QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:28 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Phòng hóa không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học

Trường Sĩ quan Phòng hoá (SQPH) thuộc Binh chủng Hóa học, thành lập ngày 21-9-1976. Ba mươi năm qua, Nhà trường đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; đào tạo, huấn luyện được hàng trăm khoá, lớp, với hàng vạn học viên, tỷ lệ khá, giỏi hằng năm đều tăng. Học viên tốt nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đều nhận nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức. Nhiều đồng chí đã trưởng thành trong thực tế, trở thành những cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị hóa học trong toàn quân. Từ 2001 đến nay Đảng bộ Nhà trường luôn đạt trong sạch, vững mạnh, ba lần được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen. Năm 2006, Nhà trường được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Trải qua ba mươi năm xây dựng và phát triển, vị thế của Trường SQPH không ngừng được nâng lên trong hệ thống nhà trường Quân đội và Nhà nước. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, của hình thái chiến tranh mới, nguy cơ khủng bố sinh học, hóa học cùng những sự cố hóa chất độc-xạ ngày một cao, thì hiệu quả đào tạo, huấn luyện của Nhà trường đã góp một phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực hóa học quân sự, không ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và tham gia có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững của Quân đội.
Để đạt được những kết quả đó, trong từng thời điểm, giai đoạn, Nhà trường đã luôn chủ động, sáng tạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, không ngừng nâng cao chất lượng các mặt công tác. Đáng chú ý là, Nhà trường hết sức quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, bởi đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, chức năng quan trọng nhất của Nhà trường trong mọi thời kỳ. Là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật hóa học, nhiệm vụ của Nhà trường là đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật phòng hoá bậc đại học, kỹ sư phòng hoá, cán bộ bậc trung học phân tích chất độc quân sự, trung học sửa chữa, khai thác khí tài hoá học, sơ cấp sửa chữa khí tài phòng hoá, hoá nghiệm, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hoá học chuyên nghiệp, bổ túc cán bộ hóa học cấp chiến dịch, chuyển loại sĩ quan chính trị, hoàn thiện sĩ quan chỉ huy phòng hóa bậc đại học, huấn luyện lực lượng dự bị động viên... Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đa cấp, đa ngành như vậy, điều chú trọng hàng đầu của Nhà trường là tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vừa có đủ phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn theo yêu cầu, vừa phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, hợp lý cho mỗi cấp, mỗi đối tượng đào tạo... Để làm được điều đó, trong từng giai đoạn phát triển của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đều có nghị quyết lãnh đạo tập trung xây dựng, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, Nhà trường đã kết hợp cử giáo viên đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội với việc bồi dưỡng học tập tại chức, tự nghiên cứu học tập; liên kết với các trường trong và ngoài quân đội đào tạo giáo viên theo chuẩn hóa đã đề ra. Nhà trường cũng đang tích cực khắc phục tình trạng hụt hẫng giáo viên (khi mà số giáo viên trẻ chưa kịp đảm đương nhiệm vụ, còn số giáo viên lớn tuổi đã sắp nghỉ hàng loạt) bằng biện pháp sắp xếp, luân chuyển, ổn định biên chế theo đúng trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có; từng bước bồi dưỡng, tạo nguồn giáo viên từ học viên đào tạo đại học của Trường và từ số sĩ quan dự bị...
Đặc thù của ngành học đòi hỏi cán bộ, giáo viên của Nhà trường phải có kiến thức khá rộng, không chỉ giỏi lĩnh vực mình phụ trách mà còn phải hướng dẫn, theo dõi được các nội dung khác, giỏi cả lĩnh vực chuyên môn lẫn chuyên ngành hóa học quân sự, hiểu và sử dụng được khí tài, trang bị đặc chủng. Trong thực tế, dù giáo viên đã tốt nghiệp đại học chính qui, song vẫn chưa thể giảng dạy tốt nếu thiếu kiến thức về chuyên môn binh chủng, về công tác quản lý, chỉ huy đơn vị... Vì vậy, ngoài yêu cầu, tiêu chuẩn chung đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên của các nhà trường Quân đội, Nhà trường đã thường xuyên mở các lớp bổ túc, bồi dưỡng về chuyên môn binh chủng, các chuyên ngành liên quan cho cán bộ, giáo viên của Trường. Đồng thời, động viên các giáo viên học thêm một chuyên ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nhà trường còn quan tâm đến công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nếp sống chính qui, nâng cao đời sống mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, giáo viên... Nhờ vậy, đến nay đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường đã tương đối đủ về số lượng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Nhiều đồng chí được đào tạo cơ bản tại các học viện, trường đại học trong và ngoài quân đội hoặc ở nước ngoài. Nhiều đồng chí đã được rèn luyện, thử thách trong chiến tranh và thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, yêu nghề, có ý chí vươn lên. Trước năm 2000, Trường mới có 78,8% giáo viên có trình độ đại học, 9% sau đại học; đến nay 100% giáo viên có trình độ đại học, trong đó trên 20% có trình độ sau đại học. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp nhà trường đạt trên 70%, giáo viên dạy giỏi toàn quân đạt trên 20%; 2 đồng chí là nhà giáo ưu tú, nhiều đồng chí được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Phương hướng đến năm 2010, Nhà trường phấn đấu số giáo viên có trình độ sau đại học phải đạt trên 40%, trong đó có 3% đến 5% tiến sĩ. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, học tập, các đợt đi tham gia chiến đấu, đi thực tế ở các đơn vị tuyến trước, đi công tác đến những nơi khó khăn, nguy hiểm, độc hại, dù trên cương vị, chức trách nào, cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường cũng đều hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Nhà trường còn chú trọng hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp dạy và học cho các đối tượng. Nội dung, chương trình đào tạo luôn được điều chỉnh, cải tiến cho sát với từng đối tượng, với đơn vị, với yêu cầu xây dựng Binh chủng, Quân đội, đất nước trong từng thời kỳ; đảm bảo tính lô gích, sự cân đối giữa lý thuyết với thực hành,  vừa bảo đảm đào tạo theo chức vụ, vừa có đủ học vấn mang tính đặc thù của Ngành đề ra. Các khí tài, trang bị, nghiên cứu mới của Ngành đều đã được Nhà trường đưa vào giảng dạy. 
Kế hoạch đào tạo, huấn luyện hằng năm được các cấp xây dựng sớm, bám sát các mục tiêu, yêu cầu và phương châm giáo dục, đào tạo; vận dụng đúng đắn các quan điểm, nguyên tắc và các mối kết hợp trong công tác đào tạo. Do có nhiều chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện khác nhau, nhất là có bài học phải huấn luyện nhiều nội dung trên một khí tài đơn chiếc, trong thời gian hạn hẹp nên công tác điều hành, bảo đảm khí tài, trang bị, hội trường, thao trường, giáo viên... đều được tính toán khoa học, phù hợp với từng khóa, từng lớp, từng giờ học.
Phương pháp đào tạo đã chú trọng hướng mạnh việc học của học viên sang xu hướng tự đào tạo, tự nghiên cứu; tăng thực hành để học viên ra trường có thể sử dụng thành thạo trang bị, khí tài; đồng thời khuyến khích các bài giảng nêu vấn đề, sử dụng phương tiện trình chiếu, mô phỏng nhằm phát triển tư duy sáng tạo của học viên. Để thực hành có hiệu quả hơn, Nhà trường còn chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý học viên như là người thầy thứ hai trong quá trình đào tạo. Đặc điểm hoạt động của bộ đội Hóa học là thường xuyên cơ động với lực lượng nhỏ lẻ, bằng phương tiện, khí tài đặc chủng trong môi trường độc hại, nguy hiểm; trong công tác phải mang, đeo nhiều loại trang bị, khí tài khác nhau như quần áo chống hóa chất, mặt nạ... cho nên, bên cạnh việc học chuyên môn, Nhà trường cũng đề cao việc rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai cho học viên, để trong bất cứ tình huống nào họ cũng có thể thực hiện đúng ý đồ tác chiến đã đề ra.
Đồng bộ với chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học theo yêu cầu mới, Nhà trường cũng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển cơ sở, vật chất như xây dựng đồng bộ hệ thống các phòng học chuyên dụng, phòng thí nghiệm hoá học, vật lý, phòng học chỉ huy tham mưu hoá học... Triển khai xây dựng trung tâm huấn luyện mới, thao trường rút gọn; mua sắm, bổ sung nhiều chủng loại trang thiết bị, máy móc mới, bảo đảm học viên có thể thực hành đủ các nội dung theo yêu cầu bài học. Thư viện phòng đọc được sắp xếp khoa học, hợp lý, có nhiều đầu sách phục vụ cho các đối tượng, đặc biệt là tài liệu, sách chuyên ngành. Cơ sở in ấn, phát hành tài liệu, giáo trình được củng cố và từng bước đổi mới bằng trang thiết bị hiện đại. Nhà trường còn quan tâm nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và An toàn giao thông”, thường xuyên duy trì hệ số kỹ thuật nhóm xe máy huấn luyện Kt = 0,9 nhằm phục vụ tốt cho công tác đào tạo, huấn luyện và công tác khác của Nhà trường.
Nhận thức đúng vai trò của công tác nghiên cứu khoa học trong đào tạo bậc đại học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã có nhiều chủ trương, biện pháp động viên cán bộ, giáo viên, học viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công tác quản lý nghiên cứu khoa học được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ từ việc đăng ký, triển khai đến đánh giá, nghiệm thu đề tài. Các đề tài nghiên cứu đều phải bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với trình độ, khả năng của giáo viên, học viên, điều kiện bảo đảm của Nhà trường. Nhà trường qui định mỗi năm, mỗi khoa, tiểu đoàn học viên phải phấn đấu có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến, cải tiến, coi đó là một trong những tiêu chuẩn thi đua của đơn vị. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ đề tài thực hiện công trình nghiên cứu. Nhờ đó, công tác nghiên cứu khoa học, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Nhà trường không những bảo đảm chiều sâu, giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết cho đào tạo mà còn mở rộng đối tượng tham gia. Năm năm gần đây, Nhà trường đã triển khai thực hiện được 3 đề tài, sáng kiến cấp Bộ, 13 cấp Binh chủng, nhà trường; in ấn và phát hành 49 tài liệu, viết 23 giáo trình, gần 200 mục Từ điển bộ đội Hóa học. Công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển về lý luận và thực tiễn của khoa học chuyên ngành hóa học trong tình hình mới. Nhất là đã góp phần quan trọng hoàn thiện nội dung, chương trình giáo dục, chính qui hoá giáo trình, tài liệu huấn luyện, đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn hóa, hiện đại hóa qui trình, chương trình đào tạo, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào huấn luyện và cải tiến các thiết bị dạy học... như đề tài “Nghiên cứu chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học bậc đại học”, đề tài “Chương trình hoàn thiện cao đẳng trung đội trưởng”, “Bộ thông gió lọc độc FVA”, “Máy giáo luyện ĐP5V, ĐP3B”, đề tài “Thao trường rút gọn huấn luyện chiến thuật”... Đến nay, các đối tượng đào tạo tại Nhà trường đã cơ bản đủ tài liệu, giáo trình dạy và học. Công tác thông tin khoa học đến các đối tượng duy trì đều đặn, kịp thời, cập nhật được nhiều thông tin, tài liệu mới. 
Thời gian tới, nhiệm vụ của Quân đội, của Binh chủng ngày càng phát triển. Yêu cầu về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực hóa học để sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi phương thức chiến tranh mới và tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường đòi hỏi ngày càng cao cả về số lượng, chất lượng. Phát huy những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, Trường SQPH sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích cao hơn nữa, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách cao cả mà Đảng, nhân dân, Quân đội giao cho.
 
Đại tá, ThS. Chu Duy Thảo
Hiệu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)