QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:54 (GMT+7)
Vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh chống \\"diễn biến hòa bình\\"
Dù bất kể ở xã hội nào và thể chế chính trị ra sao thì chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, báo chí luôn luôn là công cụ thể hiện quan điểm và bảo vệ quyền lợi của các chính giới nhất định. Không thể có khái niệm báo chí trung lập tuyệt đối hay báo chí khách quan tuyệt đối, tức là không thể có chuyện báo chí đứng ngoài chính trị, không phục vụ cho lợi ích của các chính giới hay những tập đoàn nào đó. Đây là điều mà không ít người còn hiểu một cách mơ hồ, "phi chính trị hóa" báo chí để từ đó có những cách nhìn nhận phiến diện, hữu khuynh. Ngay ở các nước phương Tây, dù người ta có đề cao thế nào về cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí,... thì báo chí, xét cho cùng, cũng phục vụ cho quyền lợi của các đảng phái chính trị hay giới chủ đã dựng lên nó mà thôi.

Nhìn lại những biến động chính trị xảy ra trên thế giới những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, chúng ta đều nhận thấy tác động ghê gớm của giới truyền thông đối với những diễn biến và kết cục của các sự kiện. Chính giới truyền thông đã tác động đáng kể đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu.

Đối với nước ta, báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, là công cụ tin cậy của Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, động viên toàn dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị để đảm bảo cho đất nước và người dân một môi trường phát triển hòa bình, thuận lợi. Tuy nhiên, dưới tác động của những diễn biến tình hình phức tạp trên thế giới, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, cộng với những nguyên nhân chủ quan nội tại... nên báo chí, đúng hơn là đội ngũ những người làm báo hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức to lớn.
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải thực sự trở thành người lính xung kích, lãnh trách nhiệm vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; cổ vũ, động viên các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để báo chí tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh chống lại có hiệu quả âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, chúng ta cần tập trung làm tốt mấy vấn đề sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động báo chí.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước nhà, Đảng ta luôn coi trọng, đề cao vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng và đóng góp to lớn của báo chí cách mạng. Đội ngũ những người làm báo nước ta đã luôn thể hiện lòng trung thành với Đảng và chế độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới phức tạp hơn nhiều và đứng trước âm mưu "diễn biến hòa bình", chúng ta không được phép chủ quan về sự phân hóa tư tưởng ngay trong đội ngũ những người làm báo, giữa các tờ báo. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan chủ quản đối với hoạt động báo chí phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời để báo chí phát huy tốt vai trò định hướng dư luận, động viên xã hội thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phản bác lại các tư tưởng thù địch.
Khác với "cải tổ" của Liên Xô trước đây, Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới với những bước đi phù hợp tình hình thực tế của trình độ phát triển và đặc điểm của Việt Nam. Cái khác đó là: Đảng lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Bài học đắt giá của Liên Xô và Đông Âu chính là người ta đã không coi trọng đúng mức và cũng không thành công trong cải cách kinh tế mà tiến hành vội vã những cải cách thể chế, chính trị. Trong quá trình này, người ta đã sử dụng báo chí làm công cụ để dấy lên các phong trào dân chủ, trong khi nền tảng của xã hội cho sự thay đổi đó chưa được chuẩn bị. Cách đi như vậy đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, trong đó báo chí đã có tác động lớn đến diễn biến tình hình, thậm chí còn kích động sự phản kháng, hỗn loạn. Công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đi con đường sáng tạo riêng và đã thành công trong 20 năm qua. Đảng ta đã biết huy động các phương tiện truyền thông tập trung cho mục đích này. Trong quá trình đổi mới, trình độ nhận thức của xã hội về dân chủ cũng dần dần được nâng lên, được định hướng đúng đắn. Sự chuẩn bị đó chính là điều kiện để ta có thể đối mặt được một cách vững vàng trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà trong đó không thể tránh khỏi những thách thức lớn về nhận thức, tư tưởng.
Một vấn đề quan trọng nữa trong công tác lãnh đạo tư tưởng của Đảng ta, đó là, Đảng ta không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hoạt động tư tưởng, báo chí, mà còn xây dựng hệ thống dân chủ cơ sở sâu rộng. Nếu công tác tư tưởng chỉ dựa chủ yếu vào các cơ quan truyền thông, báo chí mà không coi trọng thực hiện tại cơ sở thông qua các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội... thì Đảng sẽ không thể nắm được dân, không hiểu hết được tâm tư, tình cảm, không kịp thời nhận biết được những bức xúc của dân. Sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan truyền thông và công tác tư tưởng ở cơ sở sẽ làm cho nền tảng tư tưởng của xã hội được chắc chắn và không dễ bị tác động bởi những tư tưởng thù địch, sai trái.
2. Chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và quản lý giỏi.
Báo chí chỉ có thể phát huy được vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, giúp Đảng, chính quyền lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chống lại có hiệu quả âm mưu "diễn biến hòa bình" nếu Đảng có được một đội ngũ những người làm báo cách mạng vững vàng về bản lĩnh chính trị, có nhận thức tư tưởng đúng đắn và có trình độ chuyên môn giỏi. Để được như thế thì công tác lựa chọn và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, giáo dục tư tưởng chính trị và đào tạo chuyên môn phải hết sức được coi trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến những phẩm chất đạo đức, chính trị và công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị. Trong thời đại tri thức thì đội ngũ những người làm báo cách mạng cũng phải phấn đấu là những người có tri thức cao, hiểu biết rộng, những người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Không thể tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, cũng như chống lại được các tư tưởng thù địch bằng cách làm báo không có sức thuyết phục, kém hấp dẫn. Cái đúng chỉ được xã hội tiếp thu để biến thành nhận thức tư tưởng một khi nó có khả năng lôi cuốn được mọi người, tức là nó phải được truyền bá một cách hấp dẫn, dễ tiếp nhận và có tính thuyết phục. Điều đó đòi hỏi người làm báo phải biết làm báo giỏi và hay.
Báo chí phải là công cụ tin cậy của Đảng, tin tưởng và trung thành với chế độ. Để được như vậy, trước hết, đội ngũ những người làm báo phải được bồi dưỡng, giáo dục về tư tưởng nhận thức và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nếu những người làm báo còn mơ hồ về nhận thức tư tưởng thì không những không thể làm được chức năng định hướng xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, mà còn làm cho xã hội bị phân hóa về tư tưởng, nhận thức, trở thành mảnh đất để những tư tưởng khác thâm nhập dễ dàng.
Trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội ngày càng ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chúng ta cần phải tăng cường cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chống lại các tư tưởng thù địch. Nhiệm vụ này đòi hỏi Đảng cần phát triển, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng thời, đòi hỏi các nhà tư tưởng, báo chí chúng ta phải sắc bén, vững vàng đập lại các luận điểm sai trái hòng bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời đại công nghệ thông tin, Internet toàn cầu phát triển cao, việc truyền bá tư tưởng và cả việc phản bác lại nó không khó thực hiện. Đây là đặc điểm khác hẳn so với giai đoạn trước. Vì vậy, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, làm báo của Đảng và chế độ phải nâng tầm năng lực và trí tuệ của mình lên tương xứng mới có thể chống lại một cách có hiệu quả sự xâm nhập của các tư tưởng không chính thống, mới tạo dựng được niềm tin của người dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí nước ta muốn hoàn thành tốt chức năng định hướng xã hội của mình, trước hết phải phản ánh trung thực, khách quan, biết đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên. Có thể nói rằng, báo chí nước ta được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao về những công lao đóng góp trong công cuộc đổi mới, trong chống tiêu cực và chống lại các tư tưởng thù địch. Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt ở những thời điểm phức tạp, nhạy cảm. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, quốc nạn tham nhũng, báo chí đóng góp nhiều công lớn; nhưng cũng có số ít nhà báo, với cách nhìn thiếu khách quan, không đúng bản chất, thiếu trung thực và trong không ít trường hợp là bị tác động bởi vấn đề thương mại hóa, không những không góp phần xây dựng, giải quyết vấn đề, tháo gỡ khó khăn, mà còn bị các thế lực thù địch lợi dụng trong âm mưu "diễn biến hòa bình".
Báo chí cách mạng vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng và chính quyền vừa là diễn đàn tin cậy của người dân. Muốn làm tốt vai trò định hướng dân luận, báo chí phải phấn đấu để trở thành người bạn tin cậy, gần gũi với các tầng lớp nhân dân. Người dân hằng ngày phải cảm nhận được cuộc sống và những lợi ích sát sườn của họ trên các trang báo, các chương trình truyền hình, phát thanh. Những vấn đề bức xúc của họ được phản ánh để các cấp ủy Đảng, chính quyền biết và quan tâm xử lý. Để người dân tin vào Đảng, không bị mơ hồ nhận thức trước diễn biến tình hình luôn biến động, phức tạp, thì họ phải tin vào báo chí của Đảng. Muốn dân tin, thì báo chí không chỉ phải đúng về tuyên truyền đường lối, mà còn phải gần gũi về nội dung với họ và còn phải có sức hấp dẫn nữa.
3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí.
Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trước hết phải thể hiện ở việc chấp hành luật pháp. Luật pháp của ta là luật pháp có tính Đảng, được xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu cao cả là "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Hệ thống luật pháp của chúng ta còn thiếu và chưa đồng bộ, trong đó có cả những văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý báo chí. Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về báo chí được chặt chẽ, tạo môi trường lành mạnh cho báo chí phát triển, đóng góp tích cực vào công tác quản lý xã hội và phát triển. Cũng chỉ trên cơ sở hoàn thiện hệ thống luật pháp, chúng ta mới càng mạnh hơn về cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử phá hoại, cơ hội chính trị bên trong. Các hoạt động báo chí phải được quản lý chặt chẽ theo những quy định của pháp luật. Điều quan trọng nhất có tính sống còn của chế độ là Đảng phải nắm cho được, nắm chắc các cơ quan truyền thông lớn và có ảnh hưởng rộng trong dư luận. Bài học của Liên Xô và các nước Đông Âu trong các cuộc chính biến chính là sự buông lỏng quản lý và thả nổi hoàn toàn của giới lãnh đạo đối với hoạt động báo chí; cho nên, vào những thời điểm phức tạp, nhạy cảm và có tính quyết định, không những chính quyền không nắm được báo chí, mà các phương tiện thông tin đại chúng còn bị lợi dụng làm công cụ phản kháng chế độ.
Đảng nắm báo chí trước hết là ở việc nắm khâu cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo báo chí, cán bộ làm công tác tư tưởng và nắm báo chí thông qua công tác chỉ đạo, định hướng tư tưởng sát sao.
4. Xây dựng các tập đoàn truyền thông mạnh của Nhà nước, có tiềm lực và trình độ công nghệ hiện đại.
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chúng ta chỉ có thể chủ động tiến công, hóa giải được những âm mưu can thiệp của bên ngoài, nếu chúng ta làm chủ được thông tin và khả năng xử lý thông tin một cách kịp thời và chính xác. Chúng ta không thể đập lại được các luận điệu sai trái, thù địch, không thể định hướng dư luận đạt kết quả mong muốn nếu không xây dựng được những cơ quan truyền thông có tiềm lực về con người, tài chính và công nghệ, tức là các tập đoàn truyền thông mạnh của Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đủ sức đương đầu với những thách thức ngày càng lớn trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế và trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Xây dựng các tập đoàn truyền thông mạnh, có tiềm lực và trình độ công nghệ hiện đại chính là điều kiện cần thiết để trong thời gian tới, chúng ta đấu tranh có hiệu quả với bộ máy truyền thông lớn của các thế lực thù địch.
Trần Bình Minh
Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
 
Ý kiến bạn đọc (0)