QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:02 (GMT+7)
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản

Năm nay, cùng với những người cộng sản và loài người tiến bộ, chúng ta kỷ niệm 160 năm ra đời "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" (TNCĐCS), tác phẩm bất hủ của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đánh dấu sự trưởng thành của CNXH khoa học.

160 năm qua, nhân loại đã tiến những bước dài trên các mặt kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội; bộ mặt hành tinh đã có nhiều thay đổi với biết bao thăng trầm của lịch sử. Song ý nghĩa lý luận và phương pháp luận của kiệt tác này đối với nhiều vấn đề lớn của thời đại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trước những phát triển mới của chủ nghĩa tư bản (CNTB) ở cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, nhất là sau sự kiện CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vấn đề đánh giá vai trò lịch sử của CNTB ngày nay trở thành một đề tài nóng hổi của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Giai cấp tư sản và các nhà lý luận tư bản tỏ ra vui mừng, hân hoan trước những biến đổi, phát triển của CNTB. Họ coi đó như một sự hồi sinh mới của CNTB; rằng CNTB là một xã hội cao nhất và cuối cùng của nhân loại, nó tồn tại vĩnh hằng và bất khả xâm phạm. Một số người, do lập trường dao động và bị choáng ngợp trước những biến đổi, phát triển của CNTB, thoái chí trước sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, đã chuyển sang ca ngợi một chiều CNTB, không nhìn nhận, đánh giá đúng những hạn chế và mâu thuẫn nội tại của chế độ đó. Trong bối cảnh phức tạp đó, TNCĐCS, một lần nữa, như bao lần khác, lại sáng ngời ý nghĩa phương pháp luận khoa học trong việc đánh giá vai trò lịch sử của CNTB.

Các nhà sáng lập CNXH khoa học là những người luôn khách quan và công bằng trong nghiên cứu, đánh giá các vấn đề của lịch sử. Khi xem  xét, đánh giá CNTB, các ông đều nhìn nhận sự vận động của nó trên cả hai mặt: những phát triển, tiến bộ và công lao của chế độ này với sự phát triển của nhân loại; đồng thời, chỉ ra những hạn chế lịch sử, những mâu thuẫn vốn có quy định xu hướng lịch sử tất yếu của nó.

CNTB là một giai đoạn tất yếu trong quá trình lịch sử tự nhiên của loài người. Nó có vai trò rất quan trọng đối với tiến bộ và phát triển của nhân loại. Trong TNCĐCS, C.Mác và Ph.ăng-ghen viết: "Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử"1. Hai ông đánh giá cao công lao của CNTB trước hết là đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX): "Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những LLSX nhiều hơn và đồ sộ hơn LLSX của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”2. Thời C.Mác và Ph.Ăng-ghen, CNTB đã thực hiện bước nhảy vọt trong LLSX, chủ yếu nhờ vào cuộc cách mạng trong công cụ lao động: dùng máy móc công nghiệp thay cho lao động thủ công. Ngày nay, khi khoa học trở thành LLSX trực tiếp và sự phát triển mang tính bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ (KH-CN) hiện đại, CNTB đã sử dụng rất có hiệu quả các thành tựu do chúng mang lại, tạo nên những sự phát triển mới về chất của LLSX. Sự phát triển này cao hơn rất nhiều so với thời C.Mác và Ph.Ăng-ghen sống, xét cả về quy mô, tốc độ, chiều sâu của tất cả các yếu tố cấu thành LLSX.

Thứ nhất: Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền sản xuất tư bản đã phát triển ở trình độ rất cao, với sự xuất hiện của hàng loạt các yếu tố: tư liệu lao động rất hiện đại (hệ thống máy tự động, rô bốt công nghiệp); các loại vật liệu mới với những tính năng ưu việt; các nguồn năng lượng mới với hiệu suất cao, không làm ô nhiễm môi trường, không bị giới hạn về trữ lượng (mặt trời, sức gió, thuỷ triều, địa nhiệt, hạt nhân, v.v.); các loại công nghệ rất hiện đại (thông tin, sinh học, na nô, vật liệu mới, v.v.) được sử dụng rộng rãi trong sản xuất-kinh doanh và đời sống.

Thứ hai: Trong CNTB ngày nay, cơ cấu kinh tế đã có những biến đổi căn bản. Một cơ cấu kinh tế mới hiện đại, năng động, hiệu quả và thích ứng cao đã hình thành, phát triển và thay thế cho cơ cấu kinh tế truyền thống kém hiệu quả trước đây. Nét tiêu biểu của cơ cấu kinh tế mới là vai trò hàng đầu của tri thức và khoa học. Bởi vậy, nền kinh tế ở các nước tư bản phát triển ngày nay được gọi là kinh tế tri thức. Sự phát triển của kinh tế tri thức làm cho kinh tế thị trường tư bản đã chuyển sang một trình độ mới cao hơn rất nhiều, cùng với cách mạng KH-CN thúc đẩy nhanh quá trình toàn cầu hoá kinh tế, lôi cuốn cả thế giới vào xu thế tất yếu đó.

Thứ ba: Lao động (yếu tố quyết định của LLSX) trong CNTB ngày nay cũng có những biến đổi rất sâu sắc; lao động trí tuệ, lao động có tính sáng tạo ngày càng trở thành mặt chủ đạo của lao động xã hội. Đây cũng là xu thế và đòi hỏi tất yếu của kinh tế tri thức. Vấn đề nâng cao trình độ của người lao động trở thành nhu cầu nội sinh của nền sản xuất tư bản hiện đại, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Phân công lao động ở các nước tư bản có sự phát triển mới. Tính chất xã hội hoá lao động trong CNTB chưa bao giờ đạt đến trình độ cao như hiện nay. Phát triển LLSX hiện đại ở trình độ rất cao hiện nay là đóng góp mới của CNTB với tiến bộ và văn minh của nhân loại.

Sự phát triển cao của LLSX và xã hội hoá lao động trong lòng xã hội tư bản đang hình thành một nền sản xuất ra của cải vật thể và của cải phi vật thể phi thường. CNTB có thể nhân gấp bội của cải của nó trong một thời gian rất ngắn. Tốc độ giàu có của giai cấp tư sản giờ đây tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, nhiều ông chủ tư bản có tài sản vài chục tỷ đô la; một cá nhân mà tài sản còn nhiều hơn tài sản của cả một quốc gia nghèo là chuyện có thật trong thế giới văn minh ngày nay. Nền kinh tế tư bản hiện đại ngày nay có hai khuynh hướng rõ rệt. Một mặt, nó đang tìm mọi cách tiết kiệm tối đa các nguồn lực, tài nguyên, khoa học, sức lực con người để tồn tại và thực hiện thu lợi nhuận tối đa. Mặt khác, do bản chất của quan hệ sản xuất (QHSX), nó lại vẫn tiếp tục lãng phí vô độ những nhân tố đó, và tỏ ra bất lực trước nhiều vấn đề của sự phát triển kinh tế, xã hội không thể kiểm soát và điều tiết nổi.

Dựa trên sự phát triển cao của LLSX, cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được, CNTB ngày nay đã thực hiện những điều chỉnh đáng kể về QHSX, cố gắng điều hoà, xoa dịu các mâu thuẫn vốn có, củng cố cơ sở kinh tế - xã hội của nó. Vấn đề này không có gì mới mẻ, xa lạ cả. Trong TNCĐCS, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những QHSX, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ xã hội”3. Nội dung chủ yếu của việc điều chỉnh các QHSX tư bản chủ nghĩa (TBCN) tập trung vào những vấn đề sau:

Về quan hệ sở hữu tư bản: Trong CNTB ngày nay, hình thức sở hữu tư bản đang được đa dạng hoá với các biểu hiện: hình thành sở hữu tư bản tập thể, sở hữu hỗn hợp, mở rộng việc bán các cổ phiếu giá trị nhỏ cho đến người lao động. Việc đa dạng hoá, xã hội hoá sở hữu tư bản làm cho các công ty hình như có rất nhiều chủ, tư bản có vẻ là của “tập thể” và “vô danh” hơn. Ngay cả công nhân và nhân viên của một công ty, một hãng nhiều khi cũng không biết ông chủ thật của mình bây giờ là ai. Nhưng thực chất đằng sau cái vẻ lừa dối bề ngoài đó, các ông chủ thật sự của công ty (hãng) vẫn là những người nắm cổ phiếu khống chế - các ông trùm tư bản. Việc tập thể hoá, xã hội hoá tư bản không hề làm thay đổi bản chất của sở hữu tư bản hiện nay, đó là sự thống trị của bọn tư bản độc quyền, chứ không phải như các nhà lý luận tư sản vẫn tuyên truyền rùm beng về cái gọi là “CNTB nhân dân”. Trái với vẻ bề ngoài mỵ dân, việc đa dạng hoá sở hữu còn làm tăng thêm quyền lực về kinh tế và chính trị của các thế lực độc quyền, vì họ được lợi đôi đường, vừa sử dụng được vốn nhàn rỗi của xã hội để tăng lợi nhuận, trói buộc bằng vật chất với người lao động, vừa xoa dịu được mâu thuẫn của xã hội tư bản.

Về quan hệ tổ chức quản lý: Trong CNTB cổ điển, quản lý là độc quyền của chủ tư bản và bộ máy quản lý của họ, người lao động bị đứng ngoài quá trình này. Điều đó chỉ phù hợp khi LLSX còn thấp và bản thân người lao động chủ yếu hoạt động cơ bắp, không có trình độ để tham gia vào hệ thống quản lý. Trong CNTB ngày nay, xét cả yêu cầu khách quan của xã hội hóa sản xuất và khả năng thực tế của người lao động, việc tham gia vào hệ thống quản lý tư bản của người lao động đã như một tất yếu. Giai cấp tư sản ngày nay tỏ ra rất tinh khôn trong việc thu hút người lao động vào hệ thống quản lý để phục vụ cho mục đích của họ cả về kinh tế và chính trị: giai cấp tư sản biết sử dụng tất cả các biện pháp (kinh tế, chính trị, tâm lý, xã hội, v.v.) đối với người lao động trong quản lý. Trong hệ thống quản lý tư bản ngày nay xuất hiện việc thu nạp nguồn lao động tham gia ở cấp từ phân xưởng đến công ty. Sách báo tư sản nói nhiều đến việc công nhân tham gia quản lý như một bước phát triển của dân chủ tư sản. Thực chất không phải như vậy, vì quyền quyết định cuối cùng đối với sản xuất-kinh doanh vẫn thuộc về các ông chủ tư bản. Cách quản lý này mang lại cho giai cấp tư sản cả khối lượng lợi nhuận lớn, che giấu được thực chất bóc lột được tiếng là dân chủ và thức thời hơn.

Về quan hệ phân phối: Để xoa dịu các mâu thuẫn và vì mục đích cơ bản, lâu dài, giai cấp tư sản đã thực hiện những điều chỉnh trong quan hệ phân phối. Những hình thức thể hiện sự điều chỉnh đó là: bớt ra một phần lợi nhuận để phân phối cho người lao động dưới các khoản như: trả lợi tức cổ phiếu, chia tiền thưởng hoặc chia lợi nhuận; thông qua nhà nước dùng ngân sách để giải quyết một số vấn đề xã hội: giáo dục, y tế, trợ cấp thất nghiệp, bảo vệ môi trường,v.v. Những việc làm đó có làm cho đời sống vật chất, văn hóa của người lao động được cải thiện một phần. Song xét đến cùng, nguồn gốc của chúng đều lấy từ giá trị thặng dư do chính giai cấp công nhân tạo ra. Các khoản thu nhập này chỉ là những thu nhập phụ thêm, còn nguồn sống chủ yếu của người lao động trong xã hội tư bản hiện đại vẫn phải suốt đời bán sức lao động cho chủ tư bản. Sự phụ thuộc của người lao động vào tư bản càng chặt hơn và khó nhận biết hơn. Thực chất sự điều chỉnh QHSX tư bản ngày nay chỉ là những hình thức mới của chế độ tham dự trước kia, đang được các thế lực tư bản độc quyền sử dụng rộng rãi trên cả ba mặt cơ bản của QHSX để bảo vệ và tăng cường sự thống trị của họ.

Cùng với sự phát triển kinh tế, CNTB ngày nay cũng đạt được những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế và giải quyết một số vấn đề xã hội khác. Những phát triển, biến đổi đó tạo cho CNTB ngày nay những khả năng mới thích ứng và kéo dài sự tồn tại. Mặt khác, thực tiễn càng chứng tỏ như tinh thần của Tuyên ngôn đã chỉ ra là: những biến đổi, phát triển đó cũng càng làm nảy sinh và chín muồi hơn những tiền đề, điều kiện, nhân tố mới của một chế độ cao hơn và tiến bộ hơn CNTB. Những vấn đề đó có thể kể là: nền sản xuất lớn với cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, tiềm lực KH-CN lớn; đội ngũ giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành về số lượng, trình độ trí tuệ, trình độ giác ngộ, năng lực tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý xã hội,v.v. Việc đánh giá cao những tiến bộ lịch sử và công lao của CNTB trong TNCĐCS chẳng những không mâu thuẫn mà trái lại, còn thống nhất biện chứng với việc chỉ ra những hạn chế lịch sử và mâu thuẫn của chế độ này. Nó khẳng định một chân lý: CNTB chỉ là một chế độ lịch sử tạm thời. Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen không hề có sự áp đặt võ đoán kết luận này cho chế độ tư bản, mà các ông xuất phát từ phân tích quy luật kinh tế khách quan về sự phù hợp của QHSX với trình độ của LLSX. Các quan hệ tư bản với tư cách là những hình thức xã hội của sản xuất không những không còn đảm bảo sự phù hợp; trái lại, đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của LLSX hiện đại. Các ông viết: “Xã hội tư sản hiện đại, với những QHSX và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên”4. Các ông đã phân tích những cuộc khủng hoảng sản xuất thừa mang tính chu kỳ trong CNTB là một hình thức thể hiện tính chất hạn chế và các mâu thuẫn vốn có của nền kinh tế TBCN.

CNTB ngày nay, dù có tạo ra những phát triển vượt bậc về LLSX, có những điều chỉnh, thích nghi về QHSX vẫn không thể vượt khỏi phạm vi QHSX TBCN và giới hạn lịch sử đó. Trái lại, cái giới hạn lịch sử của phương thức sản xuất tư bản, như Tuyên ngôn đã chỉ ra cách đây 160 năm, ngày nay càng trở nên rõ ràng hơn. Sự phát triển của LLSX và xã hội hóa lao động trong khuôn khổ của CNTB chưa bao giờ đạt tới trình độ cao như hiện nay. Trong khi đó, sự điều chỉnh QHSX tuy có làm cho hình thức thể hiện của quan hệ tư bản được ngụy trang kín đáo hơn, nhưng quyền lực thống trị của bọn độc quyền mở rộng và tăng lên gấp bội. Ngày nay, chỉ khoảng 200 công ty độc quyền xuyên quốc gia hầu như nắm quyền khống chế kinh tế cả thế giới tư bản. Thật phi lý biết bao khi kết quả của nền sản xuất hiện nay là thành quả chung từ sự lao động sáng tạo của cả nhân loại, trong khi đó kẻ chiếm hữu thực sự lại chỉ là một nhóm tư bản độc quyền. Rõ ràng, mâu thuẫn cơ bản của CNTB ngày nay - mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với quan hệ chiếm hữu tư nhân TBCN - không những không mất đi, mà càng gay gắt hơn. Mâu thuẫn này có hàng loạt biểu hiện trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới tư bản.

Trước hết, nó thể hiện ra ở mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp công nhân và nhân dân lao động với một bên là giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân hiện đại vẫn là những người làm thuê, bị bóc lột giá trị thặng dư ở trình độ cao chưa từng có. Sự phân cực giàu nghèo trong các nước tư bản phát triển ngày một tăng, của cải tập trung ngày càng lớn vào tay giai cấp tư sản. Trái lại, quần chúng lao động vẫn bị bần cùng hóa tương đối  và tuyệt đối. Rõ ràng, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản vẫn mang tính đối kháng, không thể điều hòa. Mâu thuẫn cơ bản của CNTB ngày nay còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa chế độ tư bản với tiến bộ xã hội, văn hóa và văn minh. Ngay cả các nước tư bản giàu có nhất ngày nay, nhưng xã hội của họ khó có thể được gọi là một xã hội văn minh theo nghĩa đầy đủ của từ này. Sách báo phương Tây đã từng viết: nước Mỹ giàu mạnh với nền KH-CN đứng đầu thế giới cũng vẫn chỉ là xã hội của bạo lực, ma túy, loạn luân và đồi bại. Chính người Mỹ cũng thừa nhận phân biệt chủng tộc là đặc trưng của nền pháp lý Hoa Kỳ. Nền tảng gia đình, đạo đức đang bị băng hoại nghiêm trọng, bạo lực và tội ác trong xã hội tư sản là những vấn đề nan giải và không thể kiểm soát trong xã hội tư sản hiện đại.

Ngày nay, sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố cực đoan là kẻ thù chung của các quốc gia-dân tộc. Song cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của sự phát triển tràn lan của thứ chủ nghĩa này, chính là hậu quả của ách áp bức, bất công do CNTB đã tạo ra và mang đến cho nhân loại.

Một biểu hiện khác về mâu thuẫn cơ bản của CNTB ngày nay là mâu thuẫn giữa lợi ích ích kỷ của tư bản độc quyền với những vấn đề chung liên quan đến lợi ích sống còn của cả nhân loại. Loài người không bao giờ quên: chính CNTB là thủ phạm gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người vô tội. Ngày nay, các tổ chức độc quyền tư bản đang khai thác bừa bãi tài nguyên, tàn phá môi trường ở các nước đang phát triển. Nước Mỹ thải ra 25% lượng đi-ôxít các-bon của cả thế giới, nhưng lại nhất quyết không ký vào Nghị định thư giảm khí thải Kyôtô, vì lợi ích cục bộ của giới tư bản độc quyền Mỹ.

Bằng các hình thức thay hình, đổi dạng của chủ nghĩa thực dân như: chủ nghĩa thực dân kinh tế, chủ nghĩa thực dân công nghệ, chủ nghĩa thực dân thông tin, chủ nghĩa thực dân môi trường,v.v., các tổ chức độc quyền đang thực hiện sự bóc lột tàn khốc với các nước đang phát triển. Hậu quả mà các nước này gánh chịu không thể kể hết: cạn kiệt tài nguyên, nợ nước ngoài chồng chất không có khả năng trả, nghèo đói, bệnh tật, trở thành bãi rác thải và tụt hậu ngày càng xa hơn. Rõ ràng, mâu thuẫn của CNTB với các nước đang phát triển không hề giảm mà còn sâu sắc thêm.

Những phân tích trên đây khẳng định điều mà TNCĐCS đã chỉ ra từ 160 năm trước vẫn còn nguyên giá trị: CNTB chỉ là một chế độ lịch sử tạm thời. Việc CNTB phải nhường chỗ cho một xã hội mới cao hơn, tiến bộ hơn cũng tất yếu như việc nó đã ra đời.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ QUANG LỘC

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quân sự

1- C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4,  Nxb CTQG, H, 1995, tr. 599.

2- Sđd, tr. 603.

3- Sđd, tr. 600 – 601

4- Sđd, tr. 604.

 

Ý kiến bạn đọc (0)