QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:09 (GMT+7)
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh soi sang đường lối đối ngoại Việt Nam hiện nay

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh (một bộ phận quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Người) là hệ thống các quan điểm về đường lối chiến lược, sách lược đối với các vấn đề quốc tế và quan hệ quốc tế; là sự kết hợp truyền thống ngoại giao Việt Nam với kinh nghiệm thời đại, tri thức uyên bác, bản lĩnh và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành nền tảng và sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam mang một vóc dáng mới, một vị thế mới. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới cho ngoại giao Việt Nam đi tiên phong, tiêu biểu cho bản sắc ngoại giao của các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, nhất là sau hơn hai mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngoại giao chúng ta đã sáng tạo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

      Ngày nay, ngoại giao Việt Nam đã biết kế thừa và phát huy những tinh hoa nền văn hiến ngàn đời của ông cha, chắt lọc những tinh hoa của nhiều nền ngoại giao hiện đại, tạo dựng một nền ngoại giao Việt Nam thấm đậm tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong giai đoạn đổi mới, những nội dung chính yếu của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào các hoạt động đối ngoại Việt Nam.

1. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam; đồng thời, cũng là cơ sở của đường lối quốc tế, đường lối đối ngoại và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối đối ngoại là sự tiếp tục của đường lối đối nội; đường lối đối ngoại đổi mới của chúng ta hiện nay nhằm giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công CNXH. Hồ Chí Minh chưa bao giờ quan niệm “độc lập dân tộc”, “CNXH” một cách cứng nhắc, phiến diện, biệt lập và giáo điều. Đối ngoại Việt Nam thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, đã có những bước tiến về chất trong thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc và CNXH. Chúng ta đã xác định rõ các khái niệm “đối tác” và “đối tượng”: tất cả những ai có thiện chí hòa bình, hữu nghị, hợp tác với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; bất kể thế lực nào vi phạm độc lập, chủ quyền, làm tổn hại lợi ích của đất nước đều là đối tượng đấu tranh. Chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng các đường biên giới hòa bình, hữu nghị, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp vào công việc nội bộ nước ta của các thế lực thù địch. Chưa bao giờ độc lập dân tộc của Việt Nam có một tư thế vững vàng như hiện nay: độc lập dựa trên thực lực tổng hợp của chính mình, độc lập dựa vào sự gắn bó, đan xen lợi ích với nhiều đối tác trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 174 nước trên thế giới, quan hệ kinh tế - thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia vào tất cả các tổ chức chủ yếu của khu vực và thế giới như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Nhờ đường lối đối ngoại thực sự cầu thị, chúng ta đã tiếp thu kinh nghiệm của các nước, làm cho con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng tiến gần đến một mô hình phù hợp với thực tiễn, trở thành một dòng đặc sắc trong trào lưu tiến bộ chung của nền văn minh nhân loại.

2.  Độc lập tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế; tự lực, tự cường gắn liền với hợp tác quốc tế là mối quan hệ biện chứng có tầm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” là chủ trương quan trọng của ngoại giao Hồ Chí Minh. Sức mạnh thời đại hiện nay là tính chủ đạo của xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng có lợi; là tính tất yếu của quá trình toàn cầu hóa thương mại, đầu tư và thông tin; là tính đột phá của khoa học-công nghệ vào những lĩnh vực quan trọng của sản xuất. Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng ta đã tận dụng có hiệu quả ba dòng sức mạnh thời đại đó vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi Liên Xô tan vỡ, chúng ta dần dần nhận thức về thế giới, về thời đại một cách khách quan, khoa học, kiên định nhưng không xơ cứng, nguyên tắc nhưng không giáo điều. Chúng ta chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế theo tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, lấy mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển đặt lên hàng đầu trong đối ngoại. Thực tiễn cho thấy, đường lối đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Chúng ta càng tăng cường hội nhập kinh tế với thế giới, tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, sức mạnh tổng hợp của nước ta càng lớn nhanh, vị thế nước ta càng được nâng cao. Nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2006, xác lập sự gắn bó bền vững trong khối ASEAN bằng việc tham gia đầy đủ, toàn diện khu vực mậu dịch tự do AFTA, ký Hiến chương ASEAN năm 2007, xác lập quan hệ đối tác ổn định với các nước lớn: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, ấn Độ, Nga, Pháp...; Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với 183 phiếu thuận trên tổng số 190 phiếu bầu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, năm 2007 (năm đầu tiên là thành viên đầy đủ của WTO), nước ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu 48,4 tỉ USD tăng khoảng 20% so với 2006, thu hút FDI tăng khoảng 30% (đạt trên 13 tỉ USD) so với năm 2006, viện trợ quốc tế cho Việt Nam tiếp tục tăng (4,5 tỉ USD năm 2007 và dự kiến 5,4 tỉ USD năm 2008). Nếu chúng ta tận dụng được sức mạnh đột phá của khoa học-công nghệ tiên tiến, đất nước sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn.

3- Ngoại giao hoà bình theo truyền thống nhân văn của dân tộc là một tư tưởng lớn của ngoại giao Hồ Chí Minh. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”1. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng ngoại giao hòa bình Hồ Chí Minh. Trong đối ngoại, để tranh thủ hoà bình, hòa hiếu, đôi khi phải nhân nhượng, nhưng nhân nhượng có nguyên tắc để kiên quyết giữ vững mục tiêu cuối cùng. Hoà bình trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh phải là hoà bình trong độc lập, tự do và thống nhất đất nước; hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là tư duy biện chứng, là phương châm, nguyên tắc xem xét và giải quyết những vấn đề chiến lược và sách lược trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, chúng ta đã và đang xử lý thành công nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ với các nước, khai thông mọi quan hệ quốc tế, tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh đất nước.

Với các nước láng giềng và khu vực, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Việt Nam có những mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện như  hiện nay. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực củng cố, thắt chặt quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, theo tinh thần phương châm 16 chữ vàng đã được lãnh đạo hai nước thông qua “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Học tập kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết lập và nâng cao hiệu quả hợp tác trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục; thúc đẩy hợp tác “hai hành lang, một vành đai”; giải quyết công bằng, thỏa đáng vấn đề biên giới trên bộ, phân định Vịnh Bắc Bộ và tăng cường trao đổi các vấn đề nảy sinh trên biển. Quan hệ với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng theo tinh thần “quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”. Hai nước đã phối hợp tổ chức trang trọng các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị Việt Nam-Lào. Đến nay, Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Lào với 52 dự án và vốn đăng ký gần 500 triệu USD; trong đó, tập trung vào các dự án thủy điện, khai khoáng, lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp,... Quan hệ Việt Nam-Cam-pu-chia tiếp tục phát triển theo khuôn khổ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hai bên đã thúc đẩy toàn diện quan hệ thương mại và đầu tư. Năm 2007, buôn bán hai nước đạt trên 1 tỉ USD; việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ được triển khai mạnh mẽ với quyết tâm hoàn thành trước cuối năm 2008. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực vào sự phát triển của ASEAN trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng trong việc cùng với các nước thành viên ASEAN xây dựng và thông qua Hiến chương ASEAN, mở ra giai đoạn mới hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Với các nước lớn, chúng ta tôn trọng vai trò của họ trên thế giới, chủ động tiến đến thiết lập quan hệ đối tác ổn định, lâu dài, toàn diện. Sau chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ tới ấn Độ và Nhật Bản (năm 2007), chúng ta đã nâng quan hệ với hai cường quốc này lên tầm “đối tác chiến lược”, tạo thế chiến lược mới cho đất nước. Quan hệ với Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực. Hai nước đã vượt qua những giai đoạn đầu của quan hệ song phương để chuẩn bị thiết lập nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài, chiến lược. Nhất là sau chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (tháng 6-2007), các doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Mỹ đã đẩy mạnh buôn bán, đầu tư vào nước ta, tạo ra một hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ cho kinh tế đối ngoại Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước bạn bè truyền thống như Nga, Pháp và các trung tâm chính trị, kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục được củng cố, mở rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.Trong đó, chuyến thăm Việt Nam (tháng 11-2007) của Chủ tịch ủy ban Châu Âu G. Bat-rô-sô với các cam kết viện trợ phát triển, tăng cường đầu tư, thúc đẩy buôn bán, góp phần nâng quan hệ hai bên lên tầm cao mới. Những hoạt động tăng cường quan hệ với các nước lớn trong thời gian qua của Việt Nam là sự tiếp nối tự nhiên các hoạt động không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời mấy chục năm trước, khi Người đưa bàn tay hữu nghị về phía nước Mỹ, nước Pháp, trong những kỷ niệm sâu sắc về các chuyến thăm của Người đến Pháp, Trung Quốc, Liên Xô, Ấn Độ...

Cùng với các hoạt động đối ngoại song phương, chúng ta đã triển khai đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài việc quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, Việt Nam còn đẩy mạnh quan hệ với hai miền Triều Tiên, châu Đại Dương, Trung Đông - Tây á, Đông Âu, Tây Âu, Châu Phi, Mỹ Latinh, tập trung vào quan hệ kinh tế- thương mại. Tăng cường đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh, nhất là các hoạt động hòa bình, hữu nghị, hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ. Những hình thức này tạo ra nhiều kênh hoạt động đối ngoại linh hoạt và có hiệu quả cao, giúp xử lý những vấn đề mà kênh đối ngoại chính thức của Đảng, Nhà nước không tiện xử lý. Việt Nam đã tham gia các tổ chức và thiết chế kinh tế khu vực và thế giới như AFTA, APEC, IMF, WB... Năm 2007, năm đầu tiên gia nhập WTO, nước ta đã tỏ rõ sự vững vàng của mình khi lần đầu “ra biển lớn”, qua đó nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Với vị thế đi lên của đất nước, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng đường cho hoạt động đối ngoại Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM XUÂN THÂU

Ban Tuyên giáo Trung ương

                        

1- ĐCSVN-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 112.

 

Ý kiến bạn đọc (0)