QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:56 (GMT+7)
Từ việc đưa cán bộ quân sự ra nước ngoài đào tạo trong chiến tranh giải phóng dân tộc đến vấn đề đặt ra hiện nay

Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi  ách thống trị của thực dân, đế quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức một cách sâu sắc rằng, để giành chính quyền về tay công nông thì phải cầm vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp những người cách mạng bảo vệ thành quả giành được khỏi thù trong, giặc ngoài.

Chính vì thế, ngay khi cách mạng nước ta còn trong trứng nước, Người đã đặc biệt coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng, trong đó có đội ngũ cán bộ quân sự cho lực lượng vũ trang. Năm 1925, khi hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc, nhân  việc Tôn Trung Sơn (lãnh tụ cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc) thi hành chính sách “Liên Nga, liên Cộng, ủng hộ công nông”, thành lập Trường Quân sự Hoàng Phố và mời cố vấn Liên Xô sang dạy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn lựa, cử một số thanh niên nhiệt huyết cách mạng như Lê Hồng Phong, Lê Quốc Vọng (tức Lê Thiết Hùng), Vũ Nguyên Bác (tức Nguyễn Sơn), Phùng Chí Kiên, Hoàng Điền, Lương Văn Chi (tức Huy) sang học. (Sau này, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục được cử sang Liên Xô, theo học ở Học viện Không quân và trở thành sĩ quan không quân đầu tiên của cách mạng nước ta). Từ khóa III năm 1925, cho đến khi nhà trường đóng cửa (sau cuộc đảo chính phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch), khóa nào cũng có học viên Việt Nam theo học võ bị.Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cử những thanh niên - hội viên ưu tú - của mình vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, có nghĩa là vấn đề bạo lực vũ trang trong cuộc cách mạng ở một nước thuộc địa đã được đặt ra và chuẩn bị ngay từ đầu. Hơn thế, không dừng lại ở việc gửi học sinh theo học quân sự, Nguyễn Ái Quốc còn theo dõi chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện họ. Được sự quan tâm chu đáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ giáo viên - cố vấn Liên Xô, các học viên Việt Nam ở đây đã đạt được kết quả tốt trong học tập. Trong một bài viết nhan đề: “Học viện Hoàng Phố và cách mạng Việt Nam” đăng trên tờ tuần báo của Học viện, tác giả Woi Hai Tsicou đánh giá: “Trường Hoàng Phố đã tồn tại được 3 năm và đào tạo được 5 khóa. Trong thời gian đó, có những đồng chí Việt Nam vượt qua muôn trùng nguy hiểm tới trường, làm tăng lực lượng quân sự của trường. Số đồng chí này tốt nghiệp rời trường thì số đồng chí khác vào học... Hết khóa này đến khóa khác, số lượng các đồng chí Việt Nam càng đông hơn”.

Tháng 10-1940, ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ 7, cùng với việc đào tạo cán bộ quân sự, chính trị trong nước, theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một số cán bộ, đảng viên được cử đi học tập quân sự ở nước ngoài. Được biết chính quyền Tưởng Giới Thạch chủ trương mở lớp đào tạo quân sự cho một số người Việt để chuẩn bị ý đồ “Hoa quân nhập Việt”, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có biện pháp ngoại giao khôn khéo để cử người sang học Trường Quân sự  Quảng Tây, trong số đó có các đồng chí Hoàng Văn Thái, Thanh Phong, Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Trương Văn Quyền (tức Vũ Lập). Sau khi học xong về nước, các đồng chí này được phân công đi tổ chức huấn luyện các đội tự vệ cứu quốc ở các địa phương. Một số đồng chí tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và sau này trở thành các cán bộ nòng cốt, trung kiên, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và học viện,  nhà trường của lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Lịch sử xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với công tác đào tạo cán bộ quân sự ở trong nước, tại các nhà trường và ngay tại chiến trường; trong đó Đảng và quân đội đã gửi cán bộ đi đào tạo tại các trường ở nước ngoài để tiếp thu tinh hoa trí tuệ trên các lĩnh vực, nhất là tri thức quân sự hiện đại, phục vụ dài hạn cho sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Năm 1950, theo thỏa thuận của hai chính phủ: Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hệ thống nhà trường quân sự Việt Nam chuyển sang đất Trung Quốc để huấn luyện, đào tạo. Tính từ đầu tháng 6-1950 đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có 3.100 cán bộ được đưa sang Trung Quốc để học tập và huấn luyện ( lớp bổ túc có 650, trong đó có 150 cán bộ trung cấp; lớp đào tạo có 2.450, trong đó có 1.200 chỉ huy bộ binh sơ cấp, 400 cán bộ pháo binh, 300 cán bộ phòng không-không quân và 200 cán bộ hải quân). Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, vào tháng 8-1955, theo Chỉ thị của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với Tổng cục Chính trị chọn hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, để cử đi học các trường trong nước và ở nước ngoài.

 Để chuẩn bị một cách nghiêm túc cho việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chiến thuật, chiến dịch cho quân đội ta  trong quá trình tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; để nắm vững khoa học nghệ thuật quân sự Liên Xô, Trung Quốc và để hiểu các đối tượng tác chiến sắp tới, Bộ Tổng Tham mưu đề  nghị với Tổng Quân ủy, Trung ương Đảng đặt vấn đề với Liên Xô, Trung Quốc, ngoài việc cử cán bộ quân đội ta đi học theo chế độ đào tạo dài hạn, yêu cầu giúp  mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quân đội, mỗi năm hai đợt, mỗi đợt 6 tháng. Mùa hè năm 1960, mở đầu cho các lớp bồi dưỡng theo đề nghị này, Liên Xô tổ chức một lớp học riêng cho cán bộ lãnh đạo quân đội ta nghiên cứu về chiến dịch, chiến lược và công tác tham mưu ở Học viện Vô-rô-si-lốp. Tiếp đó, đoàn cán bộ cao cấp khác của quân đội được mời sang nghiên cứu và học tập ở Trung Quốc...

 Nền nếp học tập, đào tạo quân sự, chính trị cho cán bộ quân đội ta tại các nhà trường, học viện quân sự  của  các nước XHCN được thực hiện tốt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cho đến sau này; chỉ hạn chế khi các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Theo tổng kết của Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, tính đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có đến 51% tài năng quân sự của quân đội ta đã được đào tạo và học tập  ở nước ngoài.

Ngày nay, cùng với xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa các nước trong khu vực và quốc tế vì hòa bình, ổn định, phát triển đang trở nên cần thiết. Việc hợp tác đào tạo cán bộ quân đội ta ở nước ngoài (cả ở môi trường truyền thống và môi trường mới mở rộng)  là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn; nhất là khó khăn về ngôn ngữ (tiếng Anh) và cao hơn là sự không đồng nhất về chính trị, ý thức hệ... Phát huy kinh nghiệm, truyền thống về hợp tác đào tạo cán bộ quân sự ở nước ngoài trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng ta cần có những giải pháp mới thích hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Một là, cần xây dựng một chiến lược hợp tác đào tạo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội thời kỳ mới, đảm bảo quy mô ngành nghề, lĩnh vực đào tạo với từng nước. Hạn chế đào tạo cấp phân đội ở nước ngoài đối với các ngành không phải là kỹ thuật.

Hai là, tăng cường đầu tư kinh phí đào tạo, khắc phục rào cản về ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho đội ngũ sĩ quan quân đội; trong đó, chú trọng tập trung bồi dưỡng tạo nguồn dài hạn thông qua quy hoạch vào lực lượng mũi nhọn là cán bộ trẻ. Kết hợp mở các lớp học ngoại ngữ tập trung tại Trung tâm Quản lý học viên và bồi dưỡng cán bộ (Tổng cục Chính trị) với mở lớp ở các trường quân đội có năng lực đào tạo ngoại ngữ trên các địa bàn miền Bắc, miền Trung, miền Nam; kết hợp bồi dưỡng ngoại ngữ với bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, cũng như hiểu biết về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán các nước mà cán bộ ta đến học.

Ba là, trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ có đủ điều kiện hoạt động nghiên cứu, học tập cùng với sĩ quan quân đội các nước khác nhau ở nước ngoài; trong đó, chú trọng trang bị những kiến thức về quan điểm, đường lối, chiến lược quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta; chiến lược hợp tác về quốc phòng, quân sự của quân đội ta với các nước trong khu vực và quốc tế, thông qua việc mở các lớp tập huấn khi cử cán bộ đi học, hoặc cấp phát tài liệu (theo quy định) mang theo. Điều này giúp cho cán bộ ta vừa có cơ sở chính thống để viết các bài luận, tham gia thảo luận, tranh luận trong quá trình học tập, cũng như vừa làm chức năng của một sứ giả hòa bình, hợp tác.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ được cử đi học về ý thức, trách nhiệm trong việc học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt; xác định học tập quân sự ở nước ngoài là một nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh dự, vì được Đảng, Quân đội tin cậy giao cho. Từ đó xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tập trung tiếp thu tinh hoa kiến thức quân sự của nước bạn.

Năm là, nghiên cứu quy đổi hợp lý các văn bằng, chứng chỉ đào tạo ở nước ngoài tương đương với các cấp học, bậc học trong nước; đồng thời, đánh giá khách quan kết quả, chất lượng học tập của cán bộ ở nước ngoài để có hướng sử dụng đúng với thực chất trình độ, năng lực và kết quả đào tạo. Căn cứ vào từng ngành, nghề đào tạo để bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý sau khi kết thúc khóa học. Nên quy hoạch đội ngũ cán bộ được đào tạo dài hạn ở nước ngoài vào nguồn cán bộ quản lý, chỉ huy, nghiên cứu, giảng dạy kết hợp với thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm.

Đào tạo cán bộ quân đội ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu của công tác đào tạo cán bộ, nhất là trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Nó có một ý nghĩa quan trọng trong việc nắm bắt, tiếp thu những tinh hoa khoa học- kỹ thuật, khoa học quân sự của các nước tiên tiến, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng quân đội ta ngày càng vững mạnh theo hướng  cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng hòa bình của đất nước.

 Thượng tá, ThS. Hồ Trọng Bình

Trường Sĩ quan Không quân

Quân chủng PK-KQ

     

 

Ý kiến bạn đọc (0)