QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 23:40 (GMT+7)
Vai trò của quần chúng, nhân dân Sài Gòn-Gia Định trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi ấy là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng kết hợp với sức mạnh to lớn của toàn dân, trong đó có nhân dân Sài Gòn- Gia Định – “những người đi trước về sau”. Nhân dân Sài Gòn-Gia Định vốn giàu truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm, không chịu khuất phục trước quân thù. Trong  cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một lần nữa những người dân của Sài Gòn- Gia Định đã nêu cao ý chí kiên cường, trí thông minh và tinh thần quật khởi, cùng quân dân cả nước giành chiến thắng huy hoàng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta  dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành theo phương pháp nhất quán: “Khởi nghĩa từng phần, đấu tranh quân sự và chính trị song song, tiến hành đánh địch bằng ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược...”1. Sài Gòn-Gia Định là đô thị lớn nhất miền Nam - trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế  của địch. Chính vì vậy, trong quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng ở miền Nam, Đảng ta hết sức quan tâm đến lãnh đạo đấu tranh chính trị ở các đô thị, nhất là đô thị Sài Gòn vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến. Ngày 14 - 4 - 1975, Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương; thông qua quyết tâm, kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; đồng thời, chuẩn y đề nghị từ chiến trường, lấy tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định  là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”2.

Sài Gòn – Gia Định là nơi tập trung nhiều thành phần xã hội: công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, lao động tự do, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh và cả một bộ phận khá đông người thất nghiệp (có lúc chiếm gần 1/4 dân số thành phố). Tuy quyền lợi, địa vị xã hội của mỗi giới, mỗi giai tầng có khác nhau, nhưng tất cả đều có chung điểm tương đồng là tình cảm dân tộc, nghĩa đồng bào,   sự căm ghét quân xâm lược và bè lũ tay sai. Do đó, mỗi phong trào, mỗi cuộc đấu tranh nhằm mục tiêu dân tộc, dân chủ, dân sinh của bất cứ thành phần xã hội nào nổ ra đều nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của các giới, các tầng lớp khác. Đứng ở tuyến đầu của phong trào đô thị, tầng lớp công nhân lao động Sài Gòn- Gia Định đã liên tục, bền bỉ, đi đầu trong các cuộc đấu tranh với nhiều mức độ khác nhau: từ đòi tăng lương, giảm thuế, chống sa thải… đến chống chiến tranh, đòi hòa bình, đòi quân Mỹ rút khỏi nước ta. Phong trào đấu tranh của tầng lớp công nhân lao động đã lôi cuốn hầu hết các lực lượng thành thị khác (tiểu chủ, tiểu thương, trí thức, sinh viên, học sinh…) tham gia nên phong trào ngày càng lớn mạnh. Nhìn chung, đến trước chiến dịch Hồ Chí Minh, phong trào đấu tranh của lực lượng quần chúng, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã được chuẩn bị khá hoàn chỉnh, tổ chức chặt chẽ, sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ đến với khí thế tiến công cao, bằng lực lượng hùng hậu, toàn diện. Để tăng cường sức mạnh cho đòn đấu tranh chính trị trong chiến dịch, Trung ương Cục khẩn trương điều động cán bộ tăng cường cho Thành phố. Đến lúc này, ở nội thành đã có hơn 700 cán bộ và ở ngoại ô có trên 1.000 cán bộ được bố trí trên khắp các lõm chính trị và lõm căn cứ, sẵn sàng cùng với các tổ chức đảng hướng dẫn và chỉ đạo các đoàn thể chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy khi bộ đội chủ lực tiến công. Ngoài ra, có 1.300 cán bộ đã tiếp cận Sài Gòn cũng đang trong tư thế sẵn sàng tiến vào thành phố. Ở nội thành và vùng ven có 40 lõm chính trị với 7000 quần chúng cơ sở đã giành được quyền làm chủ với các mức độ khác nhau. Ta còn có 400 tổ chức công khai và bán công khai, tập hợp được gần 25.000 người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau; 12 cán bộ cấp Thành ủy và tương tương, 60 cán bộ cấp quận ủy và tương đương, đã và đang vào ém sẵn trong nội thành. Đó là lực lượng nòng cốt của mũi nổi dậy do Đảng bộ Thành phố dày công xây dựng trong suốt cuộc kháng chiến. Thế trận và lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trọn vẹn của trận đánh cuối cùng: giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Cách bố trí thế trận và sử dụng lực lượng đó thể hiện rõ phương thức tiến hành chiến tranh của ta là kết hợp chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực cơ động (tiến công) với hoạt động chiến tranh nhân dân địa phương rộng khắp ( nổi dậy). Trước khi vào chiến dịch, ta đã huy động lực lượng áp đảo địch, hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập Sài Gòn, cài răng lược cả vào bên trong dải phòng ngự co cụm, kéo dài của chúng; phối hợp trong và ngoài cùng đánh, cả bằng tiến công và nổi dậy trên nhiều hướng, buộc địch lúc nào cũng lâm vào thế bị động đối phó và không thể ngăn chặn tốc độ tiến công trên các hướng, mũi đột kích của bộ đội chủ lực ta. Chiều ngày 26 - 4, đội hình lực lượng chiến dịch ở các hướng, các cánh đã triển khai, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành. Riêng biệt động thành nắm được một lực lượng quan trọng: 60 tổ biệt động, 301 quần chúng có vũ trang, 340.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy. Ta còn chuẩn bị 7 nhà in để in tài liệu và hàng chục xe có loa phóng thanh. Các cơ sở quần chúng cách mạng cũng ráo riết chuẩn bị băng, cờ, khẩu hiệu, thuốc men, lương thực. Cùng với công tác tuyên truyền, giải thích chính sách của Mặt trận, kêu gọi binh lính địch bỏ ngũ,  nhiều cuộc vận động chính trị nhằm tác động ngay đến các chính giới Sài Gòn được gấp rút thực hiện. Với tầm quan trọng về chiến lược của địa bàn, với truyền thống hào hùng và kinh nghiệm phong phú trên các mặt đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, quân và dân Sài Gòn-Gia Định vững bước cùng quân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 Với sự kết hợp và hỗ trợ tích cực bằng hoạt động nổi dậy của quần chúng tại chỗ, các binh đoàn chủ lực sau khi mở xong cánh cửa thép phía Đông Sài Gòn là Xuân Lộc đã áp sát Sài Gòn. Trên cơ sở thắng lợi đó, ngày 26 - 4 – 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Trong khi các binh đoàn chủ lực từ  5 cánh tiến công vào Sài Gòn thì các lực lượng của Sài Gòn - Gia Định cũng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phối hợp được phân công. Các lực lượng địa phương, du kích, biệt động, đặc công… đã kịp thời chiếm giữ các mục tiêu quan trọng (đặc biệt là những cây cầu) trên các hướng, tạo điều kiện cho các đơn vị lớn của chủ lực tiến nhanh vào Thành phố. Đòn nổi dậy của nhân dân Thành phố đã diễn ra với nhiều hình thức rất phong phú. Quần chúng ra đường làm địch vận, phổ biến là vận động, lôi kéo binh sĩ địch vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu; vận động rộng rãi quần chúng may cờ từ trước, khi các cánh quân vào tới đâu thì cờ Mặt trận giải phóng được nhân dân treo lên đến đó; đồng thời, dùng xe hon đa, ô tô dẫn đường, chở bộ đội ta vào chiếm các mục tiêu, truy lùng bọn ác ôn lén lút trong Thành phố.

Đặc biệt, cùng với nhân dân nội thành Sài Gòn - Gia Định nói chung, công nhân lao động đã chiếm giữ  nhà máy, công xưởng, giữ gìn, bảo trì máy móc, không để địch phá hoại, bàn giao nguyên vẹn cho cách mạng, như ở nhà máy dệt Vimytex, nhà máy điện Chợ Quán, công xưởng Ba Son. Công nhân cảng Sài Gòn, nhà máy điện, các công sở trong Thành phố, nhân viên công chức đều giữ nguyên hồ sơ, tư liệu, phương tiện làm việc để sẵn sàng giao cho chính quyền cách mạng. Cùng với đó, quần chúng nhân dân ngoại thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Phân ban Thành ủy và Đảng bộ nông thôn, đã tranh thủ thời cơ vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. 90% các ấp của nông thôn ngoại thành nổi dậy giành chính quyền bằng bạo lực của quần chúng tại chỗ, nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương. Hầu hết các huyện lỵ ở Sài Gòn- Gia Định được giải phóng bằng lực lượng quần chúng. Nhân dân ngoại thành Sài Gòn-Gia Định đã phá hủy các đồn bốt, chiếm nhiều trụ sở xã, ấp và các huyện lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Thủ Đức, thu các giấy tờ, hồ sơ, hạ cờ Việt Nam cộng hòa, kéo cờ ta, cử đại diện chính quyền cách mạng.

Có thể thấy rằng, với sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ trước, khi đại quân ta tiến vào Sài Gòn, nhân dân Sài Gòn-Gia Định dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng đã kịp thời nổi dậy giành chính quyền từ cơ sở, chiếm lĩnh, làm chủ và bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng, đảm bảo sinh hoạt bình thường của một thành phố mới giải phóng. (Điều đó có tác dụng hết sức to lớn cho công cuộc khôi phục, xây dựng, phát triển Thành phố sau này). Như vậy, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào đô thị Sài Gòn – Gia Định đã góp phần thúc đẩy thời cơ tổng tiến công và nổi dậy nhanh chóng chín muồi, hỗ trợ đắc lực cho các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng thành phố. Ví như, ngày 26 - 4 - 1975, một số đơn vị lực lượng tại chỗ của Sài Gòn-Gia Định từ vùng căn cứ nông thôn và rừng núi đã vào được nội đô, trong khi trên nhiều đường phố và khu lao động xuất hiện nhiều cờ, truyền đơn, áp phích cổ vũ khí thế nổi dậy… Đêm 29 - 4 - 1975, cánh A của Thành ủy tập kết ở bờ sông Vàm Cỏ Tây và tuần tự, bí mật kéo về Thành phố theo ngả Bà Hom (cùng thời điểm ấy đã có 32 điểm quần chúng nổi dậy ở ven và trong thành phố Sài Gòn). 3 giờ chiều 30 - 4 - 1975, tất cả cán bộ cánh A Thành ủy đã có mặt trong Thành phố. Cán bộ, chiến sĩ cánh B của Thành ủy có mặt cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền và quyền làm chủ từ ấp, xã đến quận lỵ ngoại thành, cũng hội tụ về dinh tỉnh trưởng Gia Định… Nói cách khác, khi lực lượng cách mạng đã giành được thế áp đảo ở địa bàn nông thôn, đẩy địch vào tình thế ngày càng cô lập, suy yếu, thì đô thị sẽ là nơi tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi cuối cùng.

Với ý nghĩa đó, phong trào đấu tranh chính trị - binh vận ở đô thị Sài Gòn – Gia Định, phối hợp cùng các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, đã tiến công địch ngay trong vùng chúng tạm kiểm soát, tạo nên những chuyển biến to lớn trong tương quan so sánh lực lượng ta - địch trong các giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để kết tinh thành cao trào trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong vấn đề này, có thể nói rằng: Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo và chỉ đạo rất chính xác, kịp thời, sắc bén, chuẩn bị rất kỹ càng cho đòn nổi dậy của quần chúng phối hợp và tạo cơ sở cho đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực, thực hiện những đòn đánh quyết định, kết thúc chiến tranh. Nếu không có sức mạnh tiến công quân sự vũ bão, thần tốc của chủ lực ta khắp miền Nam, đập tan quân địch quanh Sài Gòn thì cũng chưa có tổng nổi dậy của quần chúng tại chỗ như vậy. Ngược lại, nếu không có nổi dậy của quần chúng phối hợp với chủ lực thì thành phố Sài Gòn khó có thể được giải phóng nguyên vẹn. Thực tế chiến dịch Hồ Chí Minh cho thấy, đòn nổi dậy của quần chúng đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, kịp thời và là mũi tiến công chiến lược lợi hại, có tác dụng hết sức quan trọng, góp phần giành thắng lợi chiến dịch một cách nhanh, gọn, triệt để, trọn vẹn; nó chứng minh nghệ thuật chỉ đạo chiến lược chiến tranh nhân dân tài tình, độc đáo của Đảng ta.

ThS. LÊ QUÝ THI                

________

1- Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 1037.

 

Ý kiến bạn đọc (0)