QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:10 (GMT+7)
Từ tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật trong quân đội, suy nghĩ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay

Quân đội là một bộ phận cấu thành Nhà nước. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động của xã hội như các bộ phận, lực lượng khác, quân đội còn hoạt động trong môi trường mang tính đặc thù. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội nhân dân với tư cách là công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, còn phải thực hiện nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội với tư cách là quân nhân. Việc thực hiện tốt hay không tốt nghĩa vụ, trách nhiệm trên sẽ tác động trực tiếp tích cực hay tiêu cực tới toàn xã hội và quân đội, nhất là bản chất, truyền thống tốt đẹp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội nhân dân.

Từ năm 2000 đến nay, tình hình vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân giảm về số lượng loại hình vụ việc và mức độ thiệt hại về người, tài sản; riêng số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm giảm đáng kể; vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường nhiều đơn vị dưới mức tỷ lệ 0,5%. Theo số liệu thống kê, số vụ vi phạm năm 2001 so với năm 2000 giảm 16,9% số vụ, năm 2002 không giảm, năm 2003 giảm 12,1%, năm 2004 giảm 7,2 %, năm 2005 giảm 9,3%. Điều đó nói lên ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội trong toàn quân đã được nâng lên; một trong những nguyên nhân quan trọng là quân đội đã thực hiện khá tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Tuy số lượng vụ việc và người vi phạm ít hơn so với tình hình ngoài quân đội, song so với điều kiện được thử thách, tôi luyện trong môi trường kỷ luật quân đội thì số vụ vi phạm hằng năm vẫn còn cao, và so sánh trong điều kiện quân số giảm thì tỷ lệ giảm thấp. Về cơ cấu vi phạm cũng đa dạng, bên ngoài xã hội có những loại hình tội phạm nào thì trong quân đội cũng có như vậy. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là, không ít vụ vi phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tăng giảm thất thường, không theo xu hướng chung. Vì vậy, vụ việc vi phạm pháp luật trong quân đội tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội vẫn nghiêm trọng.
Qua theo dõi, nghiên cứu tổng hợp cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó không thể phủ nhận công tác PBGDPL trong quân đội cũng còn những mặt bất cập, hạn chế so với yêu cầu. Cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác GDPL, chưa phát huy hết trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này; nội dung giáo dục còn dàn trải, chưa phù hợp với từng đối tượng; hình thức, biện pháp PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị chưa phong phú, dẫn đến nhận thức, ý thức về pháp luật của một số quân nhân vẫn còn hạn chế; có trường hợp nhận thức đúng nhưng coi thường pháp luật, việc chấp hành kỷ luật có nơi thực hiện chưa nghiêm. Việc phòng gian, bảo mật, quản lý quân số, vũ khí, trang bị, tài sản còn thiếu cảnh giác, thiếu chặt chẽ. Chưa chủ động, tích cực phối hợp giữa lãnh đạo của cấp ủy Đảng với chỉ huy đơn vị trong phòng, chống các vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Thực tế cho thấy, một số nơi chưa thực sự coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm; khi có vụ việc xảy ra mới tập trung lãnh đạo và tìm cách tháo gỡ, giải quyết nên hiệu quả phòng, chống không cao. Cá biệt có đơn vị, người chỉ huy nhận thức việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm còn khiên cưỡng, chỉ muốn xử lý bằng kỷ luật hoặc có đơn vị lại cố tình giấu giếm, không báo cáo cấp trên và cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến thành tích đơn vị. Vì thế, không thể tránh khỏi hiện tượng bỏ lọt vụ việc và người vi phạm hoặc xử lý không nghiêm, làm hạn chế hiệu quả công tác giáo dục, phòng ngừa. Cũng cần phải đề cập thêm là, hoạt động của các cơ quan chức năng trong quân đội còn chưa đủ mạnh; nhiều trường hợp phát hiện chậm, giải quyết chưa kịp thời, còn để lọt người, lọt tội. Có trường hợp nể nang, né tránh, xử lý thiếu kiên quyết của lãnh đạo, chỉ huy...
Mặt khác, phải nói đến hoạt động chống phá không ngừng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, bằng các hình thức lôi kéo, kích động, tán phát tài liệu phản động tấn công vào trận địa tư tưởng, phá hoại mối đoàn kết nội bộ quân đội và  đoàn kết quân dân; dùng tiền, vật chất để mua chuộc, cưỡng bức quân nhân. Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường dẫn đến sự phân hoá giàu, nghèo, bất bình đẳng trong xã hội ngày càng nhiều; chính sách xã hội không điều tiết kịp trước những bất cập diễn ra trong đời sống hằng ngày, tạo ra những sơ hở trong quản lý, ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống của cán bộ, chiến sĩ. Tệ nạn xã hội không những chưa được ngăn chặn mà còn có xu hướng gia tăng, trong đó ma tuý, cờ bạc đang nổi cộm như một vấn nạn của xã hội. Mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi hạ tầng cơ sở về giao thông không phát triển kịp cũng là một trong những xuất phát điểm của vi phạm về giao thông...
Từ thực trạng và những nguyên nhân trên, theo chúng tôi, vấn đề quan trọng là cần phải đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong quân đội; trong đó tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chứcPB GDPL. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, đồng thời cũng là yếu tố nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của công tác GDPL, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của mình. Thực hiện tốt công tác PBGDPL sẽ trực tiếp phòng ngừa vi phạm, duy trì nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; qua đó thiết thực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và tích cực thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị, quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL trong toàn quân.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn các Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở các đơn vị, có cơ cấu hợp lý và có biện pháp đảm bảo cho các Hội đồng hoạt động đi vào nền nếp, có hiệu quả. Thường xuyên chú trọng rút kinh nghiệm, phân biệt rõ nhiệm vụ của Hội đồng với các cơ quan chức năng khác. Trên cơ sở các văn bản của Bộ Quốc phòng và tình hình cụ thể, cấp ủy các đơn vị cần có nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về PBGDPL, phòng, chống tội phạm ở đơn vị mình và tổ chức thực hiện tốt công tác này. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan có nhiệm vụ tham mưu và thực hiện công tác PBGDPL, bao gồm các Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, các ban chức năng của Bộ Quốc phòng như Ban chỉ đạo về Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, chống tham nhũng, phòng chống các tệ nạn xã hội và về an toàn giao thông, các cơ quan chính trị, các cơ quan thông tấn, báo chí quân đội và các cơ quan pháp luật trong quân đội... Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL phải là trung tâm của sự phối hợp này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ quan, đơn vị, nhà trường, kịp thời phát hiện những mặt còn hạn chế để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao chất lượng PBGDPL, ngăn ngừa vi phạm trong quân đội.
Hai là, đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp PBGDPL. Chương trình, nội dung PBGDPL trong quân đội hiện nay còn có những hạn chế nhất định: tính cập nhật chưa cao, một số nội dung mới chậm được phổ biến, giáo dục; tính toàn diện  chưa được bảo đảm, nhất là những nội dung có liên quan tới nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, những vấn đề về pháp luật hành chính quân sự... Bên cạnh đó, hoạt động PBGDPL ở một số đơn vị chủ yếu tập trung vào việc phổ biến các qui định của pháp luật nhiều hơn là giáo dục kiến thức và ý thức chấp hành luật pháp;  chưa kết hợp chặt chẽ giữa pháp luật và tình cảm, lòng tin pháp luật và ý thức chấp hành luật pháp; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới chương trình, nội dung với đổi mới hình thức, biện pháp, tổ chức bồi dưỡng giáo viên, báo cáo viên và các mặt bảo đảm khác. Cá biệt có cơ quan, đơn vị coi PBGDPL chỉ là nội dung “phụ”.
Tuy nhiên, việc đổi mới chương trình, nội dung PBGDPL không có nghĩa là xóa bỏ hệ thống cũ đã và đang phát huy tác dụng, mà đổi mới phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, cắt bỏ những nội dung không còn phù hợp, cập nhật sự phát triển của hệ thống pháp luật Nhà nước và điều lệnh, điều lệ, các qui định mới ban hành trong quân đội. Trước mắt, cần tập trung phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và những văn bản pháp luật phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta, trực tiếp là phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nội dung PBGDPL cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ nhớ để mọi quân nhân nắm vững những kiến thức cơ bản. Trên cơ sở nội dung đó, các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa nội dung sát với nhiệm vụ, đối tượng và điều kiện cụ thể của mình. Chẳng hạn như, đối với Quân chủng Hải quân thì chương trình PBGDPL phải quan tâm những qui định, Công ước về biển, đảo của Việt Nam và quốc tế. Với những đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới thì chương trình phải tập trung vào Luật Biên giới. Đơn vị công tác ở vùng đồng bào có đạo cần giáo dục cho bộ đội về Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước. Những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đối với những cơ quan, đơn vị đứng chân ở địa bàn thành phố, nơi đông đúc dân cư hoặc quản lý, sử dụng nhiều phương tiện xe máy thì phải quan tâm nhiều đến tuyên truyền, phổ biến các qui định về bảo đảm an toàn giao thông...
Kết hợp với đổi mới chương trình, nội dung, phải tăng cường PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và của quân đội nói riêng. Các báo, đài cần bám sát đời sống pháp luật của xã hội và quân đội để xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền phù hợp, kịp thời chuyển tải những thông tin pháp lý đến mọi quân nhân. Vận dụng các hình thức, biện pháp giáo dục phong phú, đa dạng như: lên lớp,  tổ chức nói chuyện pháp luật, trao đổi, mạn đàm, tranh luận... qua đó định hướng cho mọi quân nhân có nhận thức đúng đắn về các sự kiện pháp lý xảy ra trong xã hội.
 Ngoài ra, nếu có điều kiện nên tăng cường các hình thức ngoại khóa như: tham dự các phiên toà xét xử các vụ án; thông qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có chủ đề liên quan đến pháp luật; thi tìm hiểu về pháp luật;... Nên lồng ghép nội dung PBGDPL với các nội dung học tập, huấn luyện khác, nhất là với công tác Đảng, công tác chính trị; đồng thời gắn giáo dục với các biện pháp quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính qui trong đơn vị; qua đó ngăn chặn, xử lý có hiệu quả, đi đến chấm dứt một số hành vi vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước.
Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, báo cáo viên tuyên truyền PBGDPL. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ tiến hành công tác PBGDPL còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ; đa số chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PBGDPL một cách bài bản. Do đó, phải chủ động thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên pháp luật trong các đơn vị, nhà trường; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong toàn quân. Các lớp tập huấn báo cáo viên pháp luật toàn quân hằng năm do Bộ Quốc phòng mở là rất cần thiết, quan trọng. Song để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, các đơn vị cần chủ động có kế hoạch và biện pháp tự bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này bảo đảm cả trước mắt và lâu dài.
Ngoài những nội dung trên, để ngăn ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong quân đội, công tác tuyển quân cần phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, không để lọt các đối tượng mắc tệ nạn xã hội hoặc phạm tội vào quân đội. Quản lý chặt chẽ tài liệu công tác, nhất là tài liệu bí mật Nhà nước, bí mật quân sự. Quản lý tốt an ninh mạng vi tính ở các đơn vị; thường xuyên nêu cao ý thức cảnh giác, phòng gian, bảo mật tránh để rò rỉ tin tức bí mật. Việc quản lý quân số, vũ khí, trang bị, tài sản phải được coi trọng, trong đó đề cao vai trò giám sát, kiểm tra của lãnh đạo, chỉ huy. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, duy trì chế độ công khai, minh bạch và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hội đồng quân nhân. Các cấp uỷ Đảng và chỉ huy các đơn vị quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và chấp pháp trong quân đội lên một bước mới. Những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan này phải được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Mỗi cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội phải thường xuyên rút kinh nghiệm; nhìn nhận và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm nghiêm túc, cầu thị; giải quyết các vụ việc phải khách quan, công minh, đúng pháp luật.
 
Đại tá Hoàng Nam Hải
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát QSTƯ
 

Ý kiến bạn đọc (0)