QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 00:24 (GMT+7)
Từ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 đến xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã lao động sáng tạo, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển. Lịch sử vẻ vang đó đã hun đúc, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức độc lập, sức mạnh đoàn kết để gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi người dân; tạo nền tảng vững chắc đúc kết nên những bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập của dân tộc ở thế kỷ 11, trước sức mạnh đánh giặc ngút trời của quân và dân Đại Việt, danh tướng Lý Thường Kiệt hào sảng viết bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Đây được xem như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta, khẳng định chủ quyền dân tộc, lãnh thổ đất nước và thắng lợi tất yếu của quân và dân Đại Việt trước mọi kẻ thù xâm lược. “Bình Ngô đại cáo”, do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo và tuyên đọc sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh xâm lược, khôi phục nền độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước ở thế kỷ 15, được xem như bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai. Bản tuyên ngôn này không những nhấn mạnh chủ quyền dân tộc, vị thế độc lập, bình đẳng của nước ta với các quốc gia khác, mà còn nêu rõ, nước ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” nhằm làm sáng tỏ sức mạnh của nhân dân, giá trị nhân văn của việc yên dân, khoan dung với kẻ thù của các bậc minh vương. Tinh thần, truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông ta được các thế hệ sau kế thừa và phát huy trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, đô hộ. Phan Bội Châu, nhà cách mạng lớn của dân tộc ta, trong cuộc vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập đã mơ ước: sau khi lật ách thống trị của thực dân sẽ xây dựng một nước cộng hòa “Người dân ta, của dân ta. Dân là của nước, nước là của dân”. Thế nhưng, do những hạn chế khách quan của lịch sử, tư tưởng về độc lập dân tộc, quyền làm chủ đất nước của nhân dân, sự tiến bộ của xã hội... chưa thể thực hiện được đầy đủ, mà phải đến khi  lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xác định con đường cứu nước mới, tư tưởng “dân là của nước, nước là của dân” mới được sáng tỏ và trở thành hiện thực. Con đường mà Hồ Chí Minh xác định và lựa chọn cho nhân dân phù hợp với truyền thống dân tộc, với xu thế phát triển tất yếu của thời đại: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

 Để thực hiện con đường cứu nước đúng đắn này, Hồ Chí Minh đã góp phần chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), tổ chức Mặt trận đoàn kết dân tộc, thành lập các tổ chức vũ trang, tiêu biểu là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944) – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; hoạch định đường lối cách mạng và chỉ đạo thực hiện; vận động, giáo dục quần chúng giác ngộ cách mạng, tổ chức và phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Rõ ràng, đường lối cách mạng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sáng rõ nguyên lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện, thời cơ thuận lợi và quyết tâm hành động, nhân dân ta đã tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong một thời gian ngắn, trên cả nước. Vào 14 giờ ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trong cuộc mít tinh lớn của nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt toàn Đảng, toàn dân, soạn thảo và đọc là Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tuyên ngôn độc lập này kế thừa những tinh hoa trong hai bản Tuyên ngôn độc lập trước đây, cùng những bài hịch, lời bố cáo của ông cha, nhằm nhấn mạnh hơn nữa quyền làm chủ đất nước của nhân dân và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước mới giành lại được qua cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh anh dũng của toàn dân: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 cũng viện dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789, để khẳng định “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Cách mạng Tháng 8-1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân là sự khẳng định và củng cố thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên này, cách mạng Tháng Tám của Việt Nam không thực hiện ngay việc xây dựng nền chuyên chính vô sản mà tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chiến lược giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để tiến lên CNXH. Về điều này, Đảng ta đã xác định, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bước đầu thành công trong Cách mạng Tháng 8-1945, nhưng cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong, giai cấp vô sản phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là: dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Ngay sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng là củng cố và tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân” theo nguyên tắc: “... Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các ủy ban này”. Người cũng khẳng định, Chính phủ là công bộc của dân. Các công việc của Chính phủ là phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Theo Người, Uỷ ban nhân dân các cấp cũng “có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”. Yêu cầu và nguyên tắc xây dựng bộ máy Nhà nước cũng như tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên một đảng cầm quyền phải xuất phát từ lý tưởng, mục tiêu, bản chất của Đảng; từ nguyện vọng, sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đấu tranh anh dũng để giành độc lập hoàn toàn và triệt để, giữ vững chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no, tự do, dân chủ, tiến bộ. Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng phải dựa vào nhân dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật rõ ràng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay sau cách mạng Tháng 8-1945, trong tình thế đất nước có nhiều khó khăn vì thù trong, giặc ngoài, Đảng ta vẫn tập trung quan tâm xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đồng thời với việc giải quyết những “nhiệm vụ cấp bách”: đánh bại “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân được tiến hành trên nhiều mặt, nhằm giữ vững và phát triển những thành quả đã giành được trong cách mạng. Việc tổ chức Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946), thông qua Hiến pháp đầu tiên đã củng cố, hợp pháp hóa chính quyền cách mạng. Một chính quyền thực sự do nhân dân làm chủ, nhân dân được tham gia chính quyền, tham gia thảo luận, quyết định mọi công việc trọng yếu của quốc gia, bầu ra các đại biểu của bộ máy Nhà nước...
Việc xây dựng bộ máy chính quyền, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân là một nhân tố quan trọng đưa tới những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua các giai đoạn lịch sử từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập  thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập sau Cách mạng Tháng 8-1945 chuyển dần lên xây dựng Nhà nước XHCN, thể hiện mối quan hệ giữa hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN theo con đường mà Nguyễn ái Quốc- Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực tiễn chỉ rõ rằng, chỉ có cách mạng vô sản mới thực sự giải phóng dân tộc và chỉ có xây dựng CNXH mới đảm bảo vững chắc công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hơn 60 năm, kể từ sau cách mạng Tháng 8-1945 đến nay, việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân tiến lên CNXH chứng tỏ, nhân dân Việt Nam đã thực hiện điều mà Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Thực tiễn cũng chứng tỏ rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vừa giữ vững độc lập, tự do vừa phấn đấu thực hiện từng bước mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đặc biệt, trong hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Nhà nước ta ngày càng được củng cố và đổi mới, đạt những tiến bộ rõ rệt trong quản lý đất nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực: hành pháp, tư pháp, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đối nội và đối ngoại; đã thể hiện rõ và phổ biến nhất các nội dung cơ bản của chế độ dân chủ XHCN, từ các quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong kinh tế, đời sống, quyền bầu cử, ứng cử, giám sát... đến những tiến bộ về cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát...
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, chúng ta không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đó là bệnh quan liêu, hống hách, tham nhũng, cửa quyền, hủ hóa của một số cán bộ, đảng viên. Thử thách lớn nhất hiện nay đối với Nhà nước ta là phải “tự vượt qua chính mình” dưới sự lãnh đạo của Đảng và tạo điều kiện cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng góp sức khắc phục những yếu kém, sai sót và đẩy lùi từng bước những tệ nạn ngay trong cơ quan Nhà nước. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, chúng ta cần đấu tranh quyết liệt với những “khuyết tật” này. Đây là điều cấp thiết và cần thiết để làm vững mạnh và trong sạch bộ máy Nhà nước của chúng ta, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Bác Hồ đã từng ấp ủ và xây dựng.
GS, TS. Phan Ngọc Liên
Đại học Sư phạm Hà Nội
 

Ý kiến bạn đọc (0)