Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:34 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; trở thành tiêu điểm đánh chiếm hoặc hủy diệt của địch, chịu gánh nặng tàn khốc của chiến tranh. Hà Nội - thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, Hà Nội là mục tiêu trọng điểm đánh phá hủy diệt của không lực Hoa Kỳ với những thủ đoạn tàn bạo chưa từng có trong lịch sử, nhằm làm lung lay ý chí, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giành thế có lợi trên bàn đàm phán.
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Thủ đô, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trên mặt trận đất đối không, vừa sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa dũng cảm chiến đấu, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá đối với miền Bắc nước ta.
Cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán từ năm 1967, khi Người thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ). Với tầm nhìn sáng suốt, Bác nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”1. Đúng như tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm quyết định của cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng B-52 vào đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu quan trọng khác. Chúng đã sử dụng 417 lần chiếc “pháo đài bay” B-52 và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật phối hợp tập trung đánh phá hủy diệt Hà Nội, ném xuống địa bàn Hà Nội hơn một vạn tấn bom đạn các loại, làm 2.380 người chết và 1.355 người bị thương; phá hủy trên 80% ga xe lửa, cầu, phà; làm cảng sông Hồng bị tê liệt; 67 xã ngoại thành và 39 khu phố trong nội thành bị đánh phá ác liệt, 5 bệnh viện và trên 60 nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá nặng nề...Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, Thủ đô Hà Nội vẫn vững vàng, hiên ngang, vừa sản xuất, vừa anh dũng, kiên cường chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân chủng PK-KQ và các lực lượng khác bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52, bắt sống nhiều giặc lái, buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh và trí tuệ sáng tạo của quân, dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng; một chiến công vẻ vang của lực lượng PK-KQ và sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân ở Thủ đô trên mặt trận đất đối không, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn; để lại bài học kinh nghiệm về bảo vệ Thủ đô. Đó là bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân (PKND), chủ động phòng tránh, bảo tồn được tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô; đồng thời, kiên quyết tổ chức lực lượng đánh địch bằng sức mạnh của lực lượng phòng không 3 thứ quân với cách đánh sáng tạo, độc đáo, bắn rơi nhiều máy bay (đặc biệt là B-52), bắt sống nhiều giặc lái. Bài học kinh nghiệm này là di sản quý báu cho các thế hệ ngày nay và mai sau để bảo vệ Thủ đô.
Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tình hình thế giới, khu vực, đối tượng tác chiến và môi trường, điều kiện tác chiến có nhiều biến đổi sâu sắc. Qua nghiên cứu những cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới cho thấy, bản chất các cuộc chiến tranh xâm lược là không thay đổi, nhưng mục đích chiến tranh, phương thức, lực lượng, phương tiện, không gian, thời gian và thủ đoạn tiến hành chiến tranh đã có bước phát triển đột biến về chất. Ngày nay và trong tương lai, chiến tranh xâm lược có xu hướng lấy mục tiêu chủ yếu là khuất phục đối phương, đánh bại và làm tê liệt ý chí của đối phương bằng cách tiến hành các chiến dịch tiến công đường không (TCĐK) bằng lực lượng không quân, tên lửa hành trình với các loại vũ khí công nghệ cao, nhằm hủy diệt các mục tiêu chiến lược quốc gia, đặc biệt là đầu não chính trị- hành chính. Do đó, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay, mục đích hoạt động tác chiến của lực lượng PK-KQ, không chỉ thuần túy là đánh bại TCĐK của địch, bảo vệ bầu trời, mà còn phải gắn chặt với mục tiêu bảo vệ Đảng, chế độ XHCN, thành quả cách mạng, tính mạng và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, khác với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ trước đây là thời gian kéo dài, leo thang đánh phá từng nấc; trong tương lai, nếu kẻ thù xâm lược liều lĩnh TCĐK vào Việt Nam, chúng sẽ sử dụng sức mạnh của không quân chiến lược, không quân chiến thuật và tên lửa hành trình đánh tập trung thời gian ngắn, áp đảo với cường độ lớn vào các mục tiêu chiến lược quốc gia, nhằm đạt mục đích chiến tranh. Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước sẽ là mục tiêu trọng điểm TCĐK của địch. Bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; trong đó, quân và dân Thủ đô là lực lượng trực tiếp tham gia công tác PKND trên mặt trận đất đối không, chủ động phòng tránh, bảo tồn tiềm lực; đồng thời, kiên quyết tổ chức lực lượng đánh trả, bắn máy bay, bắt sống giặc lái, góp phần đánh thắng lực lượng TCĐK của địch, bảo vệ Thủ đô. Bài viết này chỉ đề cập một số nội dung chủ yếu trong thực hiện công tác PKND bảo vệ Thủ đô trong thời bình hiện nay.
Những năm qua, công tác PKND ở Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tương đối toàn diện, thực sự là một nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, một bộ phận của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đất đối không của Thủ đô. Tổ chức hoạt động công tác PKND được vận hành theo cơ chế 02 của Bộ Chính trị; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung công tác PKND theo hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên; Ban Chỉ đạo công tác PKND thường xuyên được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác PKND ở địa phương; Cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị và lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt, kết hợp với tổ chức, vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác PKND trên địa bàn. Khả năng sẵn sàng phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả TCĐK của địch được tăng cường một bước. Tuy vậy, trước yêu cầu bảo vệ Thủ đô trong điều kiện mới, công tác PKND còn nhiều hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác PKND chưa đầy đủ; một bộ phận cán bộ, nhân dân còn lơ là, thiếu cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn xâm lược của các thế lực thù địch, chưa thấy hết hậu quả có thể xảy ra. Việc triển khai thực hiện các nội dung về công tác PKND chưa được chú trọng đúng mức, hoạt động còn phân tán, thiếu tập trung, đồng bộ. Hệ thống trận địa phòng không bị thu hẹp, không còn phù hợp do quá trình đô thị hóa phát triển...
Để đáp ứng yêu cầu chủ động phòng tránh và tích cực đánh địch đột nhập, TCĐK, bảo vệ Thủ đô, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể thực hiện nội dung hoạt động của công tác PKND, phù hợp với yêu cầu của việc phòng tránh, đánh trả, khắc phục hậu quả, theo một hình thái tổ chức, bố trí, tạo thành thế có lợi nhất cho hoạt động PKND trong khu vực phòng thủ thời bình và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không khi có hành động xâm nhập, TCĐK của địch. Đây là vấn đề rộng lớn, lâu dài, trong sự thống nhất của hai nhiệm vụ chiến lược: kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng- an ninh ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, cần phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, năng lực tổ chức, điều hành của chính quyền các cấp; vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương và sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên mặt trận đất đối không. Trong đó, lấy việc phòng tránh, sơ tán, giữ gìn tính mạng và tài sản, khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do địch đánh phá là chính; đồng thời, làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, khôi phục sức chiến đấu, thực hành chiến đấu, kịp thời đánh trả các hành động xâm nhập, TCĐK, góp phần đánh bại tiến công hỏa lực của địch, bảo vệ vùng trời, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự khi có chiến tranh. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau.
Vấn đề có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về công tác PKND. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những nội dung cơ bản của công tác PKND trong sự nghiệp BVTQ; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, khả năng đánh phá của địch trên không; từ đó, nâng cao cảnh giác, chuẩn bị tinh thần, tư tưởng, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, thực hiện có hiệu quả công tác PKND trong thời bình, sẵn sàng cho thời chiến. Đồng thời, chú trọng tổ chức bồi dưỡng các kiến thức phổ thông về công tác PKND cho nhân dân, trước hết là những thành phần trực tiếp tham gia công tác PKND và học sinh, sinh viên. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác PKND cần được đưa vào hệ thống các nhà trường, lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc phòng- an ninh để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, cơ quan quân sự các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp tổ chức xây dựng và hoạt động hệ thống trinh sát, quan sát, thông báo, báo động PKND. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác PKND, do lực lượng phòng không bộ đội địa phương, phòng không DQTV của khu vực phòng thủ địa phương làm nòng cốt và sự phối hợp của lực lượng PK-KQ quốc gia. Bám sát sự chỉ đạo cấp trên, cơ quan quân sự Thủ đô chú trọng tổ chức xây dựng và duy trì nền nếp hoạt động hệ thống tổ chức đài, vọng quan sát phòng không, duy trì chế độ trực ban trinh sát, kịp thời phát hiện các hành động xâm nhập phá hoại bằng đường không của địch; tổ chức tốt việc thu thập, xử lý các tin tức tình báo trên không và mạng lưới thông báo, báo động phòng không để kịp thời thông báo, báo động tình hình địch cho các lực lượng đánh trả và lực lượng phòng tránh. Cùng với đó, thiết lập hoàn chỉnh hệ thống thông tin, liên lạc với các mạng thông tin quân sự, dân sự, sử dụng mạng đài phát thanh, truyền hình và các loại phương tiện thông tin thô sơ, như: còi, kẻng, loa thông báo, ánh sáng, tiếng súng...để làm phương tiện thông báo, báo động; đồng thời, xác định và thống nhất các quy định và tín hiệu về thông báo, báo động phòng không, phổ biến rộng rãi các quy định đó để nhân dân biết, kịp thời phòng, tránh địch TCĐK.
Để chủ động sẵn sàng phòng, tránh, khi có chiến tranh, chúng ta cần hoàn chỉnh kế hoạch về tổ chức ngụy trang, sơ tán, phòng, tránh TCĐK của địch. Trong đó, khảo sát, xác định các mục tiêu quan trọng của quốc gia và Hà Nội để ngụy trang, nghi trang che giấu với các hình thức thích hợp; dự kiến các phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực trọng điểm với các hình thức: dài hạn, khẩn cấp, phân tán tại chỗ khẩn cấp; xây dựng phương án chuẩn bị hệ thống hầm hào trú ẩn tại gia đình, tại cơ quan làm việc, nơi công cộng, hầm, công trình ngầm cất giấu tài sản...Tuy nhiên, khi địch TCĐK vào Thủ đô, chúng ta phải tiến hành đồng bộ, đan xen, kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng và tránh, sơ tán và phân tán, ngụy trang và nghi binh, cơ động và di chuyển liên tục, tránh sự phát hiện, đánh phá, hạn chế tổn thất do địch gây nên.
Cùng với chủ động phòng tránh, việc tích cực, chủ động xây dựng lực lượng đánh địch và phục vụ chiến đấu, được coi là giải pháp cơ bản để bảo vệ Thủ đô.Phải thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch tổ chức lực lượng, vị trí tập trung, triển khai, bố trí lực lượng, chỉ huy và các mặt bảo đảm để kịp thời tổ chức lực lượng đánh trả địch, mà nòng cốt là lực lượng phòng không bộ đội địa phương và phòng không DQTV khu vực phòng thủ. Lực lượng đánh trả địch (tổ chức thành các trung đội, đại đội pháo phòng không, súng máy phòng không và các tổ, đội súng bộ binh bắn mục tiêu bay thấp) cần hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị PK-KQ trên địa bàn và các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ: tổ chức trinh sát, phát hiện địch trên không, thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng đón đánh địch theo các phương án từ xa đến gần, bắt giặc lái, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, hình thành thế trận PKND rộng khắp, thực hiện phương châm “toàn dân tham gia bắn máy bay, bắt sống giặc lái”. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức lực lượng chuyên môn PKND (lấy từ lực lượng DQTV rộng rãi và các tổ chức quần chúng địa phương) để phục vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả chiến tranh; quy mô tổ chức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự và khả năng của từng địa phương, hình thành nên các tổ, đội cứu sập, cứu hỏa, cấp cứu, bảo đảm đường cơ động, tiếp đạn...; đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và dự kiến phương án xử lý các tình huống để lực lượng này có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi được huy động.
Kế thừa, phát triển sáng tạo bài học kinh nghiệm đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để bảo vệ thủ đô trong điều kiện mới bằng sức mạnh tổng hợp của cả nước và lực lượng, thế trận PKND Thủ đô được chuẩn bị chu đáo từ thời bình, nhất định chúng ta sẽ đánh bại âm mưu TCĐK của các thế lực thù địch, bảo vệ trường tồn Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Đại tá HỒ QUỐC TOẢN
_________
1- Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H. 1990. tr. .203.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011