QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 22:47 (GMT+7)
Tự do báo chí và tính Đảng của báo chí

Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sỹ), Việt Nam đã báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về Tình hình thực thi quyền con người của Việt Nam. Đây là việc làm bình thường, thể hiện nghĩa vụ và quyền lợi của Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nhiều ngày trước đó, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ở bên ngoài và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước đã đồng thanh lu loa rằng “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”, “Việt Nam chưa phải là thiên đường của người lao động”... Một số người Mỹ gốc Việt cực đoan còn lập ra cái gọi là “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam 11 tháng 5”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), ngày 4 tháng 5, cũng công bố bản báo cáo tiếp tục xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam như họ đã từng làm từ nhiều năm trước. Tổ chức Văn bút quốc tế, tổ chức Phóng viên không biên giới và một số tổ chức khác nhân dịp này cũng tăng cường xuyên tạc, bôi nhọ tình hình báo chí Việt Nam. Với luận điệu “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, các thế lực này thường la lối “Việt Nam yếu kém về tự do báo chí”, “Việt Nam đàn áp báo chí”, đòi Nhà nước Việt Nam “cho phép báo chí tư nhân hoạt động”, “không được kiểm soát Internet và Blog”...

Vậy thì bản chất của tự do báo chí là gì ? Các nước tư bản - nơi thường rêu rao về “tự do báo chí”, “tự do báo chí tuyệt đối”, có thật sự tự do không? Việt Nam và các nước đi theo con đường XHCN có phải là nơi “vi phạm tự do báo chí” ?

Chúng ta biết rằng, khẩu hiệu “tự do báo chí” xuất hiện từ thời trung cổ, do giai cấp tư sản nêu ra, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp trong xã hội chống lại giai cấp phong kiến và giới tăng lữ. Khi đã giành được chính quyền và áp đặt bộ máy cai trị, khẩu hiệu đó dần bị những kẻ đề xướng làm hoen ố, thậm chí vứt bỏ. Về điều này, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: trong xã hội tư sản, tự do báo chí là tự do "mua cơ quan báo chí", tự do "mua nhà báo", tự do "mua và chế tạo ra các dư luận" làm lợi cho giai cấp tư sản. Cần nhắc lại rằng, báo chí là lĩnh vực thuộc hình thái ý thức xã hội; do vậy, trong xã hội còn phân chia thành các giai cấp có quyền lợi khác nhau, thậm chí đối kháng nhau (về chính trị, kinh tế, văn hoá...), thì báo chí khó thoát ly tính giai cấp, khó có tự do thuần túy hay tự do tuyệt đối. Nói một cách cụ thể hơn, nếu có tự do báo chí cho giai cấp này, thì tất yếu, phải hạn chế tự do báo chí đối với các giai cấp khác. Tự do báo chí là một phạm trù lịch sử, là mục tiêu phấn đấu của con người, nhằm có được quyền thông tin, trao đổi, thể hiện quan điểm, ý chí, tình cảm của mình, của giai cấp mình trước các vấn đề, sự kiện diễn ra trong đời sống thường nhật qua phương tiện thông tin đại chúng. Thời của C.Mác, cái nhà nước từng tuyên bố “tự do báo chí”, đã nhiều lần gây khó dễ, thậm chí đóng cửa các tờ báo của Ông và Ph.Ăng-ghen như tờ Neue Rheinische Zeitung, tờ Sozialdemokrat. Sau này, tại nước Nga, tờ Tia lửa của V.I.Lê-nin cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

 Về cái gọi là “tự do tuyệt đối” mà giai cấp tư sản thường rêu rao, V.I. Lê-nin đã nói rõ: đó "chỉ là một thứ giả dối"; bởi trong một xã hội xây dựng trên quyền lực của đồng tiền, quần chúng lao động phải ăn xin và một nhóm ít người giàu có thì ăn bám, quyết không thể có “tự do” thực sự và chân chính. Cách đây mấy năm, tổ chức Văn bút quốc tế và tổ chức Phóng viên không biên giới - hai “chiếc loa rè” về cái gọi là “tự do báo chí” - đã bị tố cáo ăn tiền của CIA. Không chỉ dùng tiền để mua cơ quan báo chí và nhà báo, chi các khoản tài chính đen cho một số cơ quan báo chí và nhà báo “chém mướn, đâm thuê”, giai cấp tư sản còn dùng nhiều luật lệ, thủ đoạn xảo quyệt, đê hèn để kiểm soát và đàn áp báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét về báo chí của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa: “Chính phủ Đông Dương tổ chức phá hoại tờ Le Paria; Chính phủ Tây Phi thuộc Pháp cấm nhập các báo của người da đen châu Mỹ; Chính phủ Tuynidi trục xuất chủ nhiệm tờ L’Avenir Social; ông Lyotây đuổi chủ nhiệm tờ La Guêpe Marocaine ra khỏi Ma rốc (người ta chỉ cho nhà báo 1 giờ để thu xếp hành lý)”1. Cũng từ quan điểm về “tự do báo chí”, tự do "mua nhà báo” như V.I Lê-nin đã nói, mà phóng viên người Mỹ Jayson Blair đã viết hàng chục bài báo bịa đặt đăng trên các tờ Thời báo Niu Oóc, Macon Telegraph, Chicago Tribune... Năm 2003, nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình ở Mỹ đã phát băng hình, phóng sự, phỏng vấn về việc lính đặc nhiệm Mỹ giải cứu thành công binh nhì Jessica Lynch tại một bệnh viện dã chiến ở Bátđa trong vòng vây của những tay súng I-rắc. Nhưng, liền sau đó, khi về tới Mỹ, “người hùng” Jessica Lynch đã thật thà kể lại câu chuyện của mình làm hàng chục triệu người Mỹ bị sốc, bởi sự thật không như báo chí đã tuyên truyền. Còn Peter Arnett, người mà ngay trong tháng 4 vừa qua, đã cho ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách “Từ chiến trường khốc liệt” (bản tiếng Việt, NXB Thông tấn), là phóng viên “ruột” của hãng truyền hình CNN, đang nổi như cồn vì hàng loạt phóng sự, bình luận trực tiếp về cuộc chiến của Mỹ tại I-rắc, bỗng dưng bị sa thải vì đưa thông tin không phù hợp với quan điểm của Nhà Trắng và Lầu Năm góc. R.Mc Arthur - Tổng Biêp tập Tạp chí Harper chua chát nhận ra rằng: Các hãng tin Mỹ như FOX, CNN, ABC, CBS, NBC ít khi đưa được tin chính xác về diễn biến thực tế các trận đánh, vì hầu hết các bài và hình ảnh đều được biên soạn tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Ca-ta và Cô-oet. Các phóng viên hầu hết đều ở phía sau chiến tuyến, viết bài, đưa tin dựa vào các tin và tài liệu do quân đội Mỹ cung cấp. Chính trong những ngày đó, xe tăng Mỹ đã nã đạn vào một khách sạn ở thủ đô Bát-đa, nơi có trên 100 nhà báo đang trú ngụ, làm 11 người chết, hàng chục người khác bị thương...

Khác với nền tự do báo chí của giai cấp tư sản, nền tự do báo chí mà giai cấp vô sản xây dựng, vun đắp trong đấu tranh gian khổ hàng trăm năm qua, là nền báo chí đề cao tính trung thực, tiến bộ, cách mạng, nhân văn, phục vụ lợi ích của giai cấp vô sản và đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”2. Trong điều kiện xã hội có giai cấp, bất luận ở thời đại nào, báo chí cũng đều có tính Đảng. Tính Đảng của báo chí cách mạng được thể hiện ở chỗ, nó phải đi tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ cụ thể; nói tiếng nói trung thành của Đảng và của quần chúng đi theo Đảng đối với sự nghiệp cách mạng. Báo chí cách mạng không chỉ là công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn phải bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng; đấu tranh không khoan nhượng chống cái ác, cái xấu, bảo vệ, phát huy cái thiện, cái tốt. Báo chí, xuất bản phải đứng về phía người lao động, ủng hộ người lao động, định hướng cho hoạt động vì sự tiến bộ của xã hội.

Ở Việt Nam, nền báo chí cách mạng được hình thành từ khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh niên vào năm 1925. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, báo chí cách mạng đã phát triển trong khói lửa đấu tranh, trong lao tù, xiềng xích, trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hiến pháp năm 1992 của ta khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin”. Luật Báo chí của ta ghi rõ: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”3. Luật Báo chí đã dành cả Chương II để nói về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự minh định trong Hiến pháp và pháp luật về tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, những năm gần đây, báo chí nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, sôi động; hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; thực sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Tính đến tháng 5 - 2009, cả nước có trên 720 cơ quan báo chí, hơn 800 báo, tạp chí in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình. Hơn 15.000 nhà báo chuyên nghiệp, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo. So với năm 1986 (thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới) thì số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần. Năm 1969, mạng thông tin toàn cầu (Internet) ra đời và gần 30 năm sau mới có mặt ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, số người sử dụng Internet của Việt Nam chiếm 25% dân số, một mức khá cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Có thể nói, báo chí ở nước ta đã và đang đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân; tích cực động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh của đất nước; đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái, thù địch chống phá sự nghiệp đổi mới; chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; tham gia xây dựng đời sống mới, phê phán các hủ tục, tệ nạn xã hội; cổ vũ mạnh mẽ những nhân tố mới, “gương người tốt, việc tốt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Trách nhiệm xã hội là một yêu cầu cơ bản, hàng đầu của báo chí. Ở nước ta, Đảng Cộng sản là đại diện duy nhất hợp pháp cho quyền lợi của nhân dân; do vậy, việc báo chí được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, đồng thời cũng đồng nghĩa với việc thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất trách nhiệm xã hội của báo chí. Sự xa rời hoặc đi ngược lại xu hướng đó dù với danh nghĩa gì, cũng làm cản trở tới sự phát triển, tiến bộ của đất nước, tổn hại tới lợi ích của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, khi mà toàn cầu hoá kinh tế với cả hai mặt tích cực và tiêu cực đang tác động mạnh mẽ; mặt trái cơ chế thị trường đang tạo ra sự phân hoá mạnh mẽ các nhóm lợi ích trong xã hội... thì hoạt động báo chí càng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí phải thường xuyên ý thức về tính Đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp và nhân cách trong sáng của người cầm bút - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Biểu hiện cao nhất, bản chất nhất tính Đảng của báo chí là tính chiến đấu. Điều đó thể hiện trước hết ở đường lối chính trị của tờ báo. Hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, nội dung quan trọng nhất trên báo chí là nội dung chính trị. Báo chí phải biểu thị rõ ràng sự nhiệt tình ủng hộ hay phản đối một quan điểm, một vấn đề, một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nào đó khi trong xã hội còn đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho lợi ích của cách mạng. Đây là nguyên tắc cơ bản đảm bảo tính Đảng trong hoạt động của báo chí. Nếu trong xã hội tư bản, báo chí tư sản phải bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, thì ở nước ta, báo chí phải đấu tranh kiên quyết với các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Tính Đảng trong báo chí ở nước ta được thể hiện trong mối quan hệ giữa báo chí với chính trị. Đó là sự gắn bó của báo chí với đường lối chính trị và tổ chức của Đảng. Báo chí phải trung thành và thể hiện đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, phát triển đất nước theo hướng: “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”... Như vậy, báo chí nước ta đang đi đúng hướng, đang thực hiện đúng chức năng của mình, chứ đâu có bị “hạn chế’ hay bị “đàn áp”, như một số người thiếu thiện chí cố tình xuyên tạc.

TS. NGUYỄN THẾ KỶ

Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản,

Ban Tuyên giáo Trung ương

___________

1- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H.  2001, tr. 100.

2- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 414.

3-  Luật Báo  chí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nxb CTQG, H. 2004, tr. 8.

 

Ý kiến bạn đọc (0)