QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 23:08 (GMT+7)
Vài nét về động viên quốc phòng của Trung Quốc hiện nay

Động viên quốc phòng là một nội dung quan trọng trong chủ trương hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc. Để thích ứng với những phát triển mới của chiến tranh hiện đại và nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, Trung Quốc chủ trương xây dựng một hệ thống động viên quốc phòng hiện đại, thống nhất, tập trung hóa, được tổ chức tốt, phản ứng nhanh, có sức mạnh và hiệu quả; có thể nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến.

Động viên quốc phòng của Trung Quốc bao gồm động viên các lực lượng vũ trang và động viên kinh tế.

Các lực lượng vũ trang Trung Quốc gồm: Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc và dân quân. Động viên các lực lượng vũ trang Trung Quốc là động viên cả về nhân lực, vũ khí, trang bị và vật chất hậu cần. Nội dung chủ yếu của việc động viên Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là: lập kế hoạch động viên và bảo đảm mọi mặt cho bộ đội hoạt động trong điều kiện thời chiến (trọng tâm là hoạt động tác chiến) theo các kế hoạch tác chiến; tổ chức biên chế quân dự bị vào các đơn vị thường trực; mở rộng và thành lập các đơn vị theo cơ cấu và tổ chức thời chiến khi nhà nước phát lệnh động viên. Tương tự như động viên Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, nội dung động viên chủ yếu của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc cũng bao gồm những nội dung trên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này. Còn với lực lượng dân quân, công tác động viên tập trung vào các mặt sau: gọi dân quân nhập ngũ; điều chỉnh và củng cố các tổ chức; cấp phát vũ khí, trang bị; tiến hành việc huấn luyện trước chiến tranh; điều chỉnh các kế hoạch chiến đấu, hoặc chi viện cho mặt trận và bảo đảm theo yêu cầu động viên nhân lực thời chiến.

Trong quá trình động viên, theo quy định, các lực lượng vũ trang Trung Quốc vừa là đối tượng động viên; đồng thời, vừa là chủ thể động viên. Sau khi nhà nước phát lệnh động viên, các lực lượng vũ trang tiến hành đồng thời các nội dung động viên theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, dưới sự chỉ đạo của Quốc vụ viện, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, cùng với sự trợ giúp của Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Trang bị và các cơ quan liên quan khác của chính phủ. Cụ thể là, Hải quân, Không quân và Lực lượng Pháo binh II (lực lượng tên lửa chiến lược) chịu trách nhiệm động viên các lực lượng tương ứng của mình. Các quân khu, các bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương các cấp chịu trách nhiệm động viên các lực lượng dự bị trong khu vực thuộc phạm vi quyền hạn mình quản lý. 

Thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và thực hiện phát triển nhảy vọt trong việc hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc tiến hành giảm quy mô lực lượng thường trực, nhưng đồng thời cải tiến hệ thống quân dự bị, điều chỉnh các đơn vị dự bị đã có, thành lập các đơn vị dự bị mới, chỉ định các khu vực bổ sung nhân lực, bố trí sẵn trang bị, hậu cần và tổ chức hợp luyện động viên dân sự-quân sự. Bên cạnh các mặt đó, Trung Quốc còn đẩy nhanh việc điều chỉnh và cải cách về tổ chức cơ cấu dân binh và lực lượng dự bị; tăng số quân dự bị được đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao và tăng các lực lượng dự bị của Hải quân, Không quân và Lực lượng Pháo binh II. Nhờ vậy, mặc dù quân số thường trực giảm, song số lượng, chất lượng của các lực lượng hậu bị quốc phòng của Trung Quốc được nâng lên một bước.

Đi đôi với động viên các lực lượng vũ trang là động viên kinh tế. Trung Quốc xác định mục tiêu của động viên kinh tế là hình thành một hệ thống động viên hoàn chỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu đối phó với chiến tranh và các tình huống khẩn cấp, tạo ra một cơ sở động viên kinh tế như một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế, nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất của các cuộc chiến tranh cục bộ và những sự kiện đột phát.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đề ra những chủ trương, chính sách cơ bản về động viên kinh tế quốc dân trong giai đoạn mới; đó là: (1) Thúc đẩy động viên kinh tế trên cơ sở chiến lược phát triển quốc gia và kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế quốc phòng với phát triển kinh tế quốc dân; (2) Lấy động viên kinh tế làm cầu nối giữa phát triển kinh tế của đất nước với các khả năng quốc phòng sẵn có, tạo nên sự cân đối giữa các nhu cầu quân sự và dân sự cũng như giữa các nhu cầu thời bình và thời chiến trong việc cơ cấu lại nền kinh tế để duy trì kinh tế quốc phòng ở một mức độ thích hợp trong thời bình; (3) Tăng tốc độ phát triển và ứng dụng các công nghệ cao mới và các công nghệ lưỡng dụng, ưu tiên động viên các sản phẩm công nghệ cao và lực lượng dự bị công nghệ cao để nâng cao trình độ khoa học và công nghệ động viên kinh tế; (4) Xây dựng một cơ cấu tổ chức-cơ chế vận hành-hệ thống luật pháp động viên kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường XHCN để đối phó hiệu quả với chiến tranh và các tình huống khẩn cấp; (5) Toàn dân giữ đúng nguyên tắc tự vệ và nâng cao năng lực động viên kinh tế để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phòng thủ trong điều kiện thông tin hoá.

Cùng với các chủ trương, chính sách động viên kinh tế, trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống thông tin, hệ thống đường giao thông, cầu hầm, sân bay, hải cảng, bến vượt..., Trung Quốc hết sức chú ý đến các yêu cầu quốc phòng, coi đó là bước đi trước hết và là một trong những yếu tố nền tảng làm cơ sở cho quá trình động viên kinh tế sau này. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trung Quốc vạch ra một hệ thống kế hoạch động viên kinh tế có tính đến các nhu cầu của cả thời bình và thời chiến. Các ngành công nghiệp chế tạo máy, vũ khí, hàng không, vũ trụ, đóng tàu và hoá chất, thành lập trung tâm động viên kinh tế ; cơ cấu và sơ đồ bố trí của các ngành và các trung tâm này được tối ưu hoá, được các cơ quan chức năng liên quan của chính phủ quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Qua nhiều năm tiến hành, hiện nay, Trung Quốc đã căn bản hoàn thành việc khảo sát tiềm năng động viên kinh tế và thiết lập một hệ thống thông tin quản lý động viên kinh tế của nhà nước cùng một số tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan động viên kinh tế các cấp đã thiết lập một cơ chế liên lạc giữa các cơ quan này với các cơ quan điều hành (điều hành việc đối phó với tình huống khẩn cấp) để trợ giúp việc xử lý các tình huống khẩn cấp và để đảm bảo an ninh công cộng.

Cùng với việc thúc đẩy thực hiện các chủ trương trong động viên các lực lượng vũ trang và động viên kinh tế, Trung Quốc rất quan tâm đến lực lượng dự bị (quân dự bị) trong xây dựng các lực lượng hậu bị quốc phòng. Đi đôi với giảm số quân thường trực, Trung Quốc chú trọng tăng số quân dự bị. Song để thích ứng với điều kiện tác chiến trong chiến tranh hiện đại, về tổng thể, Trung Quốc tăng số quân dự bị, nhưng giảm số quân dự bị Lục quân, thay vào đó, tăng số quân dự bị Hải quân, số quân dự bị Không quân, số quân dự bị Lực lượng Pháo binh II, cũng như tăng tỷ lệ quân dự bị kỹ thuật chuyên hoá và quân dự bị đảm bảo hậu cần, trang bị. Hầu hết các sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn dự bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đều có căn cứ huấn luyện, kho vũ khí, nơi đặt văn phòng và khu sinh hoạt. Đặc biệt, giữa các khu vực, căn cứ đó đều được liên kết, truyền tin bằng cáp sợi quang. Trong quá trình huấn luyện, ngoài huấn luyện thường xuyên, lực lượng dự bị còn được tăng cường diễn tập hiệp đồng, bắn đạn thật, huấn luyện chỉ huy và kết hợp huấn luyện với quân thường trực để rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa lực lượng này với lực lượng thường trực.

Với những chủ trương trên, Trung Quốc mong muốn năng lực động viên, chất lượng động viên của đất nước hoàn toàn đủ sức đáp ứng yêu cầu các tình huống đột phát, cũng như những phát triển mới của chiến tranh hiện đại trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

 ĐỨC LÊ

 

Ý kiến bạn đọc (0)