Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:25 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tư tưởng nhân đạo trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" (TNCS) là sự kế thừa có chọn lọc, phê phán, đồng thời bổ sung và phát triển những tinh hoa giá trị nhân đạo của nhân loại. Với TNCS, lần đầu tiên trong lịch sử, Mác - Ănghen đã luận chứng một cách khoa học về con đường và biện pháp để biến những ước mơ, nguyện vọng của con người từ hàng bao thế kỷ nay thành khả năng hiện thực, đồng thời chỉ ra lực lượng xã hội có sứ mệnh lịch sử thực hiện sự cải biến ấy, đó là giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động. Do đó nó không phải là phong trào của một số ít người mưu lợi ích cho một số ít người, mà là phong trào đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân lao động vì lợi ích của chính họ. Tuyên ngôn viết "Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay đều do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của tuyệt đại đa số, mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số".
Xã hội mới mà GCCN, nhân dân lao động cần phấn đấu đạt tới là một xã hội trong đó "lao động tích luỹ chỉ là một phương tiện để mở rộng và làm phong phú, làm đẹp thêm đời sống của người lao động", xã hội đó sẽ không còn sự khác biệt giai cấp, không còn sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và lao động chân tay; xã hội đó là "một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người". Xã hội đó có cơ sở hiện thực để cá nhân con người có điều kiện phát triển toàn diện, không còn bị lệ thuộc vào thứ lao động khiến cho họ không có tự do thật sự, thứ lao động làm biến dạng bản chất người trong con người. Cơ sở đó chính là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, thứ sở hữu duy nhất tồn tại không dựa trên bóc lột lao động làm thuê, không làm nảy sinh tình trạng tha hóa lao động, tha hóa con người, tình trạng người bóc lột người. Xã hội ấy đặt lên hàng đầu lợi ích căn bản của cá nhân con người, thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Chính những nhu cầu, lợi ích của con người được đáp ứng đầy đủ sẽ tạo ra động lực tiếp tục thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng nhân đạo và vì sự phát triển tiến bộ, bền vững.
Tư tưởng nhân đạo mác xít còn biểu hiện ở chỗ cuộc đấu tranh của GCCN nhằm xóa bỏ tình trạng áp bức giai cấp gắn bó hữu cơ với cuộc đấu tranh xóa bỏ tình trạng nô dịch dân tộc và xóa bỏ chế độ người bóc lột người trên phạm vi toàn thế giới. Lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích nhân loại gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, "hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ". Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.
Tuyên ngôn cũng chỉ ra rằng, để thực hiện được sứ mệnh đó, trước hết GCCN phải tổ chức ra chính đảng của mình. Đảng đó phải có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh giành chính quyền, tiến tới tổ chức xây dựng một xã hội mới thật sự nhân đạo và dân chủ. Xã hội đó có cơ sở hiện thực để cá nhân con người có điều kiện phát triển toàn diện, không còn bị lệ thuộc vào thứ lao động khiến cho họ không có tự do thật sự...
Đó là một số nguyên lý cơ bản trong TNCS, thể hiện nổi bật tư tưởng nhân đạo. Tư tưởng đó chỉ đường cho nhân loại bị áp bức những hình thức, phương pháp, lực lượng và bước đi hướng tới đấu tranh giải phóng khỏi ách nô dịch để trả lại cho các dân tộc nền độc lập tự do; sự giải phóng khỏi áp bức, bóc lột trả lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ xã hội; sự giải phóng khỏi tha hóa, trả lại cho con người phẩm chất người, mở ra khả năng phát triển con người tự do, ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên những nguyên lý đó chưa phải là một hệ thống hoàn chỉnh, mà nó chỉ là nền móng định hướng. Vì vậy, cần chống trì trệ, xơ cứng, giáo điều rập khuôn, duy ý chí, tách rời cuộc sống, xa cách nhân dân. V.I.Lê-nin đã phân tích rõ: "Chúng ta không hề coi lý luận của C. Mác như một cái gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người XHCN cần phải phát triển hơn về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống". Di sản những quan điểm lý luận lớn của các nhà kinh điển về cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, giải phóng con người và là phương pháp luận được hiểu đúng, được vận dụng đúng đắn, sáng tạo theo diễn biến của lịch sử; từ đó nó không ngừng được làm giàu thêm, bởi lẽ nguồn gốc của nó là diễn biến lịch sử cũng không ngừng phát triển phong phú.
Dựa trên những quan điểm và phương pháp luận đó, V.I.Lê-nin và Đảng Bôn sê vích đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 giành thắng lợi. Đây là một sự kiện lịch sử xác nhận quan điểm duy vật biện chứng của Mác - Ănghen. Đầu thế kỷ XX, CNTB trong nhiều nước phát triển đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đặt ách thống trị, bóc lột của nó trên phạm vi toàn thế giới, làm cho các mâu thuẫn cơ bản của chế độ đó căng thẳng đến cao độ, đồng thời tạo ra tiền đề cho sự quá độ lên CNXH. Cùng với sự phát triển cao của lực lượng sản xuất, chế độ TBCN trở thành nguồn gốc tàn phá các nguồn lực của nhân loại. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất giữa các nước đế quốc là một minh chứng hùng hồn. Và hệ thống tư bản đế quốc đã bị chọc thủng trước tiên ở nước Nga, một nước đế quốc có sự phát triển trung bình trong sự phát triển TBCN. Vào thời điểm đó, đế quốc Nga chỉ đứng hàng thứ 5 thế giới về khối lượng sản xuất công nghiệp, còn về trang bị kỹ thuật thì thua nước Anh 4 lần, thua Đức 5 lần và kém Mỹ 10 lần. Nhưng nước Nga lúc đó là nơi tập trung các mâu thuẫn xã hội và dân tộc gay gắt nhất, là nơi hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện khách quan và chủ quan cho một cuộc cách mạng vô sản nổ ra giành thắng lợi.
Quá trình phát triển, nước Nga đã trở thành Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô), đã quá độ lên CNXH từ điểm xuất phát thấp và trong vòng vây thù địch của hệ thống đế quốc thế giới. Mặc dù vậy, chỉ sau 20 năm, tức là đến năm 1937, tổng sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã vươn lên đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới. Sức mạnh và tính ưu việt của chế độ XHCN ở Liên Xô đã được chứng minh trong hàng loạt sự kiện lịch sử lớn nhất trong thế kỷ XX: cứu nhân loại khỏi họa phát xít; giữ gìn hòa bình thế giới, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba; thức tỉnh ý thức chính trị của các dân tộc, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc đưa đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, buộc chủ nghĩa đế quốc phải tự điều chỉnh thích nghi; giúp đỡ sự nghiệp chính nghĩa của nhiều quốc gia trên hành tinh.
Thế nhưng có sự trớ trêu là đến cuối năm 1991 Liên Xô bị sụp đổ, điều đó có phải do sai lầm, không đúng quy luật khách quan, có phải là sự sai lầm từ bản thân học thuyết? Cần hiểu rằng sự tan vỡ của Liên Xô và các nước Đông Âu bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa là trong quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đã có những nhược điểm, khuyết điểm to lớn chậm được phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ về kinh tế-xã hội, dẫn tới khủng hoảng. Đồng thời có 2 nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là: Thứ nhất, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác tư tưởng, tổ chức, nhất là công tác cán bộ sơ hở mất cảnh giác để cho những kẻ phản bội chế độ chui sâu, leo cao, phá từ trên phá xuống, từ trong nội bộ phá ra. Hai là, chủ nghĩa đế quốc đã can thiệp toàn diện vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện được chiến lược "diễn biến hòa bình" trong nội bộ Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Xô- viết. Đến nay dù người ta muốn hay không thì hai chế độ xã hội vẫn tồn tại, đó là chế độ TBCN và chế độ XHCN. So với lịch sử khoảng 300 năm của chế độ tư bản thì chế độ XHCN chỉ mới tồn tại hơn 80 năm. Dù chế độ Xô- viết có nhiều khuyết tật đến đâu đi nữa, thì người ta vẫn không thể phủ nhận được rằng sau Công xã Pa-ri, chế độ đó đã là hình thức tồn tại hiện thực của một nền dân chủ kiểu mới, dân chủ của đông đảo nhân dân lao động, bảo vệ lợi ích vật chất, chính trị, văn hóa, tinh thần của nhân dân lao động. Điều đó thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chế độ. Không có chế độ đó thì đã không có những thắng lợi vĩ đại trong xây dựng kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa-xã hội... Và do đó cũng không thể chiến thắng được chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người thoát khỏi nạn diệt chủng phát-xít, thắng lợi mà thế giới phương Tây cũng phải chào mừng, biết ơn những con người đại diện cho chế độ đó. Đây là một thực tế lịch sử mà cả nhân loại đều ghi nhận và biết ơn.
Thế nhưng các thế lực chống cộng quốc tế, với những thiên kiến giai cấp, họ lên án chủ nghĩa Mác - Lê-nin, CNCS là vô nhân đạo, là tội ác của nhân loại; đặt CNCS bên cạnh chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cấm mọi hình thức tuyên truyền cho CNCS. Đó rõ ràng là sự đổi trắng thay đen, phản bội lại lịch sử, phản bội lại những thành tựu của nhân loại tiến bộ trên thế giới, phản bội lại chính những người đã cứu dân tộc mình.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những giá trị nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa những tinh hoa tư tưởng nhân đạo của nhân loại và của dân tộc ta trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước để xây dựng nên chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường duy nhất của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đối với một dân tộc đã phải chịu ách đô hộ hàng nghìn năm của thực dân, phong kiến, thì khát vọng cao nhất và trực tiếp nhất là giành độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp khỏi mọi ách áp bức, nô dịch. Nói cách khác, cách mạng Việt Nam phải hướng tới mục tiêu nhân đạo là giải phóng dân tộc, giải phóng con người một cách toàn diện và triệt để. Chính vì vậy, ngay những ngày đầu của cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh viết "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì" và "dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ". Và Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Hồ Chí Minh là người mẫu mực về lòng bao dung, cảm hóa con người. Người nói: "Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của Tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng, đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình nhân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang".
Đối với Hồ Chí Minh, tất cả lực lượng là ở nhân dân, ở dân tộc, ở con người. Một sự nghiệp chỉ thực sự là cách mạng khi nó là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh là người khơi dậy những tiềm năng bị chôn vùi, phát huy những sức mạnh sẵn có, làm nảy sinh những cái mới, cái hay, cái đẹp của cả dân tộc và trong mỗi con người. Là con người của lịch sử và con người làm nên lịch sử, sự nghiệp và cuộc đời Hồ Chí Minh kết tinh quá khứ với bao thành quả của Việt Nam và loài người, giúp giải đáp các vấn đề của hiện tại, định hướng cho tương lai của Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp cách mạng của loài người.
Chúng ta đều biết nhiều nước những năm qua đã có những người và những tổ chức nghiên cứu về Hồ Chí Minh, những điều nói trong các cuộc hội thảo và những gì người nước ngoài viết về Hồ Chí Minh qua các luận văn, bài báo và những cuốn sách đã được xuất bản từ trước đến nay.
Có thể khái quát những điều nổi bật mà những người nước ngoài nói về Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, kết hợp hài hòa giữa dân tộc và thời đại; sự nghiệp của Hồ Chí Minh, người anh hùng của độc lập dân tộc, người đặt nền móng cho CNXH ở Việt Nam, chủ yếu là sự nghiệp lãnh đạo cả dân tộc chiến đấu vì độc lập tự do; Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lớn. Mọi người đều nhất trí đánh giá Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng đẹp nhất của những giá trị đạo đức, giá trị nhân văn trong thời đại ngày nay, là tiêu biểu cho những ước mơ từ ngàn xưa ở mọi nơi, về mọi cuộc sống xứng đáng với con người và những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Những lời đánh giá trên đây góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa của danh hiệu "Nhà văn hóa lớn" mà UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh.
Thế nhưng hiện nay vẫn có người nói rằng, "tôi biết rất đông người Việt Nam trong nước vẫn còn tin rằng "Bác Hồ" của họ có một tình yêu bao la dành cho dân tộc Việt Nam, tương tự như Mác đã có một tình yêu bao la dành cho nhân loại... Tuy nhiên, tôi thắc mắc làm thế nào để biết Ông Hồ có "tình yêu bao la", trong khi tất cả những gì đại đa số người Việt Nam sùng bái Ông Hồ, biết về ông ta chỉ là qua những dữ kiện, tài liệu do Đảng bào chế, gạn lọc và giảng dạy". Đây quả thật là những người nhắm mắt bịt tai cố tình không hiểu hoặc hiểu nhưng xuyên tạc bản chất vấn đề theo những dụng ý chính trị đen tối của mình. Họ còn nói bừa rằng bộ máy tuyên truyền của Đảng bắt 80 triệu người dân Việt Nam, "từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng Ông Hồ cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức của con người, trở thành một phần thiêng liêng trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người". Đây lại là lời nói của kẻ thiếu suy nghĩ, coi thường nhân dân, thóa mạ dân tộc. Dân tộc ta vốn có hàng ngàn năm văn hiến, thông minh, sáng tạo, trọng lẽ phải, trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn, nên không một ai có thể ép buộc cả một dân tộc 80 triệu người phải nghe, phải tin một điều gì không có cơ sở thực tế của niềm tin. Và nếu quả thật một dân tộc như họ nêu thì chỉ xứng đáng suốt đời làm nô lệ mà thôi. Nhưng không, khi buộc phải cầm súng đứng lên chống giặc ngoại xâm, thì dân tộc ta luôn có niềm tin vào thắng lợi của mình trên cơ sở lòng yêu nước, căm thù giặc, với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Chúng ta đã đánh thắng những đội quân xâm lược mạnh nhất, hiện đại nhất của chủ nghĩa đế quốc không chỉ bằng tinh thần dũng cảm, mà còn bằng cả sự thông minh, sáng tạo đầy trí tuệ. Đó là sự đấu trí quyết liệt và điều có ý nghĩa lớn nhất là thắng lợi đã thuộc về nhân dân ta, dân tộc ta. Và vì vậy, nói gì thì nói, với niềm tin vào sức mạnh của cả dân tộc, với trí tuệ và tâm huyết cả một đời vì nước, vì dân, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc to, giành độc lập, thống nhất cho dân tộc. Nếu không làm được điều đó thì hôm nay chẳng còn gì để nói, hơn nữa còn phải chịu biết bao tội lỗi trước Tổ quốc và nhân loại. Điều đó lại một lần nữa chứng minh nguyên lý cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Chúng ta đã làm cho mọi người thở phào nhẹ nhõm và vui mừng. Mừng vì chẳng phải chỉ có chúng ta thắng mà cả các dân tộc bị áp bức và các dân tộc thuộc địa thắng, cả nhân loại tiến bộ thắng.
Ngày nay các thế lực chống cộng và cơ hội về chính trị luôn tạo cho mình những bộ mặt khác nhau. Khi thì họ giả vờ như khiêm tốn, chân thật, lúc lại như lên mặt dạy đời. Có lúc họ làm ra vẻ uyên bác, sâu sắc như một học giả, thảo ra hết "cương lĩnh" này đến "cương lĩnh" khác kích động đấu tranh đòi "dân chủ", "nhân quyền", đa nguyên, đa đảng. Cũng có lúc lại khoe kiến thức, lên mặt thách đố... Tất cả đều nhằm tới mục đích hạ thấp đi đến phủ nhận tính nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận những thành tựu hiện thực của cách mạng Việt Nam, hòng hướng xã hội ta đi theo con đường khác không phải là con đường XHCN.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta gia nhập WTO, có nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển đất nước, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Kinh nghiệm thực tế ở một số nước cho thấy mở cửa về kinh tế thì không thể khước từ tiếp xúc, giao lưu về chính trị, văn hóa... cho nên trong quá trình hội nhập, hợp tác, giao lưu phải luôn có ý thức bảo vệ bản sắc dân tộc, bản chất chế độ; không mơ hồ, nhượng bộ trên những vấn đề nguyên tắc. Trên thực tế ở đâu mà thỏa hiệp vô nguyên tắc, thực thi những cải cách chính trị không cân nhắc, thiếu nhạy bén, sắc sảo về chính trị, sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng thách thức lớn nhất hiện nay chúng ta phải vượt qua là lề thói cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu dân trong không ít cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước. Điều này Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra ngay từ sau cách mạng Tháng Tám, Người coi đó là lũ giặc "nội xâm". Lề thói này là tàn dư của xã hội cũ nhưng nó vẫn còn tồn tại dai dẳng đến ngày nay và đang phát triển với những sắc thái mới trong một nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập. Vì vậy, việc đấu tranh chống bọn cơ hội về chính trị, phản động, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, lãng phí, tham nhũng, đó là một nhiệm vụ trọng yếu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về chống tham nhũng và Pháp lệnh chống tham nhũng, lãng phí của Nhà nước, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh theo tư tưởng nhân văn, nhân đạo của TNCS và Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.
Trần Duy
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011