QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:26 (GMT+7)
Vấn đề hạt nhân ở I-ran: thực trạng và triển vọng
Vấn đề hạt nhân, hay cuộc khủng hoảng hạt nhân ở I-ran nổi lên từ nhiều năm nay, diễn biến rất phức tạp. Ba nước đại diện Liên minh châu Âu là Pháp, Đức, Anh đã tiến hành đàm phán với I-ran hơn ba năm (từ 2002); Liên hợp quốc (LHQ), các cường quốc trong thường trực Hội đồng bảo an là Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng đều tham gia tìm giải pháp, nhưng lối thoát vẫn chưa được khai thông, tình trạng bế tắc, căng thẳng kéo dài. Đây chẳng khác nào một thứ ung nhọt gây nhức nhối trong cơ thể cộng đồng quốc tế.

Thực chất vấn đề hạt nhân ở I-ran là biểu hiện tập trung của những mâu thuẫn, xung đột giữa nước Cộng hoà Hồi giáo I-ran với phương Tây, đặc biệt với Mỹ và I-xra-en. Cốt lõi của vấn đề hiện nay là: phía I-ran kiên quyết và ngày càng gia tăng việc làm giàu U-ra-ni trong chương trình hạt nhân mà họ luôn khẳng định là vì mục đích hoà bình, và họ cho đó là quyền lợi chính đáng, hợp pháp, nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà I-ran là một thành viên.  Còn phía Mỹ và phương Tây thì đòi I-ran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, cụ thể là việc làm giàu U-ra-ni, vì họ cho rằng việc làm giàu U-ra-ni của I-ran không chỉ để sản xuất điện năng mà còn để chế tạo bom nguyên tử. Nhưng đó vẫn chỉ là những nghi vấn, chưa có chứng cứ cụ thể, chưa được kết luận. Trong báo cáo mới nhất là ngày 6-6 vừa rồi, cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng chỉ nêu được rằng I-ran đang tăng tốc độ làm giàu U-ra-ni, và thừa nhận các thanh sát viên của họ chưa tìm hiểu thêm được về khả năng hạt nhân của I-ran, về các bí mật quân sự của I-ran có liên quan đến khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Dư luận thế giới hết sức quan tâm vấn đề này, bởi nó đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoà bình, an ninh ở khu vực Trung Đông cũng như thế giới. Bởi vì, nếu I-ran có chủ tâm phát triển vũ khí hạt nhân, thế giới có thêm bất cứ một nước nào có vũ khí hạt nhân thì cũng trở nên kém an toàn hơn. Nếu I-ran thực sự chỉ phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình mà vẫn bị Mỹ và phương Tây nghi ngờ, ngăn chặn, cấm đoán, trừng phạt thì cũng là nhân tố gây mất ổn định ở khu vực và thế giới. Chỉ mới hồi tháng tư vừa rồi, cuộc khủng hoảng này tưởng như sắp bùng nổ thành chiến tranh khi Hội đồng bảo an LHQ yêu cầu I-ran trong vòng 30 ngày (tính đến 28-4) phải đình chỉ hoàn toàn và vĩnh viễn mọi hoạt động làm giàu U-ra-ni. I-ran chẳng những bác bỏ yêu cầu này, mà ngày 9-4, Tổng thống M.A-ma-đi Nê-giát còn tuyên bố “I-ran đã gia nhập Câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân” với thành công trong việc làm giàu U-ra-ni ở mức 3,5% và sẽ sản xuất nguyên liệu này trên quy mô lớn. Mỹ cho đó là sự thách thức của I-ran đối với cộng đồng quốc tế, rằng “chương trình hạt nhân của I-ran đã trở thành mối đe doạ thực sự đối với an ninh thế giới”. Oa-sinh-tơn đã rục rịch “điều binh khiển tướng”, rà soát lại các phương án tiến công quân sự đã được trù tính đối với I-ran. Tê-hê-ran cũng sẵn sàng “nghênh chiến” bằng các cuộc biểu dương lực lượng, diễn tập quân sự quy mô lớn từ 31-3 đến 6-4 ở vùng Vịnh với sự tham gia của khoảng 17.000 quân, 1.500 tàu chiến, máy bay, nhiều loại tên lửa tầm xa, ngư lôi kiểu mới đã được phóng thử trong diễn tập quân sự. Có lẽ do sức ép của dư luận phản đối chiến tranh, do Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran còn biết tự kiềm chế, biết cân nhắc lợi hại mà chiến tranh chưa bùng nổ.

Gần đây đã xuất hiện những động thái, những tín hiệu mới mang tính tích cực, đáng khích lệ của các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân ở I-ran. Ngày 7-5, đích thân Tổng thống I-ran M. A-ma-đi Nê-giát đã gửi một bức thư dài 18 trang cho Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ, trong đó có đề nghị đàm phán trực tiếp về các mâu thuẫn, bất đồng giữa hai nước. Các chuyên gia phân tích của Mỹ và phương Tây đều nhất trí nhận định I-ran đang thay đổi quan điểm và chiến lược trong vấn đề hạt nhân, chuyển từ đối đầu sang đối thoại trực tiếp với Mỹ. Một số chuyên gia và cố vấn của chính phủ Mỹ gia tăng vận động Chính quyền G.W.Bu-sơ có lời phúc đáp thích hợp với bức thư mang tính hoà giải đầu tiên chưa từng có của I-ran. Theo họ, chưa một vị Tổng thống nào của I-ran có ý định đối thoại trực tiếp với Mỹ kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 hai nước cắt đứt quan hệ với nhau. Ông Pôn Pi-lác, chuyên gia phân tích về Trung Đông, từng cộng tác với CIA cho rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, đang có một nguyện vọng thực sự từ các nhà lãnh đạo I-ran muốn tiến hành đối thoại với Mỹ. Nguyện vọng này đã dẫn tới bước đi đầu tiên, lạ lẫm trong bức thư. Bất luận nội dung bức thư thế nào, nhưng nếu người I-ran thực sự muốn bắt đầu đối thoại một cách nghiêm túc về vấn đề vũ khí hạt nhân thì chúng ta cũng không nên sợ khi chấp nhận làm việc này”.
Phía Mỹ vốn “kiêng kỵ”đàm phán trực tiếp với I-ran, vì theo họ như vậy sẽ là sự thừa nhận một nước bị Mỹ xếp vào hàng “trục ác quỷ”, cho nên lúc đầu Mỹ cũng bác bỏ bức thư của Tổng thống I-ran, và còn cho đó chỉ là thủ đoạn chiến thuật nhằm né tránh vấn đề và kéo dài thời gian. Nhưng có lẽ sự phân tích và những lời khuyên của các chuyên gia là cũng có tác dụng. Ngày 31-5, trong một bước đi được mô tả là “sự thay đổi lớn trong chính sách”, cả đương kim Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều nói Mỹ sẽ tham gia các cuộc đàm phán với I-ran về vấn đề hạt nhân, với điều kiện nước này ngừng hoạt động làm giàu U-ra-ni. Ngày 8-6, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ được giấu tên cho biết chính quyền Mỹ cũng đồng ý về khả năng I-ran có thể làm giàu U-ra-ni trong những năm tới, nhưng chỉ trong trường hợp nước này ngừng chương trình làm giàu U-ra-ni hiện nay của họ và các cuộc đàm phán đạt kết quả tốt. Ngày 15-6, Thượng viện Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Tổng thống G.W.Bu-sơ, đàm phán với I-ran về vấn đề hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng, Mỹ đang có sự thay đổi quan trọng, từ tìm cách huỷ bỏ chương trình hạt nhân của I-ran sang chỉ cố gắng hạn chế chương trình này.
Ngày 1-6, phản ứng trước việc Mỹ chấp nhận đàm phán có điều kiện với I-ran về vấn đề hạt nhân, Chính quyền I-ran tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mỹ nhưng phản đối mọi điều kiện tiên quyết do Mỹ đưa ra. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran, ông Ma-nu-chơ Mốt-ta-ki nêu rõ I-ran sẽ không đàm phán về các quyền hợp pháp và không thể phủ nhận của mình.
Như vậy, hai đương sự, hai đối thủ chính là Mỹ và I-ran từ chỗ “không thèm” nhìn mặt, nói chuyện trực tiếp với nhau, nay đều có điểm chung là sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân. Đây quả thực là một sự chuyển biến đáng khích lệ của cả hai bên. Chỉ có điều khác nhau là, một bên thì muốn đàm phán có điều kiện, một bên thì muốn đàm phán không điều kiện tiên quyết. Dư luận mong muốn hai bên khắc phục được điểm khác biệt này để tiến hành đàm phán một cách thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần củng cố an ninh khu vực Trung Đông và thế giới.
Có một diễn biến tích cực nữa, đó là việc Bộ trưởng Ngoại giao sáu cường quốc, bao gồm năm nước Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, và Đức đã gặp nhau ngày 1-6 tại Viên (áo), thoả thuận đưa ra một đề xuất cả gói để giải quyết vấn đề hạt nhân ở I-ran. Nội dung chi tiết của đề xuất cả gói chưa được công bố chính thức, nhưng nó cũng được hé mở dần từng phần. Theo các nguồn tin, trong đề xuất cả gói trên, để đổi lấy việc I-ran ngừng làm giàu U-ra-ni, Mỹ đã có nhượng bộ lớn cả về kinh tế lẫn chính trị, như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại chống I-ran, cung cấp một số công nghệ hạt nhân, giúp I-ran xây dựng nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ. Cả Mỹ và châu Âu còn có thể cùng I-ran tiến hành các hoạt động làm giàu U-ra-ni ngay trên lãnh thổ nước này, nếu Tê-hê-ran đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt của IAEA và Hội đồng Bảo an LHQ. Thoả thuận này cũng còn đề cập đến việc ủng hộ I-ran gia nhập WTO…Thoả thuận cũng còn kèm theo một lời đe doạ trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ nếu I-ran không đáp ứng những điều kiện đàm phán, cụ thể là ngừng hoạt động làm giàu U-ra-ni.
 Ngày 6-6, Cao uỷ đối ngoại của EU, ông Ha-vi-ê Xô-la-na đã đến Tê-hê-ran chuyển bản đề xuất cả gói đó cho Chính quyền I-ran. I-ran đón nhận bản thoả thuận này với sự thận trọng và có phản ứng ban đầu được coi là tích cực. Sau hai giờ đàm phán với ông Xô-la-na, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của I-ran là ông A-li La-ri-gia-ni nói: “Trong đề xuất trên có những bước tích cực và có cả vài sự mơ hồ cần phải được làm rõ. Chúng tôi cho rằng ý định của châu Âu giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán là một bước đi đúng đắn, và chúng tôi hoan nghênh điều này. I-ran cần có thêm thời gian mới có thể đưa ra quyết sách cuối cùng”. Đến ngày 11-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran A.R.H.A-xê-phi nói rằng, I-ran sẽ đưa ra những điểm bổ sung của mình về vấn đề hạt nhân, vì trong thoả thuận được đề nghị với I-ran của sáu nước trên, có những điểm chấp nhận được, có những điểm còn mơ hồ, có những điểm không thể chấp nhận được.
I-ran đã từng nhiều lần bác bỏ đề nghị mà theo đó, nước này phải từ bỏ việc làm giàu U-ra-ni. Lần này, đề nghị cả gói của sáu nước đã không bị I-ran “từ chối thẳng thừng”. Phản ứng tích cực của I-ran lần này được nhiều nước hoan nghênh. Người phát ngôn Nhà Trắng Tô-ni Xnâu nói Mỹ hài lòng khi I-ran đón nhận các đề xuất này một cách nghiêm túc và Mỹ mong có được câu trả lời của I-ran trong vài tuần tới. Ông này nói thêm, nếu I-ran ngừng việc làm giàu U-ra-ni thì Mỹ có thể sẽ thảo luận một cách cởi mở hơn về những gì được đưa ra với I-ran. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng không quên răn đe trừng phạt nếu I-ran bác bỏ các đề nghị của Mỹ. Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ hy vọng I-ran sẽ đưa ra câu trả lời chính thức đối với thoả thuận cả gói trên vào cuối tháng 6, trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao nhóm các nước công nghiệp phát triển và Nga (G-8) tại Xanh Pê-téc-bua (Nga) vào đầu tháng 7-2006.
Như vậy, dù là vấn đề vô cùng phức tạp và còn nhiều gay cấn, nhưng hiện nay đã có những tín hiệu, chuyển biến tích cực, đáng khích lệ: cả Mỹ và I-ran đều công khai tỏ ý sẵn sàng đàm phán trực tiếp; các cường quốc cùng thoả thuận với nhau về một “đề xuất cả gói” và I-ran đã phản ứng một cách tích cực, đón nhận với thái độ thận trọng, nghiêm túc, đang nghiên cứu kỹ và hẹn sẽ có câu trả lời. Rõ ràng đây là thời cơ chưa từng có mà các bên liên quan cần nắm bắt để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Triển vọng, khả năng sắp tới sẽ ra sao, đâu là giải pháp hữu hiệu nhất ? Đó là câu hỏi mà mọi người không thể không nghĩ tới.
Trước mắt, dư luận đang trông chờ ở câu trả lời cụ thể, chính thức của I-ran về “đề xuất cả gói” của sáu cường quốc. Nội dung cụ thể của “đề xuất cả gói” chưa được tiết lộ đầy đủ, nên cũng chưa đủ cơ sở để xem xét câu trả lời của I-ran là thế nào. Tuy nhiên, với những gì đã được biết về “đề xuất cả gói”thì I-ran khó có thể bác bỏ  hoàn toàn; nếu bác bỏ thì sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ và của Mỹ là điều khó tránh khỏi. Vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nhiều. Khả năng thực tế là I-ran sẽ đưa ra những đề nghị bổ sung của riêng mình để từ đó đem ra bàn đàm phán, hoặc song phương với Mỹ, hoặc đa phương với sáu nước tác giả của bản “đề xuất cả gói”. Đây cũng là con đường thực tế và “tối ưu” trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, khúc mắc chính hiện nay là phía Mỹ yêu cầu trong khi đàm phán, I-ran phải ngừng các hoạt động làm giàu U-ra-ni. Trong khi đó, I-ran coi việc làm giàu U-ra-ni của họ là quyền lợi chính đáng, hợp pháp, không áp lực nào có thể làm họ từ bỏ điều này.
Dư luận thấy rằng, trong những bước chuyển biến mang tính tích cực hiện nay đều thể hiện phần nào thiện chí và sự nhượng bộ của các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân ở I-ran, đặc biệt hai đương sự chính là Mỹ và I-ran. Hy vọng, các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và I-ran tiếp tục phát huy thiện chí, sự nhượng bộ lẫn nhau để các kênh đàm phán song phương, đa phương, đặc biệt đàm phán trực tiếp, vô điều kiện giữa Mỹ và I-ran trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, được tiến hành càng nhanh càng tốt. Chỉ có đàm phán như vậy mới là con đường duy nhất đúng đắn để giải quyết vấn đề hạt nhân ở I-ran. Sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, hoặc tìm mọi cách can thiệp lật đổ chế độ hiện nay ở I-ran đều là những giải pháp không thực tế, và rất bất lợi cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở I-ran.
Dư luận cũng cho rằng, vấn đề hạt nhân chỉ là bề nổi, là ngòi nổ của mâu thuẫn, xung đột giữa Mỹ và I-ran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở I-ran năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ được Mỹ ủng hộ. Trước đó, Mỹ đã từng có kế hoạch giúp I-ran phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, không hề có “vấn đề hạt nhân ở I-ran” như lâu nay. Bởi vậy, để giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân ở I-ran còn phải liên quan đến nhiều vấn đề khác ở khu vực Trung Đông, đặc biệt phải xoá bỏ hận thù, bình thường hoá quan hệ Mỹ  -  I-ran, v.v  và v.v. Tất cả đều phụ thuộc vào thiện chí, sự khát khao với hoà bình, hữu nghị của các bên liên quan và vì sự an ninh thế giới.
 
Kim Phượng
           
 

Ý kiến bạn đọc (0)