Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:23 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đại hội IX của Đảng đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân (QPTD) là một nội dung cơ bản trong hệ thống quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam; có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với tư tưởng về quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Quân đội nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong xây dựng nền QPTD ở nước ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng vào điều kiện cụ thể của nước ta; kế thừa và phát triển truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”, kinh nghiệm đánh giặc và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam; đồng thời, tiếp thu những kinh nghiệm hay của các dân tộc trên thế giới. Nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Người, có thể nhận thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD bao gồm những nội dung sau.
Trước hết, đó là quan niệm về tính tất yếu của nhiệm vụ củng cố quốc phòng (CCQP), bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với việc khẳng định nền độc lập của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Ngay sau khi thành lập Chính quyền cách mạng, trước tình thế “thù trong, giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ bắt tay ngay vào việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc chấn hưng đất nước, tổ chức kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập của dân tộc mới giành được. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi, trong diễn văn mừng Chính phủ về Thủ đô, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”. Người luôn căn dặn các LLVT và nhân dân không được lơ là, mất cảnh giác; trong khi tập trung cho sản xuất, phải luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, trấn áp các phần tử phá hoại, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Người luôn nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ miền Bắc phải làm tốt vai trò là hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam; phải nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH; đồng thời, đề cao cảnh giác, tích cực CCQP, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Hai là, quan niệm về tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp CCQP, BVTQ. Theo Hồ Chí Minh, CCQP, BVTQ là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; được xây dựng trước hết từ sức mạnh bên trong của đất nước, từ nhân dân, từ khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là LLVT nhân dân. Người chỉ rõ, đó là sự nghiệp của “toàn thể dân tộc Việt Nam”. Sức mạnh của nền quốc phòng đất nước là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; của sự kết hợp mọi yếu tố vật chất và tinh thần; của tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự và ngoại giao,... mà cội nguồn là truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta, nhân dân ta. Người khẳng định: “lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”1. Người luôn nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể phải hết sức coi trọng công tác giáo dục, giác ngộ nhân dân về lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH.
Ba là, tư tưởng về xây dựng LLVT nhân dân làm nòng cốt của sự nghiệp CCQP, BVTQ. Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng LLVT nhân dân (bao gồm cả quân đội và công an; cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích) làm nòng cốt đánh giặc giữ nước. Trong xây dựng Quân đội nhân dân, Người luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội; trong đó, chú trọng xây dựng bản chất cách mạng, tính giai cấp, tính nhân dân, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, phương pháp, tác phong công tác, đạo đức cách mạng, kỷ luật quân sự... Đối với Công an nhân dân, Người đặc biệt nhấn mạnh tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”... Người rất coi trọng việc tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng dân quân, du kích, tự vệ thành “bức tường sắt” trong thế trận “thiên la địa võng” đánh giặc cứu nước. Người nhận định, các thế lực thù địch luôn câu kết chặt chẽ với nhau để chống phá cách mạng; do đó, phải chú trọng xây dựng công an và quân đội như “hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”2; nhiệm vụ quốc phòng và an ninh tuy có tính độc lập, nhưng luôn quan hệ mật thiết, thâm nhập lẫn nhau trong mục tiêu chung là CCQP và BVTQ.
Bốn là, tư tưởng về kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “...kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”3. Điều này đã trở thành phương châm xuyên suốt, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo Người, mỗi người dân phải là “một người lao động hăng hái”, đồng thời “là một chiến sĩ dũng cảm”; bộ đội phải tăng gia sản xuất, “thực túc, binh cường”, “chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng, làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân”4 …
Cùng với toàn bộ hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Người về QPTD đã được Đảng, Nhà nước, quân đội ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội VII của Đảng (6-1991) chủ trương: “Củng cố nền QPTD và thế trận chiến tranh nhân dân nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược của kẻ thù là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị”5. Tinh thần ấy tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội VIII, IX của Đảng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) đã ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, nhấn mạnh: “Củng cố và hoàn thiện nền QPTD, an ninh nhân dân (ANND) và thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là trên địa bàn chiến lược; xây dựng các khu phòng thủ vững chắc”6. Đại hội X của Đảng tiếp tục chủ trương: “Xây dựng nền QPTD và ANND vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”7; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu: “Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”8.
Nhằm tiếp tục quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD vào xây dựng nền QPTD trong thời kỳ mới, theo chúng tôi, cần nhận thức và giải quyết tốt một số vấn đề sau.
Một là, các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ hơn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH, tăng cường hội nhập kinh tế thế giới; trên cơ sở đó, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là, trong khi tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), phải hết sức chăm lo củng cố QP-AN, xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh. Theo đó, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN trên cả nước, từng vùng lãnh thổ và từng địa bàn. Các công trình kinh tế phải có phương án bảo vệ vững chắc trong tổ chức phòng thủ chung của đất nước; sự kết hợp này phải được quán triệt trong quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, nhất là đối với các địa bàn chiến lược về QP-AN, các vùng kinh tế trọng điểm. Thời gian tới, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác QP-AN; coi trọng sự tham mưu, chỉ đạo về QP-AN của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với các ngành, các địa phương; bảo đảm để mỗi bước phát triển về kinh tế, đồng thời là một bước tăng cường, củng cố về QP-AN; chú trọng tính lưỡng dụng trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình công nghiệp và các ngành trọng điểm phục vụ mục đích dân sinh, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chiến tranh khi cần thiết. Đối với các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài, cần thực hiện tốt các quy trình thẩm định, phê duyệt, không để xảy ra mất an toàn về QP-AN của đất nước.
Hai là, Đảng, Nhà nước cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đồng bộ hệ thống thể chế về QP-AN; xây dựng, hoàn thiện chiến lược QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; chú trọng việc tổ chức xây dựng lực lượng, trang bị, nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chống chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao và chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là công tác chỉ đạo triển khai thực hiện ở các vùng trọng điểm, chiến lược về QP-AN của đất nước.
Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, cần tập trung nâng cao trách nhiệm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QP-AN địa phương đối với đơn vị mình,... Đối với nhân dân, chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm công dân trong việc thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân các vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản,... tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và nhiệm vụ QP-AN nói riêng.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng, thế trận QPTD với lực lượng và thế trận ANND ở cả tầm vĩ mô và vi mô, dựa trên nền tảng vững chắc của “thế trận lòng dân” và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến cơ bản, toàn diện, có chiều sâu trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), tạo nền tảng vững chắc cho thế trận QPTD và thế trận ANND. Cần hết sức coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, bảo đảm để các lực lượng này thực sự là nòng cốt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đối với quân đội, cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng chính trị, cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ tác chiến, phối hợp, hiệp đồng, khả năng cơ động phòng tránh, đánh trả,... nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng chăm lo đời sống, sức khỏe của bộ đội; tăng cường công tác giáo dục, quản lý kỷ luật, nhất là kỷ luật quan hệ quân-dân; có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tốt về vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần quán triệt và triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa hai lực lượng, bảo đảm cho thế trận QPTD và thế trận ANND đều được phát huy một cách đầy đủ nhất. Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, tập trung xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng Dự bị động viên có chất lượng cao, làm nòng cốt, chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở.
Trung tá TRẦN ĐÌNH THẮNG
__________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 281.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb. CTQG, H. 2000, tr.403
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 99.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 103.
5- ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. ST, H. 1991, tr. 85.
6- ĐCSVN - Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCHTW Đảng khoá IX, Nxb. CTQG, H. 2003, tr. 56.
7, 8 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H. 2006, tr. 108-109.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011