QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:36 (GMT+7)
Vấn đề bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình Việt Nam hội nhập WTO
Ngày nay, trong tư duy chiến lược và sách lược bảo vệ tổ quốc của nhiều quốc gia, an ninh kinh tế (ANKT) được đặt ở vị trí trung tâm của an ninh quốc gia. Một quốc gia có vững mạnh, bảo đảm được quốc phòng, an ninh hay không trước hết phải giữ vững được an ninh chính trị, ANKT và trật tự, an toàn xã hội. ANKT quốc gia thực chất là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của đất nước được thăng bằng; bảo đảm chủ quyền độc lập kinh tế của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các ngành sản xuất trụ cột, bảo đảm sự cung cấp ổn định và bền vững về thị trường, năng lượng, tài chính, tiền tệ..., làm chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế, đủ sức chống đỡ trước sự chấn động kinh tế trong nước và quốc tế.

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới và sau khi là thành viên của WTO, Việt Nam đã và đang đứng trước những cơ hội to lớn, lẫn thách thức không nhỏ và những yêu cầu mới về bảo đảm ANKT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về cơ hội:

Trước hết, thông qua việc thực hiện các cam kết dựa trên các nguyên tắc hoạt động cơ bản của WTO, chúng ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong tham gia và hoạch định chính sách thương mại toàn cầu; có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng, hợp lý hơn; có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp và thực hiện chiến lược đan xen, cân bằng lợi ích kinh tế có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.
 Hai là, hội nhập WTO giúp Việt Nam mở rộng thị trường thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư do được hưởng những ưu đãi từ chế độ “đối xử tối huệ quốc” (MFN) và “đối xử quốc gia” (NT) với mức thuế xuất thấp của các nước thành viên. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm sự cung cấp về thị trường đầu vào và đầu ra, làm chỗ dựa cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Sự giảm dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các phân biệt đối xử chính thức và phi chính thức, kinh tế và phi kinh tế sẽ tạo cơ hội không chỉ cho các công ty lớn, mà còn cho cả các công ty nhỏ của nước ta tham gia bình đẳng vào guồng máy kinh tế thế giới. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh CNH,HĐH hướng vào xuất khẩu và thay thế dần một số mặt hàng nhập khẩu, nâng cao khả năng bảo đảm ANKT.
Ba là, hội nhập WTO sẽ tạo ra cho nước ta những mối quan hệ với các nước thành viên về kinh tế - chính trị đa dạng, đan xen phụ thuộc lẫn nhau, góp phần nâng cao vị thế quốc tế và tạo điều kiện để chúng ta thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Trên cơ sở đó,Việt Nam tham gia bình đẳng trong giao lưu và thực hiện các quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể chủ động đấu tranh, bảo đảm ANKT.
Bốn là, với mối giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của các nước đi trước, tránh được những sai sót, tìm các biện pháp rút ngắn thời gian để thực hiện CNH, HĐH đất nước. Hội nhập WTO còn tạo điều kiện để Việt Nam dần điều chỉnh các chính sách và thể chế kinh tế theo chuẩn mực của các tổ chức và các định chế kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam; theo đó, giúp Việt Nam  nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Năm là, hội nhập WTO là môi trường quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam chấn chỉnh tổ chức quản lý sản xuất, đổi mới công nghệ, nắm bắt thông tin, tăng cường khả năng cạnh tranh không những trên thị trường thế giới mà ngay cả ở thị trường nội địa, từ đó nâng cao sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế. Điều đó không chỉ bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế, mà còn có thể ngăn ngừa, đối phó có hiệu quả với những biến động của môi trường kinh tế trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những mặt tích cực kể trên, hội nhập WTO cũng nảy sinh các mâu thuẫn do sự phát triển không đều giữa các nước thành viên, do sự đan xen và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, dễ làm lây lan các biến động kinh tế. Điều này đặt ra cho việc bảo đảm ANKT của nước ta không ít khó khăn, thách thức. Có thể nêu lên những thách thức chính sau:
Một là, Việt Nam tham gia WTO với xuất phát điểm thấp về trình độ phát triển kinh tế. Do tổng GDP của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người thấp, nên  tiết kiệm thấp và đầu tư chưa cao, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, năm 2004, GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 45 tỷ USD và 562 USD/ người, trong khi đó con số tương đương của Trung Quốc là 1.677 tỷ USD và 1.290 USD/ người; của Malaixia là 117 tỷ USD và 4.560 USD/ người; của Thái lan là 159 tỷ USD và 1.540 USD/người. Sự tụt hậu về kinh tế của Việt Nam có thể dẫn đến sự lệ thuộc một chiều vào các nền kinh tế lớn trong quá trình hội nhập WTO.
Hai là, cơ cấu ngoại thương của Việt Nam có điểm chưa hợp lý, đặc biệt là cơ cấu hàng xuất khẩu, gây khó khăn trong việc chống đỡ các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong mấy năm gần đây, tuy đã có sự thay đổi trong việc điều chỉnh sự phát triển kinh tế và chiến lược ngoại thương, nhưng tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến hoặc chỉ mới được sơ chế vẫn là chủ yếu. Ví dụ, dầu thô chiếm 17,5% , gạo  chiếm 9%, cà phê chiếm 5%, hải sản chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm công nghiệp vẫn là các sản phẩm có chứa hàm lượng lao động cao, như dệt may chiếm 14,6%, giầy dép chiếm 12,2% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng có kỹ thuật và công nghệ cao đã bước đầu được chú ý, nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp, như hàng điện tử, máy tính, linh kiện chỉ chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, giá cả hàng xuất khẩu của Việt Nam thường bị chèn ép trên thị trường và thường rẻ hơn 10 - 20% so với giá bình quân trên thế giới; đó là chưa kể những bất hợp lý trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu và thị trường.
Ba là, năng lực kỹ thuật công nghệ của nền kinh tế Việt Nam rất lạc hậu so với thế giới. Khi đã hội nhập vào WTO, ta phải từng bước giảm thuế xuất nhập khẩu xuống mức thấp, bãi bỏ các loại trợ cấp mang tính thương mại đối với hầu hết các loại hàng hoá và dịch vụ; Nhà nước cũng không được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ thì công nghệ nước ta lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 20 năm, mức độ hao mòn từ 30 đến 50%, hiệu suất sử dụng từ 25 đến 30% và hệ quả tất yếu là mức tiêu hao nguyên vật liệu cao, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã đơn điệu..., dẫn đến giá thành sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của nước ta cao hơn mức chuẩn quốc tế. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá thì hậu quả là sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, thất nghiệp sẽ gia tăng, tạo nên sức ép rất lớn về vấn đề xã hội.
Bốn là, cùng với sự cải thiện môi trường đầu tư, những cam kết của Việt Nam về quyền kinh doanh hàng hoá, về việc cho phép các công ty nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam..., dẫn đến các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng và hình thức hợp tác liên doanh sẽ có xu hướng chuyển mạnh sang loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Do được hưởng những ưu đãi về thuế, lợi tức và những lợi thế về trình độ công nghệ, vốn, marketting..., các doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ dần chiếm thị phần trong nước, tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nước ngoài sẽ có thể gia tăng.
Năm là, trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã tích cực kiện toàn hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng; sắp xếp lại các ngân hàng cổ phần; củng cố thể chế hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính; thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng mới... Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều công cụ tài chính của nền kinh tế thị trường chưa được áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện. Hệ thống luật pháp, chính sách quản lý xã hội, quản lý kinh tế còn chưa ổn định; nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế. Những điều này dễ tạo ra cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng những biến động bất thường của thị trường tiền tệ thế giới để phá rối thị trường trong nước, gây ra sự mất ổn định về chính trị-xã hội.
Những cơ hội cũng như thách thức đối với việc phát triển kinh tế và bảo đảm ANKT của nước ta trong quá trình hội nhập WTO nêu trên không diễn ra một cách dễ dàng như chúng ta suy luận. Việc khai thác những cơ hội cũng như khắc phục những khó khăn, thách thức, bảo đảm tốt hơn về ANKT sẽ tùy thuộc vào sự nỗ lực của chính chúng ta – các cấp, các ngành và các doanh nghiệp. Để bảo đảm cho nền kinh tế đứng vững, ổn định và tiếp tục phát triển theo định hướng XHCN trong quá trình hội nhập WTO, theo chúng tôi, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập WTO và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chấn hưng nền kinh tế quốc gia; trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là phương tiện chấn hưng nền kinh tế quốc gia và ngược lại,  sự phát triển của nền kinh tế sẽ tạo ra thực lực để nâng cao hiệu quả của hội nhập. Theo đó, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được tiến hành một cách linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau, nhằm đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và bền vững. Trong quá trình CNH, HĐH cần chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy kinh tế trang trại, tạo lập các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả, đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu để giảm bớt sự chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập, lợi ích xã hội giữa thành thị và nông thôn, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.
2- Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo kiên quyết đối với các cấp, các ngành trong thực hiện lộ trình hội nhập WTO theo những cam kết song phương và đa phương đã được thoả thuận trong từng giai đoạn, dựa trên cơ sở năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của sản phẩm, của toàn bộ nền kinh tế và thời hạn thực hiện các cam kết. Xây dựng hoàn thiện hệ thống luật kinh tế và các luật có liên quan trên cơ sở các tập quán và thông lệ của WTO. Xây dựng nền nếp cạnh tranh và kinh doanh theo pháp luật, kiên quyết chống buôn lậu, làm hàng giả, vi phạm luật sở hữu trí tuệ và các quy định của WTO. Vận dụng khôn khéo, linh hoạt các ưu đãi, quy định của WTO đối với các nước đang phát triển ở trình độ thấp để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.
3- Thực hiện chiến lược khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cơ chế quản lý và phát triển những ngành nghề truyền thống hoặc các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy mọi khả năng "đi tắt đón đầu" đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. Đa dạng hoá hàng hoá xuất khẩu theo hướng phát triển sản xuất và xuất khẩu các hàng hoá có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng; bảo đảm hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ trong nền kinh tế thị trường và đứng vững trong môi trường cạnh tranh mới theo các quy định, thông lệ của WTO.
4- Nhanh chóng đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế có phẩm chất đạo đức trong sạch, có ý thức dân tộc mạnh mẽ với trình độ chuyên môn cao, am hiểu kinh tế thị trường, giỏi ngoại ngữ..., đáp ứng được các yêu cầu trong hoạt động kinh tế quốc tế. Các cán bộ này không chỉ cần thiết cho các cơ quan tổng hợp của các bộ, ngành, mà trước hết là cần thiết cho các doanh nghiệp - đối tượng chủ yếu và là động lực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, WTO nói riêng.
5- Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Phải coi việc kết hợp đó là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và mọi người, trên cơ sở gắn kết giữa xây dựng với tự bảo vệ thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương; kết hợp theo khu vực và vùng lãnh thổ, ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, trên phạm vi toàn quốc, dưới sự chỉ đạo tập  trung thống  nhất của Trung ương.
Thượng tá, TS. Bùi Ngọc Quỵnh
Khoa Kinh tế chính trị - Học viện Chính trị quân sự
 

Ý kiến bạn đọc (0)