Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:11 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Văn hóa quân sự (VHQS) Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập dân tộc của nhân dân ta. Nó là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam, sản phẩm tất yếu và cũng là đòi hỏi khách quan trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đặc điểm nổi bật nhất của VHQS Việt Nam là tư tưởng yêu nước hòa hợp với các giá trị tinh thần, tạo thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo. Chính xuất phát từ đặc điểm này mà VHQS Việt Nam nảy sinh và phát triển những luận điểm cơ bản, đậm tính nhân văn, có ý nghĩa chỉ đạo các hoạt động quân sự và các hoạt động có liên quan đến quân sự; đó là: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo". Luận điểm tư tưởng quân sự này xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, được Nguyễn Trãi - người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - đúc kết, sau khi nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, lật đổ ách thống trị của nhà Minh vào thế kỷ thứ XV.
Do điều kiện địa lý đặc thù, ngay từ thuở các vua Hùng dựng nước và qua nhiều thế kỷ tiếp theo, nước ta luôn bị các vương triều phong kiến nước ngoài, các thế lực thực dân, đế quốc nhòm ngó, đe dọa thôn tính và xâm lược. Từ cuộc kháng chiến chống quân Tần thế kỷ thứ III (trước Công nguyên đến nay), Việt Nam trải qua hơn 10 thế kỷ đấu tranh chống Bắc thuộc, 10 năm đấu tranh chống Minh thuộc, 80 năm đấu tranh chống Pháp thuộc (tổng cộng gần 12 thế kỷ chống ách đô hộ trực tiếp); tiếp đó là những cuộc chiến tranh chống: Tống, Mông- Nguyên, Minh, Thanh và 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhưng lạ kỳ thay, trong các cuộc đấu tranh này, dân tộc ta lại lấy “Nhân nghĩa” làm đường lối chính trị, làm chính sách để cứu nước, để trường tồn. Nhân nghĩa trở thành tư tưởng chủ đạo trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, được dùng làm vũ khí để “phê phán”1 âm mưu, luận điệu của giặc, bóc trần những hành động dã man và cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chúng tiến hành. Yêu chuộng hòa bình và mong ước được sống trong hòa bình là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta, nhưng trong thực tế, chúng ta lại phải liên tục tiến hành các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm để cứu nước. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, với mục đích cao nhất là tự vệ, giữ nước. Vì thế, nó không mâu thuẫn với tư tưởng hòa bình, bởi dân tộc ta luôn đề cao “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Để giữ nền độc lập, nhân dân được tự do thì không có con đường nào khác là phải đứng lên chống xâm lược. Đó là việc bất đắc dĩ, buộc phải làm. Do vậy, VHQS Việt Nam thể hiện ở:
- Lúc gặp chiến tranh, thái độ chung của chúng ta là ngăn chặn xung đột vũ trang, tìm mọi cách trì hoãn chiến tranh toàn cục. Đây là thái độ nhất quán xuyên suốt từ thời Lý, qua thời Trần cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta tránh chiến tranh đến cùng, vì nước mình là nước nhỏ, nếu chiến tranh xảy ra thì cái giá phải trả không phải là không đáng kể. Tiến hành chiến tranh chỉ là điều bất đắc dĩ, vì chiến tranh bao giờ cũng là việc đại sự quốc gia, phải được tính toán, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cho đến từng trận đánh... Nếu trì hoãn được càng lâu càng có lợi. Có thể nói, xưa nay, từ Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn cho đến Bác Hồ luôn luôn thể hiện sự chủ động tránh chiến tranh, “điều khiển” hòa bình vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
- Khi chiến tranh xảy ra, không còn cách nào trì hoãn được nữa thì thái độ của chúng ta là kiên quyết tiến hành chiến tranh chống xâm lược với tinh thần “sát Thát”, đến độ dù thân mình “phải phơi ngoài nội cỏ”, xương mình “phải gói trong da ngựa” cũng kiên quyết giành cho được độc lập, tự do. Để giành thắng lợi cuối cùng, dân tộc ta đánh giặc bằng cách đánh của mình, khiến cho “Trúc chẻ, tro bay”, “Phiến giáp bất hoàn”, đánh cho địch phách lạc, hồn kinh “Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng. Tiếng rộn trống đồng tóc bạc phơ”.
- Trên cơ sở những thắng lợi to lớn trên chiến trường, cách kết thúc chiến tranh của ta cũng hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật quân sự, VHQS Việt Nam. Có thể nói, ngay từ lúc phát động chiến tranh chống xâm lược, Tổ tiên ta và sau này là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến cách kết thúc chiến tranh và khi thời cơ đến là lập tức ngừng chiến, mở ra cho địch con đường rút lui (có tính tới việc cho chúng vớt vát chút danh dự) và sau đó lập lại quan hệ ngoại giao một cách nhanh chóng.
“Chúng chí thành thành”, “ Cử quốc nghênh địch” là luận điểm tư tưởng coi nhân dân là bức tường thành vững chãi nhất, khi đất nước có chiến tranh thì huy động cả nước đứng lên đánh giặc..., đã chỉ đạo có hiệu quả các hoạt động quân sự trong chiến tranh chống xâm lược và quốc phòng-an ninh trong bảo vệ đất nước hòa bình của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam hưng thịnh. Chính từ đó, dân tộc ta đã xây đắp nên truyền thống VHQS “cố kết cộng đồng”. Truyền thống này, được các triều đại nối tiếp nhau coi là một trong những quốc sách liên quan đến lẽ hưng vong của đất nước. Nguyễn Trãi nói, nếu để đất nước ở vào tình trạng “trăm vạn người, trăm vạn lòng” thì dẫu thành cao, hào sâu, binh hùng, tướng mạnh vẫn sẽ rơi vào thảm họa (nói về triều đại Hồ Quý Ly). Còn Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn thì khẳng định, điều kiện tiên quyết để đánh thắng giặc ngoại xâm là “ Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, giặc tự bị bắt”. Lịch sử đã tạo ra cho dân tộc ta một “khung dân tộc” khá độc đáo, không phải nước nào cũng có. Đó là 54 dân tộc cùng chung sống trong một cộng đồng, bản địa có, di cư có... nhưng ngay từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã tự nguyện tham gia vào “đại nghĩa dân tộc”. Đại biểu của nhiều dân tộc khác nhau đoàn kết cùng nhau, không có sự phân biệt đối xử, được giao đảm đương những vị trí lãnh đạo, chỉ huy quan trọng. Tuy lịch sử một số triều vua vẫn còn có những vụ “đánh dẹp” nhưng rất cá biệt và không hề có dấu vết của nạn “kỳ thị sắc tộc” hay những phản ứng dây chuyền của các dân tộc thiểu số đối với triều đình trung ương. Trong các cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc hay trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược, giữ nước, chưa bao giờ lực lượng kháng chiến chỉ có người Kinh ở vùng đồng bằng mà có đủ các thành phần dân tộc, từ núi cao, rừng sâu đến trung du, hải đảo, từ Bắc vào Nam tham gia. Đặc biệt, những căn cứ khởi nghĩa ban đầu, những trận đánh quân xâm lược đầu tiên thường đều bắt đầu từ vùng rừng núi, trong đó đất và người của các dân tộc thiểu số anh em làm nền tảng vững bền. Trong thời bình, những vùng đất “phên dậu” được nhà nước tập trung xây dựng, từ mở mang giao thông đến khai khẩn đất hoang, mở điền trang, thái ấp, sau này là xây dựng các đồn điền, khu kinh tế-quốc phòng... Truyền thống VHQS Việt Nam đã gợi ý cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xây dựng nên hình (thế) trận chữ nhân độc đáo trong phòng giữ đất nước.
“Thái bình tu trí lực. Vạn cổ tự giang san”. Câu thơ giàu bản sắc VHQS Việt Nam của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, thời Trần, thế kỷ XIII, đã thể hiện sâu sắc quan điểm phòng giữ đất nước của dân tộc sau khi đã kết thúc chiến tranh chống xâm lược. Đấy là, trong xây dựng đất nước, những người giữ trọng trách vào hàng “Rường cột quốc gia” phải luôn ý thức lấy “Nhân nghĩa” làm đầu để nuôi dưỡng truyền thống thiết tha giữ vững hòa bình đến cùng của nhân dân, lấy đó làm nền tảng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, “Sao cho nơi thôn cùng, xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu”2.
Trên nền tảng phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, các triều đại phong kiến hưng thịnh Việt Nam hết sức chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, coi đó là “việc không thể thiếu” trong “muôn vạn việc” của quốc gia. Điển hình nhất là việc các triều đại nhất quán trong việc thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”. Hằng năm đều kiểm duyệt đinh tráng và quân thường trực thay phiên nhau về làm ruộng, nên khi cần có thể huy động được phần lớn dân chúng tham gia vào các lực lượng vũ trang. Làm như vậy vừa đảm bảo phát triển sản xuất, lại vừa có thể đảm bảo được việc luyện tập chiến đấu. Độc đáo của chính sách này là ở chỗ, không phải duy trì lực lượng quân thường trực nhiều trong thời bình mà vẫn có điều kiện phát triển được một lực lượng quân đội lớn mạnh khi đất nước có chiến tranh. Hơn thế, trong tác chiến, vừa có thể tổ chức lực lượng tập trung cơ động, lại vừa có lực lượng tại chỗ đánh địch ở bất cứ nơi nào chúng đến. Chính sách “Ngụ binh ư nông” liên quan chặt chẽ đến cách thức tổ chức quân đội: quân của triều đình, quân của các lộ, hương binh, thổ binh. Thực hiện “Ngụ binh ư nông” thì “ binh vẫn được đủ mà không phải tiêu phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”. Đây là điều kiện rất quan trọng để “Trăm họ ai cũng là binh”. Ngoài chính sách kể trên, các thời Lý, Trần... hằng năm đều có duyệt lại “đinh tráng”, “đăng ký sổ quân, thanh thải già yếu, bổ sung người khỏe”, giao cho các đô, các lộ huấn luyện võ nghệ và hằng năm đều tổ chức duyệt quân. Thời Lý, việc chế tạo vũ khí, trang thiết bị cho quân đội được giao cho các tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc chăm lo. Thời Trần, trước nguy cơ quân Nguyên – Mông xâm lược, vua giao cho Trần Hưng Đạo đích thân lo việc chuẩn bị vũ khí, thuyền bè. Đặc biệt, việc nâng cao học vấn, tri thức, bản lĩnh quân sự, quốc phòng cho các tướng lĩnh được giao cho “Giảng võ đường”; còn việc giáo dục quân sự, quốc phòng cho toàn dân thì cả nhà nước, các địa phương và nhân dân cùng lo. Các lò luyện võ phát triển ở khắp mọi miền đất nước không những phổ cập việc binh bị cho nhân dân mà còn hình thành nên những môn phái võ Việt Nam nổi tiếng.
Trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc để giành độc lập, tự do cho dân tộc và các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống VHQS của dân tộc. Trong mấy thập kỷ tiến hành chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tiến hành các cuộc thương lượng hòa bình, ký kết những hiệp ước hòa bình, nhưng các thế lực hiếu chiến vẫn cố tình áp đặt chiến tranh, buộc nhân dân ta cuối cùng vẫn phải giành lấy hòa bình bằng chiến tranh - hòa bình trong độc lập, tự do. Dân tộc ta không bao giờ sùng bái bạo lực, chúng ta chỉ cần đến bạo lực cách mạng để đánh bại bạo lực phản cách mạng, và đó là chủ nghĩa nhân văn.
Chủ nghĩa nhân văn trong tư duy quân sự Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện trong nhiều chủ trương chiến lược và sách lược trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành chiến tranh chống xâm lược; trong cách đánh của lực lượng vũ trang nhân dân; trong nhiều chính sách đối với nhân dân và quân đội, cả đối với những người lầm đường, lạc lối, với tù binh, hàng binh... mà nhiều người từng biết. Nổi lên là sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ đối với nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu: kết hợp chiến đấu với xây dựng, tích cực bồi dưỡng sức dân đi đôi với động viên sức dân, chăm lo đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân và của bộ đội; đẩy mạnh xây dựng chế độ mới ngay trong hoàn cảnh chiến tranh để càng đánh càng mạnh, để nhân dân lao động, để mọi người dân được hưởng từng bước thành quả của cách mạng ngay trong chiến tranh. Cũng không thể không nhắc tới đòn tiến công ngoại giao trong chiến tranh. Chính sách đối ngoại có nguyên tắc và đầy tình nghĩa của Đảng ta thể hiện nổi bật trong hoạt động ngoại giao cá nhân của Hồ Chí Minh (mở ra trường phái ngoại giao nhân dân Việt Nam rất phát triển sau này), của tập thể các phái đoàn ngoại giao, cán bộ ngoại giao trong các cuộc đàm phán hòa bình từ Phông-ten-nơ-blô đến Giơ-ne-vơ và Pa-ri... trong những cuộc đàm phán trên bàn hội nghị, chúng ta luôn thể hiện rõ lòng yêu nước vô bờ bến; vị tha gắn với lòng căm thù quân xâm lược; tính nguyên tắc cứng rắn gắn liền với sách lược mềm dẻo, có lý, có tình. Cuộc hòa đàm ở Pa-ri (1968-1973) đã gây ấn tượng mạnh trong chính giới và báo giới quốc tế về một “trường phái ngoại giao Việt Nam”.
Phát huy truyền thống VHQS giữ nước mà Tổ tiên ta để lại, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, chúng ta luôn nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, sẵn sàng xóa bỏ hận thù, giải quyết mọi tranh chấp bằng đối thoại bình đẳng. Mặt khác, tận dụng mọi thành quả đạt được trong quá trình xây dựng đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH, để không ngừng xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; đồng thời sẵn sàng tiến hành chiến tranh chính nghĩa, tự vệ để chống xâm lược; kiên quyết giữ vững và bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ bằng nền quốc phòng-an ninh ngày càng được tăng cường vững chắc gắn với ngoại giao năng động, thêm bạn, bớt thù, không ngừng nâng cao thế, lực và vai trò của đất nước trên trường quốc tế, thực hiện “trong ấm, ngoài êm”... Đó là sự vận dụng sáng tạo truyền thống VHQS Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện và hoàn cảnh mới.
Hà Thành
1- Chữ dùng của V. I. Lê-nin.
2- Nguyễn Trãi - Toàn tập, Nxb KHXH, H. 1969, tr .63.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011