QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 23:46 (GMT+7)
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đối ngoại quân sự trong thời kỳ mới
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là một bộ phận hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn thống nhất với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.Tư tưởng của Người về ngoại giao thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống ngoại giao được đúc kết từ hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc với kinh nghiệm thời đại, tri thức uyên bác, bản lĩnh và phong cách ngoại giao tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành nền tảng và sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Những nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao được thể hiện trong các luận điểm bất hủ của Người: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế; tự lực tự cơường gắn liền với hợp tác quốc tế; “thêm bạn, bớt thù”,  “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ngoại giao hoà bình, chống chiến tranh xâm lược, ách áp bức, thống trị, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc đối với các quốc gia, dân tộc ... 

Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, đối ngoại quân sự (ĐNQS) luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, kiên định mục tiêu, nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, triển khai hoạt động đối ngoại trên nhiều lĩnh vực với nhiều nội dung và hình thức phong phú, góp phần tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ về tinh thần, vật chất vô cùng quý báu của bạn bè quốc tế, nhất là của các nước XHCN..., phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng quân đội, kháng chiến cứu quốc. Quán triệt phương châm “thêm bạn, bớt thù” của Người, ĐNQS  tích cực đấu tranh góp phần làm phân hóa kẻ thù, tập hợp lực lượng, mở rộng mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta, tạo điều kiện làm chuyển biến so sánh thế và lực có lợi cho cách mạng nước nhà, để đánh thắng quân thù. Trong sự nghiệp đổi mới hơn 20 năm qua, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Về ngoại giao, kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước trên nguyên tắc “bình đẳng tương trợ”. Phải đặc biệt chú ý là làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”, ĐNQS đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ động, nhạy bén trong xác định nội dung, chơương trình, thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại; góp phần củng cố, đưa các quan hệ truyền thống phát triển cả bề rộng và chiều sâu; đồng thời, phát triển nhiều quan hệ mới, trên nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng: hợp tác quốc phòng, an ninh, hợp tác phát triển các lĩnh vực về khoa học quân sự, giáo dục- đào tạo..., phục vụ đắc lực cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội. ĐNQS cũng chủ động tham gia vào các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế về quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác với các nước trong phòng chống những mối đe dọa mới mang tính toàn cầu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ an ninh, hoà bình, ổn định khu vực và thế giới. Trước âm mưu phá hoại mới của các thế lực thù địch, ĐNQS  đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các bộ, ngành, địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp, hình thành một thế trận ngoại giao quân sự rộng mở, vững chắc, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”(DBHB), bạo loạn lật đổ và các hoạt động đội lốt dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta của các thế lực thù địch, phản động; nâng cao uy tín, vị thế của quân đội, của đất nươớc trên trơường quốc tế, giữ vững hoà bình, ổn định và tạo điều kiện quốc tế có lợi cho công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian tới, bối cảnh thế giới, khu vực, quan hệ quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên; hoạt động khủng bố, ly khai, can thiệp, lật đổ vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Đối với nước ta, những nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại đan xen, diễn biến phức tạp, nhất là các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược DBHB chống phá nước ta trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...Nước ta gia nhập WTO, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới cũng đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn đối với công tác đối ngoại nói chung, ĐNQS nói riêng. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Quán triệt đường lối, chính sách đối ngoại đó của Đảng, ĐNQS cần nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ công tác ĐNQS trong thời kỳ mới, là phải góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, sẵn sàng đánh bại mọi nguy cơ xâm lược từ bên ngoài và mưu đồ phá hoại từ bên trong; đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo dựng và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, điều kiện quốc tế thuận lợi, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm có tính nguyên tắc của ĐNQS nước ta là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình, hợp tác cùng phát triển, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với nước khác, không liên minh quân sự, không hợp tác, liên kết với nước này chống nước khác; tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là tham gia vào xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển của thời đại, vào những hình thức hội nhập kinh tế, hợp tác khu vực và quốc tế về quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác, để tranh thủ những thời cơ, thuận lợi mới, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ gây ra xung đột, chiến tranh, tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện quốc tế thuận lợi, nhất là tận dụng các nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và  nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của quân đội trên trường quốc tế. Đây thực chất là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nghĩa vụ và lợi ích quốc gia với nghĩa vụ và lợi ích quốc tế, là sự  vận dụng sáng tạo tư tưởng độc lập tự chủ, tự lực tự cường, gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; là sự kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc cho sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của chúng ta.
  Những thành tựu đối ngoại quan trọng của đất nước thời gian qua, như tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2006; trở thành thành viên thứ 150  của WTO; được các nước châu á giới thiệu là ứng cử viên duy nhất bầu làm uỷ viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đã khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, uy tín, vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, tạo cơ sở hết sức quan trọng để các ngành đối ngoại nói chung, ĐNQS nói riêng tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế. Do đó, ĐNQS cần tích cực đổi mới cả về nhận thức và trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ giữa vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên cơ sở thế và lực mới của đất nước. ĐNQS cần quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phương châm đối ngoại hoà bình của Đảng “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, coi đó là định hướng cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ của mình, để tăng cường hợp tác, nâng quan hệ ĐNQS giữa nước ta với các nước trong cộng đồng quốc tế lên tầm cao mới, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống. Tích cực tham gia vào các hoạt động ĐNQS đa phương, vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ. Tăng cường, mở rộng quan hệ ĐNQS trên nhiều mặt: bảo vệ hoà bình, an ninh khu vực và thế giới, phát triển các linh vực về khoa học quân sự, quốc phòng, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, như tin học, tự động hoá, vật liệu hoá..., vào các lĩnh vực hoạt động quân sự, bảo quản, sửa chữa, cải tiến thiết kế, chế tạo, tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất quốc phòng, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước trên thế giới. Trong hoạt động, ĐNQS  cần xác định các chương trình, kế hoạch cả trước mắt và lâu dài, với những lộ trình, nội dung và bước đi thích hợp, đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đối tác cụ thể; giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, phát huy những thế mạnh, đặc biệt là thế và lực mới của đất nước, của quân đội, tranh thủ những điểm tương đồng, những lợi ích chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Kết hợp chặt chẽ giữa ĐNQS với đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại của nhân dân, các bộ, ngành, địa phương, tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp, củng cố vững chắc thế trận kết hợp đối ngoại-quốc phòng-an ninh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong tình hình mới, cần tăng cường các kênh trao đổi thông tin, phối hợp trong nghiên cứu cơ bản nhằm tạo sự thống nhất trong đánh giá tình hình, trong xác định thời cơ, thách thức, nguy cơ, đối tượng, đối tác, xu hướng vận động của các mối quan hệ quốc tế..., làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác tham mưu chiến lược và triển khai thực hiện nhiệm vụ; phối hợp xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan tới quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kiên quyết không để bị động, bị bất ngờ về chiến lược. Các lực lượng làm công tác ĐNQS  cần chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng trong hoạt động ĐNQS; tích cực rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, các thủ tục hành chính, đảm bảo tính khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả, gọn nhẹ, thông thoáng, nhơưng chặt chẽ, đúng đường lối, nguyên tắc, phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhất là các điều lệ, các quy định trong WTO. Phối hợp ĐNQS với các lực lượng đối ngoại khác, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, xây dựng các “phòng tuyến an ninh đối ngoại” nhiều tầng, nhiều tuyến, góp phần đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu DBHB, gây bạo loạn lật đổ và các hành động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc hoà bình, ổn định của đất nước.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng mang tính quyết định thành công của công tác ĐNQS là ngành ĐNQS phải xây dựng vững mạnh cả về chính  trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở các quy định của Bộ Quốc phòng, tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, biên chế; tăng cươờng bổ sung trang thiết bị hiện đại; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết rút kinh nghiệm; từ đó đúc kết thành lý luận, rút ra những bài học bổ ích để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐNQS. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chăm lo đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục- đào tạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn làm công tác ĐNQS có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, chế độ và với nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, nhất là trình độ học vấn, ngoại ngữ, khai thác mạng, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng, TS.  Phạm Thanh Lân
Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)