QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 00:14 (GMT+7)
Tư tưởng chiến lược tiến công trong tác chiến phòng ngự qua 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)

Trải qua 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, quân đội ta phải đương đầu với kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đây là một cuộc đọ sức quyết liệt, cả về trí và lực, với những cố gắng chủ quan cao nhất của hai bên trong điều kiện khách quan nhất định. Để đánh bại kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi cuối cùng, Đảng ta, với tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc bén đã phân tích tình hình một cách khách quan, khoa học, chính xác, nắm vững, vận dụng tốt quy luật của chiến tranh cách mạng, chỉ đạo toàn quân, toàn dân vận dụng, thực hiện có hiệu quả  phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự dân tộc kết hợp với tinh hoa nghệ thuật quân sự thế giới, đề ra chủ trương chiến lược, phương pháp tác chiến phù hợp. Có thể khẳng định: một trong những nét đặc sắc nhất và cũng là nội dung cốt lõi nhất, cơ bản nhất trong quan điểm, đường lối quân sự của Đảng là tư tưởng chiến lược tiến công. Tư tưởng này được quán triệt và thực hiện  trong suốt 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng, trong tất cả các loại hình tác chiến.

Trong ba loại hình tác chiến cơ bản của quân đội ta (tiến công, phản công và phòng ngự), tác chiến phòng ngự là loại hình tác chiến ít được vận dụng hơn (nhất là cấp chiến dịch, chiến lược), nhưng không vì thế mà kém quan trọng. Trái lại, trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hiện ý định chiến lược, nó hết sức cần thiết. Mục đích của tác chiến phòng ngự là để ngăn chặn, làm chậm bước tiến, sát thương lớn, đánh bại các cuộc tiến công có ưu thế về binh lực, hỏa lực và sức cơ động của địch, nhằm giữ vững các trận địa phòng ngự, khu vực phòng ngự, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang phản công và tiến công. Điều cần đề cập ở đây là, nhờ quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng nên trong quá trình tác chiến phòng ngự luôn có những hành động tiến công. Nói cách khác, chúng ta không phòng ngự thụ động mà phòng ngự tích cực; xét về hình thức là phòng ngự, nhưng về tư tưởng là tiến công.

Vai trò của tác chiến phòng ngự đã được ta nhận thức từ rất sớm. Ngay  khi cách mạng Tháng 8-1945 vừa thành công, đứng trước âm mưu lăm le lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực phản động trong và ngoài nước, dù lực lượng vũ trang của ta còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở, trong quân sự phải luôn giữ quyền chủ động: “ Chiến thuật phòng ngự của đội du kích rất là đặc biệt, lúc nào cũng “dĩ công vi thủ”, nghĩa là muốn giữ, muốn phòng ngự tất phải tiến đánh quân địch một phần nào”1. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi địch tập trung lực lượng, ồ ạt tiến công ta, trước yêu cầu chiến lược là phải bảo vệ các mục tiêu quan trọng, ngăn chặn không cho quân địch mở rộng địa bàn, bảo đảm thời gian cho cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến, các lực lượng vũ trang ta đã vận dụng sáng tạo loại hình tác chiến phòng ngự  với những phương pháp, thủ đoạn đa dạng, phong phú để chủ động, tích cực đánh địch ở các thành phố, thị xã trên toàn quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và  suốt thời gian dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tác chiến phòng ngự được ta vận dụng chủ yếu ở quy mô chiến thuật, nhằm đánh địch tiến công càn quét (Tiên Yên, Bích Du... trong chống Pháp; Ấp Bắc, Vạn Tường... trong chống Mỹ); nhằm tạo thế cho tiến công, phản công (Đồi Xanh, C1... trong chống Pháp; An Thái, Bàu Gòn, Điểm cao 875... trong chống Mỹ). Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tác chiến phòng ngự của quân đội ta đã có bước phát triển mới, được vận dụng ở quy mô sư đoàn (Hoài Ân, Thượng Đức) và ở quy mô chiến dịch (Quảng Trị), nhằm bảo vệ vùng giải phóng. Từ thực tiễn vận dụng tác chiến phòng ngự trong 30 năm chiến tranh giải phóng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc:

Một là, chúng ta luôn luôn nhận thức rõ vai trò của tác chiến phòng ngự trên cơ sở quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng. Nổi bật là, nắm vững đặc trưng lấy hoạt động tổ chức phòng ngự là chủ yếu, đan xen các hoạt động tiến công khi cần thiết và có điều kiện ( phòng ngự tích cực), trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố trận địa, hỏa lực, xung lực; kết hợp cố thủ trận địa với các thủ đoạn tác chiến khác để đánh bại quân địch  tiến công trên các hướng, mũi vào địa bàn, khu vực phòng ngự. Cần thấy rõ, nghệ thuật tác chiến phòng ngự đòi hỏi sự thống nhất trong hai mặt đối lập: giữa hành động chiến đấu phòng ngự và hành động chiến đấu tiến công; giữa thủ đoạn chốt chặn và thủ đoạn cơ động phản kích, phản đột kích; giữa nhiệm vụ giữ vững trận địa với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực, hỏa lực của địch. Hai mặt đối lập trên thống nhất với nhau ở chỗ, chúng hỗ trợ cho nhau, tạo điều kiện cho nhau để hoàn thành mục đích đánh bại quân địch đi tiến công, giữ vững địa bàn, khu vực, trận địa phòng ngự. Có chiến đấu phòng ngự kiên cường, ta mới chặn được quân địch tiến công, buộc chúng bị tiêu hao phần lớn hoặc một phần lực lượng và bộc lộ sở hở trong quá trình tiến công, có thể là trước tiền duyên phòng ngự hoặc ở những nơi ta đã chuẩn bị, tạo thời cơ  cho ta tổ chức các đợt hoạt động tiến công bằng các thủ đoạn đột kích, phản đột kích, tập kích vào đội hình tiến công của chúng. Ngược lại, có tiến công kiên quyết, liên tục, ta mới tiêu hao được sinh lực của địch, buộc chúng phải căng lực lượng ra đối phó, tạo thế có lợi cho phòng ngự để giữ vững trận địa. Nếu ta chỉ nằm một chỗ chờ địch đến, đó là phòng ngự tiêu cực, dẫn đến thất bại khó tránh khỏi. Trong quá trình chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do so sánh tương quan lực lượng, ta chỉ vận dụng tác chiến phòng ngự ở quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu; thời gian tác chiến không dài, với mục đích nhằm kìm giữ, tiêu hao sinh lực địch, tạo thế cho phản công, tiến công. Việc nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng thể hiện trong tác chiến phòng ngự ở chỗ: ta đã vận dụng tốt những kinh nghiệm tác chiến phòng ngự trước đó, nghiên cứu, tìm hiểu rõ địch, chuẩn bị sẵn và luyện tập thuần thục theo các phương án chiến đấu, nhờ đó đã tiến hành thành công nhiều trận phòng ngự với hiệu suất chiến đấu cao.Tuy nhiên, thực tiễn tác chiến phòng ngự qua 30 năm chiến tranh giải phóng cũng đã cho thấy, có lúc, có nơi, do nhận thức không đúng về tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng và sự thiếu hiểu biết về tác chiến phòng ngự nên đã tổ chức phòng ngự thụ động, sử dụng lực lượng, tổ chức đội hình chiến đấu không phù hợp, thụ động ngồi chờ địch đến, cố thủ một chỗ đối đầu với địch; hoặc không nhận thấy vai trò của tác chiến phòng ngự, không kịp thời chuyển bộ đội vào tác chiến phòng ngự, dẫn đến bị hao tổn về lực lượng, dẫn đến mất đất, mất dân... Đây cũng là bài học quý mà ta cần rút ra.

Hai là, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, tích cực, chủ động đánh địch từ xa, phá thế tiến công hoàn chỉnh của địch. Tư tưởng cách mạng tiến công xuyên suốt đường lối quân sự của Đảng ta, được thể hiện rõ trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, với luận điểm “Kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Do đó, chúng ta thực hành tác chiến ngăn chặn quân địch tiến công, về cơ bản là hành động phòng ngự nhưng không hề thụ động... Tác chiến phòng ngự của ta là phòng ngự tích cực, với hoạt động phòng ngự là chủ yếu, kết hợp với hoạt động tiến công vào thời điểm thích hợp; sử dụng lực lượng bí mật, cơ động ra phía trước trận địa, khu vực phòng ngự, đánh địch từ xa, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công của địch; tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng tiến công quan trọng của chúng bằng các hình thức chiến thuật thích hợp, nhằm phá thế phân tuyến, tạo thế xen kẽ, khiến cho lực lượng tiến công của địch suy yếu, mệt mỏi, đội hình tiến công rối loạn, thế tiến công không ổn định...

Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, điển hình là các đợt tác chiến ở Hà Nội, cùng với việc tổ chức phòng ngự bảo vệ các công sở quan trọng như Bắc Bộ Phủ, Nhà Bưu Điện, Tòa Thị chính, Nhà Hát Lớn..., ta đã tổ chức nhiều đơn vị đánh phá đội hình cơ động tiến công của địch. Những hành động tiến công của ta đã đẩy địch vào thế bị động đối phó, buộc chúng phải luẩn quẩn trong nội thành để lo chống đỡ và bị suy yếu trước khi đánh vào các vị trí phòng ngự của Vệ quốc đoàn và tự vệ... Do đó, chúng không thể nào ngăn cản được các cuộc di chuyển của ta rút ra khỏi Thành phố. Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi tổ chức trận địa phòng ngự chống địch càn quét với quy mô đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, ta thường phái một bộ phận bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân, du kích cảnh giới, phát hiện, đánh địch từ xa, vận dụng các hình thức chiến thuật tiến công, như: phục kích, tập kích, dùng lối đánh “chim sẻ”, đánh bằng chông, mìn, cạm bẫy... tiêu hao quân địch, chặn địch từng bước, bắt chúng phải kéo dài thời gian triển khai đối phó, không thể tiếp cận ngay với lực lượng chủ lực của ta, tạo điều kiện cho các lực lượng phòng ngự ở các trận địa chính đánh địch dễ dàng. Trong chiến đấu chống địch càn quét, ta không những tổ chức tốt lực lượng phòng ngự, dựa vào công sự, bờ tre, lũy đất để chặn đánh các hướng, các mũi tiến công của địch, mà còn tổ chức lực lượng tiến công bằng cả xung lực và hỏa lực, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công của chúng. Khi địch đột nhập vào trận địa phòng ngự, ta chủ yếu vận dụng chiến thuật tập kích (bằng phương pháp cường tập) để phản kích, đánh bật chúng ra khỏi trận địa. Trong tác chiến phòng ngự trận địa (ở cả cấp chiến thuật và chiến dịch trên các chiến trường rừng núi, trung du và đồng bằng), quán triệt tư tưởng tích cực tiến công, ta thường đánh địch ngay từ khi chúng triển khai đội hình tiến công. Để đánh bại đội hình quân địch tiến công với biên chế, trang bị và phương thức tác chiến ngày càng hiện đại, ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, các thủ đoạn chiến đấu trong tác chiến phòng ngự, phù hợp với điều kiện, khả năng của ta.

 Trong tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thì đấy sẽ là cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, có sự hiệp đồng quân - binh chủng lớn. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta sẽ phải vận dụng loại hình tác chiến phòng ngự nhiều hơn so với trong chiến tranh giải phóng (ở cả cấp chiến dịch-chiến lược). Tuy nhiên, tác chiến phòng ngự của ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thuận lợi hơn rất nhiều so với chiến tranh giải phóng, bởi mỗi tỉnh (thành phố) đã là một khu vực phòng thủ vững chắc; thế trận tác chiến, trận địa phòng ngự, hậu phương, căn cứ địa được chuẩn bị chu đáo; hậu cần- kỹ thuật được bảo đảm tốt... Thực tế hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước cho thấy, muốn giành được thắng lợi trong tác chiến phòng ngự, trước hết phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, xác định đúng vai trò, tác dụng của từng loại hình tác chiến để kết hợp, hỗ trợ cho nhau; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu nhằm bảo đảm cho tác chiến thắng lợi. Cơ sở để vận dụng linh hoạt, sáng tạo chiến thuật và các thủ đoạn chiến đấu trong tác chiến phòng ngự  là bộ đội phải có tư tưởng chính trị vững vàng, lòng căm thù địch sâu sắc, không quản ngại khó khăn, gian khổ, ác liệt, dám hy sinh để giành thắng lợi. Trong điều kiện tác chiến hiện đại, việc giáo dục tư tưởng, huấn luyện cho bộ đội vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, đảm bảo giành thắng lợi trong tác chiến (nhất là tác chiến phòng ngự ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khi địch sử dụng lục quân kết hợp với không quân tiến công) là rất cần thiết. Do đó, các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng vũ trang không những phải nắm vững bản chất của các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu mà còn phải biết phát huy nó trong thế trận chiến tranh nhân dân, trong các khu vực phòng thủ; trong đó, phải nắm chắc các bước, từ tổ chức, chuẩn bị chiến đấu, đến thực hành chiến đấu. Từng cấp phải hiểu rõ vai trò, tính năng, tác dụng của từng quân - binh chủng và những phương tiện bảo đảm để khi được tăng cường, phối thuộc thì sử dụng các lực lượng này hợp lý, thành thạo. Việc vận dụng tốt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu trong tác chiến phòng ngự phụ thuộc vào thế trận hiểm hóc, liên hoàn; lực lượng làm nhiệm vụ giữ trận địa tuy không cần nhiều nhưng phải tinh nhuệ, thiện chiến, dũng cảm và sử dụng thành thạo các loại vũ khí; lực lượng làm nhiệm vụ cơ động phải đủ mạnh để đảm nhiệm được phản kích và phản đột kích, tổ chức các trận then chốt tiêu diệt lớn quân địch, đánh bại các đợt tiến công của chúng; công tác hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm vật chất, vũ khí, trang bị cho các lực lượng phải đầy đủ, chu đáo... Đây là những yếu tố cơ bản để giành thế chủ động, tích cực đánh địch, giành thắng lợi trong tác chiến phòng ngự.

Đại tá NGUYỄN TRƯỜNG GIANG

Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh, Viện LSQS

_________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập,  Tập 3,  Nxb CTQG, H.1995, tr. 589.

 
Ý kiến bạn đọc (0)