QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:05 (GMT+7)
Từ chỉ thị “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” đến chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – cương lĩnh hành động của quân và dân ta trong hai thời kỳ cách mạng
Sau thành công của Cách mạng Tháng 8-1945, nhân dân ta đang sống trong niềm vui thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, thống trị của thực dân, phong kiến chưa được bao lâu đã lại phải đối phó ngay với thù trong và nhiều giặc ngoài muốn bóp chết Nhà nước Việt Nam mới, mới được thành lập. Sau 15 tháng quyết liệt thực hiện chủ trương “Hòa để tiến” nhằm phân hóa kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chúng ta ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14- 9- 1946  để đuổi quân đội Tưởng ra khỏi bờ cõi, nhằm chỉ phải đối phó với một kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược. Với niềm khát khao độc lập dân tộc, được sống trong hòa bình, hữu nghị với các dân tộc khác trên thế giới, “chúng ta phải nhân nhượng” thực dân Pháp, nhưng tham vọng quyết cướp cho được nước ta một lần nữa của chúng đã buộc toàn dân ta phải cầm súng đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đêm 19-12-1946, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nổ súng đánh quân Pháp ở thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã trong cả nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Chúng ta chủ trương nổ súng tiến công địch đồng loạt đêm 19-12 nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương; cô lập địch ở Lạng Sơn, Hải Phòng; đặc biệt là các trận đánh giam chân, tiêu diệt địch một thời gian khá dài ở Hà Nội, Nam Định và một số thị xã khác, tạo điều kiện chuyển cả nước vào chiến tranh. Sau đó, ta chủ động rút khỏi đô thị những cơ sở sản xuất thiết yếu và lực lượng về các chiến khu nhằm bảo toàn và phát triển chủ lực, kháng chiến lâu dài. Ta đã đánh trước, đẩy địch vào thế bị động, phá tan âm mưu đánh “chớp nhoáng”, làm đảo lộn những toan tính chiến lược trong kế hoạch xâm lược của Bộ chỉ huy Pháp. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và tiếng súng đánh địch ở Hà Nội đã trở thành hiệu lệnh để cả nước đồng loạt đứng lên đánh giặc. Để thực hiện kháng chiến lâu dài, ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến nhằm phát động cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Sau đó, Chỉ thị này được đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng cụ thể hóa trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, là đường lối cách mạng của Đảng ta nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong chiến tranh cách mạng. Nó được khái quát thành hai nhiệm vụ chiến lược “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Kháng chiến và kiến quốc đi đôi với nhau, gắn chặt với nhau, là tiền đề và cơ sở của nhau. Vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ mới về mọi mặt từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, vừa đánh giặc, vừa xây dựng, phát triển thực lực cách mạng; vừa đánh địch ở tiền tuyến, vừa củng cố, mở rộng hậu phương, vừa đánh địch vừa bồi dưỡng sức dân. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới thắng lợi. Đồng bào cả nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhiệm vụ bao trùm là củng cố, phát triển chính quyền nhân dân để động viên, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Điều kiện cốt tử là đoàn kết toàn dân, phát huy khả năng của toàn dân ... Có thể nói, đây là Cương lĩnh hành động cách mạng đầu tiên về giữ nước đi đôi với dựng nước mà Đảng ta chỉ ra cho toàn quân và toàn dân.

Cương lĩnh của Đảng được thấm nhuần trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp toàn dân đánh giặc. Sức mạnh này được thể hiện trong cuộc tiến công của quân và dân Hà Nội và các thành phố lớn đánh bại kế hoạch của thực dân Pháp định đánh úp cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang ta; đã tiêu hao và vây hãm quân địch dài ngày trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến; xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc lâu dài, vừa chiến đấu vừa xây dựng và củng cố hậu phương vững chắc. Ta thành lập các Uỷ ban kháng chiến để lãnh đạo nhân dân kháng chiến và sản xuất, chuẩn bị hậu cần để cung cấp cho bộ đội và dân quân, du kích đánh địch và sinh hoạt.
Cuộc kháng chiến của ta, lúc đầu nhỏ yếu nên không tổ chức phòng ngự chiến dịch, chiến lược được, chỉ phòng ngự chiến thuật và chiến đấu. Do đó, ta bỏ các thành phố, đô thị để bảo toàn lực lượng, chuyển về nông thôn và các vùng rừng núi để tiếp tục chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng. Ta tiến hành đánh du kích và du kích vận động chiến. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, với cách đánh du kích, du kích vận động chiến tài giỏi, địch không thể tiêu diệt ta được. Ta đánh tiêu diệt nhỏ và tiêu hao lớn quân địch, lực lượng địch do đó ngày càng suy yếu; ngược lại, lực lượng ta ngày càng lớn mạnh. Từ lực lượng chính trị của quần chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức nên lực lượng toàn dân đánh giặc, trong đó có lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt. Sức sáng tạo nổi bật của Đảng ta là đã xây dựng nên một đội quân cách mạng kiểu mới – Quân đội nhân dân – mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu. Trên cơ sở đó, Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bắt đầu bằng kết hợp tiến hành chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy để chiến đấu lâu dài. Khi đã các đơn vị chính quy đã được tổ chức tốt rồi, trở thành các đơn vị lớn rồi, có mưu hay, kế giỏi, ta tiến hành đánh lớn có trọng điểm kết hợp với chiến tranh du kích rộng rãi. Khi thế và lực của ta và địch tương đương nhau hoặc thế và lực của ta cao hơn địch, ta liền mở các chiến dịch vừa và lớn để tiêu diệt lực lượng quân địch, như chiến dịch Biên Giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Để tiến hành trường kỳ kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra rằng, muốn tiến lên giành thắng lợi triệt để, nhất thiết phải tiến hành chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy... Do vậy, phải xây dựng được các căn cứ du kích, căn cứ địa cách mạng và hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Xây dựng hậu phương vững chắc phải toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - tư tưởng với quy mô ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển của cách mạng. Không có hậu phương vững chắc thì không thể nào chiến thắng nổi quân địch. Đảng ta luôn nhấn mạnh phải tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, chống tư tưởng ỷ lại, nhưng trong đường lối đối ngoại vẫn không được tách rời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân cách mạng trên toàn thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Dựng nước đi đôi với giữ nước là một quy luật tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quy luật này bằng cương lĩnh hành động “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” trong hoàn cảnh đất nước ta vừa mới giành được độc lập đã phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, có quân đội viễn chinh thiện chiến, có vũ khí, đạn dược tối tân. Để thu hẹp khoảng cách về so sánh lực lượng, ta phải vừa đánh địch, vừa xây dựng, củng cố chính quyền và chế độ mới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù; giữ vững căn cứ địa, mở rộng vùng tự do, xây dựng hậu phương vững chắc để cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến.
           
Ngày nay, trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, đổi mới xây dựng đất nước XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, nhưng “các thế lực  thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo’ hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”1, Đảng ta  đề ra hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là Cương lĩnh hành động cách mạng thứ hai về dựng nước đi đôi với giữ nước trong hoàn cảnh mới mà Đảng vạch ra cho toàn dân và toàn quân ta. Vì thế, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải có trình độ giác ngộ sâu sắc về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong hòa bình, bảo vệ hòa bình là tiền đề cơ bản để xây dựng, phát triển đất nước. Đất nước hòa bình, ổn định và phát triển mọi mặt là nền tảng tạo nên sức mạnh của quốc phòng - an ninh. Xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn dân, của Nhà nước. Chống quan điểm, tư tưởng coi nhẹ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN. Vì bảo vệ Tổ quốc XHCN, bảo vệ CNXH cũng là một quy luật phổ biến của cách mạng XHCN. Phải thật sự nêu cao cảnh giác chính trị khi cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trên thế giới diễn ra với nhiều hình thức mới hết sức phức tạp, khôn lường như hiện nay. Nhất là khi đất nước hòa bình và ổn định, nhiệm vụ trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế, “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO... Bài học lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, có thời kỳ ta bị bất ngờ trước sự biến đổi xấu của những mối quan hệ ấy; cần khắc phục tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, mất cảnh giác sau những thắng lợi. Trên cơ sở những thành tựu đổi mới to lớn và rất quan trọng, tập trung nỗ lực của toàn dân xây dựng đất nước mạnh giàu về mọi mặt, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chưa từng có, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Nếu kẻ địch dám liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược, thì đây sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, sức cơ động cao và hỏa lực mạnh. Quân địch có thể tiến công ta trước hết và chủ yếu bằng đường không, sau đó kết hợp với quân đổ bộ đường không bằng nhảy dù và hạ cánh trực thăng. Muốn chống lại cuộc chiến tranh đó thì phải tiến hành chiến tranh nhân dân phát triển cao, có lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Thể hiện bằng tổ chức là bộ đội chủ lực và khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Kẻ địch dù mạnh đến đâu, trang bị vũ khí tối tân đến thế nào cũng không thể thắng được cả một dân tộc tham gia chiến đấu. Khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) chính là thể hiện điều đó, thể hiện sức mạnh toàn dân chiến đấu và sự sẵn sàng đánh địch, đánh địch mọi lúc, mọi nơi. Sức mạnh chiến đấu chống xâm lược, trước tiên phải được thể hiện trong đánh máy bay và tên lửa hành trình, vì trong chiến tranh công nghệ cao, kẻ địch bao giờ cũng sử dụng tối đa máy bay và tên lửa hành trình. Do đó, toàn dân phải đánh máy bay, địa phương nào cũng phải đánh máy bay. Nếu ta đánh đau, đánh mạnh, gây cho địch thiệt hại tương đối đáng kể từ đầu cuộc tiến công, trong suốt quá trình tiến công thì các thủ đoạn lợi hại nhất của địch sẽ không phát huy được hết khả năng trong thời kỳ đầu cuộc chiến tranh mà chúng đã hy vọng. Khi đó, tinh thần, tư  tưởng của địch sẽ hoang mang. Bộ binh địch sẽ mất chỗ dựa quan trọng và mất tin tưởng trong tiến công do tinh thần sút kém. Muốn làm được điều đó, phải có sự kết hợp tiến công liên tục, mọi lúc, mọi nơi, không ngơi nghỉ của 3 thứ quân, cả chủ lực, địa phương và dân quân, tự vệ. Trong thế trận quốc phòng toàn dân, ngoài chủ lực ra, phải tổ chức tốt cho các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) đánh được cả máy bay và tên lửa hành trình, đánh được cả quân địch trên bộ và quân địch đổ bộ đường không. Như thế mới thực hiện được tư tưởng toàn dân chống xâm lược với sức mạnh mới trong đà phát triển mới của đất nước, của thời đại. Quân chủ lực và khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) làm được, chiến đấu được như đã nói ở trên thì quân địch nhất định sẽ bị sa lầy, chúng phải nhanh chóng tìm cách kết thúc chiến tranh bằng đàm phán và rút quân về nước. Vì vậy, phải hiểu  xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là xây dựng hậu phương chiến tranh. Kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng là nhằm bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho quân và dân khi tiến hành chiến tranh chống xâm lược. Xây dựng, phát triển công nghiệp địa phương, công nghiệp quốc phòng là để sản xuất và sửa chữa vũ khí khi cần thiết. Địa phương nào, tỉnh (thành) nào có hang động thì phải chuẩn bị thật tốt, biến nơi đây thành nơi cất giấu hậu cần, hầm trú ẩn, sở chỉ huy khi xảy ra chiến tranh. Phải không ngừng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt cho việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Dựng nước đi đôi với giữ nước vốn là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta, cho dù hiện nay ta coi xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng không bao giờ được lơi lỏng nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
 
Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo
 
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,  Nxb CTQG, H.2006, tr22.

 

Ý kiến bạn đọc (0)