QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 00:15 (GMT+7)
Từ chiến thắng của bộ đội pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, suy nghĩ về tổ chức tác chiến phòng không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược tiêu biểu trong lịch sử đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta và là chiến dịch hiệp đồng tác chiến binh chủng lớn nhất của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Tuy mới được thành lập chưa đầy một năm, nhưng Trung đoàn Phòng không 367 đã có vinh dự được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Một trong những nhiệm vụ của Trung đoàn là tổ chức hành quân đưa pháo lên Tây Bắc. Đây là cuộc thử sức cam go, đầy gian khổ vì phải kéo pháo vượt qua những núi, đèo hiểm trở, như Cò Nòi, Pha Đin, trong khi quân Pháp còn làm chủ bầu trời. Với quyết tâm cao và khí thế ra trận hừng hực, sau 17 ngày, đêm, Trung đoàn đã đưa pháo về vị trí tập kết bí mật, an toàn, chuẩn bị sẵn sàng kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Bằng tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, ròng rã 9 đêm liền, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã cùng các đơn vị bạn dùng sức người kéo từng khẩu pháo vượt qua nhiều đồi cao, vực thẳm để vào trận địa; rồi lại bằng sức người kéo từng ấy khẩu pháo ra, chuẩn bị lại, để thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” của chiến dịch. Kéo pháo vào đã khó khăn, kéo pháo ra còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều. Địch đã phát hiện ra đường kéo pháo của ta, chúng đánh phá suốt ngày đêm, nhất là những nơi hiểm trở. Trung đoàn đã vượt qua thử thách bằng tinh thần quyết tâm “cao hơn núi” và ý chí căm thù quân xâm lược “sâu hơn vực thẳm”.

Trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch, lực lượng phòng không, nòng cốt là Trung đoàn 367, được giao ba nhiệm vụ chính: bảo vệ giao thông vận chuyển; vận động đi cùng, trực tiếp bảo vệ pháo binh và bộ binh tác chiến; khép chặt hỏa lực bao vây, phá vỡ cầu hàng không, triệt đường vận chuyển tiếp viện của địch. Trải qua 55 ngày đêm kiên cường “khoét núi, ngủ hầm”, anh dũng chiến đấu, phối hợp cùng với các lực lượng của chiến dịch, lực lượng phòng không đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao.

Thứ nhất, về nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển. Chiến trường Điện Biên Phủ nằm ở núi rừng đại ngàn miền Tây Bắc của Tổ quốc, cả địch và ta đều khó khăn rất lớn trong việc vận chuyển tiếp tế hậu cần để duy trì hoạt động tác chiến liên tục, dài ngày. Từ khi phát hiện thấy ta sửa chữa đường và vận chuyển hàng lên Tây Bắc, tướng Na-va - Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương- đã chỉ thị cho không quân Pháp đánh phá rất ác liệt tuyến vận chuyển của ta. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, Bộ Chỉ huy chiến dịch ta đã sử dụng một số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ giao thông vận chuyển. Bước vào đợt 2 của chiến dịch, địch càng tăng cường đánh phá giao thông, hòng buộc ta phải nới rộng vòng vây. Ta sử dụng 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 367 làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển. Đây là lần đầu tiên trong tác chiến chiến dịch, ta tổ chức lực lượng bảo vệ giao thông chiến dịch và lực lượng phòng không bảo vệ giao thông vận tải chiến lược phục vụ cho chiến dịch. Trên tuyến giao thông vận chuyển, Bộ đội Phòng không đã tổ chức thế trận phòng không có chiều sâu, tập trung bảo vệ các cung đường, nút giao thông trọng điểm, linh hoạt, sáng tạo đánh nhiều trận quyết liệt, tiêu diệt nhiều máy bay địch. Lực lượng phòng không thực sự đã trở thành một bộ phận quan trọng cùng với lực lượng vận tải và lực lượng bảo đảm tuyến đường ngày, đêm hoạt động, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm và vũ khí, đạn dược, bảo đảm cho các chiến sĩ trên mặt trận duy trì sức mạnh chiến đấu liên tục cho đến ngày giành thắng lợi.

Thứ hai, về nhiệm vụ vận động đi cùng trực tiếp bảo vệ pháo binh và các đơn vị bộ binh tác chiến. Trung đoàn xác định, đây là nhiệm vụ trung tâm, do đó đã xây dựng ý chí quyết tâm: “Chỉ có chiến đấu, chiến đấu thật dũng cảm, bắn thật mãnh liệt, thật tập trung, chi viện và yểm trợ cho nhau tốt, tiêu diệt được địch mới bảo vệ được mình và bảo vệ được đơn vị bạn”. Mặt khác, tranh thủ mọi thời gian ở chiến trường, Trung đoàn tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội, nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy và trình độ tác chiến sát với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Trong chiến đấu, Trung đoàn đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, vận dụng triệt để lối đánh gần, bám sát các đơn vị bộ binh, pháo binh để khống chế hỏa lực của quân địch, yểm trợ cho bộ binh, pháo binh tiến công; buộc không quân địch phải bay vọt lên cao, bay ra xa, ném bom và thả dù tiếp tế không chính xác. Để nâng cao hiệu quả tác chiến, Trung đoàn đã tập trung hỏa lực vào hướng chủ yếu, lựa chọn đúng thời cơ để đánh địch. Cùng với cách đánh tập trung tiêu diệt từng tốp, từng chiếc máy bay địch, lúc trận địa bị phủ khói lửa, nhiều đơn vị đã sáng tạo ra cách đánh theo tiếng động cơ máy bay. Kết hợp giữa xây dựng trận địa hợp lý, vững chắc với sáng tạo cách đánh, giữa cơ động, phục kích và bám trụ, phát huy cao độ tính năng tác dụng của vũ khí và hỏa lực tập trung; đặc biệt, đã xây dựng được thế trận phòng không chiến dịch và hậu phương chiến dịch, bước đầu khống chế được hoạt động không quân vốn là chỗ mạnh, ưu thế tuyệt đối của địch. Thế trận phòng không đã được bố trí theo sát đội hình chiến đấu, tạo thành thế liên hoàn trong toàn mặt trận, cơ động cùng các lực lượng để đánh địch.

Thứ ba, về nhiệm vụ khép chặt hỏa lực bao vây, phá vỡ cầu hàng không, triệt đường vận chuyển, tiếp viện của địch.Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ duy trì sự sống nhờ cầu hàng không tiếp viện hằng ngày từ Hà Nội lên. Đây là con đường tăng viện, tiếp tế duy nhất của địch. Do vậy, hạn chế, tiến tới phá vỡ, triệt tiêu việc tăng viện, tiếp tế bằng cầu hàng không của địch trở thành một biện pháp tác chiến độc đáo và có hiệu quả của chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Nó được tiến hành, phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận phía trước và mặt trận phía sau, ngay trong hậu phương của địch; phối hợp giữa pháo binh pháo kích sân bay và bộ binh thắt chặt vòng vây chiến hào với phòng không thắt chặt vòng vây trên không bao quanh sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. Đặc biệt, khi các đơn vị phòng không đã cùng bộ binh triển khai trên cánh đồng Mường Thanh, sát hàng rào sân bay, thì phạm vi hỏa lực của các đơn vị phòng không đã đan xen vào nhau, tạo mật độ hỏa lực dày đặc, tiêu diệt nhiều máy bay địch, nhất là các máy bay vận tải thả dù.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bộ đội Phòng không chiến dịch đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:  “Các đồng chí phải làm cho không quân địch khiếp sợ cao xạ pháo Việt Nam”. Trong số 62 máy bay địch bị phá hủy và bắn rơi, Trung đoàn cao xạ 367 bắn rơi 52 chiếc, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược B.24 và máy bay vận tải hạng nặng C.119 do phi công Mỹ lái, bắn bị thương 117 chiếc khác.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), Bộ đội Phòng không cần phát huy truyền thống vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, chiếm lĩnh những vị trí có lợi để đánh địch. Với địa hình đất nước ta 3/4 là đồi núi, việc cơ động lực lượng qua núi cao, vực sâu, băng qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, triển khai ở những vị trí có lợi để đánh địch là một thực tế khách quan và là một yêu cầu cao về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật tác chiến phòng không. Do vậy, một trong những nội dung huấn luyện quan trọng là phải rèn luyện cơ động nhanh qua những địa bàn khó khăn, trong điều kiện thời tiết phức tạp (tầm nhìn hạn chế, địch chế áp điện tử ....). Đây là thử thách và cũng là yêu cầu cấp thiết đối với Bộ đội Phòng không trong vai trò nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên mặt trận chống tiến công đường không vũ khí công nghệ cao của địch.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cấp chỉ huy, tham mưu quân đội Pháp và cố vấn Mỹ không ngờ về việc quân đội ta có pháo 37 ly và điều bất ngờ lớn nhất đối với chúng là không hiểu  làm thế nào và bằng cách nào mà ta đưa được pháo cao xạ vượt núi cao, vực sâu vào chiếm lĩnh trận địa trong “lòng chảo” Mường Thanh. Do đó, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng  thế trận phòng không - không quân đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, có khả năng cơ động cao, chi viện, hỗ trợ đắc lực cho nhau trong tác chiến và phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực l­ượng luôn luôn là yêu cầu đặc biệt trong hoạt động quân sự, nhất là đối với nhiệm vụ tác chiến phòng không - không quân trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Quá trình bố trí thế trận phải làm tốt công tác ngụy trang, nghi binh; cùng với việc xây dựng các trận địa chính thức, trận địa cơ bản, phải có các trận địa dự bị, trận địa dã chiến, trận địa giả... Các trận địa, các cụm chiến đấu, các lực lượng hoạt động thống nhất trong thế trận phòng không của cả nước, của khu vực phòng thủ; nhưng phải bảo đảm khả năng tác chiến độc lập t­ương đối, đồng thời sẵn sàng chi viện và hiệp đồng chặt chẽ trong chiến đấu. Mặt khác, do không gian tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rộng, mục tiêu bảo vệ đa dạng, yêu cầu hợp đồng tác chiến phức tạp, chúng ta cần phát huy sức mạnh của lực lượng phòng không ba thứ quân trên các địa bàn, nhưng tập trung vào các hướng chủ yếu, các mục tiêu bảo vệ quan trọng để bố trí một thế trận phòng không - không quân liên hoàn, vững chắc, tạo ra một lưới lửa dày đặc, nhất là  ở những nơi trọng yếu, sẵn sàng chờ địch vào để tiêu diệt. Thế trận ấy phải bảo đảm khả năng đánh địch ở các độ cao, cự ly khác nhau. Vận dụng, phát triển kinh nghiệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (1964-1972)  về việc tạo ra những “tọa độ lửa”, “thung lũng MIG”, “dựng màn đạn”, phối hợp tác chiến trên các độ cao, hợp đồng tác chiến giữa vòng trong và vòng ngoài... để bố trí thế trận. Xây dựng “trận địa lòng dân” ngày càng vững chắc cũng là một yếu tố, một yêu cầu quan trọng góp phần xây dựng thế trận phòng không-không quân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động tác chiến phòng không-không quân  chiến dịch giữ vai trò nòng cốt trong việc tạo hỏa lực bao vây trên không, triệt đường tiếp viện, tiếp tế hàng không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm bị cô lập hoàn toàn, góp phần đẩy nhanh tốc độ giành chiến thắng của bộ binh ta. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng vậy, do khó có thể tạo lập được căn cứ hậu phương ngay trên lãnh thổ nước ta, nên địch rất coi trọng việc vận chuyển, tiếp tế bằng đường hàng không từ bên ngoài vào. Do đó, đánh phá, ngăn chặn vận chuyển, tiếp tế của đối phương luôn luôn là biện pháp tác chiến quan trọng. Mặt khác, mặc dù ta đã xây dựng những khu vực phòng thủ vững chắc, công tác bảo đảm tại chỗ được chuẩn bị chu đáo từ trước, ngay trong thời bình, nhưng vẫn rất cần cơ động lực lượng, vận chuyển vật chất, đảm bảo tác chiến từ khu vực phòng thủ này sang khu vực phòng thủ khác. Do địa thế đất nước ta dài và hẹp, việc tổ chức đánh phá, chia cắt chiến lược sẽ trở thành một biện pháp tác chiến quan trọng của địch. Vì vậy, việc tổ chức đánh trả, chống địch chia cắt chiến lược vẫn là một nhiệm vụ tác chiến có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta, trong đó Bộ đội Phòng không-Không quân có vị trí quan trọng.

Đại tá NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN

Trưởng phòng Tuyên huấn Quân chủng PK-KQ

 

Ý kiến bạn đọc (0)