QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:13 (GMT+7)
Từ “Sửa đổi lối làm việc” đến đổi mới phong cách công tác của cán bộ hiện nay

Trong quá trình tiến hành công tác xây dựng Đảng những năm sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rằng, bên cạnh những ưu điểm, trong Đảng còn bộc lộ những thiếu sót lớn làm ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp kháng chiến. Do vậy, tháng 3 năm 1947, Người đã gửi thư cho các đồng chí cán bộ, đảng viên Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó nêu lên những biện pháp kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm trong Đảng. Nhưng, qua theo dõi, Người thấy sự chuyển biến đó chưa được nhiều. Chính vì thế, tháng 10-1947, với bút danh X.Y.Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, sau đó được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948.

Điều đặc biệt là tác phẩm này đề cập hầu hết các mặt của công tác xây dựng Đảng, chứ không chỉ riêng “lối làm việc”; đồng thời, khái quát trên tất cả những nội dung thuộc về lối làm việc (mà hiện nay thường được gọi là phương thức, phương pháp làm việc, phong cách công tác), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những vấn đề cơ bản nhất về quy luật: Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình. Điều này đúng như lôgíc tất yếu mà tác phẩm này đã đề ra: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra” (tr.262)*, do đó, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, và đó chính là quy luật phát triển của một Đảng Mác – Lê-nin, một Đảng chiến đấu dưới lá cờ của chủ nghĩa cộng sản, vì một xã hội tốt đẹp, vì sự nghiệp cao cả là giải phóng con người.

 “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của V.I.Lê-nin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản vào điều kiện nước ta. Về mặt thực tiễn, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm này là “cẩm nang”, là “kim chỉ nam” chỉ dẫn hành động cho toàn Đảng trong quá trình đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thành công.

Vấn đề đặt ra ở đây là: những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm này có còn ý nghĩa thời sự trong điều kiện hiện nay?

Đúng là điều kiện hiện nay có nhiều điểm khác so với thời gian Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Thời kỳ hiện nay là thời kỳ hoà bình xây dựng; thời kỳ của toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu của thế giới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế được đặt ra như một yêu cầu và thách thức đối với nhiều quốc gia – dân tộc trên con đường phát triển. Đó là thời kỳ nước ta đứng trước thời cơ lớn, vận hội mới để phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Trải qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Đảng ngày càng tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn có nhiều yếu kém, khuyết điểm, chưa theo kịp với đòi hỏi của tình hình mới; nổi lên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhận rõ tình hình đó, Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng với vai trò là nhiệm vụ then chốt càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”1.

Mọi sự vật luôn luôn biến đổi trước sự vận động của cuộc sống. Đảng ta đang đứng trước yêu cầu lãnh đạo toàn dân tộc tiến lên CNXH trong điều kiện mới. Phương pháp, phương thức và phong cách công tác của cán bộ hiện nay so với thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có thể có thay đổi, nhưng những chỉ dẫn của Người vẫn có ý nghĩa hết sức thời sự, nhất là trong tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải nhận thức đúng và vận dụng cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Với ý nghĩa đó, xin được tập trung vào một số điểm thuộc về đổi mới phong cách công tác của người cán bộ hiện nay theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một là, phải có tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Bất kể làm một việc gì mà có trách nhiệm cao thì người cán bộ đều có khả năng tạo ra hiệu quả công tác tốt. Nêu cao trách nhiệm của người cán bộ trước Đảng, trước đơn vị, trước dân, là một phong cách cơ bản, chủ yếu nhất và quan trọng nhất, có tính chất tiên quyết trong việc đổi mới phong cách công tác của cán bộ, đảng viên.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác sẽ làm cho người cán bộ biết sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Bất kỳ việc gì, “Phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc” (tr.242). Người chỉ rõ: “Bất kỳ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc trọng yếu. Trong thời gian đó, lại có một việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp” (tr.292).

Tính ngăn nắp, gọn gàng đi liền với tầm nhìn xa, trông rộng, giúp người cán bộ chủ động trong công việc, không ôm đồm, không bỏ sót việc và công việc sẽ có hiệu quả từng bước một để giành thắng lợi trong tổng thể. Công tác của người cán bộ nói chung, cán bộ trong lực lượng vũ trang nói riêng vốn là công tác đòi hỏi tính thời gian chặt chẽ, đúng hạn. Muốn thế, phải đề ra được kế hoạch công tác của đơn vị, cá nhân phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể. Trên cái nền cơ bản của cả nước, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân lại có yêu cầu riêng. Kế hoạch của mỗi cá nhân phải phục tùng và phù hợp với kế hoạch chung của đơn vị. Một kế hoạch được coi là tốt khi nó phản ánh được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà đơn vị được giao; kế hoạch đó phải có bước đi, tiến độ triển khai phù hợp, sát thực, chắc chắn, khả thi.

         

1- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 259.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm sẽ làm cho người cán bộ có phong cách lãnh đạo tốt trong việc kết hợp lãnh đạo chung với chỉ đạo riêng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã nêu thí dụ cụ thể: trong công tác chỉnh đốn Đảng, ngoài những kế hoạch chung, mỗi cơ quan và mỗi cán bộ phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan, đơn vị để nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển trong những bộ phận đó. Đồng thời, trong vài ba bộ phận đó, người cán bộ lãnh đạo lại chọn năm, ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ để giúp họ giải quyết công việc thực tế.

Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm sẽ làm cho người cán bộ có quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch công tác. Quyết tâm thực hiện công tác không có điểm chung với sự chủ quan, duy ý chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu kế hoạch 10 phần thì quyết tâm thực hiện kế hoạch phải 20 phần. Với quyết tâm trên cơ sở khoa học, kết hợp với ý chí cách mạng thì sức mạnh của người cán bộ sẽ được nhân lên gấp bội, giúp họ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Trong thực tiễn, bản thân Người là hiện thân của tinh thần quyết tâm và ý chí cách mạng, đó là: tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”;  ý chí “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”; là quyết tâm “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.

Hai là, phong cách công tác của người cán bộ hiện nay phải luôn được đổi mới trên cơ sở có nhiều sáng kiến, thường xuyên tổng kết công tác, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Đề cập vấn đề sáng kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sáng kiến là “kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực” (tr.244). Người quan niệm, sáng kiến không có gì cao xa, mà là “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến” (tr.244). Trong thực tế công tác, người cán bộ nào hay có sáng kiến thì chính đó là người luôn luôn năng động, hăng hái, bất kể trong việc gì, to hay nhỏ. Người đó chính là đầu tàu của phong trào thi đua yêu nước, thi đua một cách thiết thực, có hiệu quả, không chạy theo thành tích, không “đánh trống bỏ dùi”, không “có ít xuýt ra nhiều”.

Sáng kiến là hệ quả phong cách công tác của người cán bộ chú trọng đến việc thường xuyên tổng kết công tác. Qua đó, thấy rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của bản thân và của đơn vị để tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để tiến bộ. Đây là một quá trình được tiến hành thường xuyên và là phủ định biện chứng, làm cho cá nhân người cán bộ cũng như đơn vị lớn mạnh và tự hoàn thiện mình trên con đường phát triển. Trong điều kiện hiện nay, cần hết sức chú ý vận dụng quan điểm: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng” (tr.243). Thực tế cho thấy, đơn vị nào chú trọng tổng kết công tác, tổng kết một cách thiết thực, thì người cán bộ sẽ luôn luôn ở vào trạng thái “động não”, năng động, và như thế thì từng cá nhân và toàn đơn vị sẽ luôn tiến bộ, vì họ luôn được “nạp” thêm năng lượng mới từ cuộc sống.

Phong cách công tác của người cán bộ không tách rời việc chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công việc của đơn vị. Trong công tác xây dựng Đảng, nếu lãnh đạo mà không có kiểm tra, kiểm soát thì coi như không có lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát” (tr.287). Công tác kiểm soát nếu được thực hiện tốt thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể đơn vị, “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết” (tr.288); công tác kiểm soát cần tuân thủ từ trên xuống và từ dưới lên, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Ba là, yêu cầu đổi mới phong cách công tác của người cán bộ theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải sâu sát, gần gũi dân, có tinh thần phụ trách trước dân.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với dân, nói một cách khái quát, là phải hiếu với dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, người cán bộ càng đứng ở vị trí cao của quyền lực, càng dễ bị xa dân. Hiếu với dân, như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là coi cán bộ, đảng viên không chỉ là người lãnh đạo, mà còn là người đày tớ thật trung thành, là “trâu ngựa” của dân (từ này được Hồ Chí Minh dùng trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3-3-1951).

Từ trươớc đến nay, Đảng đã có rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cơường mối quan hệ giữa Đảng đối với dân. Đã có cả một cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nươớc quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời, cũng có cả bài học quan trọng mà Đại hội VI (năm 1986) rút ra là “Lấy dân làm gốc”; có cả tổ chức các Ban Dân vận chuyên trách, tham mưu cho cấp uỷ các cấp; Nhà nơước có một loạt luật để điều chỉnh quan hệ xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội. Bấy nhiêu chủ trươơng, biện pháp, song hiệu quả vẫn còn thấp. Vấn đề cơ bản hiện nay là hãy bắt tay vào hành động, hành động một cách tích cực, kiên quyết, có hiệu quả. Quân đội ta có truyền thống gắn bó chặt chẽ với nhân dân, “quân với dân như cá với nước”; nhờ đó mà hoàn thành mọi nhiệm vụ. Quân đội cần giữ gìn và phát huy truyền thống đó trong điều kiện hoà bình, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Để gắn bó với dân, trước hết, các cấp phải tích cực hơn nữa trong việc chống quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Những ngươời phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”1. Bệnh quan liêu là bệnh thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền, nếu cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện phong cách công tác cũng nhươ nâng cao tinh thần trách nhiệm. Bệnh quan liêu cộng với bệnh tham ô, bệnh lãng phí đã bị Hồ Chí Minh coi là "giặc nội xâm", "thứ giặc ở trong lòng", nó "nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám". Đồng thời, trong quan hệ với dân, người cán bộ, đảng viên phải sâu sát, tỷ mỉ, có phơương pháp tốt; phải giải thích cho dân hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm của mình; phải bàn bạc với dân để hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; đặt kế hoạch thiết thực; tổ chức toàn dân thực hiện kế hoạch; trong quá trình thực hiện kế hoạch, phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích nhân dân giải quyết những việc khó khăn; khi thực hiện xong, phải cùng với dân xem xét lại công việc đã làm, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Như vậy, phải nói cho dân hiểu, phải hiểu dân nói và nói đi đôi với làm, làm những điều ích quốc, lợi dân với tinh thần “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, ta cũng phải cố gắng làm; việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, ta cũng phải cố tránh”.

 Phải coi trọng hơn nữa công tác dân vận. Tinh thần biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người không sa vào chung chung, mà đề cập vấn đề dân trong thang bậc của ý thức giác ngộ chính trị. Người chia dân làm ba loại (hoặc ba hạng): tiên tiến, vừa vừa, lạc hậu. Nhiệm vụ của người cán bộ là phải làm cho dân giác ngộ để lên hàng "dân tiên tiến". Trong công tác dân vận, tránh “theo đuôi quần chúng”, tránh mỵ dân. Theo phong cách Hồ Chí Minh, người cán bộ phải thật sự gần dân, hiểu dân, vì dân và muốn thế thì phải làm tốt công tác dân vận. Đảng có tồn tại và phát triển được hay không, quân đội ta có ngày càng hùng mạnh hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ bền chặt với nhân dân. Do đó, việc đổi mới phong cách công tác của người cán bộ hiện nay, càng cần phải nhấn mạnh đến hành động trên thực tế gần dân, hiểu dân, vì dân và có trách nhiệm đối với dân.

GS,TS. Mạch Quang Thắng

_________

* Từ đây, những đoạn trích dẫn không ghi chú thích ở cuối trang mà chỉ ghi số trang ở ngay trong bài là lấy từ nguồn tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 5, Nxb CTQG, H. 2000.

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5. Nxb CTQG, H. 2000, tr.699.

 

Ý kiến bạn đọc (0)