách mạng của quần chúng bị áp bức chống lại chế độ áp bức, bóc lột để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Do đó, lực lượng tiến hành khởi nghĩa vũ trang - chiến tranh cách mạng là toàn dân có hai lực lượng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Lực lượng tiến hành khởi nghĩa vũ trang chủ yếu là lực lượng chính trị của quần chúng có tổ chức, do Đảng lãnh đạo, được tập hợp cụ thể trong các mặt trận. Lực lượng chính trị của quần chúng là lực lượng chủ yếu đứng lên giành chính quyền, khi bước vào khởi nghĩa cần có một lực lượng vũ trang ở mức độ nhất định, tức là lực lượng quần chúng được vũ trang... ở nước ta, lực lượng đấu tranh chính trị và có cả vũ trang làm nòng cốt như lực lượng du kích, tự vệ, bên cạnh đó có cả quân đội cách mạng hỗ trợ. Ví như, Đồng khởi 1960 ở Bến Tre... Còn chiến tranh cách mạng vẫn là hai lực lượng, lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, nhưng nhất thiết phải có quân đội cách mạng lớn mạnh mới đập tan được công cụ vũ trang phản cách mạng của địch, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh giành quyền làm chủ, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng ta và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh chỉ rõ: chiến tranh nhân dân ở nước ta là một cuộc tiến công toàn diện của cách mạng bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, tiến công vào nền tảng thống trị của bọn đế quốc, tay sai chứ không đơn thuần là một cuộc tiến công quân sự. Sự khác biệt giữa chiến tranh nhân dân của ta với chiến tranh cổ điển và chiến tranh nhân dân của các nước khác, ở chỗ: lực lượng tiến hành chiến tranh nhân dân không chỉ có lực lượng vũ trang ba thứ quân mà còn có lực lượng chính trị của toàn dân, trong đó có lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị. Địa bàn của nó không chỉ ở rừng núi, nông thôn, mà cả đô thị cũng là một chiến trường. Phương thức đấu tranh là đánh địch toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao..., kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân không đơn thuần là sức mạnh quân sự mà là sức mạnh tổng hợp bao gồm những nhân tố làm nên sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại kết hợp với nhau. Nét văn hóa hay tính ưu việt của cuộc chiến tranh này là sự thống nhất biện chứng giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng, giữa khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, giữa đường lối, phương pháp cách mạng với phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng, phản ánh đúng quy luật cách mạng và chiến tranh cách mạng ở nước ta. Chiến tranh nhân dân của ta thực hiện những mục tiêu cơ bản của cách mạng. Ngay trong chiến tranh, chúng ta vừa tiến hành đánh giặc, vừa tiến hành những nhiệm vụ cách mạng dân chủ như xây dựng chế độ mới, thực hiện những cải cách dân chủ, từng bước xác lập quyền làm chủ của nhân dân. Chiến tranh nhân dân Việt Nam là sự hòa quyện làm một giữa cách mạng và chiến tranh. Vì thế, chiến tranh toàn dân là cuộc chiến tranh vừa quân sự vừa chính trị, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ mới, kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp tiến công với làm chủ, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị bằng cả hai lực lượng - lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong cuộc chiến tranh lâu dài, không chỉ có  những quy luật riêng của đấu tranh quân sự, quy luật riêng của chiến tranh mà còn có những quy luật cách  mạng. Hai loại quy luật đó đồng thời tác động và quy định lẫn cho nhau nên lãnh đạo chiến tranh phải nắm vững cả hai loại quy luật và sự vân động của chúng trong từng thời điểm của chiến tranh, gắn đấu tranh vũ trang với các mặt đấu tranh khác, giải quyết các yêu cầu quân sự theo yêu cầu chung của cách mạng. Song, chiến tranh nhân dân của ta vẫn tuân theo quy luật của chiến tranh nói chung: giữ vai trò chi phối và quyết định thắng lợi cuối cùng.
Xây dựng, củng cố một nền quốc phòng mang tính nhân dân sâu sắc-   nền quốc phòng toàn dân. Đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa giữ nước của dân tộc - “ Thái bình tu trí lực. Vạn cổ thử giang san” -  lấy   hòa hiếu làm trọng, giữ vững sự ổn định bên trong và chung sống hòa bình với tất cả các quốc gia để tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, Đảng ta chủ trương xây dựng, củng cố một nền quốc phòng, quân sự, mang tính chất tự vệ, với mục đích chính là để bảo vệ Tổ quốc, vì hòa bình, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; sức mạnh của nền quốc phòng, quân sự  là sức mạnh tổng hợp, được xây dựng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại... Do đó, nó mang tính nhân dân sâu sắc, ngày càng hiện đại, do toàn dân thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước – nền quốc phòng toàn dân. Nội dung đường lối xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, vì thế có rất nhiều yêu cầu mới và nội dung mới so với đường lối quân sự, quốc phòng trong 30 năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc trước đây. Đó là quá trình kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa quốc phòng với an ninh; quốc phòng - an ninh và đối ngoại; quốc phòng - an ninh - đối ngoại kết hợp chặt chẽ với xây dựng kinh tế, phát triển khoa học -  công nghệ, giáo dục -  đào tạo, xây dựng nền văn hóa mới và thực hiện các chính sách công bằng xã hội, xây dựng lực lượng quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân. Đường lối xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức độc lập dân tộc đi đôi với CNXH cho mỗi người dân. Trong mấy nghìn năm lịch sử, nước ta đánh thắng được những đội quân xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp bội là nhờ vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, vào lòng yêu nước, thương nòi của mỗi người dân. Dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” đã trở thành truyền thống, quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Việc kế thừa và phát huy truyền thống “lấy dân làm gốc’ trong đường lối xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân hiện nay của Đảng ta, một lần nữa khẳng định văn hóa Đảng trong tư duy lãnh đạo quân sự, quốc phòng của Đảng ta trong hoàn cảnh mới của đất nước.
 
Đại tá Nguyễn Thế Vỵ
           
 

Ý kiến bạn đọc (0)