QPTD -Thứ Hai, 31/10/2011, 22:04 (GMT+7)
Từ đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao, suy nghĩ về công tác huấn luyện hiện nay

Quán triệt đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm vừa qua toàn quân thực hiện đổi mới công tác huấn luyện chiến đấu theo hướng sát với tình huống, đối tượng và địa bàn tác chiến, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Phương hướng đó đặt ra cho công tác huấn luyện những yêu cầu, nhiệm vụ mới, mà mục tiêu cao nhất là bảo đảm cho lực lượng vũ trang chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, kể cả khi kẻ thù xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao (CNC). Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số đặc điểm cơ bản nhất của chiến tranh sử dụng vũ khí CNC và những tác động của chúng đến công tác huấn luyện hiện nay, thông qua việc nghiên cứu 4 cuộc chiến tranh diễn ra trong những năm gần đây trên thế giới: Vùng Vịnh (1991), Nam Tư (1999), áp-ga-ni-xtan (2001) và I-rắc (2003). Từ 4 cuộc chiến tranh đó, chúng tôi thấy nổi lên một số đặc điểm cơ bản sau:

1- Tác chiến phi đối xứng, vũ khí CNC được sử dụng với tỷ lệ ngày càng lớn. Ưu thế về vũ khí, trang bị CNC tập trung vào một số nước chủ động trong chiến tranh. Sự không đối xứng thể hiện cả về chất lượng và số lượng vũ khí, trang bị được sử dụng. Trong chiến tranh Vùng Vịnh, vũ khí, trang bị CNC được sử dụng chiếm tỷ lệ 8%, chiến tranh Nam Tư 90%, áp-ga-ni-xtan 56% và ở I-rắc là 69%. Trong ngày đầu tiến công I-rắc, Mỹ đã phóng 500 tên lửa chống ra đa HARM. Sau 25 ngày tiến công, liên quân Anh-Mỹ đã thực hiện 34.000 phi vụ tiến công đường không, sử dụng 1000 tên lửa hành trình (trong đó có 800 tên lửa Tomahawk), 70% số bom đạn trên là có điều khiển. Đặc biệt là, tác chiến điện tử và công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi đã tạo ra sự vượt trội về khả năng trinh sát, gây nhiễu điện tử, chế áp hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống phòng không của đối phương.

Tổ chức chỉ huy được tự động hóa cao. Hệ thống C4I (chỉ huy - kiểm soát- truyền thông - máy tính - tình báo) đã liên kết hữu cơ các khâu trong quá trình nắm bắt, xử lý các tình huống và nâng cao hiệu quả, khả năng chỉ huy. Điều đó đã bảo đảm cho công tác chỉ huy diễn ra thuận lợi, nhanh chóng từ chỉ huy toàn mặt trận đến các phân đội chiến thuật, kể cả trong những trường hợp vượt cấp.

2- Tác chiến đường không ngày càng khẳng định vị trí quan trọng, tính hủy diệt ngày càng cao. Giai đoạn tiến công hỏa lực (giai đoạn đầu của chiến tranh) được đặc biệt coi trọng, bao gồm tiến công đường không (TCĐK), hỏa lực pháo mặt đất và hỏa lực từ chiến hạm trên biển. Trong đó TCĐK giữ vai trò chủ đạo, được thực hiện bằng vũ khí CNC với tốc độ đột kích nhanh, mạnh, chính xác, tính hủy diệt cao, nhằm làm “mềm” chiến trường, gây tổn thất lớn về quân sự và làm suy yếu kinh tế của đối phương. Trong chiến tranh I-rắc, Mỹ và đồng minh đã dùng hỏa lực phá hủy 95% số bệ phóng tên lửa, pháo phòng không và ra đa báo động sớm, 4.000 xe tăng, thiết giáp, 87 máy bay, 2.000 khẩu pháo và tiêu diệt 60.000 quân. Trong chiến tranh áp-ga-nix-tan, 5 ngày đầu tiên đã phá hủy 85% số mục tiêu dự định.

3- Không gian tác chiến mở rộng, thời gian ngắn, thời điểm bất ngờ. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Mỹ và đồng minh đã sử dụng hỏa lực tiến công trên toàn tuyến, trong suốt chiều sâu đất nước, vào các mục tiêu trọng yếu về quân sự, kinh tế, chính trị của đối phương. Thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là 42 ngày, chiến tranh Nam Tư 78 ngày, chiến tranh I-rắc 25 ngày và chiến tranh áp-ga-ni-xtan là 100 ngày. Để tạo bất ngờ, phần lớn các cuộc tiến công đường không được mở đầu vào ban đêm. Ví dụ: trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh vào lúc 03.00 ngày 17-01-1991, Mỹ và đồng minh đồng loạt tiến công 40 mục tiêu của I-rắc, kể cả trên đất Cô-oét; 21.00 ngày 07-10-2001 mở đầu cuộc tiến công áp-ga- nix-tan...

4- Kết hợp nhiều hình thức, thủ đoạn chiến tranh

Tuy đối kháng về quân sự là chủ yếu nhưng chiến tranh hiện đại ngày càng mang tính toàn diện, trên các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội... Dùng các biện pháp ngoại giao, tuyên truyền rộng rãi, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận thế giới. Đặc biệt coi trọng chiến tranh tâm lý bằng các biện pháp như phát sóng phát thanh, truyền hình, thả truyền đơn, dùng ô tô, máy bay chở lương thực, thuốc men cấp phát để mua chuộc người dân... Mục đích chính là gieo rắc tư tưởng hoài nghi về chế độ đương thời, gây chia rẽ giữa lãnh đạo với nhân dân, giữa quân đội với chế độ; làm giảm sút ý chí quyết tâm của lực lượng vũ trang đối phương. Mặt khác, tổ chức hỏa lực phá hủy, làm tê liệt hệ thống phát thanh, truyền hình của đối phương.

Tuy nhiên, qua những cuộc chiến tranh trên cũng cho thấy một số nhược điểm, hạn chế khó khắc phục của vũ khí CNC. Hiệu quả của vũ khí CNC phụ thuộc nhiều vào địa hình. ở địa hình đồi núi, khả năng phát huy hiệu quả của vũ khí, trang bị CNC sẽ bị giảm. Khả năng phân biệt trận địa, vũ khí giả, nghi binh của đối phương là một điểm yếu, khó có thể khắc phục. Những yếu tố như mật độ hỏa lực cao, khả năng hủy diệt lớn, chỉ phát huy khi đối phương tập trung lực lượng, phương tiện với mật độ cao. Nếu lực lượng của đối phương phân tán, cơ động, di chuyển linh hoạt, ngụy trang kín đáo thì các cuộc tiến công của hỏa lực sẽ bị hạn chế đáng kể. Mặt khác, nếu cuộc chiến tranh kéo dài sẽ dẫn đến bị sa lầy. Với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin ở nhiều khâu trong tác chiến, nên nếu bị tiến công bằng tin học, phá hoại trên mạng, gây nhiễu... hoặc chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến sai lầm trong hệ thống điều khiển, ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến. Ngoài ra, do binh sĩ phải chiến đấu ở chiến trường xa, địa hình, thời tiết không quen thuộc nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Trong khi đó, bản chất của cuộc chiến tranh là xâm lược nên yếu tố chính trị, tinh thần, tư tưởng của binh sĩ trong cuộc chiến tranh là không thuận lợi.

Trong tương lai, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) ở nước ta sẽ là cuộc chiến tranh mà địch sử dụng vũ khí, trang bị CNC là chủ yếu. Do đó, nghệ thuật quân sự, nhất là phương thức và phương pháp tác chiến sẽ có sự thay đổi cơ bản so với các cuộc chiến tranh trước đây. Đặc điểm, xu hướng phát triển đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nghiên cứu để có biện pháp tổ chức giáo dục, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo chúng tôi, để đối phó với cuộc chiến tranh địch sử dụng vũ khí, trang bị CNC, công tác giáo dục, huấn luyện chiến đấu hiện nay cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cho bộ đội. Suy cho cùng, dù vũ khí, trang bị có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là nhân tố quyết định thành, bại của cuộc chiến. Bản lĩnh chính trị, tinh thần đó phải thể hiện được tư tưởng dám đánh và biết đánh. Do đó, cần tập trung xây dựng lòng tin cho bộ đội về khả năng đánh thắng cuộc chiến tranh địch sử dụng vũ khí CNC, lòng tin vào cách đánh, nghệ thuật quân sự Việt Nam và vũ khí, trang bị hiện có... Từ đó xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, sáng tạo của mỗi quân nhân trong chiến đấu. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về những phát triển mới của chiến tranh, đặc biệt là vũ khí, trang bị CNC; tập trung làm rõ đặc điểm, tính năng, tác dụng, mặt mạnh, mặt hạn chế, phương pháp, thời cơ sử dụng của từng loại vũ khí, trang bị CNC. Coi trọng giáo dục những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta và kinh nghiệm từ 4 cuộc chiến tranh nêu trên về sử dụng vũ khí, trang bị hiện có để đánh bại vũ khí, trang bị hiện đại của địch. Trên cơ sở đó vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện. Để đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ địch sử dụng vũ khí, trang bị CNC thì ngay từ nội dung, chương trình huấn luyện phải được đổi mới theo hướng tăng cường nội dung phòng tránh, đánh trả địch sử dụng vũ khí CNC. Chú trọng đổi mới công tác tham mưu, tổ chức chỉ huy, điều hành của các cấp trong chiến tranh. Bởi lẽ, không gian tác chiến rộng, thời gian ngắn, sự phân chia về ranh giới giữa chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, giữa tiền tuyến và hậu phương... ngày càng không rõ ràng; các hình thức tác chiến ngày càng hòa quyện và chuyển hóa nhanh chóng. Mặt khác, công tác huấn luyện còn phải bảo đảm tính thiết thực, phù hợp; thực hiện tốt các chỉ tiêu, giáo trình về thời gian; kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện nâng cao trình độ, khả năng cơ động của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị được trang bị nhiều phương tiện vật chất kỹ thuật. Trong đó cần tập trung vào nội dung báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các biện pháp phòng tránh, đánh trả, bảo toàn lực lượng trong thời kỳ đầu chiến tranh, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng quân chủng, binh chủng và đặc điểm, trang bị của đơn vị. Đổi mới chương trình, tổ chức phương pháp huấn luyện theo hướng tăng cường nội dung thực hành.

Ba là, huấn luyện sát với đặc điểm địa hình, địa bàn và tổ chức, biên chế, trang bị hiện có. Đất nước ta có địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 3/4 diện tích đất liền. Trên từng vùng lãnh thổ, từng tỉnh, thành phố được xây dựng thành khu vực phòng thủ vững chắc. Vì vậy, cùng với công tác huấn luyện bộ đội chủ lực, cần tập trung huấn luyện lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo phương án, kế hoạch đã xác định. Triệt để tận dụng lợi thế của địa hình để hạn chế hiệu quả của vũ khí, trang bị CNC. Ví dụ, ở đồng bằng sông nước Nam Bộ, cùng với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật theo chương trình, nội dung quy định, các đơn vị còn phải chú trọng huấn luyện cơ động chiến đấu, xử lý các tình huống trên địa bàn sông nước. Đối với địa hình đồi núi, phải quan tâm lợi dụng địa hình phòng tránh, đồng thời sẵn sàng đánh trả địch cơ động trên các trục đường khi chúng đưa bộ binh vào tham chiến. Bởi lẽ, với khối lượng lớn vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật, trong cơ động địch vẫn phải dựa vào các trục đường. 

Bốn là, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng hiệp đồng quân chủng, binh chủng, hiệp đồng giữa các hướng, mũi trong từng trận đánh, từng chiến dịch và sự phối hợp giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ. Phát huy vai trò của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ thực hiện tác chiến rộng rãi, buộc địch phải phân tán lực lượng, không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị CNC. Tập trung tạo bước chuyển biến về chất lượng trong tổ chức diễn tập, cả cấp chiến thuật và chiến dịch, gắn diễn tập với cơ động phòng tránh, đánh trả, tác chiến liên tục, ác liệt, dài ngày trong tình huống địch sử dụng vũ khí CNC có tác nhân độc xạ. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chỉ huy, tham mưu tác chiến của đội ngũ cán bộ trong tổ chức hiệp đồng.

Sáu là, tập trung huấn luyện thực hiện tốt các biện pháp ngụy trang, nghi binh. Một đặc điểm nổi bật của chiến tranh sử dụng vũ khí, trang bị CNC là khả năng trinh sát, phát hiện nhanh, chính xác của các loại thiết bị quang học điện tử hiện đại. Các thiết bị đó có khả năng quan sát ở nhiều môi trường khác nhau, cả ngày lẫn đêm và trong mọi thời tiết. Do vậy, các đơn vị cần quan tâm huấn luyện cơ bản các nội dung về ngụy trang, nghi binh; coi trọng các nội dung thực hành thiết bị công sự, sử dụng trang bị ngụy trang, xây dựng trận địa giả, vũ khí giả để nghi binh, lừa địch... Đồng thời, chú trọng giáo dục, rèn luyện ý thức giữ gìn bí mật cũng như cách phòng, chống các phương tiện trinh sát hiện đại của địch; tạo bước chuyển biến mới trong huấn luyện ngụy trang, nghi binh, nâng cao khả năng phòng tránh, đối phó với vũ khí CNC của địch.

Mạnh Dũng -  Huy Tuấn

 

Ý kiến bạn đọc (0)