QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:52 (GMT+7)
Tư tưởng bảo mật thông tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu

Trong di sản tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí quan trọng. Người nói: "Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại"1 và "Mật mã là một công tác cơ mật quan trọng, vẻ vang… Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa"2… Trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự - tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam - Người xác định nhiệm vụ của Ban Mật mã là, phải bảo đảm "chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác". Có thể nói, đó là những tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu Việt Nam, xác định rõ phương châm, nguyên tắc hoạt động của Ngành.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo mật thông tin (BMTT) là sự kế thừa và phát triển truyền thống đấu tranh quân sự: lấy yếu thắng mạnh, tạo thời, lập thế, bí mật, bất ngờ từ lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông; là sự tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo các kinh nghiệm và phương pháp BMTT của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng đó đặt công tác BMTT lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang ở vị trí cơ mật; khẳng định nguyên tắc cốt lõi của BMTT là "bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống"; chỉ đạo công tác tổ chức, xây dựng lực lượng và quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ phải tập trung, thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt và quân sự hóa; đòi hỏi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác cơ yếu phải "Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo".

Do yêu cầu của cách mạng, ngành Cơ yếu Việt Nam được xây dựng trong điều kiện lịch sử hết sức khó khăn; vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa hình thành tổ chức, vừa đào tạo cán bộ, nhân viên của mình. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các giai đoạn cách mạng, Ngành đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu (CB, NVCY) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm tuyệt đối bí mật những nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong mọi thời điểm của cách mạng. Ngành đã nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật mật mã tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, bảo đảm bí mật thông tin, phục vụ tốt mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang… trong mọi tình huống, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ mới của đất nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BMTT được thể hiện sâu sắc trong Pháp lệnh Cơ yếu Việt Nam (được Quốc hội thông qua ngày 04-4-2001); Chỉ thị 41/CT-TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, với nhiệm vụ xuyên suốt là "Bảo đảm cho các hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp được Bí mật-Chính xác-Kịp thời trong mọi tình huống".

Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện các "xa lộ" thông tin (nhất là siêu mạng toàn cầu Internet) đã nối liền các nước vào một không gian điều khiển mở... Theo đó, việc BMTT không những đặt ra thường xuyên đối với các hoạt động quốc phòng, an ninh, mà cả trong mọi lĩnh vực khác, như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật… Trước yêu cầu mới của đất nước, nhiệm vụ BMTT của ngành Cơ yếu càng cực kỳ quan trọng, cấp bách và thường xuyên; những tư tưởng BMTT của Bác đối với ngành Cơ yếu vẫn còn nguyên giá trị. Để tiếp tục xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ngành cần quán triệt sâu sắc tư tưởng BMTT của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các lĩnh vực cơ bản của công tác cơ yếu; trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác cơ yếu có ý nghĩa rất quyết định. Theo đó, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau.

Trước hết, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ và nằm trong quy hoạch tổng thể của Đảng và Nhà nước.  Đội ngũ CB, NVCY là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, quy hoạch đội ngũ này phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp uỷ; phải xuất phát từ tổng thể quy hoạch chung của hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CB, NVCY có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực, các chuyên ngành khác nhau trong hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Do đặc thù của hoạt động BMTT, cán bộ của các lĩnh vực khác không thể điều chỉnh, luân chuyển sang làm nhiệm vụ của ngành Cơ yếu; chỉ có những người được tuyển chọn, đào tạo cơ bản, có tố chất thích hợp mới có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ này. Vì thế, công tác quy hoạch đội ngũ này vừa phải tuân thủ tính đặc thù, vừa phải đặt trong tổng thể quy hoạch chung của cả nước. Hằng năm, việc tiến hành quy hoạch đội ngũ CB, NVCY phải nằm trong chủ trương chung của cấp uỷ các cấp; đặt trong một kế hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ toàn cơ quan, đơn vị. Quá trình quy hoạch đội ngũ CB, NVCY phải đồng thời với quy hoạch các loại cán bộ khác trong cơ quan, đơn vị; có như vậy mới bảo đảm được sự phát triển đồng đều, vững chắc của cả đội ngũ.

Hai là, việc xây dựng đội ngũ CB, NVCY phải quán triệt vànắm vững những quan điểm cơ bản của Đảng trong chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII), Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhất là Chỉ thị 41/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác cơ yếu và Chiến lược an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn cách mạng mới; trong đó phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, từng lực lượng trong xây dựng đội ngũ CB, NVCY. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức quán triệt làm cho mỗi cấp uỷ, cán bộ, đảng viên nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn của người làm công tác cơ yếu, nhất là tiêu chí hàng đầu về phẩm chất đạo đức của người CB, NVCY: tác phong khoa học, chính xác, bí mật "một mình mình biết, một mình mình hay"; phải gương mẫu, kiên quyết không để mật mã rơi vào tay giặc, dù phải hy sinh tính mạng. Trong xây dựng đội ngũ CB, NVCY, cần nắm vững quan điểm Nghị quyết Đại hội X: Xây dựng đội ngũ cán bộ phải đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tốt; có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; thay thế kịp thời những người kém năng lực và kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng. Trong quá trình thực hiện, tránh những biểu hiện cá nhân, cục bộ, thiếu công tâm trong công tác cán bộ.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng, người cán bộ chủ trì các cấp; nâng cao chất lượng sinh hoạt, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kịp thời đấu tranh với những nhận thức giản đơn, phiến diện và những biểu hiện thiếu trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ CB, NVCY. Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, định hướng nhận thức, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, uốn nắn, điều chỉnh nhận thức chưa đúng trong xây dựng đội ngũ CB, NVCY. Trong kiểm tra, các cấp phải thực sự sâu sát, cụ thể, tiến hành đúng từng khâu, từng bước; đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân của những thiếu sót, tìm ra biện pháp giải quyết. Công tác kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, liên tục, theo phương châm: cấp uỷ cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; tổ chức đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; tập trung kiểm tra, giám sát những cấp uỷ, cán bộ chủ trì thiếu quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện không đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình thực hiện công tác cán bộ; nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa những biểu hiện cục bộ, thiếu khách quan, không trung thực trong đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần chỉ rõ những việc đã làm được, những vấn đề còn hạn chế; từ đó chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm kịp thời, đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, cấp uỷ, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị cần tăng cường hơn nữa chất lượng các buổi sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chính quyền và các tổ chức quần chúng. Trong sơ kết, tổng kết, cần kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc, làm rõ ưu điểm, hạn chế gắn với trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị; chỉ ra nguồn gốc, hậu quả từ nhận thức không đầy đủ về vị trí, vai trò của đội ngũ CB, NVCY và tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu.

Bốn là, thông qua hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ CB, NVCY. Hoạt động cơ yếu là một dạng hoạt động phức tạp, đa dạng, mang tính chuyên biệt cao. Thông qua hoạt động hằng ngày và quá trình công tác mà đội ngũ CB, NVCY rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao khả năng tư duy, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn; tích luỹ được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của từng cá nhân, tập thể. Muốn có được kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thì mỗi CB, NVCY phải kiên trì, bền bỉ, biết lựa chọn phương pháp học tập phù hợp. Thông qua các hình thức như: tổ chức học tập chính trị, sinh hoạt Đảng, chính quyền, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức Ngành; tổ chức hội thao, hội thi, rút kinh nghiệm, thống nhất nhận thức, phương pháp chung; thực hiện mở rộng dân chủ trong các đơn vị, các tổ chức, lực lượng trong Ngành… để tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đồng thời, trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp cần đánh giá đúng thực tế, khả năng, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; kịp thời phát hiện, uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức cũng như trong tổ chức hoạt động thực tiễn BMTT ở từng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, cấp uỷ và cán bộ chủ trì các cấp phải nghiên cứu nắm vững nguyên tắc, nội dung, quy trình để bồi dưỡng cho cơ quan chức năng về chức trách, nhiệm vụ, các thủ tục hành chính, nghiệp vụ tiến hành công tác xây dựng đội ngũ CB, NVCY.

Bí mật, chính xác, kịp thời là yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu Việt Nam. Đó cũng là giá trị thực tiễn; đồng thời, là tư tưởng chỉ đạo xây dựng ngành Cơ yếu vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

 Đại tá, TS. NGUYỄN ĐÌNH VINH

Đại tá, ThS.  ĐỖ MINH SƠN

_________

1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 6, Nxb ST, H.1986, tr.57.

2- Ban Cơ yếu Chính phủ - Ngành Cơ yếu Việt Nam. Biên niên sự kiện (1945-1954), H.1995, tr.1.

 

Ý kiến bạn đọc (0)