QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:55 (GMT+7)
Vấn đề hạt nhân của I-ran với các cường quốc
Dư luận quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp xung quanh vấn đề hạt nhân của I-ran và nhóm G. 6 (gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và Đức), bởi nó có thể đẩy quan hệ giữa I-ran và một số nước trong nhóm G.6 đến tình trạng đối đầu, gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với I-ran, mà cho toàn khu vực Trung Đông và nền kinh tế toàn cầu.

Mâu thuẫn về vấn đề hạt nhân giữa I-ran với một số cường quốc trong nhóm G.6 đã lên đến “đỉnh điểm”, khi mà ngày 31- 8 vừa qua là thời hạn cuối cùng để I-ran phải đưa ra một trong hai lựa chọn về “đề xuất cả gói” mà nhóm G.6 áp đặt đối với nước này. Thứ nhất, nếu I-ran chấp nhận “đề xuất cả gói”, nghĩa là đồng ý ngừng ngay các hoạt động làm giầu u-ra-ni bị tình nghi là để phát triển vũ khí hạt nhân, thì nước này sẽ được phương Tây viện trợ kinh tế, năng lượng và đảm bảo an ninh. Thứ hai, nếu I-ran không chấp nhận “đề xuất cả gói”, nghĩa là tiếp tục chương trình làm giầu u-ra-ni, thì nước này sẽ phải chịu sự trừng phạt về kinh tế, cô lập về ngoại giao. Đến nay, thời hạn chót mà G.6 hạn định cho I-ran đã trôi qua và I-ran thay vì  phải có câu trả lời cuối cùng, lại đề nghị G.6 tiếp tục đàm phán về “đề xuất cả gói”, nhưng vấn đề bất đồng mấu chốt giữa họ về việc làm giầu u-ra-ni của I-ran thì vẫn chưa tìm được giải pháp nào để giải quyết. Trong các phát biểu mới đây, các nhà lãnh đạo của I-ran đã khẳng định lại quyết tâm của nước này trong việc tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ làm giầu u-ra-ni, coi đây là quyền lợi chính đáng của I-ran theo quy định của luật pháp quốc tế và kiên quyết không chấp nhận đổi quyền lợi đó để lấy các viện trợ kinh tế của phương Tây. Không dừng lại ở các tuyên bố cứng rắn đó, ngày 25-8, I-ran còn chính thức khai trương một nhà máy sản xuất nước nặng, với nhiệm vụ cung cấp nước giảm nhiệt cho một lò phản ứng hạt nhân, công suất 40 MW. I-ran còn tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, thử nghiệm nhiều loại vũ khí, trang bị chiến đấu hiện đại, mà giới phân tích cho là để phô trương sức mạnh quân sự và tinh thần quyết tâm sẵn sàng đối đầu với bất kỳ cuộc tiến công quân sự nào từ bên ngoài. Trước thái độ kiên quyết đó của I-ran, một số nước chủ chốt trong nhóm G.6 đã có những phản ứng rất gay gắt. Họ lên án I-ran thách thức, cố tình không chịu đáp ứng các yêu cầu mà nhóm G.6 đưa ra và đang thực hiện chiến thuật “câu giờ”, lấy đàm phán làm “chiêu bài” để kéo dài thời gian cho việc bí mật tiếp tục nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân; coi đây là “mối đe dọa hạt nhân”, nguy hiểm cho an ninh, ổn định ở Trung Đông và thế giới. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện khẩn cấp các biện pháp để ngăn chặn “tham vọng hạt nhân của I-ran”; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương, với nhiều cấp độ để Hội đồng Bảo an LHQ nhanh chóng thông qua một nghị quyết trừng phạt I-ran về kinh tế và ngoại giao. Một số quan chức thuộc phái “diều hâu” của các nước này còn đòi Chính phủ phải thực hiện ngay các biện pháp cứng rắn, như thành lập “liên minh độc lập” để bao vây, phong tỏa kinh tế, hay tiến hành các chiến dịch quân sự để lật đổ chính quyền ở Tê-hê-ran.

Mâu thuẫn gay gắt trong vấn đề hạt nhân không chỉ làm cho quan hệ giữa I-ran và một số nước phương Tây ngày càng căng thẳng, mà còn làm cho nội bộ nhóm G.6 bị bất đồng, chia rẽ sâu sắc, làm cho việc thông qua một nghị quyết để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với I-ran càng trở nên phức tạp. Trong các cuộc đàm phán cấp cao của G.6 về vấn đề hạt nhân của I-ran gần đây, Nga đã nhấn mạnh quan điểm, “tiếp tục theo đuổi đối thoại với tất cả các bên để đạt được giải pháp qua thương lượng”. Trung Quốc khẳng định, “thương lượng là biện pháp tốt nhất để giải quyết khủng hoảng”. Hai nước này còn nêu rõ, tình hình chưa đến nỗi nghiêm trọng, còn quá sớm và không có căn cứ để bàn việc cấm vận đối với I-ran. Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đối thoại và thương lượng, chưa nên áp đặt trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với I-ran, trong khi cái mà phương Tây gọi là “mối đe dọa hạt nhân” của Tê-hê-ran, chưa được minh chứng. Mặc dù phê phán gay gắt thái độ của I-ran là “không thỏa đáng”, nhưng một số đại diện của Liên minh châu Âu ( EU) đều nhất trí cho rằng “cánh cửa đàm phán giữa I-ran và G.6 vẫn để ngỏ” và dành cho nước này thêm thời gian để tiếp tục tìm cách tháo gỡ “khủng hoảng” bằng một giải pháp hòa bình. Nhất là, sau cuộc hội đàm cấp cao giữa EU và I-ran vào đầu tháng 9, Cao ủy EU về đối ngoại, ông Ha-ri-ê Xô-la-na và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của I-ran, ông All La-ri-da-ri, đều tuyên bố, tuy còn nhiều bất đồng, nhưng hai bên đã có những hiểu biết về quan điểm của nhau. Họ cũng hy vọng đó là những tiến bộ đáng khích lệ, mở ra triển vọng đối thoại, thương lượng để tháo gỡ những bất đồng về vấn đề hạt nhân giữa I-ran và G.6. Khi trả lời về chính sách của EU đối với I-ran, một số quan chức ngoại giao của Liên minh này đã tiết lộ, EU đang nghiên cứu thực hiện chính sách linh hoạt hơn trong đàm phán, kể cả đề xuất có thể không yêu cầu I-ran phải ngừng ngay chương trình làm giầu u-ra-ni, như một điều kiện tiên quyết cho đàm phán giữa EU và I-ran... Phía I-ran cũng có những phản ứng khá tích cực với quan điểm này của EU. Ngày 14-9, Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-dát đã tuyên bố, ông tin rằng xung đột giữa I-ran với phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của I-ran có thể được giải quyết thông qua đàm phán  và ông sẵn sàng cho “những hoàn cảnh mới”. Tại cuộc họp báo sau chuyến thăm Xê-nê-gan, ông M. A-ma-đi-nê-dát đã nêu rõ, chúng tôi ủng hộ đối thoại, đàm phán và chúng tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề trong bối cảnh đối thoại và công bằng với nhau.
Giải pháp thông qua một nghị quyết của LHQ áp đặt lệnh trừng phạt I-ran vào thời điểm hiện nay khó có thể nhận được sự đồng thuận trong nhóm G.6 và cũng không nhận được sự đồng tình, ửng hộ của dư luận thế giới. Sau chuyến công du I-ran, Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan đã tuyên bố, ông đảm bảo rằng I-ran sẵn sàng đàm phán và quyết tâm tìm giải pháp để tháo gỡ  cuộc khủng hoảng. Lãnh đạo của nhiều nước Trung Đông đã khuyến cáo, việc áp đặt lệnh trừng phạt I-ran trong lúc này là không thích hợp, không  giải quyết được vấn đề và phản tác dụng. Theo giới phân tích quốc tế, một lệnh trừng phạt I-ran sẽ không nhận được sự đồng thuận của các nước, bởi nhiều lý do: Trước hết và cũng quan trọng nhất là nó thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và bằng chứng xác thực. Thật ra, việc phương Tây tố cáo I-ran làm giầu u-ra-ni nhằm phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là suy đoán chủ quan, chưa có bằng chứng cụ thể để có thể làm cho I-ran và cộng đồng quốc tế “tâm phục khẩu phục” đối với những cáo buộc của họ. Lãnh đạo I-ran trước sau như một khẳng định, I-ran nghiên cứu làm giầu u-ra-ni là nhằm phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Đó là quyền của tất cả các quốc gia, trong đó có I-ran, được luật pháp quốc tế quy định. Phát biểu trên đài truyền hình CNN, đại sứ I-ran tại Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) A.Xô-i-ta-nê đã chỉ rõ, I-ran không thấy bất kỳ cơ sở pháp lý nào đòi hỏi phải ngừng việc làm giầu u-ra-ni. Không có sự hạn chế hoặc giới hạn nào đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trong điều lệ của IAEA hay các quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Cũng không có điều khoản nào trong điều lệ của IAEA và NPT yêu cầu một nước phải ngừng hoặc đình chỉ các hoạt động làm giầu u-ra-ni. Vấn đề duy nhất là IAEA phải kiểm tra và kiểm soát các hoạt động để đảm bảo không có tình trạng chuyển đổi nguyên liệu phân hạch để sản xuất vũ khí. Quan chức chính quyền I-ran còn tố cáo phương Tây đang mưu toan lấy vấn đề hạt nhân của I-ran làm bình phong che đậy mưu đồ chính trị ở I-ran và ở khu vực Trung Đông. Trong báo cáo gần đây nhất trình Hội đồng Bảo an LHQ, Giám đốc IAEA En Ba-ra-đây đã khẳng định, hoạt động làm giầu u-ra-ni của I-ran đều trong phạm vi phục vụ mục đích hòa bình, chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc chuyển sang nguyên liệu hạt nhân. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất và cũng là nguyên nhân chính gây chia rẽ ngay trong Hội đồng Bảo an LHQ và cản trở những nỗ lực của một số nước phương Tây hòng vận động sớm có một lệnh trừng phạt I-ran.
Thứ hai, lệnh trừng phạt kinh tế đối với I-ran không phải là giải pháp để giải quyết bất đồng, gây hậu quả “lợi bất cập hại” đối với tất cả các bên. Mọi người đều biết, với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, I-ran là nước đứng thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với mức sản xuất 2,5 triệu thùng mỗi ngày. Người ta khó có thể hình dung nổi nền kinh tế thế giới và của từng quốc gia sẽ ra sao, nếu I-ran quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới. Theo các chuyên gia dự đoán, nếu tình trạng đó xẩy ra thì giá dầu của thế giới sẽ lên đến trên 100 USD một thùng. I-ran đã nhiều lần thẳng thừng tuyên bố, nếu bị trừng phạt kinh tế họ sẵn sàng sử dụng “vũ khí” dầu mỏ này. Mặt khác, I-ran cũng có thể tiến hành khống chế eo biển Ha-mút, nơi mà mỗi ngày có đến 40% lượng dầu tiêu thụ của thế giới được chuyên chở qua. Đây sẽ là “đòn hiểm đánh ngược”, làm cho các nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế phương Tây hùng mạnh nhất cũng sẽ bị chao đảo, kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại không thể lường hết được. Hơn nữa, hiện rất nhiều nước, kể cả các thành viên G.6 có quan hệ kinh tế với I-ran, những nước này rất có thể sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với I-ran, để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình. Còn áp đặt một lệnh trừng phạt quân sự chống I-ran, thì theo các chuyên gia quân sự phương Tây, phương án tác chiến nào cũng có những mặt hạn chế. Đối với phương án sử dụng không quân, tên lửa tiến hành các đòn tiến công “phẫu thuật ngoại khoa” để phá hủy các cơ sở hạt nhân của I-ran, thì số lượng mục tiêu dự kiến phải tiến công sẽ khoảng trên dưới 1.500 cơ sở bị tình nghi là để sản xuất hạt nhân trên khắp lãnh thổ I-ran. Đa số mục tiêu trong đó đều thuộc loại kiên cố, hoặc là bố trí ở khu vực rừng, núi, hoặc được xây ngầm sâu trong lòng đất... Do đó, dù có sử dụng vũ khí hiện đại cũng rất khó có thể phá hủy được các mục tiêu này và vấn đề quan trọng nhất là nó không đập tan được “tham vọng hạt nhân” của I-ran. Đối với phương án sử dụng bộ binh tiến công trên bộ, thì thương vong và mức độ rủi ro là rất lớn. Bởi, quân đội I-ran hiện được đánh giá là một trong số quân đội hiện đại bậc nhất ở khu vực. Trong các cuộc tập trận vừa qua, quân đội nước này đã thể hiện được tổ chức tốt, trang bị hiện đại và khả năng tác chiến rất linh họat, đủ sức chống chọi các cuộc tiến công quân sự từ bên ngoài. Hơn nữa, nhân dân I-ran có truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, tôn giáo rất cao, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, “sa lầy” ở áp-ga-ni-xtan, ở I-rắc và ở nhiều nơi khác trên thế giới, làm cho phương Tây rất khó khăn để có thể tập trung lực lượng tiến hành chiến tranh chống I-ran vào thời điểm hiện nay. Nếu phát động chiến tranh chống I-ran, thắng bại còn chưa biết thế nào, nhưng điều tệ hại là nó sẽ càng kích động phong trào chống phương Tây ở trong các nước Hồi giáo trên toàn thế giới.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân của I-ran và nhóm G.6 sẽ được giải quyết theo chiều hướng nào vẫn còn là điều nan giải và còn diễn biến phức tạp, mà nhiều nhà bình luận cho là “cuộc chiến tranh không có khói súng”. Dư luận thế giới kiên quyết lên án việc phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng cũng kiên quyết phản đối việc sử dụng vấn đề hạt nhân làm chiêu bài để thực hiện mưu đồ chính trị riêng, gây tổn hại đến an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Dư luận kêu gọi các bên liên quan hết sức bình tĩnh, kiềm chế, không được để tình hình thêm phức tạp; đối thoại nghiêm túc, thiện chí đàm phán, nhượng bộ lẫn nhau, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chơương LHQ, tìm ra một giải pháp thích hợp nhất mà các bên đều có thể chấp nhận đơược, giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này, góp phần lập lại an ninh, ổn định cho khu vực Trung Đông hiện nay.
 
Đồng Đức- Phạm Liên
 

Ý kiến bạn đọc (0)