Thứ Bảy, 26/04/2025, 09:58 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph.Ăng-ghen khởi thảo, được công bố lần đầu ở Luân Đôn vào tháng 2-1848. Đây là Văn kiện có tính cương lĩnh vĩ đại nhất của CNXH khoa học. V.I Lê-nin viết: Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng cả một pho sách lớn; tinh thần của nó cho tới nay còn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh. Nhân dịp kỷ niệm 160 năm ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, chúng tôi đề cập tới vấn đề: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
1- C. Mác và Ph.Ăng-ghen đã dùng nhiều thuật ngữ để diễn đạt về giai cấp công nhân, như: “giai cấp vô sản”, “giai cấp công nhân”, “giai cấp vô sản công nghiệp”, “giai cấp vô sản hiện đại”, “giai cấp công nhân hiện đại”, “giai cấp của những người hoàn toàn không có của”, “giai cấp công nhân thuộc thế kỷ XIX”… Tuy nhiên, thuật ngữ “giai cấp công nhân” được các ông dùng nhiều nhất. Khi bàn về giai cấp công nhân, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã đưa ra hai tiêu chí: Một là, về nghề nghiệp, giai cấp công nhân là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành công cụ sản xuất có tính công nghiệp ngày càng hiện đại và cho rằng: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”. Hai là, về vị trí trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân là giai cấp những người lao động làm thuê, do không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động, làm thuê cho các nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư.
Còn V.I Lê-nin thì nhấn mạnh, khái niệm giai cấp công nhân chỉ bao gồm những ai do điều kiện sống của bản thân mà thực sự có đầy đủ tâm lý vô sản. Song, muốn có đầy đủ tâm lý đó thì phải làm việc nhiều năm trong công xưởng, do điều kiện chung về sinh hoạt kinh tế và xã hội bắt buộc.
Từ những chỉ dẫn trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận, là nên thống nhất dùng khái niệm giai cấp công nhân. Và căn cứ vào thực tế đất nước ta hiện nay, chúng ta có thể hiểu: trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là một lực lượng xã hội rộng lớn, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Đó là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê-nin và đấy cũng là phương pháp luận mác-xít.
2- Phân tích quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra rằng, “bản thân giai cấp tư sản hiện đại cũng là sản phẩm của một quá trình lâu dài, của một loạt những cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi”. Hai ông đã khẳng định “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”, “giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”. Chính vì thế, giai cấp tư sản khẳng định được vị trí thống trị của mình trong thời đại bấy giờ.
Cùng với sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp, giai cấp công nhân ra đời, phát triển rất nhanh chóng và chính họ là người đào huyệt chôn chế độ tư bản. Do vậy, các ông cho rằng: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Sau gần 70 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời, ngày 7-11-1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động, khai sinh ra nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo điều kiện để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; đồng thời, mở đầu một kỷ nguyên mới: gắn mục tiêu phát triển với các mục tiêu cao cả khác là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
3- Ở Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân có thể chia thành bốn thời kỳ: 1, giai cấp công nhân trong thời kỳ bị thực dân Pháp cai trị; 2, giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến; 3, giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ xây dựng CNXH trước đổi mới; 4, giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân là cơ sở chính trị – xã hội, chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước.
Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngang tầm với sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, từ Đại hội VIII, Đại hội IX và đặc biệt là Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định phải đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng giai cấp công nhân ngày càng đông về số lượng và chất lượng ngày càng cao hơn. Việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH không phải chỉ căn cứ vào yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mà còn phải xuất phát từ đặc điểm, thực trạng của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân và của toàn dân tộc. Trước yêu cầu của thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước ta cần tập trung xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh theo hướng trí thức hoá, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học – công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu CNXH, tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; là nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; là cơ sở chính trị – xã hội, chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước.
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước ta xác định phải tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau.
Một là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để nước ta có một đội ngũ công nhân theo hướng trí thức hoá, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện đại. Nhà nước chăm lo xây dựng các chế độ, chính sách để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cơ sở đào tạo nghề với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Khuyến khích việc mở rộng, liên kết các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo lại. Có chiến lược, quy hoạch phát triển dạy nghề một cách đồng bộ, đổi mới hệ thống dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Hai là, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân. Chú ý nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp và bản lĩnh chính trị, tinh thần dân tộc, gắn bó thiết tha với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, với chế độ XHCN, ý chí vươn lên làm giầu, tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần phấn đấu vươn lên ngang tầm thời đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế; quyết tâm chiến thắng trong cạnh tranh, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao và lương tâm nghề nghiệp.
Ba là, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thể chất cho công nhân; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra về việc làm và đời sống của công nhân. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách để phát huy các nguồn lực và trách nhiệm của cả Nhà nước, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị – xã hội, của toàn xã hội và của công nhân trong chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân tương xứng với năng suất lao động và những đóng góp của công nhân.
Trước mắt cần tập trung bổ sung, sửa đổi, xây dựng một số chính sách nhằm bảo đảm việc làm và thực hiện quyền dân chủ của công nhân trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nghiên cứu ban hành các chính sách tiền lương, tiền công đủ tái tạo sức lao động và nuôi con cái học hành, bảo đảm và nâng cao đời sống cho công nhân. Điều chỉnh, bổ sung hợp lý các chính sách, chế độ đối với các vấn đề về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo đảm môi trường lao động không bị ô nhiễm, vấn đề nhà ở của công nhân… Bổ sung các chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách, pháp luật lao động. Nghiên cứu xây dựng Luật Đình công phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Bốn là, xây dựng và phát triển giai cấp công nhân là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị; trước hết là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của công đoàn, từ cấp trung ương cho đến tận cơ sở; là trách nhiệm của mỗi công nhân đối với chính bản thân mình, giai cấp mình. Đảng, Nhà nước xác định chủ trương, chính sách, biện pháp, chế độ, kiểm tra, đôn đốc, bồi dưỡng cán bộ nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, nhất là ý thức chính trị của giai cấp công nhân.
Tiếp tục thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, các quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, theo tinh thần ở đâu có quần chúng ở đó có tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân.
Các cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp của Đảng, Nhà nước phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân và Công đoàn, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn phát huy tốt vai trò của mình. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng giai cấp công nhân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, phát huy vai trò của Công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn cho phù hợp, tương thích với các quy định của Hiến pháp, Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan. Đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở.
Đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình, hình thức tập hợp thanh niên, vận động thanh niên làm việc trong mọi loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các loại hình doanh nghiệp cần hướng mạnh vào việc tạo điều kiện, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, cổ vũ và khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong thanh niên công nhân; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để phối hợp với tổ chức Công đoàn bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích, tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý và bảo vệ công nhân khi lợi ích bị xâm hại, trên cơ sở pháp luật hiện hành.
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011