QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 23:57 (GMT+7)
Vài nét về tổ chức Quân ủy Trung ương của Trung Quốc

Trung Quốc hiện là một trong số các quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, có vai trò và vị thế quốc tế ngày càng quan trọng. Để đạt được vị thế đó, một phần rất quan trọng là do Trung Quốc có hệ thống chính trị ổn định, đã đưa đất nước vượt qua nhiều thử thách và sóng gió của cách mạng trong điều kiện một nước nông nghiệp và phong kiến lạc hậu, tiến tới một cường quốc giàu và mạnh tầm cỡ thế giới. Trong hệ thống chính trị đó, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc có vị trí nổi bật và đóng vai trò then chốt.

Quân ủy Trung ương Trung Quốc là tên gọi tắt của Ủy ban Quân sự Trung ương (UBQSTƯ) của ĐCS Trung Quốc, được thành lập dựa trên mô hình tổ chức của Ủy ban Quân sự cách mạng do ĐCS Bônsêvich (Nga) lãnh đạo trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười năm 1917, xuất phát từ vai trò trực tiếp lãnh đạo của ĐCS đối với các lực lượng vũ trang (LLVT) - công cụ bạo lực cách mạng cực kỳ quan trọng của Đảng.

Tiền thân của QUTƯ Trung Quốc là UBQSTƯ của ĐCS Trung Quốc được thành lập từ năm 1925, trước khi ra đời nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (năm 1949). Kể từ khi chức vụ Chủ tịch QUTƯ được lập, từ năm 1925 đến năm 1927, Trần Độc Tú giữ cả hai chức vụ: Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc và Chủ tịch QUTƯ Trung Quốc. Sau Hội nghị Tuân Nghĩa tháng 7 năm 1927, Mao Trạch Đông được cử vào cương vị Chủ tịch QUTƯ. Từ năm 1930 đến năm 1943, Mao Trạch Đông liên tục nắm giữ chức vụ Chủ tịch QUTƯ, trong khi Cù Thu Bạch, Vương Minh, Tần Bang Hiến, Trương Văn Thiên lần lượt giữ chức vụ Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc. Ngày 20 tháng 3 năm 1943 ở Diên An, Hội nghị Bộ Chính trị lập ra các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch Bộ Chính trị, Chủ tịch Ban Bí thư; từ đó, Mao Trạch Đông giữ tất cả các chức vụ này cùng với chức vụ Chủ tịch QUTƯ cho đến năm 1965.

Tại Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa VIII (tháng 8 năm 1966), chức vụ Chủ tịch QUTƯ được trao cho Lâm Bưu, Phó Chủ tịch ĐCS Trung Quốc. Năm 1971, Chu Ân Lai tạm quyền Chủ tịch QUTƯ. Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, Hoa Quốc Phong được bầu làm Chủ tịch ĐCS Trung Quốc, còn Diệp Kiếm Anh làm Chủ tịch QUTƯ. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình được phục hồi chính trị và giữ chức Chủ tịch QUTƯ. Từ năm 1979 đến năm 1989, Đặng Tiểu Bình liên tục giữ chức Chủ tịch QUTƯ, trong khi lần lượt Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc. Năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, chức Chủ tịch QUTƯ được trao cho Giang Trạch Dân. Năm 2002, Giang Trạch Dân thôi các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng vẫn giữ chức vụ Chủ tịch QUTƯ đến năm 2004 thì trao lại cho Hồ Cẩm Đào. Từ năm 2004 tới nay, Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch QUTƯ. Với chức vụ mới này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đảm nhiệm trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

 QUTƯ Trung Quốc có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Điều này là do ở Trung Quốc, ĐCS  lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối đối với các LLVT; và, QUTƯ là cơ quan lãnh đạo quân sự tối cao của ĐCS Trung Quốc.  

Chức năng chính của QUTƯ là lãnh đạo và thực thi sự chỉ huy thống nhất đối với các LLVT Trung Quốc, bao gồm: Quân giải phóng nhân dân; lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng dân binh. Quân giải phóng nhân dân là lực lượng thường trực của Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lực lượng Cảnh sát vũ trang chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Dân binh là quần chúng, không thoát ly khỏi sản xuất. Đảng uỷ các cấp trong các LLVT Trung Quốc là hạt nhân lãnh đạo thống nhất đối với các tổ chức, cơ quan, các lĩnh vực hoạt động của các LLVT thuộc cấp mình quản lý. ĐCS Trung Quốc nghiêm cấm các đảng phái, các tổ chức chính trị thành lập cơ sở của họ trong quân đội, ngoại trừ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. 

Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố: súng đẻ ra chính quyền.  Do đó, các tướng lĩnh quân đội có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước và chức vụ cao cấp quan trọng nhất ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chủ tịch QUTƯ.

 Thành phần của QUTƯ Trung Quốc do Uỷ ban Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định và phê chuẩn. Các thành viên thường trực của QUTƯgồm: Chủ tịch ĐCS (Tổng Bí thư); Chủ tịch nước; Thủ tướng Quốc vụ viện; các thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCS Trung Quốc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ An ninh; Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Các thành viên không thường trực của QUTƯ Trung Quốc gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quốc phòng; Tư lệnh các quân chủng Hải, Lục, Không quân và Tên lửa chiến lược; Tư lệnh các đại quân khu và các thành viên không thường trực khác do Thường vụ Bộ Chính trị chỉ định.

Về cơ chế hoạt động: QUTƯ Trung Quốc là cơ quan thường trực, hoạt động định kỳ và thường xuyên. Trên danh nghĩa, QUTƯ là cơ quan thống lĩnh tối cao các LLVT Trung Quốc; nhưng trên thực tế, Chủ tịch QUTƯ Trung Quốc mới là người thống lĩnh thật sự. QUTƯ Trung Quốc bàn bạc và quyết định tất cả các vấn đề về quân sự và quốc phòng của đất nước mà không cần phải tham vấn ý kiến của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội hoặc Hội đồng chính trị hiệp thương. Trong các hội nghị của QUTƯ Trung Quốc, chỉ có các thành viên thường trực mới có quyền biểu quyết. QUTƯ Trung Quốc có Văn phòng thường trực, là cơ quan đầu mối ngang Bộ, có chức năng và nhiệm vụ duy trì hoạt động thường xuyên và định kỳ của QUTƯ. 

Về quan hệ giữa QUTƯ và Hội đồng Quân sự Trung ương (HĐQSTƯ) Trung Quốc: Năm 1979, ĐCS Trung Quốc đề ra chủ trương phân rõ chức năng của Nhà nước và của Đảng. Thực hiện chủ trương đó, Hiến pháp Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1982 quy định thành lập HĐQSTƯ của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đây không phải là cơ quan trong cơ cấu tổ chức của ĐCS Trung Quốc mà là cơ quan Nhà nước lãnh đạo tập thể về quân sự, do Hiến pháp Trung Quốc quy định về tổ chức, cơ chế hoạt động, thành viên..., mang tính chất của một cơ quan đại nghị quân sự.

HĐQSTƯ Trung Quốc là một trong những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ngang cấp với Hội đồng nhà nước, Toà án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Chủ tịch HĐQSTƯ Trung Quốc do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc bầu ra, theo đề cử của Uỷ ban Trung ương ĐCS Trung Quốc. 

Theo đề cử của Chủ tịch HĐQSTƯ Trung Quốc, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc phê chuẩn các thành viên khác của HĐQSTƯ Trung Quốc. Trong thời gian giữa hai kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Uỷ ban Thường trực của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc căn cứ vào đề nghị của HĐQSTƯ Trung Quốc để phê chuẩn các ứng cử viên vào thành phần của HĐQSTƯ. Chủ tịch HĐQSTƯ Trung Quốc chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân cũng như Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Thành phần của HĐQSTƯ gồm: Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng có thể được bầu lại trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chủ tịch HĐQSTƯ Trung Quốc không chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào có thể hạn chế quyền được bổ nhiệm vào cương vị Chủ tịch trong các kỳ tiếp theo. HĐQSTƯ có nhiệm kỳ mỗi khóa 5 năm, nhưng không hạn chế về số khóa và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch HĐQSTƯ.

 Vì ĐCS Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo tuyệt đối đối với các LLVT Trung Quốc, nên tất cả các thành viên của QUTƯ Trung Quốc cũng đồng thời là thành viên của HĐQSTƯ của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Do đó, trên thực tế, hai cơ quan này là một. 

Trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc đang xây dựng CNXH mang những đặc điểm riêng trong điều kiện kinh tế thị trường, cải cách, mở cửa, chịu tác động của nhiều yếu tố phức tạp trong cũng như ngoài nước, ĐCS Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc kiên trì nguyên tắc cơ bản Đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội. Do đó, QUTƯ Trung Quốc có vai trò và vị trí quan trọng hơn bao giờ hết.

HƯƠNG LY

(tổng hợp từ báo chí nước ngoài)

                                               

 

Ý kiến bạn đọc (0)